Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2018/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 20 tháng 4 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT BƯỚC ĐẦU CÁC TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ, ĐÌNH CÔNG KHÔNG THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TẠI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động;

Căn cứ Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 802/TTr-SLĐTBXH ngày 12/4/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu các tranh chấp lao động tập thể, đình công không theo quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp cùng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh triển khai thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2018.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Thị Thu Thủy

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT BƯỚC ĐẦU CÁC TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ, ĐÌNH CÔNG KHÔNG THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TẠI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 10/2018/QĐ-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp xử lý giữa UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan trong việc giải quyết bước đầu các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công không theo quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Chủ tịch UBND cấp huyện).

2. Các cơ quan chức năng cấp huyện: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Công an cấp huyện; Liên đoàn Lao động cấp huyện, Công đoàn các Khu công nghiệp và các ngành liên quan tại địa phương.

3. Các cơ quan chức năng cấp tỉnh: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh.

4. Hòa giải viên lao động.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Việc phối hợp giải quyết bước đầu các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tiến hành công khai, thống nhất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.

2. Người chủ trì giải quyết có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan để giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển sản xuất.

3. Các cơ quan: Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Công an tỉnh khi phối hợp tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công có sự phân công các đơn vị thành viên hợp lý tránh sự chồng chéo trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.

2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác.

3. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.

4. Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP VÀ TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

MỤC I. NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 5. Thành lập Đoàn công tác

1. Đoàn công tác giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công do Chủ tịch UBND cấp huyện (nơi có tranh chấp lao động tập thể, đình công) quyết định thành lập. Các thành viên của Đoàn công tác có trách nhiệm chấp hành sự phân công, điều động của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc người được Chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền làm Trưởng đoàn để giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công xảy ra trên địa bàn quản lý.

2. Tùy theo tính chất, mức độ của vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự địa phương hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp làm Trưởng đoàn công tác hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch, Trưởng phòng, ban, ngành cấp huyện làm Trưởng đoàn, có mặt kịp thời và chỉ đạo giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công.

3. Thành viên Đoàn công tác gồm đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an huyện, Liên đoàn Lao động huyện và các ngành liên quan tại địa phương (nếu tranh chấp lao động tập thể, đình công xảy ra đối với doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp thì thành viên Đoàn công tác có thêm đại diện của ban Quản lý khu kinh tế và Công đoàn các Khu công nghiệp). Tùy theo tính chất và quy mô của vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định số lượng thành viên tham gia giải quyết.

4. Trường hợp xảy ra cùng lúc nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp huyện (Trưởng đoàn công tác) phân công các thành viên trong Đoàn công tác thành các tổ công tác để giải quyết tranh chấp lao động ở các địa điểm, khu vực do Phó Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Trưởng phòng, ban, ngành của huyện làm Tổ trưởng giải quyết tranh chấp lao động.

5. Trưởng đoàn công tác có thể đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan cấp tỉnh tham gia phối hợp hỗ trợ giải quyết đối với những vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công có tình tiết phức tạp hoặc có xu hướng chuyển biến phức tạp như: Xảy ra tại các doanh nghiệp có đông lao động (trên 1.000 lao động); các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công thể kéo dài trên 05 ngày mà giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa thỏa thuận, thương lượng được; các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra do bị kích động, lôi kéo bởi các đối tượng ngoài doanh nghiệp; các vụ tranh chấp có biểu hiện quá kích, đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ…

Các cơ quan chức năng của tỉnh, khi tham gia phối hợp giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công theo đề nghị của Trưởng đoàn công tác có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn công tác.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn công tác

1. Ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động. Giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

2. Hướng dẫn, yêu cầu các bên tranh chấp lao động thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động đối với những nội dung tranh chấp.

3. Đề xuất các phương án và hỗ trợ các bên thương lượng, thỏa thuận trên tinh thần nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

4. Trong quá trình giải quyết nếu Đoàn công tác phát hiện một trong các bên tranh chấp có hành vi vi phạm pháp luật lao động thì lập biên bản ghi nhận sự việc; sau khi tranh chấp lao động tập thể, đình công đã được giải quyết xong thì đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm hành chính về lao động theo quy định của pháp luật.

5. Các thành viên Đoàn công tác có trách nhiệm đề ra và thực hiện các phương pháp giải quyết ổn định vụ việc trong thời gian sớm nhất theo sự phân công của Trưởng đoàn.

Điều 7. Nội dung phối hợp

1. Phối hợp trong việc thu thập, xử lý thông tin đối với các vụ việc tranh chấp lao động tập thể, đình công. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trước, trong và sau khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể, đồng thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật.

2. Phối hợp trong việc giữ gìn an ninh, trật tự tại các doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh.

3. Phối hợp đề xuất các phương án giúp các bên thương lượng, giải quyết, tổ chức thực hiện chế độ chính sách pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong tranh chấp.

4. Phối hợp trong báo cáo, trao đổi thông tin, nội dung phục vụ cho công tác giải quyết tranh chấp. Tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành pháp luật lao động đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

5. Khi nhận được thông báo của Chủ tịch UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm cử cán bộ tham gia hỗ trợ Trưởng đoàn công tác cấp huyện giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động tập thể tại các doanh nghiệp theo quy định của Quy chế này.

6. Tùy tính chất, mức độ vụ việc, khi xét thấy vụ đình công thuộc trường hợp hoãn đình công theo quy định của pháp luật thì Chủ tịch UBND cấp huyện trao đổi với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hoãn cuộc đình công; hoặc khi xét thấy cuộc đình công đang diễn ra thuộc các trường hợp ngừng đình công theo quy định của pháp luật thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện về việc ngừng đình công. Ngay sau khi nhận được thông báo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định ngừng đình công, đồng thời gửi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian chờ Quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn công tác giải quyết tranh chấp và các cơ quan chức năng của tỉnh tham gia phối hợp có trách nhiệm ổn định trật tự, đồng thời giải thích, hướng dẫn và yêu cầu các bên thực hiện đúng quy định của pháp luật.

MỤC II. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 8. Hòa giải viên lao động

Khi tiếp nhận thông tin về tranh chấp lao động tập thể, Hòa giải viên lao động có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện để chỉ đạo xử lý; đồng thời trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp và công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp (nếu có) hoặc đại diện tập thể người lao động để nắm bắt thông tin và hỗ trợ các bên thương lượng, thỏa thuận.

Điều 9. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện.

Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc người được ủy quyền:

a) Tổ chức ngay Đoàn công tác đến địa điểm xảy ra tranh chấp lao động, chủ trì và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động.

b) Chủ trì tiếp xúc với chủ doanh nghiệp và đại diện người lao động, đồng thời trực tiếp kiểm tra các hồ sơ và sự việc có liên quan đến nội dung đang tranh chấp, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật lao động đối với những nội dung có liên quan đến quyền và hướng dẫn các bên tranh chấp thực hiện việc thương lượng, thỏa thuận những nội dung liên quan đến lợi ích.

c) Đề xuất và thống nhất với các thành viên Đoàn công tác về phương án giải quyết, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp và đại diện người lao động triển khai phương án. Trong trường hợp chưa có sự thống nhất nội dung phương án giải quyết tranh chấp lao động giữa các thành viên tham gia Đoàn công tác thì phương án sẽ do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.

d) Đối với những vụ tranh chấp lao động tập thể có những tình tiết phức tạp, Chủ tịch UBND cấp huyện thông báo cho các sở, ban, ngành chức năng cấp tỉnh có liên quan biết để phối hợp hỗ trợ giải quyết.

đ) Tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công với Chủ tịch UBND tỉnh.

Thường xuyên tổng hợp báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ tình hình tranh chấp lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công trên địa bàn về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn tỉnh.

e) Xử lý theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật lao động trước, trong và sau khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể.

g) Chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện có biện pháp xử lý những đối tượng có hành vi kích động, lôi kéo, cản trở người khác thực hiện các quy định của pháp luật và những nội dung thông báo của Trưởng đoàn công tác.

h) Đảm bảo kinh phí, phương tiện phục vụ cho Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ; chịu trách nhiệm về nội dung khi cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở, ban, ngành có liên quan

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

a) Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Tham gia, hỗ trợ Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc hướng dẫn giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công có những tình tiết phức tạp (khi có đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện).

c) Hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp và người lao động thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có) đối với các doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp.

d) Xử lý theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật lao động trước, trong và sau khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công.

đ) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và giải quyết tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp.

e) Tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

g) Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này trên địa bàn tỉnh.

2. Ban Quản lý Khu kinh tế.

a) Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động theo phân cấp, uỷ quyền và quy định của pháp luật đối với các tổ chức, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

b) Phát hiện, thông báo kịp thời với Chủ tịch UBND cấp huyện, các cơ quan chức năng có liên quan về các vụ tranh chấp lao động, đình công xảy ra tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

c) Phối hợp với Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc hướng dẫn giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

d) Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra doanh nghiệp và người lao động thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có).

đ) Phối hợp tham gia kiểm tra các hồ sơ liên quan đến nội dung đang tranh chấp lao động; phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động thực hiện các quy định của pháp luật lao động.

e) Cung cấp cho Đoàn công tác các thông tin về tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động.

f) Tham gia góp ý về phương án giải quyết tranh chấp lao động và phối hợp với các sở, ban, ngành, doanh nghiệp triển khai thực hiện phương án.

g) Phối hợp UBND cấp huyện tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tranh chấp lao động tập thể, đình công và giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng Công an theo thẩm quyền; phối hợp cùng Đoàn công tác để thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Ổn định tình hình an ninh, trật tự tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh xảy ra tranh chấp lao động tập thể.

b) Chỉ đạo Công an địa phương nắm tình hình, phát hiện và thông báo kịp thời cho Chủ tịch UBND cấp huyện nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể.

c) Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi kích động, gây rối, cưỡng ép người lao động đình công và thông báo kết quả xử lý cho Chủ tịch UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành liên quan và doanh nghiệp biết.

d) Đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn trong quá trình Đoàn công tác, chủ doanh nghiệp và người lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

4. Liên đoàn lao động tỉnh

a) Chỉ đạo Công đoàn các Khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động cấp huyện nắm tình hình, phát hiện và thông báo kịp thời cho Liên đoàn Lao động tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể.

b) Làm việc với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (nếu có) hoặc đại diện người lao động và tiếp xúc với người lao động để biết rõ nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động tập thể.

c) Tuyên truyền, vận động và giải thích cho người lao động hiểu rõ và thực hiện các quy định của pháp luật lao động về quan hệ lao động và nội quy lao động của doanh nghiệp.

d) Phối hợp, tham gia góp ý với Đoàn công tác về phương án giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công.

đ) Giải thích, vận động, thuyết phục người lao động trở lại vị trí làm việc và giám sát việc thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về hoãn hoặc ngừng đình công (nếu có).

Chương III

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ, ĐÌNH CÔNG KHÔNG THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Mục I. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ

Điều 11. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại cơ sở

1. Tranh chấp lao động tập thể tại cơ sở được giải quyết bước đầu bằng tổ chức hòa giải giữa hai bên và theo trình tự quy định tại Điều 201 bộ Luật Lao động.

Hòa giải viên lao động (hoặc Đoàn công tác) có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng trong phiên họp hòa giải. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, Hòa giải viên lao động (hoặc Đoàn công tác) đưa ra phương án hòa giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hòa giải, Hòa giải viên lao động (hoặc Đoàn công tác) lập biên bản hòa giải thành; biên bản hòa giải phải nêu rõ loại tranh chấp lao động tập thể.

2. Trong trường hợp hòa giải không thành, Hòa giải viên lao động (hoặc Đoàn công tác) hướng dẫn các bên yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 204 Bộ luật Lao động.

Mục II. GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG

Điều 12. Trình tự giải quyết bước đầu

1. Ngay sau khi nhận được thông báo có xảy ra đình công (ngừng việc tập thể), Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập Đoàn công tác đến ngay hiện trường để ổn định tình hình an ninh trật tự và ngăn chặn kịp thời những trường hợp quá khích, không để gây rối, làm thiệt hại đến tài sản doanh nghiệp, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp dẫn đến đình công để đưa ra biện pháp xử lý nhanh, đạt hiệu quả, không để lan rộng vụ đình công sang khu vực lân cận.

2. Trưởng Đoàn công tác phân công thành viên trong đoàn, chia thành các nhóm và thực hiện các bước như sau:

a) Bước 1: Nắm thông tin.

- Nhóm 1: Do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tiếp cận với chủ doanh nghiệp, nắm tình hình và những yêu cầu của tập thể lao động; phân định tranh chấp lao động tập thể về quyền hay về lợi ích hay tranh chấp hỗn hợp; đồng thời xác định nguyên nhân, quy mô, diễn biến vụ việc để tổ chức buổi gặp gỡ giữa người sử dụng lao động và đại diện tập thể lao động tiến hành thương lượng (tùy theo từng trường hợp có thể gặp riêng mỗi bên để trao đổi trước, sau đó tổ chức cuộc họp chung).

- Nhóm 2: Do Liên Đoàn Lao động chủ trì cùng với Công đoàn các Khu công nghiệp (đối với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp) phối hợp với Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Công an (cùng cấp) và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (đối với các doanh nghiệp đã thành lập Công đoàn cơ sở) tiếp cận đại diện tập thể lao động hoặc đại diện nhóm người lao động để tìm hiểu vấn đề phát sinh (nguyên nhân tranh chấp, lợi ích các bên), nắm tâm tư, nguyện vọng và ghi nhận các kiến nghị, yêu cầu của tập thể lao động; tham gia ổn định trật tự; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện quá khích.

Trong trường hợp chưa có đại diện tập thể lao động hoặc đại diện nhóm người lao động thì giải thích, vận động và đề nghị tập thể lao động đề cử đại diện để thực hiện thương lượng, thỏa thuận với chủ doanh nghiệp.

b) Bước 2: Tổ chức thương lượng.

- Nhóm 1: Sau khi nắm tình hình về những yêu cầu của tập thể lao động và việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp liên quan đến nội dung tranh chấp:

+ Phân định tranh chấp lao động tập thể về quyền hay về lợi ích hay tranh chấp hỗn hợp, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp; phân tích các yêu cầu của tập thể lao động trên cơ sở pháp luật lao động, Thỏa ước lao động, Nội quy lao động và các chính sách của doanh nghiệp ban hành để kiến nghị, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp xem xét giải quyết các yêu cầu của tập thể lao động (Lưu ý không được áp đặt doanh nghiệp thực hiện mà chủ yếu gợi ý, đưa ra các giải pháp mang tính định hướng cho doanh nghiệp và đại diện tập thể lao động lựa chọn và nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất);

Đối với các yêu cầu của tập thể lao động cao hơn mức quy định của pháp luật hiện hành (yêu cầu về lợi ích), Đoàn công tác thống nhất phương án giải quyết để đưa ra trong cuộc họp giữa các bên tranh chấp.

+ Tiến hành tổ chức cho các bên thương lượng, thỏa thuận.

+ Lập biên bản làm việc về kết quả các bên thương lượng, thỏa thuận; trong đó nêu rõ các kiến nghị của tập thể lao động, phương án giải quyết của Đoàn công tác và những nội dung mà doanh nghiệp đã thương lượng, thỏa thuận, thời gian thực hiện để trên cơ sở đó doanh nghiệp thông báo, trả lời cho tập thể lao động.

Trong trường hợp một trong các bên tranh chấp không đồng ý theo phương án giải quyết và trong quá trình thương lượng cũng không thoả thuận được thì Đoàn công tác đưa ra phương án giải quyết để hai bên xem xét; nếu hai bên vẫn không đồng ý với phương án giải quyết của Đoàn công tác thì hướng dẫn cho các bên thực hiện trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật lao động.

- Nhóm 2: Nắm chắc yêu cầu của người lao động cụ thể từng vấn đề, trường hợp tập thể lao động có đơn yêu cầu thì cũng phải tiếp xúc công nhân để nắm thêm ngoài những vấn đề trong đơn có yêu cầu gì thêm để trên cơ sở đó phối hợp với nhóm 1 để tổ chức thương lượng với doanh nghiệp.

Thực hiện công tác tuyên truyền vận động người lao động bình tĩnh, không được có những hành vi vi phạm pháp luật, hướng dẫn người lao động ổn định trật tự, trở lại làm việc, không được tụ tập, tràn ra bên ngoài gây mất an ninh trật tự và hạn chế lây lan sang doanh nghiệp khác.

- Công an cấp huyện, xã:

+ Cử người tham gia cùng với nhóm 1 để làm việc với doanh nghiệp.

+ Phân công lực lượng bên ngoài bảo vệ, nắm tình hình và báo cáo, xin ý kiến thủ trưởng đơn vị khi cần thiết.

+ Phối hợp với doanh nghiệp nắm chắc các đối tượng cầm đầu, gây rối và xử lý các trường hợp gây mất trật tự an ninh hoặc có hành vi quá khích, đập phá doanh nghiệp.

c) Bước 3: Đoàn công tác hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp ra thông báo về kết quả thương lượng, giải quyết những yêu cầu của người lao động; vận động người lao động trở lại làm việc.

- Chủ doanh nghiệp: Trả lời trước toàn thể người lao động về quyết định giải quyết của doanh nghiệp đối với những yêu cầu hoặc kiến nghị của tập thể lao động; những cam kết nội dung đã thông báo; đồng thời, đề nghị người lao động trở lại làm việc. Thông báo bằng văn bản (ký tên đóng dấu) kết quả giải quyết các kiến nghị của tập thể lao động.

- Đoàn công tác: Phối hợp cùng với doanh nghiệp để giải thích, thuyết phục, vận động người lao động trở lại làm việc.

- Công an cấp huyện, xã: Tiếp tục phân công lực lượng bên ngoài bảo vệ, nắm tình hình và chỉ kết thúc nhiệm vụ khi người lao động đã trở lại làm việc bình thường.

Lưu ý:

- Trường hợp đã thực hiện xong bước 3 mà người lao động vẫn chưa đồng ý thì các cơ quan phối hợp tiếp tục làm việc, thương lượng với doanh nghiệp theo các bước trên cho đến khi nào công nhân trở lại làm việc bình thường.

- Tùy theo mức độ phức tạp của từng vụ việc hoặc trường hợp một lúc xảy ra nhiều vụ ngừng việc tập thể tại nhiều doanh nghiệp thì các cơ quan cử thêm lực lượng cùng thành viên các nhóm tiếp tục thực hiện các bước nêu trên.

- Thành viên của các cơ quan phối hợp có trách nhiệm báo cáo về cơ quan đơn vị theo diễn biến và kết quả thương lượng được ghi trong biên bản làm việc giữa Đoàn công tác và doanh nghiệp.

3. Báo cáo kết quả giải quyết.

a) Đoàn công tác từ lúc bắt đầu thực hiện nhiệm vụ cho đến khi kết thúc nhiệm vụ thường xuyên thông tin nhanh về Chủ tịch UBND cấp huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi.

b) Khi vụ việc phức tạp kéo dài, vượt quá khả năng giải quyết thì Đoàn công tác báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện để báo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh gồm đại diện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan đến hỗ trợ giải quyết.

c) UBND cấp huyện tổng hợp kết quả giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể, lập báo cáo theo mẫu gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh sau khi đã có kết quả giải quyết, đồng thời tiếp tục theo dõi việc tổ chức thực hiện những nội dung đã thương lượng, cam kết.

Điều 13. Công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các cam kết sau tranh chấp lao động

1. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi việc thực hiện các cam kết và báo cáo kết quả thực hiện cam kết về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; xử lý theo thẩm quyền hoặc có văn bản đề nghị Thanh tra lao động xử lý đối với những doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm các quy định pháp luật về lao động.

2. Công an tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời đúng pháp luật đối với những đối tượng có hành vi kích động, xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác tham gia tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong và sau khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể hoặc đình công không đúng pháp luật.

3. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo công đoàn các cấp phổ biến để người lao động hiểu rõ các chính sách lao động, động viên người lao động thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan quản lý về lao động các hành động mang tính trù úm cá nhân từ phía doanh nghiệp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện căn cứ quy chế để tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan sửa đổi, bổ sung và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 10/2018/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu tranh chấp lao động tập thể, đình công không theo quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

  • Số hiệu: 10/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/04/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Vũ Thị Thu Thủy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản