Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN CỦ CHI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 10/2009/QĐ-UBND

Củ Chi, ngày 04 tháng 06 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA HUYỆN ỦY VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW NGÀY 05 THÁNG 8 NĂM 2008 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CỦ CHI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Chương trình hành động số 43-Ctr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;
Xét đề nghị của Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Điều 2. Thủ trưởng các phòng - ban, đơn vị thuộc huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, nhằm thực hiện Kế hoạch này đạt hiệu quả cao nhất.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 7 (bảy) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, Thủ trưởng các phòng - ban, đơn vị thuộc huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Minh Tấn

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA HUYỆN ỦY VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW NGÀY 05 THÁNG 8 NĂM 2008 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2009 của Ủy ban nhân dân huyện)

Trong những năm qua, nhất là từ năm 1996 đến nay kinh tế đất nước phát triển nhanh, đời sống nông dân, bộ mặt nông thôn, ngành nông nghiệp có bước phát triển khá nhưng nhìn chung nông nghiệp chưa có sự phát triển vững chắc, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa phát triển đồng bộ, đời sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn ở khu vực mà cơ sở hạ tầng thiếu và nhất là số nông dân bị mất đất do quy hoạch xây dựng nhưng chưa có sự chuẩn bị tốt để thay đổi ngành nghề.

Củ Chi là huyện ngoại thành nằm về hướng Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích tự nhiên 43.496ha. Diện tích đất nông nghiệp chiếm 78,48% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong những năm gần đây với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, cơ cấu kinh tế đang thay đổi từ nông nghiệp - công nghiệp - thương mại dịch vụ sang công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp. Theo kết quả điều tra nông nghiệp - nông thôn ngày 01 tháng 7 năm 2006 cơ cấu ngành nghề ở Củ Chi được thể hiện: hộ công nghiệp 32,28%, hộ nông nghiệp 29,85%, hộ thương nghiệp 16,25%, hộ dịch vụ 9,17%, hộ xây dựng 6,56%, hộ vận tải 2,26%, hộ dịch vụ khác 9,17%.

Huyện Củ Chi đang thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, đang giảm nhanh diện tích đất trồng lúa có năng suất và hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn như trồng rau an toàn, hoa, cây kiểng, cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái và trồng cỏ phục vụ cho đàn bò sữa. Trong chăn nuôi nâng đàn bò sữa, cá sấu và một số loài thủy đặc sản.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, những biến động giá cả trên thị trường thế giới, đa số các vật tư chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giá cả các sản phẩm nông nghiệp luôn biến động làm cho nông dân bị bắt buộc phải thay đổi cây trồng, vật nuôi đột ngột là điệp khúc gây khó khăn cho đời sống nông dân. Tình hình ô nhiễm môi trường, mưa bão thay đổi bất thường góp phần làm cho môi trường nông thôn ngày càng xuống cấp, đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn là mối quan tâm rất lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nông dân Củ Chi nói riêng và ngành nông nghiệp - nông dân - nông thôn cả nước nói chung.

Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện Củ Chi đến năm 2020.

I. MỤC TIÊU - NHIỆM VỤ

1. Xây dựng phát triển nông nghiệp huyện Củ Chi theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, gắn với đặc thù nông nghiệp ngoại thành của một thành phố lớn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xây dựng đội ngũ nông dân có trình độ và bản lĩnh chính trị làm chủ nông thôn, có đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, làm nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội vững chắc, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế chung của thành phố, xã hội nông thôn ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ, dân trí được nâng cao, hệ thống chính trị được tăng cường.

2. Tổ chức thực hiện các giải pháp để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, phát triển dịch vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn, trong đó tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phục vụ việc vận chuyển vật tư nông sản phẩm; hoàn thành hệ thống thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn, kiên cố hóa kênh mương, chủ động tưới tiêu theo yêu cầu sản xuất để khai thác hết diện tích canh tác; bảo đảm tốt các điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể thao ở vùng nông thôn.

Phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, ngư giai đoạn 2006 - 2020 bình quân tăng trên 7,07%/năm (trong đó giai đoạn 2006 - 2010 tăng trên 9%/năm, giai đoạn 2011 - 2020 tăng trên 5%/năm, đến năm 2020 tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 11% trong tổng giá trị sản xuất của huyện. Trong nông nghiệp cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp: trồng trọt chiếm 32,17%, chăn nuôi chiếm 48,1%, lâm nghiệp 1,07%, thủy sản 4,18%, dịch vụ nông nghiệp 14,48%. Đến năm 2010 giá trị sản xuất bình quân đạt 105 triệu đồng/ha/năm; năm 2015 giá trị sản xuất bình quân đạt 155 triệu đồng/ha/năm, năm 2020: 217 triệu đồng/ha/năm, lao động nông nghiệp còn 5,3% so với lao động của huyện; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong tổng lao động đang làm việc trên 60%; hàng năm giải quyết việc làm cho 8.000 lao động; mức thu nhập bình quân 4.500 USD/người/năm.

3. Đầu tư nâng cấp trường, lớp đạt tiêu chuẩn theo quy định; phát triển hệ thống đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp; nâng cấp thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là trung tâm, tụ điểm văn hóa, thể dục thể thao; nâng cao trình độ giác ngộ và vị thế chính trị của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và thụ hưởng những thành tựu đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông năm 2009, có 10 bác sỹ trên 10.000 dân; đến năm 2015 hoàn thành mức chuẩn nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm; 100% người nghèo ở nông thôn được chăm sóc y tế miễn phí, 100% hộ dân có đủ nước sạch sinh hoạt, 40 - 50% hộ sản xuất nông nghiệp đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi; 80% hộ nông dân đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

4. Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (giao thông nội đồng, thủy lợi, trường học, trạm y tế, chợ). Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ tiên tiến, tạo tiền đề phát triển mạnh những năm tiếp theo. Đúc kết chương trình xây dựng nông thôn mới, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững ổn định chính trị, cải thiện đời sống cư dân nông thôn.

Phấn đấu hoàn thành kế hoạch mục tiêu giai đoạn 2006 - 2010 theo Nghị quyết Huyện đảng bộ lần thứ X, trong đó tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp trên 8%, hoàn thành chương trình xóa đói giảm nghèo theo tiêu chí 6 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới 12 triệu đồng/người/năm, 98% hộ dân sử dụng nước sạch; 95% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas xử lý chất thải.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2020

1. Xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn:

1.1. Thuê tư vấn thực hiện xây dựng đề án kế hoạch sản xuất nông nghiệp của huyện đến 2020 tầm nhìn 2025 theo hướng hiệu quả cao và bền vững, phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và theo nhu cầu thị trường.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị gắn với chế biến và nhu cầu thị trường; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất; phát triển mô hình sản xuất kết hợp với dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí, các loại hình tổ chức sản xuất hiện đại có hiệu quả kinh tế cao các loại cây, con chủ yếu: hoa, cây kiểng 900ha, cá cảnh 30ha, rau an toàn 4.000ha, bò sữa 70.000 con, cá sấu 150.000 con, heo 200.000 - 250.000 con. Hình thành khu nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái 1.050ha khu vực ven sông Sài Gòn, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại.

1.2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, tập trung các giải pháp:

- Trồng trọt: áp dụng các tiến bộ về công nghệ sinh học, các giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao được cơ quan chuyên môn kiểm định; kiểm tra chất lượng các loại vật tư, phân bón, nông sản. Tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để có nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; kiên cố hóa kênh mương 100%, phát triển cơ giới hóa khâu cày bừa, tưới tiêu, vận chuyển 99%.

- Chăn nuôi: nâng cao hiệu quả công tác thú y, thực hiện tốt công tác tiêm phòng đạt 100% diện tiêm trên đàn gia súc, gia cầm, chủ động phòng, chống dịch bệnh, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, tăng cường công tác quản lý kiểm định giống; hỗ trợ các trại, cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, phương pháp công nghiệp, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

- Thủy sản: quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi, kiểm soát nguồn nước, tăng cường công tác thú y thủy sản, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn. Kiểm tra hạn chế các ngư cụ và phương tiện đánh bắt lạm sát nguồn lợi thủy sản. Tổng diện tích nuôi trồng 446,35ha tập trung ven sông Sài Gòn và các xã có kênh Đông.

- Lâm nghiệp: tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, có kế hoạch bảo vệ tốt rừng phòng hộ 868ha. Phát triển cây phân tán, hoa, cây kiểng trong các trường học, công sở và các nơi công cộng.

1.3. Công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp:

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn theo quy hoạch gắn với chế biến nông sản, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng chế biến tinh. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đa dạng hóa các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. khuyến khích và hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới trong sản xuất. Cơ cấu kinh tế huyện phát triển theo hướng công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp.

2. Đổi mới, xây dựng, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn:

- Phát triển các mô hình hợp tác sản xuất giữa hộ nông dân, hợp tác xã - doanh nghiệp - các tổ chức khoa học - cơ quan nhà nước để hỗ trợ kinh tế nông thôn. Phấn đấu 60% hộ sản xuất nông nghiệp thuộc các hình thức hợp tác sản xuất.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản, liên kết giữa các tổ chức sản xuất và các kênh tiêu thụ, xây dựng thương hiêu hàng hóa. Phấn đấu 95% nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng.

- Giúp đào tạo lực lượng quản lý hợp tác xã, giúp tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật, công nghệ, thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 90% cán bộ quản lý kinh tế tập thể qua đào tạo, 100% hợp tác xã tiếp cận được các nguồn vốn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

3. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, nông thôn:

- Hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư, chế biến nông sản, bao tiêu sản phẩm, sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y và các dịch vụ khác ở nông thôn, xây dựng các vùng sản xuất an toàn, công nghệ cao. Thành lập mới 2 khu nông nghiệp công nghệ cao.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; thu hút thanh niên, trí thức về công tác, lao động tại nông thôn, nhất là ngành nông nghiệp, giáo dục, y tế. Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo nghề trên 60%, trên 80% nông dân được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp ngành nghề sản xuất.

4. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo đúng quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt của cấp có thẩm quyền:

4.1. Đầu tư cơ sở hạ tầng:

- Hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng và cải tạo cho phù hợp với quy hoạch sản xuất lâu dài theo hướng cơ giới hóa và hiện đại hóa, giao thông nội đồng phục vụ vận chuyển vật tư, nông sản với tổng chiều dài 96km rộng khắp 21 xã - thị trấn, đảm bảo

giao thông đến từng cánh đồng. Hoàn thành 120 công trình hạ tầng phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở 5 xã điểm. Hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện, nhất là bờ hữu ven sông Sài Gòn có chiều dài 54km và các xã vùng trũng theo hướng kết hợp giao thông, thủy lợi, chống ngập úng cục bộ, triều cường nhằm giảm nhẹ thiên tai và ổn định sản xuất và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

4.2. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa:

Xây dựng mạng lưới trường, lớp theo tiêu chuẩn quy định bảo đảm cho học sinh địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, nâng cao trình độ học vấn cho nhân dân. Đến năm 2020 xây dựng 21/92 trường mẫu giáo đạt chuẩn; 21/66 trường tiểu học đạt chuẩn; 21/33 trường trung học cơ sở đạt chuẩn; 100% trường trung học phổ thông trên địa bàn đều đạt chuẩn. Phát triển đào tạo dạy nghề theo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và 100% lao động nông nghiệp bị giải tỏa bồi thường đất nông nghiệp được đào tạo nghề.

Củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, 100% trạm y tế có bác sỹ; chú trọng đào tạo năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế xã, thực hiện tốt y tế dự phòng, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đẩy mạnh xã hội hóa trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, tăng cường tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho người dân nông thôn, hình thành 10 trung tâm văn hóa thể thao cụm và 10 xã đạt chuẩn văn hóa.

4.3. Cải thiện, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường nông thôn:

Xây dựng và thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường trong khu dân cư, tổ chức thu gom và phân loại rác sinh hoạt tại nguồn nhất là các khu nhà cho thuê để ở. Kiểm tra xử lý các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm; kiên quyết không chấp thuận các dự án không đảm bảo điều kiện về môi trường; tạm ngưng các dự án đang hoạt động nhưng việc xử lý chất thải chưa đạt tiêu chuẩn quy định. 100% các đơn vị sản xuất thực hiện xử lý nước thải đúng theo quy định, 95% hộ dân sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn và 95% hộ chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải.

5. Nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực góp phần phát triển kinh tế nông thôn:

5.1. Đề xuất thành phố có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ nông dân liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, thành lập trang trại chăn nuôi, tiêu thụ các loại nông sản có ưu thế phát triển tại địa phương. Đề xuất bổ sung, hoàn chỉnh chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. 95% hộ sản xuất nông nghiệp có ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nông sản.

5.2. Rà soát điều chỉnh cơ cấu đầu tư, tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn từ năm 2009.

5.3. Đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm:

Đầu tư xây dựng trường dạy nghề theo hướng đào tạo chuyên sâu, hiện đại một số ngành chủ lực, đào tạo công nhân có bậc nghề cao, tập trung cho các nghề mũi nhọn đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp và xuất khẩu lao động. Hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho học viên nghèo, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đào tạo và nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ HTX nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, doanh nhân nông thôn, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo công nhân các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sinh vật cảnh, chế biến thực phẩm, khuyến công phục vụ nông nghiệp để phát triển ngành nghề truyền thống, sơ chế, bảo quản, tồn trữ nông sản cho nông dân và cơ sở sản xuất nông sản. Đào tạo nghề hàng năm, dài hạn cho 2.300 - 2.500 người, ngắn hạn 1.400 - 1.500 người.

Tập trung giải quyết việc làm cho nông dân là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; có giải pháp nâng cao trình độ dân trí, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề và chính sách bảo đảm việc làm cho nông dân, nhất là các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đẩy mạnh xuất khẩu lao động từ nông thôn, giải quyết việc làm mỗi năm 8.000 người, triển khai kế hoạch hợp tác sản xuất nông nghiệp với các đối tác trong nước và nước ngoài có nhu cầu; tăng cường giao lưu, hợp tác với tổ chức nông dân các nước.

5.4. Tăng cường nguồn lực và giải pháp thực hiện tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo, tăng đầu tư ngân sách cho quỹ hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người dân có đất bị thu hồi.

5.5. Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Môi trường xanh” xây dựng các hương ước, phát huy truyền thống tốt đẹp, tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, bài trừ hủ tục, thực hiện nếp sống văn hóa ở nông thôn, 50% xã đạt chuẩn xã văn hóa, 85% công sở đạt tiêu chuẩn công sở văn minh, 90% trường học, khu dân cư ấp, khu phố đạt tiêu chuẩn “Môi trường xanh”.

5.6. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở và chính sách bảo hiểm y tế đối với người nghèo, chăm sóc trẻ em dưới 6 tuổi, cấp học bổng cho học sinh nghèo, cận nghèo, thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho dân cư nông thôn. Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, năng lực và vị thế của phụ nữ nông thôn.

5.7. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, giải quyết kịp thời các vụ khiếu kiện của người dân.

6. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân:

Nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở huyện; bổ sung nguồn cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, bố trí 10 cán bộ làm công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện và mỗi xã có một cán bộ phụ trách nông nghiệp. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đảng bộ, Chi bộ cơ sở để thật sự là hạt nhân toàn diện trên địa bàn nông thôn, 95% Đảng bộ, Chi bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Củng cố nâng cao năng lực cơ quan quản lý nông nghiệp huyện, xã và hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn; tạo điều kiện cho Hội Nông dân trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nông dân.

Tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn qua đó đề xuất kiến nghị bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CẤP BÁCH CẦN TẬP TRUNG ĐẾN NĂM 2010

1. Phấn đấu đến quý II/2011 hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2025 phù hợp với yêu cầu phát triển các ngành kinh tế chung của thành phố. Thực hiện quản lý nghiêm theo quy hoạch, ổn định diện tích và vùng sản xuất nông nghiệp, bảo đảm độ che phủ rừng và cây xanh phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị và bảo vệ môi trường, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

2. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chương trình giống cây, giống con chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phòng, chống có hiệu quả các loại dịch hại cây trồng, vật nuôi; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cơ cấu kinh tế huyện: công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chăn nuôi - trồng trọt - dịch vụ - thủy sản - lâm nghiệp.

Chương trình nông thôn mới: hoàn thành ở xã Thái Mỹ và xã Tân Thông Hội và được triển khai đại trà ở các xã còn lại.

Cơ giới hóa nông nghiệp: giải quyết 98% khâu làm đất, tưới tiêu và vận chuyển, 90% khâu thu hoạch lúa và vắt sữa bò.

Phòng, chống các loại dịch hại cây trồng, gia súc: đảm bảo tiêm phòng gia súc đạt 100% diện tiêm, ngăn chặn bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa bằng phương pháp gieo sạ né rầy và phòng trừ sâu rầy theo phương pháp 4 đúng, áp dụng chế độ luân canh cây trồng và phòng ngừa là chính để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng đề án chiến lược phát triển chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá.

Chương trình hoa lan, cây kiểng: đẩy mạnh phát triển hoa lan và cây kiểng nhiều chủng loại 500ha, riêng hoa lan tập trung chủ yếu 2 giống Mokara và Dendro có diện tích từ 40 - 50ha. Hình thành khu hoa lan - cây kiểng 36,4ha ở xã Trung An và khu triển lãm rau - hoa 23ha ở xã Phước Vĩnh An.

Cây rau tất cả phải được sản xuất theo quy trình an toàn, tăng cường kiểm tra tính an toàn trên rau ngay trên đồng ruộng và sau thu hoạch, nhất là nhóm rau sử dụng tươi sống.

Đặc biệt tăng nhanh diện tích nuôi cá cảnh lên 20ha trên cơ sở đẩy mạnh phát triển vệ tinh phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

3. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo tính hỗ trợ lãi suất cho sản xuất nông nghiệp đúng hướng chuyển dịch và đúng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục để mọi tổ chức, hộ gia đình đều dễ dàng tiếp cận nguồn vốn chuyển đổi nhất là cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng đồng ruộng.

Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dạy nghề, chuyển đổi nghề khi Nhà nước thu hồi đất: đảm bảo người dân có đất bị thu hồi có mức bồi thường thỏa đáng theo giá thị trường, có thể tự sắp xếp tái định cư hoặc định cư theo phương án đền bù được duyệt, trang bị nghề mới cho các cá nhân không còn đất sản xuất nông nghiệp nhằm tạo cuộc sống ổn định sau khi bị thu hồi đất.

4. Hoàn thành cơ bản hệ thống thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn với chiều dài 31km/54km và các công trình phòng, chống lụt, bão, tuyến đê bao vùng ảnh hưởng triều cường (công trình sông Lu - Láng The; thủy lợi Trung An - Hòa Phú; hệ thống thủy lợi Bình Mỹ) theo hướng hoàn chỉnh cuốn chiếu cho từng vùng để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, sinh hoạt (140 tỷ đồng). Hoàn thành 120 dự án của 5 xã điểm (61 công trình thủy lợi và 59 công trình giao thông) với kinh phí 120 tỷ đồng. Tiếp tục kiên cố hóa kênh mương nội đồng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm tạo cơ sở để thực hiện chuyển đổi đạt hiệu quả và nhân rộng cho các xã khác. Vận động người dân chấp hành chủ trương bồi thường để xây dựng công trình lớn và hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nội đồng. Tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nhà trọ gây ô nhiễm, có biện pháp ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm phát sinh, góp phần cải thiện môi sinh, môi trường của huyện, kiểm tra thường xuyên việc xử lý chất thải, thu gom rác và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm.

5. Bảo đảm tiến độ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm xuống còn 29,03% và giải quyết việc làm cho 8.000 người mỗi năm.

Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: tiếp tục có chính sách hỗ trợ lãi suất bằng không để xây dựng nhà vệ sinh và hầm biogas trong chăn nuôi. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch 98%, hộ có nhà vệ sinh hợp chuẩn 95%, hộ xử lý chất thải trong chăn nuôi 65% góp phần thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hỗ trợ vốn theo quy định và vận động nhân dân thực hiện xây nhà vệ sinh và hệ thống xử lý nước thải trong chăn nuôi.

Dân số và kế hoạch hóa gia đình: đến năm 2010 dân số huyện dự kiến 381.000 người trong 87.000 hộ, trong đó có 83.000 hộ sống ở nông thôn.

Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm: tăng cường y tế dự phòng và hoạt động của trạm y tế xã, đưa tỷ lệ 10 bác sỹ trên 10.000 dân, phát triển 60 phòng mạch tư và 1 phòng khám đa khoa tư để xã hội hóa công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có chính sách đào tạo và thu hút cán bộ ngành y. Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa góp phần cải thiện đời sống vật chất và văn hóa cho cư dân nông thôn. Hoàn thành 3 trung tâm văn hóa và 3 xã đạt tiêu chuẩn xã văn hóa. Đến năm 2010 xây dựng 10/42 trường mẫu giáo đạt chuẩn; 5/37 trường tiểu học đạt chuẩn; 5/24 trường trung học cơ sở đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Có 3 xã đạt danh hiệu xã văn hóa, 60% công sở đạt tiêu chuẩn công sở văn minh, 70% trường học đạt tiêu chuẩn môi trường xanh. 60% nông dân nắm bắt được các tiến bộ kỹ thuật của ngành nghề sản xuất.

6. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; củng cố bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp huyện.

IV. KIẾN NGHỊ

1. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp nhất là hoàn tất cho 120 công trình phục vụ chuyển đổi và phòng, chống lụt, bão trên địa bàn huyện trong năm 2009, hình thành khu nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái 1.050ha ven sông Sài Gòn, thực hiện mở rộng dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi và đầu tư khu triển lãm rau - hoa 23,6ha ở xã Phước Vĩnh An.

2. Sớm chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn 31km/54km kết hợp giao thông nội đồng trên địa bàn huyện Củ Chi hoàn tất trong năm 2012 tạo điều kiện phát triển nhanh khu du lịch sinh thái ven sông. Kinh phí đầu tư 650 tỷ đồng, phần còn lại 23km tiếp tục đầu tư đến năm 2020.

3. Nhà nước có chính sách bình ổn giá vật tư nguyên nhiên liệu và sản phẩm nông nghiệp, điều tiết cung cầu trên thị trường. Đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp từ 40 - 50% giá trị thiết bị.

4. Thành phố phối hợp với các tỉnh có nguồn nông sản tiêu thụ tại thành phố thành lập một trung tâm thông tin điều tiết sản xuất, qua đó các đơn vị sản xuất đăng ký số lượng, chủng loại cây trồng, vật nuôi, ngày bắt đầu sản xuất, giống, từ đó trung tâm dự tính nhu cầu thị trường và phản hồi đến người sản xuất nhằm góp phần cân đối cung, cầu hàng nông sản dẫn đến bình ổn giá và góp phần cải thiện đời sống nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các phòng, ban, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn hướng dẫn, kiểm tra việc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đến 2020 và Chương trình hành động của Thành ủy, Huyện ủy trong đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức và hoạt động của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế của huyện.

2. Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết Trung ương, Thành ủy và kế hoạch thực hiện của Ủy ban nhân dân huyện, Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo xây dựng chương trình cụ thể thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 7 (khóa X) theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương, đồng thời phối hợp tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân huyện.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chịu trách nhiệm điều phối, bảo đảm việc triển khai thực hiện thống nhất Kế hoạch này, định kỳ tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.

Trong quá trình triển khai, nếu cần thiết bổ sung, điều chỉnh, các phòng, ban, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 10/2009/QĐ-UBND về Kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2008 do Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi ban hành

  • Số hiệu: 10/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/06/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Minh Tấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 68
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản