Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 10/2007/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA BỘ TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ,
  Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng;
  Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các đ/c Lãnh đạo Bộ Tư pháp;
- Các cơ quan báo, đài;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp
- Lưu: VT, Vụ PBGDPL (2 bản).

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

QUY CHẾ

PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA BỘ TƯ PHÁP
(ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BTP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp.

Điều 2. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

1. Người phát ngôn chính thức của Bộ Tư pháp (sau đây gọi tắt là Người phát ngôn) là Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, có nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Họ tên, chức vụ Người phát ngôn được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Trong trường hợp Chánh Văn phòng vắng mặt thì Phó Chánh Văn phòng kiêm Trưởng Ban thư ký thực hiện nhiệm vụ này.

2. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trực tiếp phát ngôn hoặc ủy quyền cho người khác có trách nhiệm thuộc Bộ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được Bộ trưởng giao.

3. Chỉ những người có thẩm quyền phát ngôn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mới được nhân danh Bộ Tư pháp để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Thông tin do những người này cung cấp là thông tin chính thức về hoạt động của Bộ Tư pháp.

4. Cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tư pháp không được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thì không được nhân danh Bộ Tư pháp để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Trong trường hợp những người này trả lời phỏng vấn trên báo chí thì việc trả lời phỏng vấn đó mang tính chất cá nhân và phải chịu trách nhiệm về nội dung trả lời phỏng vấn của mình.

Chương 2:

PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ

Điều 3. Phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ

1. Người phát ngôn tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về các nội dung chủ yếu sau:

- Hoạt động và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp;

- Tình hình và kết quả hoạt động của Bộ Tư pháp trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp;

- Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp;

- Kế hoạch, chương trình công tác.

2. Việc tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí của Bộ Tư pháp được thực hiện thông qua các hình thức sau:

a) Định kỳ hàng tháng cung cấp thông tin cho báo chí trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (http://www.moj.gov.vn) và trên Báo Pháp luật Việt Nam.

b) Sáu tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.

c) Nếu thấy cần thiết, tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện;

d) Cung cấp thông tin cho Trang tin điện tử của Chính phủ theo quy định hiện hành.

Điều 4. Phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, bất thường

1. Người phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường sau đây:

a) Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về sự kiện, vấn đề quan trọng, gây tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp nhằm định hướng và cảnh báo kịp thời trong xã hội; thông tin về quan điểm và cách xử lý của Bộ Tư pháp đối với các sự kiện, vấn đề đó;

Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay ý kiến ban đầu của Bộ Tư pháp thì Người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là hai ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra;

b) Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn và cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề  thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp được nêu trên báo chí;

c) Khi nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí thì Người phát ngôn phải thông báo cho cơ quan báo chí kết quả hoặc biện pháp giải quyết trong thời hạn quy định tại Điều 3 của Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí;

d) Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật thuộc lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý, Người phát ngôn có trách nhiệm yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.

2. Việc tổ chức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong trường hợp đột xuất, bất thường được thực hiện thông qua một hoặc một số hình thức sau:

Thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;

Tổ chức họp báo;

Thông tin bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác cho các cơ quan báo chí.

Điều 5. Quyền và trách nhiệm của Người phát ngôn

1. Người phát ngôn được nhân danh, đại diện cho Bộ Tư pháp thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

2. Người phát ngôn có quyền yêu cầu các đơn vị, cá nhân trong cơ quan Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin, tập hợp thông tin để phát ngôn, cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí theo quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quy chế này.

3. Đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, Người phát ngôn có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nội dung phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trước khi công bố.

4. Người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây:

a) Những vấn đề thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quan điểm của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn;

b) Các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cần thông tin trên báo chí những vấn đề giúp cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tiến hành thuận lợi, khách quan, đúng pháp luật;

c) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.

5. Người phát ngôn chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trước pháp luật về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí.

Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

1. Các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn các nội dung thông tin phục vụ việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đề nghị của Người phát ngôn.

2. Trung tâm Tin học, Báo Pháp luật Việt Nam có trách nhiệm đăng tải nội dung phát ngôn với báo chí của Người phát ngôn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và trên Báo Pháp luật Việt Nam.

3. Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Người phát ngôn trong việc thu thập, xử lý thông tin và thực hiện các hoạt động có liên quan trong trường hợp Người phát ngôn thực hiện phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

4. Văn phòng Bộ có trách nhiệm chủ trì việc liên lạc thường xuyên với các cơ quan báo chí, tổ chức họp báo định kỳ để Người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của ngành Tư pháp, theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Quy chế, định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Quy chế này tới cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình, kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Điều 8. Người phát ngôn phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định tại Quy chế này.

Điều 9. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Tư pháp vi phạm các quy định tại Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 10/2007/QĐ-BTP về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 10/2007/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/12/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Hà Hùng Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 843 đến số 844
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 05/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản