Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2007/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 13 tháng 07 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÁT NGÔN VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì họp báo để thông tin cho báo chí về những vấn đề quan trọng của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước theo quy định của Luật báo chí.

2. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng ủy quyền cho Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ theo quy định của Luật báo chí.

3. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng ủy quyền cho Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về văn thư và lưu trữ.

4. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ủy quyền cho Chánh Văn phòng Bộ là Người phát ngôn thường xuyên và chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Nội vụ.

5. Những người được uỷ quyền tại khoản 2, 3, 4 của Điều này, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí.

Điều 2. Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

1. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Văn phòng Bộ chủ trì, cùng các đơn vị chức năng của Bộ chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong việc cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ trong trường hợp cần thiết tại các cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ.

2. Định kỳ 06 tháng một lần, Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Việc họp báo thực hiện theo quy định của Luật báo chí.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp và cung cấp thông tin thuộc lĩnh vực được giao phụ trách cho Người phát ngôn của Bộ và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

Trong trường hợp được đề nghị, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ trực tiếp tham gia; trường hợp vắng mặt phải uỷ quyền cho cấp Phó tham dự họp báo.

Điều 3. Phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất.

1. Trường hợp cần thiết phải cung cấp thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng, gây tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý Bộ, ngành Tổ chức nhà nước nhằm định hướng và cảnh báo kịp thời trong xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định tổ chức họp báo hoặc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí.

2. Trường hợp cần thiết phải cung cấp thông tin cho báo chí về lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ chủ động đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ và phối hợp với Văn phòng Bộ và Người phát ngôn của Bộ để tổ chức họp báo hoặc cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định.

3. Văn phòng Bộ có trách nhiệm tổng hợp các yêu cầu cung cấp thông tin, đặt bài, phỏng vấn Bộ trưởng của báo chí và tổ chức việc chuẩn bị nội dung trình Bộ trưởng xem xét, quyết định trước khi cung cấp cho báo chí.

Điều 4. Quyền và trách nhiệm của Người phát ngôn

1. Người phát ngôn thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của Người phát ngôn theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Người phát ngôn của Bộ được phép sử dụng bộ máy của Văn phòng Bộ, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc họp báo và cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí; được tạo điều kiện về trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ công tác.

3. Người phát ngôn của Bộ có quyền yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ cung cấp thông tin, chuẩn bị các nội dung liên quan và tham gia họp báo hoặc cung cấp thông tin cho báo chí.

4. Người phát ngôn của Bộ có quyền từ chối không phát ngôn và cung cấp thông tin trong các trường hợp sau:

a) Dự thảo đề án tổng thể về cơ cấu tổ chức và nhân sự cao cấp của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá mới do Bộ chuẩn bị;

b) Đề xuất, thẩm định của Bộ về tổ chức bộ máy, biên chế của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam;

c) Tài liệu của Bộ về nhận xét, đánh giá cán bộ; về bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; các tài liệu liên quan đến cá nhân các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đang lưu giữ tại Bộ Nội vụ;

d) Ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức nhà nước;

e) Đề án về thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các đề án về thành lập, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính các cấp; tài liệu, số liệu liên quan đến việc nâng cấp đô thị chưa công bố;

f) Đề án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Nội vụ đang xây dựng;

g) Các đề án về chủ trương, giải pháp điều hành của Chính phủ, Bộ Nội vụ về công tác tổ chức nhà nước;

h) Báo cáo định kỳ, đột xuất của ngành Nội vụ về công tác cán bộ, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương, địa giới hành chính chưa công bố;

i) Kế hoạch bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp chưa công bố;

k) Tài liệu về điều chỉnh địa giới hành chính, các dự thảo đề án đặt tên các đảo, bãi cạn, bãi ngầm trong vùng biển Việt Nam mà ngành Nội vụ đang chủ trì xây dựng;

l) Dự án xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách về tiền lương và các chế độ chính sách khác đối với cán bộ, công chức nhà nước; cán bộ, công chức cấp xã chưa công bố;

m) Kết quả khảo sát, điều tra, thống kê về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, về tình hình tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương, quản lý địa giới hành chính, tổ chức hội và tổ chức phi chính phủ, về công tác văn thư, lưu trữ chưa công bố;

n) Văn bản ký kết với cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế về các lĩnh vực công tác của ngành Nội vụ mà các bên thoả thuận chưa công bố;

o) Đề thi nâng ngạch công chức, viên chức do Hội đồng thi nâng ngạch chuẩn bị cho kỳ thi nâng ngạch hàng năm;

p) Tin, tài liệu về quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, kỷ luật cán bộ từ cấp vụ và tương đương trở lên trong ngành Nội vụ chưa công bố;

q) Hồ sơ cán bộ, công chức từ chuyên viên trở lên của cơ quan Bộ Nội vụ, các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở Nội vụ. Hồ sơ, tài liệu về các vụ việc đang tiến hành thanh tra, kiểm tra; báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra trong ngành Nội vụ chưa công bố;

r) Tài liệu lưu trữ chưa giải mật, tài liệu thiết kế, các thông số kỹ thuật, các quy định bảo đảm an ninh, an toàn mạng máy tính nội bộ của Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, các Sở Nội vụ; các phần mềm và cơ sở dữ liệu của Bộ quản lý, các phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ công chức của cơ quan Bộ Nội vụ, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Nội vụ và cán bộ công chức trong cơ quan quản lý nhà nước;

s) Những vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn;

t) Các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;

u) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện Quy chế này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Bộ trưởng.

2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Bộ và Người phát ngôn của Bộ để thực hiện Quyết định này.

3. Vụ Kế hoạch – Tài chính phối hợp với Văn phòng Bộ xây dựng kế hoạch bảo đảm kinh phí cho công tác này.

4. Trung tâm Tin học phối hợp với Văn phòng Bộ và Người phát ngôn của Bộ có kế hoạch trang bị và bảo đảm kỹ thuật cho việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định chung và tổng hợp tin tức báo chí trên mạng liên quan tới lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành, báo cáo lãnh đạo Bộ và cung cấp cho Người phát ngôn của Bộ vào thứ 6 hàng tuần.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn của Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

Đỗ Quang Trung

 

(Công báo số 526+527 ngày 03/8/2007)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2007/QĐ-BNV về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 07/2007/QĐ-BNV
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/07/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Đỗ Quang Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 524 đến số 525
  • Ngày hiệu lực: 17/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/11/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản