Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/QĐ-UBND | Gia Lai, ngày 12 tháng 01 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN KHÔNG GIAN VĂN HOÁ CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2023-2025.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Quyết định của UNESCO ngày 25/11/2005 “Công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”;
Căn cứ Công văn số 3094/BVHTTDL-DSVH ngày 26/8/2021 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO;
Căn cứ Kết luận số 476-TB/TU ngày 20/12/2022 của Tỉnh ủy Gia Lai thông báo Kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các văn bản của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai;
Theo đề nghị của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025” kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan triển khai thực hiện Đề án và các nhiệm vụ được giao tại Đề án đạt hiệu quả cao, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đúng quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Ban Dân tộc tỉnh; các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN KHÔNG GIAN VĂN HOÁ CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2023-2025.
(Kèm theo Quyết định số: 09/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)
1. Lý do xây dựng Đề án
Gia Lai là một trong những tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận ngày 25 tháng 11 năm 2005.
Người Bahnar và Jrai cư trú tập trung trên địa bàn Gia Lai là 2 trong số 11 dân tộc được coi là chủ nhân của di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trong số 11 dân tộc chủ nhân của di sản, dân tộc Bahnar là dân tộc có số lượng dân số đứng đầu trong 7 dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khmer (Nam Á) và dân tộc Jrai có số lượng dân cư đứng đầu trong số 4 dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo - Polinesian (Nam Đảo) ở Tây Nguyên.
Các nhóm dân tộc Bahnar và Jrai là bộ phận dân cư hiện còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên (trên 4.500 bộ).
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Gia Lai vẫn chưa có một đề án tổng thể, quy hoạch về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cho bài bản, chiến lược. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá cồng chiêng ở Gia Lai nói riêng và của Tây Nguyên nói chung phải chịu sự tác động rất lớn từ nhiều yếu tố khác nhau: Điều kiện môi trường tự nhiên và xã hội; quá trình giao lưu, hội nhập, phát triển kinh tế, văn hoá đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian văn hoá cồng chiêng. Vì vậy, cần có các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di sản. Trong đó, việc xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 - 2025” mang tính cần thiết, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy có hiệu quả Không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc bản địa trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
2. Mục đích của Đề án
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói riêng và ở Tây Nguyên nói chung; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI; Kết luận số 76- KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Luật Di sản văn hóa; cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO khi trình hồ sơ di sản.
Gìn giữ, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hoá cồng chiêng, từng bước khôi phục Không gian văn hoá cồng chiêng trong đời sống cộng đồng dân tộc Bahnar, Jrai tỉnh Gia Lai.
Khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, từ đó tác động để đồng bào Bahnar, Jrai tự giác tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, làm cho giá trị của văn hoá cồng chiêng được phục hồi, phát triển trong xã hội đương đại, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Quảng bá hình ảnh của Không gian văn hoá cồng chiêng Gia Lai đến với bạn bè trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
3. Yêu cầu của Đề án
Nêu bật những tiềm năng của Gia Lai trong tổng thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Phục hồi và giữ nguyên số lượng cồng chiêng truyền thống hiện còn trên địa bàn tỉnh.
Đưa sinh hoạt cồng chiêng trở thành hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong cộng đồng.
Đối với những nơi bản sắc văn hóa đã bị mai một, phải tiến hành khôi phục lại trước khi phát huy, tránh việc áp đặt các nội dung khôi phục không đúng với phong tục tập quán truyền thống. Phát huy đi đôi với bảo tồn, tránh việc chạy theo phát huy mà làm mất đi bản sắc đặc trưng của di sản văn hóa truyền thống.
Việc bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng phải được duy trì để trở thành nhu cầu thiết thực của đồng bào Bahnar, Jrai; đồng thời phải phục vụ lợi ích của cộng đồng Bahnar, Jrai nói riêng và sự phát triển của tỉnh Gia Lai nói chung.
Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai.
4. Phạm vi Đề án
Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 - 2025 xác định phạm vi là địa bàn hành chính tỉnh Gia Lai với hai thành phần dân tộc chính là Bahnar và Jrai.
PHẦN I
NHỮNG YẾU TỐ VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Cơ sở pháp lý
- Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã được Đại hội đồng tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) thông qua trong phiên họp thứ 32 tại Paris (Cộng hòa Pháp) ngày 17/10/2003;
- Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009; Nghị định số: 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
- Quyết định của UNESCO ngày 25/11/2005 “Công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”;
- Chương trình hành động nhằm bảo tồn, phục hồi giá trị của Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” do Bộ Văn hoá Thông tin ban hành tại văn bản số 2908/CTr-BVHTT ngày 19/7/2006.
- Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quy định việc kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia;
- Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;
- Công văn số 2189/BVHTTDL-DSVH ngày 02/6/2015 của Bộ VHTTDL về việc xây dựng và phê duyệt dự án bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể trong Danh mục quốc gia trên địa bàn tỉnh/thành phố;
- Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá Việt Nam giai đoạn 2021- 2025;
- Công văn số 3094/BVHTTDL-DSVH ngày 26/8/2021 của Bộ VHTTDL về việc tăng cường công tác QLNN và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO;
- Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 20/01/2022 của Tỉnh ủy Gia Lai về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai;
- Công văn số 3993/VP-KGVX ngày 09/9/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác QLNN và tiếp tục thực hiện chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO.
2. Điều kiện tự nhiên và đặc điểm dân cư
Gia Lai là tỉnh miền núi phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 15.510,9 km2; có hơn 80 km đường biên giới với tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Tiếp giáp theo địa giới hành chính bao gồm: Phía Bắc giáp Kon Tum; phía Đông giáp Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; phía Nam giáp Đắk Lắk; phía Tây giáp Campuchia. Tỉnh có Cảng hàng không Pleiku đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới cảng hàng không dân dụng trên toàn quốc.
Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Pleiku; 2 thị xã: An Khê, Ayun Pa; các huyện: Chư Sê, Chư Păh, Chư Prông, Chư Pưh, Đak Đoa, Đức Cơ, Đak Pơ, Ia Pa, Ia Grai, Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Mang Yang và Phú Thiện. Trong đó, thành phố Pleiku là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và thương mại của tỉnh, nơi hội tụ 2 quốc lộ chiến lược của vùng Tây Nguyên là quốc lộ 14 theo hướng Bắc Nam và quốc lộ 19 theo hướng Đông Tây, là điều kiện thuận lợi để giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với vùng duyên hải Nam Trung Bộ, cả nước và quốc tế.
Cư dân Gia Lai có hai bộ phận: Bộ phận đã sinh sống từ lâu đời ở Gia Lai gồm có dân tộc Bahnar và Jrai (những dân tộc có đời sống tinh thần gắn bó không thể tách rời với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên); bộ phận cư dân mới đến gồm người Kinh và các dân tộc ít người khác.
Tính đến năm 2020, dân số toàn tỉnh Gia Lai là 1.513.847 người, với 44 dân tộc cùng sinh sống. Dân tộc thiểu số có 699.760 người, chiếm 46,22% trên tổng dân số của tỉnh. Trong đó, dân tộc Bahnar có 189.367 người, chiếm 12,51%; dân tộc Jrai có 459.738 người, chiếm 30,37%; các dân tộc thiểu số khác là 50.655 người, chiếm tỷ lệ 3,34%[1].
Dân tộc Bahnar (Bơhnar, Ba Na) có số dân đông nhất trong những dân tộc nói tiếng Môn - Khmer miền Nam Trung bộ. Địa bàn cư trú chủ yếu của người Bahnar là Nam tỉnh Kon Tum, Bắc và Đông tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, còn có một bộ phận người Bahnar sống rải rác ở các huyện phía Tây của tỉnh Bình Định, Phú Yên.
Người Bahnar ở Gia Lai có 4 nhóm: Bahnar Gơlar (Roh) sinh sống chủ yếu tại huyện Mang Yang và Đak Đoa; Bahnar Bơnâm phần lớn ở các xã Lơ Ku, Krong huyện Kbang; Bahnar Tơlô sống ven sông Ba (Pa), trên những vùng đất khá bằng và rộng thuộc huyện Kông Chro (nhóm này có số lượng dân cư đông và tự cho mình là nhóm Bahnar gốc); Bahnar Kon Kơđeh là nhóm trung gian giữa Bahnar Bơnâm và Bahnar Tơlô, sinh sống chủ yếu ở Đak Pơ và phía Nam huyện Kbang.
Dân tộc Jrai (Jơrai, Jarai, Gia Rai) là một trong 5 tộc người Mã Lai - Đa Đảo hiện đang sinh sống trên vùng đất Nam Trường Sơn - Tây Nguyên và đồng bằng ven biển Trung bộ nước ta. Địa bàn cư trú của họ từ Nam tỉnh Kon Tum đến Bắc tỉnh Đắk Lắk (theo chiều Bắc - Nam) và từ Tây Bắc tỉnh Phú Yên đến vùng biên giới tiếp giáp với Campuchia (theo chiều Đông - Tây). Trong khu vực cư trú này, Gia Lai là địa bàn người Jrai sinh sống tập trung nhất.
Người Jrai ở Gia Lai có 5 nhóm: Jrai Chor (còn gọi là Cheo Reo hay Phun) cư trú trong khu vực thung lũng Cheo Reo (nay thuộc các huyện Ayun Pa, Phú Thiện và Ia Pa); Jrai Hdrung (gồm cả 2 nhóm nhỏ Chor và HơBau) cư trú ở khu vực từ núi Hdrung đến Đông Bắc Pleiku, Nam tỉnh Kon Tum, huyện Chư Pah, nửa phía Đông huyện Chư Prông và Tây huyện Đak Đoa; Jrai Aráp cư trú ở khu vực Tây Bắc thành phố Pleiku, Tây Nam tỉnh Kon Tum, một phần huyện Chư Pah; Jrai Tbuăn (puôn) cư trú ở phía Tây huyện Chư Prông, huyện Đức Cơ, dọc biên giới Việt Nam - Campuchia; Jrai Mthur (Hroai) cư trú ở khu vực tiếp giáp giữa người Jrai, Ê đê và Chăm, ở Gia Lai, nhóm địa phương này sinh sống chủ yếu ở huyện Krông Pa1.
Đối với người Bahnar, Jrai truyền thống, cồng chiêng không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Đó vừa là một linh khí để giao tiếp với thần linh trong các nghi lễ truyền thống, vừa là một tài sản có giá trị. Cồng chiêng đã đi vào đời sống hằng ngày của người Bahnar, Jrai, thể hiện tâm tư, tình cảm của con người và trở thành một nhạc khí quan trọng trong đời sống cộng đồng.
PHẦN II.
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ CỒNG CHIÊNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI TỪ NĂM 2005 ĐẾN NAY
1. Kết quả đạt được
1.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai trong thời gian qua đã tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Một số văn bản được ban hành về lĩnh vực này có: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình số 04-CTr/TU ngày 23/11/2020 của Tỉnh ủy Gia Lai về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 01/6/2021 của UBND tỉnh về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
1.2. Công tác thông tin tuyên truyền
Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng địa phương như Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai đăng phát những chương trình liên hoan cồng chiêng các cấp; tạo điều kiện cho các đội cồng chiêng Gia Lai được tham gia các chương trình giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế; giới thiệu cồng chiêng Gia Lai trên sóng VTV, VCTV, báo in, báo mạng; giới thiệu về không gian văn hóa cồng chiêng trên các ấn phẩm quảng bá du lịch trung ương, địa phương…
1.3. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị
Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 28/3/2006, tại thành phố Pleiku, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Gia Lai cùng 5 tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức lễ đón bằng công nhận. Đây là cuộc hội tụ cồng chiêng lớn nhất, có đông đủ 11 dân tộc là chủ nhân của di sản. Có thể nói, từ sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hoạt động văn hóa gắn với cồng chiêng được các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm hơn, ý thức tự hào về di sản trong lòng các chủ nhân cũng được nâng cao, cồng chiêng thật sự được hồi sinh trong các cộng đồng làng.
Năm 2008, tỉnh Gia Lai đã tổ chức kiểm kê nắm số lượng cồng chiêng nói chung, các loại cồng chiêng quý hiếm nói riêng ở các làng đồng bào Bahnar, Jrai trên địa bàn. Theo đó, trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng, trong đó có 932 bộ cồng chiêng quý hiếm. Số lượng làng có cồng chiêng trên tổng số làng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 9 48/1192, chiếm 79,53%. 224 làng đồng bào dân tộc thiểu số không còn cồng chiêng, chiếm 18,8%.
Năm 2020 và 2021, tỉnh tổ chức kiểm kê trên toàn tỉnh để thống kê lại số cồng chiêng hiện có. Kết quả sơ bộ cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 4.500 bộ cồng chiêng. Số lượng cồng chiêng hiện có giảm xuống so với năm 2008, nhưng cơ bản vẫn giữ được ở mức cao nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đợt này, việc kiểm kê được thực hiện ở toàn bộ các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh chứ không chỉ ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số như năm 2008. Qua công tác kiểm kê có thể nhận thấy ý thức bảo vệ di sản của các tầng lớp Nhân dân đã được nâng cao, môi trường của không gian văn hoá cồng chiêng cơ bản được bảo tồn.
Nhằm biểu dương giá trị của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên theo Chương trình hành động quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết trong hồ sơ nộp UNESCO năm 2004; thực hiện Thông báo số 3317/VPCP-KGVX ngày 22/5/2009 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tỉnh Gia Lai tổ chức “Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai”; với sự giúp đỡ của các bộ, ngành liên quan, từ ngày 12 đến 15/11/2009, Gia Lai đã tổ chức thành công Festival cồng chiêng Quốc tế năm 2009. Đây là cuộc hội tụ lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của 63 đội cồng chiêng đại diện cho 6 quốc gia: Campuchia, Indonexia, Lào, Philippin, Myanma và Việt Nam. Riêng Việt Nam, 22 dân tộc có cồng chiêng thuộc 24 tỉnh, thành phố đã có mặt và tham gia các hoạt động tại đây. Festival có 15 hoạt động chính với 3.000 nghệ nhân, diễn viên tham gia. Hội thảo Khoa học quốc tế Sự biến đổi kinh tế - xã hội và công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của Việt Nam và các nước trong khu vực có sự tham gia của 18 nhà khoa học quốc tế đến từ nhiều châu lục. Sự kiện đã được Bộ VHTTDL, Hội Di sản văn hoá và Tạp chí Du lịch bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hoá, du lịch tiêu biểu của năm 2009.
Năm 2018, theo Thông báo số 45/TB-VPCP ngày 25/01/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai được tổ chức ở quy mô khu vực, từ ngày 30/11 - 02/12/2018 với 11 nội dung hoạt động, có sự góp mặt của gần 2.000 diễn viên, nghệ nhân thuộc 26 đoàn đến từ các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh, thành khác trên cả nước. Các hoạt động tại Festival thu hút khoảng 120.000 lượt người tham gia. Sự kiện được các phương tiện truyền thông và dư luận đánh giá cao, đã mang lại những điều thú vị, bổ ích cho người tham dự và mang lại niềm tự hào cho người dân địa phương.
Sau sự kiện lần này, theo Thông báo số 45/TB-VPCP và Chỉ thị số 10/CT- UBND ngày 01/6/2021 của UBND tỉnh về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai được định kỳ tổ chức 2 năm/lần. Tuy nhiên, trong năm 2020 và 2021, vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Festival tạm thời chưa được tổ chức.
Tôn vinh nghệ nhân - những người có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể, tỉnh đã đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể.
Tôn vinh nghệ nhân - những người có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể, tỉnh đã đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Qua 3 đợt xét tặng, toàn tỉnh có 32 nghệ nhân được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có 10 nghệ nhân chỉnh chiêng và trình diễn cồng chiêng (3 người đã mất).
Để bổ sung vào lực lượng nghệ nhân chỉnh chiêng, năm 2010, tỉnh Gia Lai đã dành kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia để mở lớp dạy chỉnh chiêng cho 34 học viên người Bahnar, Jrai nhằm rút kinh nghiệm và nhân rộng vào những năm sau. Tại các địa phương, lớp học đánh cồng chiêng, múa dân gian cho các em thanh thiếu niên, chỉnh chiêng cũng được tổ chức thường xuyên.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các huyện tạo điều kiện để đồng bào tổ chức các lễ hội truyền thống có cồng chiêng; phòng chuyên môn của Sở tăng cường nghiên cứu phục dựng các lễ hội điển hình của đồng bào có sử dụng cồng chiêng; Bảo tàng tỉnh chú ý sưu tầm những bộ chiêng quý phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.
Giai đoạn 2011 - 2019, tỉnh thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Đây là cơ sở để tổng hợp, phân loại, nhận diện giá trị và sức sống của từng di sản trong cộng đồng; đề xuất những khả năng, giải pháp bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể thông qua hoạt động khai thác, giới thiệu quảng bá, phát triển văn hoá - du lịch của địa phương; lựa chọn những di sản văn hoá tiêu biểu đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Một số hoạt động tiêu biểu trong thời gian này: Năm 2011, tổ chức phục dựng Lễ chuyển gươm của Yang Pơtao Apui tại làng Plơi Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện; năm 2012, phục dựng Lễ Mừng lúa mới của người Jrai tại làng Mrông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh; năm 2013, phục dựng Lễ Mừng lúa mới của người Bahnar tại làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang, năm 2018, phục dựng Lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Bahnar tại làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang.. . Trong các lễ hội này đều có sự góp mặt của cồng chiêng.
Cồng chiêng luôn có mặt trong các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Liên hoan cồng chiêng và hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp được tổ chức định kỳ… Đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều liên hoan cồng chiêng cấp tỉnh, hàng trăm lượt liên hoan cồng chiêng cấp huyện. Hằng năm, tỉnh còn cử các đoàn cồng chiêng đi giao lưu, biểu diễn ở một số chương trình văn hoá tại các địa phương như: Tham gia Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Lễ hội văn hoá cồng chiêng tỉnh Hoà Bình, Những ngày văn hoá Tây Nguyên tại Hà Nội năm 2012, tham gia hoạt động thường niên tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô-Hà Nội)…
Trong thời gian qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về bảo tồn, lưu trữ và phát huy các giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên như: Thang âm, điệu thức trong âm nhạc dân gian của đồng bào Bahnar, Jrai; lễ mừng lúa mới, lễ cúng giọt nước, lễ cưới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Các nghiên cứu này đã đưa ra đề xuất, hoạch định chính sách, giải pháp liên quan đến việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hoá, trong đó có cồng chiêng, thông qua các hoạt động khai thác, giới thiệu, quảng bá, phát triển văn hoá - du lịch của địa phương. Từ kết quả nghiên cứu khoa học, đã xây dựng được một bộ giáo trình về cồng chiêng, đưa vào dạy trong trường nghệ thuật và các lớp học ngắn hạn tại địa phương.
Những hoạt động trên đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về Không gian văn hoá cồng chiêng, coi đây là một di sản quan trọng của địa phương. Trong các văn bản, các bài phát biểu, tham luận... về lĩnh vực văn hoá cũng thường nhắc đến di sản này.
Ngoài những đội cồng chiêng nam như truyền thống, đã xuất hiện nhiều mô hình mới như: Đội cồng chiêng nữ (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang), các đội cồng chiêng thanh niên, đặc biệt là đội cồng chiêng thiếu nhi (làng Mơhra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang; huyện Chư Pưh; huyện Chư Păh)...
Nhìn chung, từ khi Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại đến nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản này đã có những quả thiết thực, góp phần giáo dục ý thức, trách nhiệm cho mỗi thành viên trong cộng đồng và toàn xã hội về việc gìn giữ có hiệu quả Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
2. Một số tồn tại, hạn chế
Công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa cồng chiêng nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát cồng chiêng còn gặp khó khăn; việc chỉ đạo công tác bảo tồn phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; việc ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện ở các địa phương chưa được chú trọng; việc tổ chức thực hiện các biện pháp để bảo vệ và xử lý đối với các hành vi trộm cắp, hủy hoại cồng chiêng trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản chưa được thực hiện thường xuyên, thiếu đồng bộ và còn nhiều bất cập; nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước không đáp ứng được nhu cầu.
Còn nhiều hạn chế trong các hoạt động: Khai thác, phục hồi các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa gắn với môi trường diễn xướng văn hóa cồng chiêng; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí cho các gia đình, nghệ nhân có công gìn giữ cồng chiêng lâu đời; truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ thanh thiếu niên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ...
Nhà rông, bến nước truyền thống ngày càng ít và đang dần mất đi, thay vào đó là những nhà rông xây dựng bằng bê tông, lợp mái tôn.
3. Nguyên nhân và thách thức
Trong những năm gần đây, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, của văn hóa và lối sống hiện đại, nên nghi lễ truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng (nhà rông, bến nước, nương rẫy, nhà mồ, rừng…) đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa Gia Lai.
Thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, định hướng xã hội chủ nghĩa, phong tục tập quán, phương thức sản xuất, nếp sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Gia Lai nói chung và các dân tộc bản địa nói riêng đã được phát triển theo định hướng của Đảng. Việc thay đổi phương thức sản xuất đã kéo theo những biến đổi trong nếp sống, sinh hoạt của người dân. Đồng bào các buôn làng tùy theo điều kiện cụ thể của gia đình đã bước đầu tách hộ, bỏ nhà sàn, làm nhà từng hộ riêng, phát triển kinh tế gia đình theo phương thức sản xuất hàng hóa, nhiều gia đình đã bán đi những bộ cồng chiêng quý để lấy vốn sản xuất và giải quyết đời sống khó khăn của gia đình mình. Ngoài ra, một số gia đình đồng bào dân tộc tại chỗ vì nhiều lý do trong đó có việc chuyển đổi từ tín ngưỡng dân gian truyền thống sang tôn giáo mới đã bỏ lễ hội, bỏ cồng chiêng, bỏ phong tục tập quán cộng đồng...
Sự phát triển của các loại hình truyền thông hiện đại như truyền hình, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, truyền thông trên internet, mạng xã hội… nhất là sự xâm nhập của một số trào lưu, sản phẩm văn hoá độc hại đã tác động không nhỏ đến văn hoá truyền thống của dân tộc, trong đó có văn hoá cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Gia Lai.
Công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động văn hóa cồng chiêng từ trung ương đến địa phương từ trước đến nay vẫn chưa được đặt ra một cách cụ thể, bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý chuyên trách về công tác này chưa được đào tạo bài bản. Mặt khác, việc dựa vào nhân dân để tuyên truyền cho nhân dân hiểu giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình, cùng nhau gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị của di sản này trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
PHẦN III
NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI, GIAI ĐOẠN 2023-2025.
1. Mục tiêu của Đề án
1.1. Mục tiêu chung
- Bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương.
- Quảng bá rộng rãi về Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai đến bạn bè trong và ngoài nước.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Thống kê được số liệu về: Bộ cồng chiêng hiện có, nghệ nhân thực hành trình diễn cồng chiêng, nghệ nhân chỉnh chiêng, bài nhạc cồng chiêng truyền thống…
- Xây dựng được 06 mô hình “nhà rông- bến nước” truyền thống của dân tộc Bahnar, Jrai nhằm khôi phục không gian truyền thống của văn hoá cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.
- Phục dựng một số lễ hội truyền thống có sử dụng cồng chiêng của người Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh.
- Việc thực hành trình diễn cồng chiêng được duy trì thường xuyên ở các làng dân tộc Bahnar, Jrai trên toàn tỉnh.
2. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng
2.1. Điều tra, nghiên cứu khoa học
- Tiến hành khảo sát, điền dã, trao đổi với các nghệ nhân thuộc từng nhóm địa phương của người Bahnar và Jrai trong tỉnh nhằm thống kê, sưu tầm, ghi chép và lưu trữ những bài chiêng, những sinh hoạt văn hoá có sử dụng cồng chiêng bằng phương tiện hiện đại nhằm thiết lập cơ sở cụ thể, vững chắc những vấn đề liên quan đến cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng Gia Lai. Đặc biệt lưu ý việc sưu tầm các bài chiêng cổ, kỹ thuật chỉnh sửa chiêng làm cơ sở cho việc truyền dạy âm nhạc cồng chiêng và cách chỉnh chiêng cho thế hệ trẻ.
- Đẩy mạnh công tác tìm kiếm các nguồn tài liệu liên quan đến cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng của Gia Lai từ các nguồn tài liệu còn tản mát, phân tán ở các kho lưu trữ, thư viện, tủ sách tư nhân trong và ngoài tỉnh.
- Tổ chức toạ đàm, hội nghị, hội thảo khoa học nhằm lấy tư liệu xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học đối với cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ đội ngũ các nhà nghiên cứu về âm nhạc, lịch sử - văn hoá địa phương thực hiện các đề tài, dự án chuyên sâu về cồng chiêng bản địa, đưa ra các giải pháp hữu hiện nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng trong xã hội đương đại.
2.2. Tuyên truyền, quảng bá
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc nhận thức một cách sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng; chú trọng tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, thông tin lưu động.
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong tỉnh và các cơ quan báo chí trung ương, ngành, địa phương khác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng đến khách du lịch trong nước và khách du lịch nước ngoài; đầu tư, mở rộng đa dạng và nâng cao chất lượng các chương trình du lịch về nguồn, du lịch lễ hội… kết hợp đưa các sinh hoạt văn hoá cộng đồng có biểu diễn cồng chiêng vào tour du lịch để du khách được tham gia và trải nghiệm văn hoá bản địa.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất phim tư liệu về cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên internet, mạng xã hội về Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.
2.3. Gìn giữ và phục hồi
- Tiến hành điều tra, điền dã để có thêm tư liệu về cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng ở Gia Lai.
- Lựa chọn nghệ nhân đánh chiêng giỏi và bồi dưỡng nâng cao chuyên môn làm lực lượng nòng cốt, tiến tới tổ chức xây dựng đội văn nghệ dân gian cấp huyện, truyền dạy cho cộng đồng.
- Có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân cồng chiêng, chính sách khuyến khích từng gia đình, từng cộng đồng bảo tồn cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng; hỗ trợ một số đội chiêng truyền thống có thành tích bảo tồn phát huy di sản văn hóa cồng chiêng: Mỗi huyện chọn từ 2 đến 3 đội chiêng; trang bị cồng chiêng cho các địa phương không có hoặc có rất ít cồng chiêng để lưu giữ và sử dụng tại nhà sinh hoạt cộng đồng.
- Phục hồi các sinh hoạt văn hoá ở các nhóm Jrai, Bahnar địa phương nhằm tạo môi trường diễn xướng của cồng chiêng và sinh hoạt văn hoá cồng chiêng trên quan điểm kế thừa: Chọn mỗi huyện, thị xã, thành phố 1 đơn vị cấp làng để bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng của cộng đồng truyền thống; thường xuyên tổ chức các sinh hoạt văn hoá liên quan đến cồng chiêng tại cộng đồng; duy trì các cuộc liên hoan cồng chiêng từ cơ sở đến tỉnh.
- Phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa gắn với môi trường văn hóa cồng chiêng.
- Tổ chức tham quan nghiên cứu, học tập tại các tỉnh bạn, Bảo tàng dân tộc học, Kho lưu trữ di sản của Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam.
- Tổ chức theo định kỳ các cuộc liên hoan cồng chiêng từ cơ sở đến huyện, tỉnh;
hướng tới tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế tỉnh Gia Lai lần thứ 2.
- Tổ chức lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào các dân tộc bản địa trong tỉnh. Trước mắt rà soát để mở lớp truyền dạy tại huyện Kbang, Krông Pa, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các cộng đồng Bahnar, Jrai trong toàn tỉnh.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, các đợt tập huấn về cồng chiêng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hoá tại địa phương; tạo điều kiện để cán bộ nghiệp vụ tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học về cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
- In, xuất bản sách, đĩa phim về Không gian văn hoá cồng chiêng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh để phát hành trong cộng đồng, quảng bá đến du khách.
- Đa dạng hoá các chương trình du lịch gắn với tìm hiểu văn hoá địa phương bao gồm cả cồng chiêng và không gian văn hoá cồng chiêng.
3. Các nội dung, dự án thành phần thuộc Đề án
3.1. Dự án Điều tra, khảo sát về cồng chiêng và người thực hành cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh[2].
Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Cơ quan thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân cấp xã.
Nội dung: Điều tra về số lượng, tên loại cồng chiêng; số người trình diễn, chỉnh chiêng và truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng trên địa bàn toàn tỉnh; số lượng đội văn nghệ quần chúng có sử dụng cồng chiêng. Tổ chức lớp tập huấn điều tra, khảo sát về cồng chiêng cho cán bộ cấp xã, huyện.
3.2. Dự án Phục dựng một số nghi lễ, lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Bahnar và Jrai trên địa bàn tỉnh[3]
Cơ quan chủ trì và thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân cấp xã.
Nội dung: Khảo sát và chọn địa điểm còn lưu giữ nhiều nhất các giá trị của lễ hội có sử dụng cồng chiêng trong đời sống đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh để tiến hành phục dựng; chụp ảnh, quay phim tư liệu.
3.3. Dự án Tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho người Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh[4]
Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cơ quan thực hiện: Ủy ban nhân dân cấp huyện Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh
Nội dung: Truyền dạy cách đánh, chỉnh chiêng và các bài chiêng truyền thống của dân tộc Bahnar, Jrai cho những học viên là người Bahnar, Jrai tại các huyện, thị xã, thành phố để lưu giữ, kế tục và thực hành tại cộng đồng.
3.4. Tổ chức lớp tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng cho cán bộ cấp huyện, xã
Cơ quan chủ trì và thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã.
Nội dung: Trang bị một số kiến thức, phương pháp thực hành trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản này cho các cán bộ cấp xã, huyện để triển khai ở địa phương.
3.5. Tổ chức hội thảo khoa học về cồng chiêng kết hợp triển lãm ảnh về sinh hoạt cộng đồng có sử dụng cồng chiêng
Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Cơ quan thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh
Nội dung: Giới thiệu, quảng bá những hình ảnh sinh hoạt cộng đồng có sử dụng cồng chiêng đến người dân trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu tổng hợp, tiếp thu, tham vấn, phản hồi ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử trên cả nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hoá cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung.
3.6. Tổ chức liên hoan cồng chiêng khu vực và Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai 2 năm/lần[5]
Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Cơ quan thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức liên hoan
Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã.
Nội dung: Chọn 01 huyện/thị xã tổ chức liên hoan để các đoàn cồng chiêng tham gia thi, biểu diễn cồng chiêng ở quy mô khu vực (khoảng 10 đoàn) và tổ chức Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên định kỳ 2 năm/lần tại tỉnh Gia Lai hoặc luân phiên tại các tỉnh Tây Nguyên (theo đề án riêng).
3.7. Dự án khôi phục Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên[6]
Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Cơ quan thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Phòng Văn hóa thông tin, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã.
Nội dung: Xây dựng 06 mô hình gồm 6 nhà rông truyền thống và 06 bến nước truyền thống; mỗi năm xây dựng 02 mô hình, bắt đầu từ năm 2023.
Theo đó dự kiến xây dựng 03 mô hình nhà rông - bến nước ở các địa phương có dân tộc Bahnar: Chư Păh, Kbang, Kông Chro; 03 mô hình nhà rông - bến nước ở các địa phương có dân tộc Jrai: Đức Cơ, Ia Grai, Pleiku[7].
Việc xây dựng nhà rông và bến nước phải phù hợp với bản sắc văn hoá địa phương, sử dụng vật liệu tại chỗ, truyền thống, không tốn quá nhiều kinh phí cho đầu tư xây dựng và phải là điểm đến thu hút du lịch sau khi đưa vào sử dụng.
Kinh phí thực hiện: Tranh thủ vốn hỗ trợ của trung ương, vốn huy động xã hội
hóa và vốn các địa phương có dự án triển khai.
3.8. Dự án xây dựng Phòng trưng bày Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai
Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Cơ quan thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh
Cơ quan phối hợp: Ban Dân tộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Nội dung: Là dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025, nhằm làm nơi lưu trữ, giới thiệu và quảng bá hình ảnh văn hoá cồng chiêng Gia Lai và các nội dung liên quan theo dự án được duyệt.
4. Kinh phí, phương thức triển khai và tiến độ thực hiện
4.1. Kinh phí đảm bảo cho Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023-2025” dự kiến là: 16.380.000.000 đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển, vốn hỗ trợ của trung ương, vốn huy động xã hội hóa, vốn các địa phương có dự án triển khai và các nguồn vốn khác (có phụ lục kinh phí chi tiết kèm theo).
4.2. Đối với các Dự án có nội dung triển khai trùng với các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đối tượng thụ hưởng từ chương trình chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Jrai và Bahnar tại tỉnh, để tranh thủ nguồn lực thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh trùng lắp; các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao lồng ghép nội dung, kinh phí thực hiện Đề án với các dự án, nội dung triển khai của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
4.3. Đối với Dự án khôi phục Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên:
Tranh thủ vốn hỗ trợ của trung ương, vốn huy động xã hội hóa và vốn các địa phương có dự án triển khai.
Tùy theo khả năng ngân sách tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, rà soát nguồn sự nghiệp văn hoá dự kiến phân bổ các năm 2023-2025 để có kế hoạch chi tiết và phân kỳ theo từng năm để triển khai. Ngoài nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa, các chương trình mục tiêu, các huyện, thành phố Pleiku dành phần kinh phí đối ứng để triển khai dự án tại địa phương.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ.
4.4. Thời gian thực hiện Đề án: Bắt đầu từ năm 2023 đến khi kết thúc Đề án.
5. Tổ chức thực hiện
5.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan có liên quan triển khai Đề án có hiệu quả. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc và định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả đến Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tham mưu tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
5.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện đối với các danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc Đề án và các dự án phát sinh (nếu có).
5.3. Sở Tài chính: Xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án. Hàng năm, trên cơ sở đề xuất dự toán của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan, Sở Tài chính kiểm tra, cân đối theo khả năng ngân sách và rà soát tổng hợp tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo phân cấp quản lý ngân sách.
5.4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Đề án.
5.5. Ban Dân tộc tỉnh: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các nội dung, dự án thuộc Đề án này.
5.6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội: Tuyên truyền, vận động Nhân dân, hội viên tham gia thực hiện Đề án; phát huy vai trò của Mặt trận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
5.7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan triển khai Đề án theo quy định.
Trên đây là Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025”, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện./.
PHỤ LỤC
KINH PHÍ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN THUỘC ĐỀ ÁN “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN KHÔNG GIAN VĂN HOÁ CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2023-2025”:
ĐVT: triệu đồng
Stt | Dự án | Thời gian thực hiện | Tổng kinh phí | |||
Đầu tư phát triển | Sự nghiệp | Xã hội hóa | Trung ương, tài trợ, vốn khác | |||
1 | Điều tra, khảo sát về cồng chiêng và người thực hành cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh | 2023-2025 |
| 1.200 |
|
|
2 | Phục dựng lễ hội có sử dụng cồng chiêng | |||||
| Phục dựng lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Bahnar trên địa bàn tỉnh | 2023, 2024 |
| 600 |
|
|
Phục dựng lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Jrai trên địa bàn tỉnh | 2023, 2025 |
| 600 |
|
| |
3 | Tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho người Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh | |||||
| Tổ chức lớp truyền dạy đánh cồng chiêng | 2023-2025 |
| 400 |
|
|
Tổ chức lớp truyền dạy chỉnh chiêng | 2023-2025 |
| 400 |
|
| |
4 | Tổ chức lớp tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cồng chiêng cho cán bộ cấp huyện, xã | 2023- 2024 |
| 180 |
|
|
5 | Tổ chức hội thảo khoa học về cồng chiêng kết hợp triển lãm ảnh về sinh hoạt cộng đồng có sử dụng cồng chiêng | 2023 |
| 500 |
|
|
6 | Tổ chức liên hoan cồng chiêng khu vực và Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai (định kỳ 2 năm/lần) | 2023, 2025 |
|
| Xã hội hóa (tùy theo khả năng huy động) |
|
7 | Xây dựng 06 nhà rông và 06 bến nước truyền thống | 2023-2025 |
|
| 3.000 | 6.000 |
8 | Xây dựng Phòng trưng bày Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai (tại Bảo tàng tỉnh) | 2023-2025 | 3.500 |
|
|
|
Tổng cộng | 3.500 | 3.880 | 3.000 | 6.000 |
Tổng cộng:16.380.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười sáu tỷ ba trăm tám mươi triệu đồng). Trong đó:
Từ nguồn Đầu tư phát triển: 3.500.000.000 đồng
Từ nguồn Sự nghiệp: 3.880.000.000 đồng
Từ nguồn Xã hội hoá: 3.000.000.000 đồng
Từ nguồn trung ương hỗ trợ, tài trợ, vốn khác: 6.000.000.000 đồng./.
* Riêng Liên hoan cồng chiêng khu vực và Festival cồng chiêng tại tỉnh Gia Lai định kỳ 2 năm/lần: Tuy theo khả năng huy động xã hội hóa để tổ chức.
[1] Số liệu từ Trang Thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, truy cập ngày 14/9/2021.
1 Đặng Nghiêm Vạn (Chủ biên), Các dân tộc tỉnh Gia Lai - Công Tum, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, tr. 55-56.
[2] Tại Dự án 6 thuộc CTMTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi là Dự án 6) có nội dung: Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm bài chiêng, điệu soang. Nghiên cứu, hệ thống hóa các bài chiêng, soang của dân tộc Bahnar, Jrai. Hỗ trợ cộng đồng dạy và học đánh cồng chiêng, tổ chức lớp chỉnh chiêng toàn tỉnh.
[3] Tại Dự án 6 có nội dung: Khôi phục, bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng tại Gia Lai. Khôi phục lễ hội truyền thống và trò chơi dân gian của người Bahnar, Jrai; khôi phục các nghề truyền thống.
[4] Dự án 6 có nội dung: Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể.
[5] Dự án 6 có nội dung: Tổ chức tham gia các ngày hội, giao lưu văn hóa, các loại hình nghệ thuật tại 05 tỉnh Tây Nguyên; giao lưu văn hóa với, nghệ thuật truyền văn hóa với các nước bạn thuộc vùng biên giới như Lào - Campuchia. Liên hoan dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam 05 năm/lần.
[6] Tại Dự án 6, nội dung 18.1 là: Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng,…
[7] Nhằm đầu tư đồng đều ở cả hai tộc người Bahnar và Jrai trên địa bàn tỉnh, lựa chọn điển hình 3 địa phương/dân tộc có tiềm năng về du lịch và truyền thống văn hoá phù hợp (có sử dụng nhà rông và bến nước) để triển khai dự án; phân bổ ở khu vực địa lý phù hợp: Pleiku (trung tâm tỉnh, có 28.894 người Jrai), Đức Cơ (ở phía tây tỉnh, có cửa khẩu quốc tế, có 33.109 người Jrai), Ia Grai (ở phía tây, huyện biên giới, có 54.469 người Jrai), Kông Chro (ở phía đông tỉnh, còn lưu giữ nhiều văn hoá truyền thống, có 36.400 người Bahnar), Kbang (ở phía Đông, lưu giữ nhiều truyền thống văn hoá, điểm du lịch nổi bật, có 36.400 người Bahnar), Chư Păh (ở phía bắc tỉnh, lưu giữ nhiều truyền thống văn hoá, điểm du lịch nổi bật, có 7.110 người Bahnar).
- 1Quyết định 121/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030” do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 2Kế hoạch 13/KH-UBND năm 2023 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025
- 3Kế hoạch 61/KH-UBND năm 2023 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái giai đoạn 2023-2027 trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 1Luật di sản văn hóa 2001
- 2Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009
- 3Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 4Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi
- 5Quyết định 1270/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
- 7Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 8Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 9Thông báo 45/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 11Kết luận 76-KL/TW năm 2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 12Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2021 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 13Quyết định 1230/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Công văn 3094/BVHTTDL-DSVH năm 2021 về tăng cường công tác Quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 15Quyết định 121/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030” do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 16Kế hoạch 13/KH-UBND năm 2023 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025
- 17Kế hoạch 61/KH-UBND năm 2023 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái giai đoạn 2023-2027 trên địa bàn tỉnh Sơn La
Quyết định 09/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025
- Số hiệu: 09/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/01/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
- Người ký: Nguyễn Thị Thanh Lịch
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra