Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 19 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2010 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí qui mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Thông tư 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa thông tin và Quyết định số 1336/2005/QĐ-UBTDTT ngày 30/6/2005 của Ủy ban Thể dục Thể thao (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ban hành Đề án phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đến năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 08/2009/NQ-HĐND ngày 24/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 930/TTr-SVHTTDL ngày 22/10/2009 về việc phê duyệt Đề án xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xã hội hoá hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, chi tiết có Đề án kèm theo.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2010 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số: 09/QĐ-UBND ngày 19/01/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Trong những năm qua sự nghiệp văn hóa, thể thao từng bước được củng cố, ổn định và có bước phát triển, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng được yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ chính trị ở địa phương và nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng như luyện tập, thi đấu thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, nguyên nhân là do kinh phí đầu tư từ ngân sách của nhà nước còn thấp so với yêu cầu của ngành, trong khi đó tỉnh chưa có giải pháp và cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao.

Hiện nay do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đòi hỏi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao phải phát triển tương xứng mới đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, luyện tập, thi đấu thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và vươn ra hội nhập với các tỉnh trong khu vực và toàn quốc. Vì vậy, quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao là giải pháp nhằm huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội để đầu tư phát triển sự nghiệp của ngành.

Phần thứ hai

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO Ở TỈNH QUẢNG NGÃI THỜI GIAN QUA

I. KẾT QUẢ XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA

1. Lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật: Hiện nay ở tỉnh ta chỉ có duy nhất một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nên chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho nhân dân. Trên lĩnh vực này, ở địa bàn tỉnh ta đã hình thành 03 đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp do tư nhân tổ chức; các câu lạc bộ hoạt động nghệ thuật như: CLB sân khấu, CLB âm nhạc, CLB tiếng hát trẻ, các đội - nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, các tụ điểm ca nhạc hoạt động biểu diễn nghệ thuật để phục vụ nhân dân.

2. Lĩnh vực điện ảnh: Hình thành sự liên kết hoạt động giữa Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh với các thành phần kinh tế để đầu tư khai thác rạp chiếu bóng Hòa Bình, khai thác cơ sở vật chất rạp chiếu bóng 1/5.

3. Hoạt động thư viện, phát hành sách: Bên cạnh mạng lưới thư viện công cộng từng bước được đầu tư, củng cố và phát triển, các hình thức hoạt động sách báo do các tổ chức, cá nhân tự tổ chức và quản lý cũng góp phần đáng kể trong công tác đưa sách báo về cơ sở phục vụ nhân dân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 10 điểm đọc sách báo do các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động; 02 siêu thị sách và hàng chục cửa hàng sách, quầy sách báo của tư nhân hoạt động phát hành sách báo, góp phần đáp ứng nhu cầu đọc sách báo cho nhân dân trong tỉnh.

4. Lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng: Trong những năm qua, nhân dân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức đã đóng góp hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa; sưu tầm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Nổi bật trong lĩnh vực này là sự hưởng ứng đóng góp công của cho xây dựng, tôn tạo các di tích văn hóa tín ngưỡng như văn miếu, lăng thờ, đình làng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

5. Hoạt động văn hóa cơ sở: Toàn tỉnh có hàng trăm Đội văn nghệ quần chúng ở thôn, xã tự dàn dựng chương trình và tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân ở cơ sở; các lễ hội truyền thống được nhân dân tự tổ chức và đóng góp công của để xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở như khu sinh hoạt văn hóa ngoài trời, nhà sinh hoạt văn hóa thôn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho nhân dân.

II. KẾT QUẢ XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG THỂ THAO

1. Các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tài trợ cho Đội bóng đá Quảng Ngãi thi đấu giải hạng Nhất, tài trợ tổ chức các giải thi đấu thể thao trong tỉnh đem lại những thành công nhất định cho thể dục thể thao tỉnh nhà. Hệ thống tổ chức thể dục thể thao được hình thành và hoạt động có hiệu quả, từ đó các giải thể thao phong trào được duy trì tổ chức với số lượng và chất lượng ngày càng cao, thu hút đông đảo hội viên tham gia.

2. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 cơ sở kinh doanh các môn thể thao như: Bi da, bơi, thể hình, thể dục thẩm mỹ, quần vợt và patin, của tổ chức, cá nhân, góp phần rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của đông đảo nhân dân. Có gần 500 câu lạc bộ, hầu hết là câu lạc bộ một môn thể thao, tập trung ở các môn: Cầu lông, võ thuật, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh, cờ tướng. Đây là mô hình thu hút được nhiều người tham gia, phù hợp với điều kiện sinh hoạt và đời sống kinh tế của mọi đối tượng. Có 04 liên đoàn: Bóng đá, Cầu lông, Võ thuật và Quần vợt. Kinh phí hoạt động của Liên đoàn chủ yếu là do vận động tài trợ và một phần do ngành hỗ trợ. Hội Thể thao cấp huyện, thành phố do Liên đoàn Thể thao tỉnh thành lập hiện có 08 hội, chủ yếu là các môn: Cầu lông, võ thuật, mô tô, thể dục dưỡng sinh.

Các Liên đoàn và Hội thể thao góp phần tích cực tổ chức các hoạt động thể dục thể thao tại địa phương, đồng thời vận động nguồn kinh phí để hỗ trợ các đội tuyển thể thao tỉnh thi đấu thành công tại các giải thể thao khu vực và toàn quốc.

III. HẠN CHẾ

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao trong những năm qua còn nhiều mặt hạn chế, đó là:

1. Các hình thức huy động các nguồn lực đóng góp cho các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao từ cá nhân, đơn vị chỉ ở dạng tự phát ở từng địa phương, chưa có sự thống nhất chỉ đạo chung trong toàn tỉnh, đồng thời do đời sống kinh tế của người dân còn thấp, nhất là ở vùng miền núi, hải đảo nên mức đóng góp của nhân dân còn hạn chế.

2. Việc triển khai công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao chưa thật sự năng động, linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực cho hoạt động văn hóa, thể thao.

3. Công tác chuyển đổi hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ có thu của các đơn vị trực thuộc Sở để thực hiện chủ trương xã hội hóa còn chậm.

4. Ngân sách Nhà nước đầu tư để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao và tổ chức hoạt động văn hóa, thể dục thể thao trong những năm qua còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao trong tỉnh.

IV. NGUYÊN NHÂN

1. Nhận thức của một số địa phương, ban ngành và cán bộ làm công tác văn hoá, thể thao trong tỉnh chưa đầy đủ về công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao nên nhìn chung kết quả đạt được chưa cao.

2. Công tác triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao còn chậm và chưa có cơ chế, giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh.

3. Do thiếu quy hoạch, kế hoạch tổng thể để định hướng và xác định bước đi cụ thể phù hợp cho từng vùng, từng lĩnh vực nên việc thực hiện xã hội hoá hoạt động văn hóa, thể thao còn mang tính tự phát, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước còn bị động, chậm đổi mới, lúng túng, chưa cụ thể hóa các chính sách về xã hội hóa để khuyến khích phát triển xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao.

V. DỰ BÁO CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế của đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, việc giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc để đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội là xu hướng phát triển của văn hóa. Bên cạnh đó cùng với mức sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ngày một được nâng cao, sự hưởng thụ văn hóa đa dạng và phong phú hơn, nhu cầu luyện tập và thi đấu thể thao của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ngày một tăng sẽ làm cho văn hóa, thể thao phát triển, đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao. Từ đó, việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao sẽ hướng mọi lực lượng xã hội quan tâm đầu tư cho văn hóa, thể thao trên các lĩnh vực bảo tồn các giá trị truyền thống, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao và phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao.

Các bộ ngành Trung ương đã ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các chủ trương thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể dục thể thao. Đây là yếu tố quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa trong thời gian đến.

Phần thứ ba

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. QUAN ĐIỂM THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ, THỂ THAO

1. Phát huy tiềm năng, trí tuệ và vật lực của toàn xã hội, khuyến khích mọi cá nhân, gia đình, các tổ chức kinh tế - xã hội, hội đoàn thể tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao trong tỉnh. Đồng thời tạo mọi điều kiện để không ngừng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và nhu cầu luyện tập, thi đấu thể dục thể thao của nhân dân trong tỉnh.

2. Trong quá trình thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư để từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phát triển thể dục thể thao mũi nhọn từ tỉnh đến cơ sở; ưu tiên đầu tư để phát triển cơ sở vật chất về văn hóa, thể dục thể thao ở các huyện miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên đầu tư kinh phí cho địa phương để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, các loại hình nghệ thuật truyền thống, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, phát triển các môn thể thao truyền thống và thế mạnh của tỉnh làm cơ sở và chỗ dựa vững chắc cho quá trình xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao.

3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, thể dục thể thao. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Sở, ban ngành và hội đoàn thể trong tỉnh trong quá trình thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao của tỉnh.

II. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát:

Tăng cường đầu tư cho văn hóa, thể thao từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư vào hoạt động văn hóa và thể dục, thể thao nhằm tăng cường cơ sở vật chất, tạo ra sản phẩm văn hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng như cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân; đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao, phát triển cơ sở vật chất, góp phần tăng cường sức khỏe, phát triển nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng nhu cầu luyện tập thể dục thể thao của nhân dân trong tỉnh.

Chuyển các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao của tỉnh sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ khi cơ chế mới có hiệu lực thi hành. Tăng cường thực hiện chức năng quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị văn hóa, thể thao, chuyển mạnh các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao theo hướng xã hội hóa để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện.

2. Mục tiêu cụ thể:

a. Về văn hóa: Đến năm 2015, huy động các cơ sở ngoài công lập và các lực lượng tham gia xã hội hóa hoạt động văn hóa từ 15 - 20%, đến năm 2020 đạt từ 30 - 40% tổng mức kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động văn hóa trong tỉnh.

Phấn đấu đến 2015: xây dựng 01 nhà hát theo định hướng hoạt động xã hội hóa, huy động vốn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa đạt từ 25 - 30% so với tổng mức đầu tư của nhà nước.

b. Về thể dục thể thao: Cùng với việc tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng các cơ sở thể dục thể thao trọng điểm, khuyến khích phát triển các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập. Phấn đấu đến năm 2015 mức huy động từ các tổ chức kinh tế - xã hội, cá nhân đạt từ 20 - 30%, đến năm 2020 đạt từ 40 - 50% tổng mức kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động thể dục thể thao, số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt từ 30 - 35%. Đến năm 2020 cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập có từ 75 - 80% trên tổng số cơ sở thể dục thể thao của tỉnh.

- Phấn đấu đến năm 2015 xây dựng hoàn thành khu liên hợp thể dục thể thao của tỉnh và phát triển theo định hướng xã hội hóa. Mỗi huyện, thành phố có 01 Trung tâm thể dục thể thao. Thực hiện việc liên kết với tổ chức, cá nhân để đầu tư, khai thác có hiệu quả các cơ sở luyện tập và thi đấu thể thao tại khu thể thao Diên Hồng.

III. NỘI DUNG XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO

1. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập Văn hóa, Thể thao của tỉnh: chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập văn hóa, thể thao đang hoạt động theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ khi cơ chế mới có hiệu lực thi hành. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập văn hóa, thể thao theo hướng thu gọn đầu mối và hoạt động có hiệu qủa. Trước mắt, sắp xếp Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng theo hướng: chuyển các đội chiếu bóng về Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện miền núi và hải đảo. Sáp nhập Trung tâm phát hành phim vào Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Tiếp tục duy trì hình thức công lập đối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyển tải đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giáo dục truyền thống như: Bảo tàng tỉnh và các bảo tàng chuyên đề, Ban quản lý các di tích, Thư viện tỉnh, Đoàn ca múa nhạc dân tộc; Trung tâm văn hóa, Đội tuyên truyền văn hóa; Đội chiếu phim ở các huyện miền núi, hải đảo, đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao vai trò chủ đạo, nòng cốt của các cơ quan, đơn vị văn hóa nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ định hướng chính trị, tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ, đảm bảo phát triển văn hóa - thông tin đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Đối với các cơ sở thể dục thể thao công lập: thực hiện liên doanh, liên kết, khai thác tối đa hiệu quả sử dụng của các cơ sở thể dục thể thao, đa dạng hoá các hình thức hoạt động để phục vụ nhu cầu luyện tập và thi đấu thể thao của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2015, các đơn vị sự nghiệp công lập có mức thu đạt 20% và đến 2020 là 30% so với tổng mức đầu tư kinh phí từ ngân sách.

2. Xã hội hóa hoạt động văn hóa thông tin cơ sở:

- Đối với hoạt động của các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở: Khuyến khích các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập được thành lập thiết chế văn hóa cơ sở. Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 80% số thôn có Nhà sinh hoạt văn hóa được xây dựng theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện.

- Đối với hoạt động văn hóa - thông tin cơ sở: Khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân được đầu tư tham gia hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, được phối hợp với các tổ chức công lập của Nhà nước thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình, làng, thôn, tổ dân phố, xã, phường, cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa.

- Đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng: Khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân được đầu tư, tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ quần chúng trên nguyên tắc tự tổ chức, quản lý và chịu sự quản lý về mặt nhà nước của cơ quan có thẩm quyền. Xây dựng đề án phát triển văn hóa, thể thao miền núi như chính sách của Nhà nước đối với các tỉnh Tây Nguyên.

3. Xã hội hoá hoạt động văn hoá chuyên ngành:

Đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật: Củng cố, đầu tư, đa dạng hóa hình thức biểu diễn của Đoàn ca múa nhạc dân tộc. Khuyến khích thành lập các đoàn nghệ thuật và hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngoài công lập.

Đối với hoạt động phát hành phim và chiếu bóng: Chuyển các cơ sở dịch vụ phát hành phim, kinh doanh băng đĩa hình, nhạc… ra ngoài công lập; liên kết đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất và kỹ thuật hoặc cho thuê rạp chiếu bóng của tỉnh theo quy định của pháp luật. Tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện để các đội chiếu bóng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và phục vụ đồng bào miền núi, hải đảo.

Đối với hoạt động mỹ thuật - triển lãm: Khuyến khích thành lập các câu lạc bộ mỹ thuật, sáng tác, triển lãm, nhiếp ảnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh tư nhân.

Đối với Thư viện: Tăng cường đầu tư và mở rộng các loại hình hoạt động, các dịch vụ của thư viện tỉnh theo mô hình thư viện điện tử nhằm phục vụ nhu cầu đọc sách và khai thác tư liệu của cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

4. Xã hội hóa hoạt động thể thao quần chúng:

Khuyến khích thành lập cơ sở tập luyện và thi đấu thể dục thể thao ngoài công lập. Khuyến khích việc tổ chức và tài trợ kinh phí các giải thi đấu thể thao quần chúng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ phong trào thể dục thể thao vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh và các đối tượng chính sách.

5. Xã hội hóa hoạt động thể thao thành tích cao:

Khuyến khích thành lập các đội tuyển thể thao của tỉnh dưới dạng Câu lạc bộ, được các doanh nghiệp đỡ đầu. Phấn đấu đến năm 2015 có từ 6 - 8 đội tuyển thể thao của tỉnh được các doanh nghiệp đỡ đầu. Củng cố đội bóng đá Quảng Ngãi hoạt động theo mô hình Câu lạc bộ.

6. Loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn đối với các cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực văn hóa, thể thao theo đúng quy định tại Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp và tầng lớp nhân dân về chủ trương và cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hoá hoạt động văn hóa, thể thao của Nhà nước nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phục vụ nhân dân.

2. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và trang thiết bị cho hoạt động văn hóa, thể thao:

Tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh và Trung ương để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo yêu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa và luyện tập, thi đấu thể thao cho nhân dân trong tỉnh.

Ưu tiên đầu tư để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tỉnh; đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao ở miền núi, hải đảo.

3. Giải pháp về tài chính, đất đai, thuế:

Các cá nhân, tổ chức tham gia vào các hoạt động xã hội hóa văn hóa, thể dục thể thao được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, tín dụng theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ và Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND ngày 28/9/2009 ban hành quy định về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi.

4. Chính sách đầu tư và đổi mới công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, thể thao:

Tăng cường đầu tư cho văn hóa từ ngân sách trung ương và địa phương để nâng cao vai trò chủ đạo, nòng cốt của các cơ quan, đơn vị văn hóa nhà nước, ưu tiên đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực thể thao trọng điểm và các chính sách xã hội, đảm bảo công bằng trong thụ hưởng dịch vụ thể dục thể thao giữa các đối tượng và địa bàn dân cư.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, thanh tra đối với các hoạt động xã hội hóa văn hóa, thể thao, đảm bảo đúng định hướng và đúng pháp luật. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trong ngành văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo tính minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện trong việc cấp phép, đăng ký hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa. Công khai qui hoạch, kế hoạch xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao của tỉnh.

Thực hiện tốt việc liên kết tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, thể thao, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao dưới hình thức xã hội hóa để đảm bảo đúng định hướng và đúng pháp luật.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ tỉnh đến huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao mang tính phong trào rộng lớn trên địa bàn như: liên hoan, hội thi, hội diễn, triển lãm để thu hút nhiều đối tượng tham gia và các sinh hoạt văn hóa, thể thao nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho nhân dân ở cơ sở.

5. Khen thưởng:

Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các cơ sở văn hóa, thể dục thể thao ngoài công lập có thành tích xuất sắc được xét đề nghị UBND các cấp xét khen thưởng; được đề nghị nhà nước xét công nhận, trao tặng danh hiệu cao quý cho các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, văn hóa văn nghệ dân gian. Các huấn luyện viên, vận động viên có thành tích xuất sắc trong huấn luyện và thi đấu.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: là cơ quan thường trực trong việc thực hiện đề án có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh và định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

- Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng và chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý thực hiện các mô hình xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh.

- Bên cạnh việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao từ tỉnh đến cơ sở để giữ vai trò trong việc định hướng chính trị - tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ, phải chú trọng đến nhiệm vụ thực hiện đẩy mạnh công tác xã hội hóa tập trung vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, văn nghệ quần chúng, đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng. Tổng kết, kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình xã hội hóa văn hóa, thể thao có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư, Cục Thuế tỉnh xây dựng cơ chế cụ thể về hình thức huy động và sử dụng vốn cho hoạt động xã hội hóa, quy hoạch qũy đất cho hoạt động văn hóa, thể thao; chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân thực hiện xã hội hóa; cơ chế hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ đồng bào miền núi, hải đảo để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành.

2. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh:

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tích cực phối hợp có hiệu quả với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình triển khai Đề án; tham mưu cho UBND tỉnh quy định cụ thể các chính sách khuyến khích xã hội hoá hoạt động văn hóa, thể thao theo quy định Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ và Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Hướng dẫn thực hiện Quy định một số chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi ban hành kèm theo Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND ngày 28/8/2009 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

3. UBND các huyện, thành phố:

Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Đề án; phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ban ngành của tỉnh trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn quản lý.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:

Tăng cường chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng với các tổ chức đoàn thể tích cực phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong các hoạt động xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao nhằm triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao./.

 

PHỤ LỤC 1

ĐỊNH HƯỚNG SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ DO SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH QUẢN LÝ

1. Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng:

- Thực hiện việc liên kết với các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và mở rộng hoạt động chiếu phim, phát hành phim và các dịch vụ văn hóa khác.

- Tiếp tục duy trì sự quản lý và đầu tư của nhà nước đối với rạp chiếu bóng Hoà Bình và các đội chiếu bóng lưu động công lập ở miền núi và hải đảo để phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa theo chỉ tiêu, kế hoạch nhà nước giao. Đối với các Đội chiếu bóng lưu động miền núi, hải đảo sẽ chuyển về cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện quản lý; Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng sáp nhập vàoTrung tâm Văn hóa tỉnh.

2. Trung tâm Văn hóa:

- Đối với Đội Tuyên truyền văn hóa là đơn vị có chức năng tuyên truyền, cổ động nhằm chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân nên được duy trì và phát triển dưới hình thức công lập.

- Tổ chức các hoạt động lễ hội phục vụ kỷ niệm các sự kiện lịch sử, các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh; các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương, hoạt động giáo dục truyền thống, xây dựng phong trào ở cơ sở được cấp kinh phí từ ngân sách của tỉnh và nguồn kinh phí từ xã hội hóa.

- Các hoạt động khác của Trung tâm Văn hóa được chuyển sang hình thức hoạt động cung ứng dịch vụ.

- Kêu gọi tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm khai thác có hiệu quả Trung tâm Văn hóa tỉnh.

3. Thư viện tỉnh:

- Tiếp tục duy trì và phát triển dưới hình thức công lập để đáp ứng nhu cầu đọc sách báo cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Từng bước đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động và nguồn sách, báo cho thư viện để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của độc giả, góp phần nâng cao kiến thức phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Chuyển dần từ hình thức phục vụ sang hình thức vừa phục vụ vừa làm dịch vụ cung cấp thông tin. Nguồn thu từ dịch vụ cung cấp thông tin, đọc và mượn sách của người đọc để đầu tư mua sách, báo và cơ sở vật chất của thư viện.

4. Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh:

- Duy trì Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh hoạt động dưới hình thức công lập. Tỉnh đầu tư ngân sách để nâng cấp cơ sở vật chất hiện có và trang thiết bị chuyên dùng cho Đoàn, đảm bảo luyện tập và tổ chức biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân trong tỉnh.

5. Ban Quản lý các di tích tỉnh.

- Khu chứng tích Sơn Mỹ hoạt động theo đơn vị sự nghiệp có thu. Phấn đấu đến năm 2015 đơn vị tự cân đối thu chi.

- Kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho bộ khung cán bộ quản lý và hỗ trợ một phần cho công tác sưu tầm hiện vật và trùng tu, tôn tạo di tích.

6. Bảo tàng tỉnh:

- Duy trì hoạt động Bảo tàng dưới hình thức công lập, ngân sách của tỉnh đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản hiện vật và công tác giáo dục truyền thống tại Bảo tàng tỉnh.

- Khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở mang tính bảo tồn di sản văn hóa địa phương trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh.

7. Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao:

- Chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu. Ngân sách của nhà nước chỉ cấp cho công tác huấn luyện các đội tuyển thi đấu khu vực, trong nước, quốc tế và tổ chức các giải thi đấu có sự chỉ đạo của UBND tỉnh.

- Mở rộng liên kết huấn luyện, chuyển nhượng vận động viên thể dục thể thao với các địa phương và đơn vị trong và ngoài tỉnh.

- Các hoạt động khác Trung tâm chuyển sang hình thức hoạt động cung ứng dịch vụ.

8. Trường Năng khiếu Thể dục thể thao:

- Tiếp tục duy trì hình thức công lập để đào tạo vận động viên năng khiếu các môn thể thao trọng điểm trong kế hoạch để cung cấp nguồn nhân lực cho các đội tuyển thể thao của tỉnh tham gia thi đấu các giải trong khu vực, trong nước và quốc tế.

- Thực hiện mở rộng liên kết đào tạo vận động viên năng khiếu với các trường học, đơn vị ở các huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh.

- Tổ chức các lớp năng khiếu thể dục thể thao có thu phí nhằm tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh, thanh thiếu niên trong tỉnh, đồng thời tạo nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất cho trường.

- Từng bước chuyển dần là đơn vị sự nghiệp có thu.

 

DANH MỤC

LOẠI HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020.
(Theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 11/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí qui mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường)

TT

LOẠI HÌNH XÃ HỘI HÓA (Cơ sở xã hội hóa)

ĐẾN NĂM 2015

ĐẾN NĂM 2020

GHI CHÚ

 

1

2

3

4


5

6

7

8

9

10

11


12

13


14

15

 

1


2

3


4

5

6

7

8

 

I. Lĩnh vực văn hóa:

- Bảo tàng tư nhân

- Cơ sở bảo tồn và hành nghề truyền thống

- Cơ sở trình diễn/diễn xướng dân gian

- Cơ sở tổ chức thi công bảo quản tu bổ và phục hồi di tích.

- Cơ sở sản xuất phim

- Cơ sở dịch vụ sản xuất phim

- Cơ sở chiếu phim và video

- Đơn vị nghệ thuật sân khấu

- Trung tâm văn hóa ngoài công lập

- Khu văn hóa đa năng ngoài công lập

- Nhà văn hóa ngoài công lập có phạm vi hoạt động cấp, thôn, xã, vùng.

- Vườn tượng

- Trung tâm bảo tồn, phát triển mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm văn hóa nghệ thuật

- Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng

- Bảo tàng mỹ thuật

II. Lĩnh vực thể dục thể thao:

- Cơ sở đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao (năng khiếu và thành tích cao)

- Khu liên hợp thể thao

- Bể bơi, câu lạc bộ bơi lội, câu lạc bộ thể thao dưới nước

- Nhà tập luyện thể thao

- Liên đoàn, hiệp hội thể thao

- Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp

- Đơn vị sản xuất dụng cụ TDTT

- Cơ sở lưu trú, ký túc xá của vận động viên thể thao

 

02

02

01

01


01

01

02

02

05

05

30


01

01


07

01

 

01


03

02


07

15

03

01

02

 

 

03

04

02

01


01

02

03

04

14

14

60


03

02


14

02

 

03


07

05


14

20

05

02

03

Tiêu chí về qui mô và tiêu chuẩn chất lượng căn cứ QĐ số 1466/QĐ- TTg ngày 11/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Đề án phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 09/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/01/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Nguyễn Xuân Huế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản