Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2013/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 10 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CÔNG QUẢN LÝ QUỸ XÃ HỘI, QUỸ TỪ THIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân công quản lý quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 12/2011/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về phân công quản lý quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Hội đồng quản lý, Giám đốc các quỹ xã hội, quỹ từ thiện căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khang

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CÔNG QUẢN LÝ QUỸ XÃ HỘI, QUỸ TỪ THIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về phân công quản lý đối với quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Quy định này áp dụng đối với các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của quỹ.

Điều 2. Tổ chức và hoạt động

Quỹ xã hội, quỹ từ thiện được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Điều 3. Thẩm quyền giải quyết các thủ tục về quỹ

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với:

a) Quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh;

b) Quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi là cấp huyện) cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong huyện, xã trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI QUỸ

Điều 4. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có trách nhiệm:

1. Phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất ý kiến bằng văn bản với Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quỹ thuộc lĩnh vực của sở, ngành quản lý. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Sở Nội vụ về các nội dung trên, sở, ngành có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với quỹ; giải quyết, trả lời bằng văn bản các đề nghị, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của quỹ theo quy định của pháp luật; xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm của quỹ theo quy định pháp luật.

3. Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao nhiệm vụ và

hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ nhà nước cho quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Hướng dẫn, tạo điều kiện để quỹ tham gia các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý của sở, ngành phù hợp với điều kiện, khả năng của quỹ và theo quy định của pháp luật.

4. Thông báo bằng văn bản với Sở Nội vụ khi có quyết định giao cho quỹ tham gia các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của sở, ngành và việc hỗ trợ kinh phí đối với quỹ do Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập.

5. Xem xét, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép quỹ hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý của sở, ngành được nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

6. Khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với quỹ liên quan đến lĩnh vực sở, ngành quản lý.

7. Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm, tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động của quỹ, công tác quản lý quỹ thuộc lĩnh vực sở, ngành phụ trách báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ).

Điều 5. Sở Nội vụ có trách nhiệm:

1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với quỹ hoạt động ở địa phương.

2. Thẩm định, lấy ý kiến bằng văn bản của sở, ngành quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà quỹ hoạt động; trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các thủ tục về quỹ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy định này;

3. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của quỹ; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quỹ hoạt động trong phạm vi tỉnh theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; phối hợp với các ngành hữu quan hướng dẫn về chính sách, pháp luật đối với quỹ.

4. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát hoạt động của quỹ theo quy định của pháp luật và điều lệ quỹ.

5. Hướng dẫn Phòng Nội vụ cấp huyện về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý quỹ.

6. Tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý quỹ ở địa phương (kể cả chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên tỉnh có trụ sở tại địa phương), định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 6. Sở Tài chính có trách nhiệm:

1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện quản lý nhà nước về tài chính đối với quỹ.

2. Hướng dẫn các quỹ trong việc thực hiện quản lý tài chính của quỹ; hướng dẫn, tham gia ý kiến bằng văn bản với các cơ quan có liên quan về quản lý tài chính của quỹ.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính của quỹ; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm về tài chính đối với các quỹ hoạt động trên địa bàn tỉnh.

4. Hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý tài chính đối với quỹ.

5. Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm, tổng hợp báo cáo tài chính của các quỹ hoạt động trên địa bàn tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 7. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

1. Thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quy định này.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về quỹ; giải quyết, trả lời bằng văn bản các đề nghị, kiến nghị của quỹ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quỹ theo quy định của pháp luật và thẩm quyền phân cấp.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao nhiệm vụ cho quỹ thực hiện và xem xét, hỗ trợ kinh phí cho quỹ để thực hiện nhiệm vụ được giao trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

4. Xem xét và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép quỹ có phạm vi hoạt động ở cấp huyện và cấp xã được nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước theo quy định của pháp luật.

5. Chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính - Kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của quỹ trong việc chấp hành pháp luật và thực hiện điều lệ quỹ, quản lý tài chính của quỹ; đề xuất biện pháp xử lý đối với các vi phạm của quỹ (nếu có).

6. Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm, tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động của quỹ, công tác quản lý quỹ trên địa bàn huyện, xã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ).

Điều 8. Phòng Nội vụ cấp huyện có trách nhiệm:

1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc theo dõi quản lý quỹ ở cấp huyện, cấp xã; giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của quỹ; phối hợp với các cơ quan liên quan tạo điều kiện giúp quỹ hoạt động có hiệu quả.

2. Lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về ngành, lĩnh vực mà quỹ hoạt động đối với quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện, cấp xã; trình Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết các thủ tục về quỹ thuộc thẩm quyền do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quy định này.

3. Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của quỹ theo thẩm quyền trong việc chấp hành pháp luật và thực hiện điều lệ quỹ; đề xuất biện pháp xử lý đối với các vi phạm của quỹ (nếu có).

4. Tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý quỹ ở cấp huyện, cấp xã trình Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ).

Điều 9. Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện có trách nhiệm:

1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện quản lý nhà nước về tài chính đối với quỹ hoạt động ở địa phương.

2. Hướng dẫn, giám sát các quỹ trong việc thực hiện quản lý tài chính của quỹ; giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề xuất xử lý các vi phạm về tài chính (nếu có) đối với các quỹ hoạt động ở địa phương.

3. Tổng hợp báo cáo tài chính của các quỹ hoạt động ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ký để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ), đồng thời gửi Sở Tài chính trước ngày 15 tháng 11 hàng năm.

Điều 10. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc quản lý nhà nước đối với quỹ hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý.

2. Phối hợp với Phòng Nội vụ đề xuất ý kiến bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quỹ thuộc lĩnh vực của mình quản lý đối với quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện, cấp xã.

3. Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao nhiệm vụ nhà nước cho quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện, cấp xã. Hướng dẫn, tạo điều kiện để quỹ tham gia các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý của mình phù hợp với điều kiện và khả năng của quỹ.

Điều 11. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

1. Giám sát về tổ chức và hoạt động của quỹ trên địa bàn cấp xã.

2. Có ý kiến bằng văn bản để Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét cấp phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ quỹ và giao nhiệm vụ của nhà nước cho quỹ có phạm vi hoạt động ở cấp xã.

3. Giải quyết, trả lời bằng văn bản các đề nghị, kiến nghị của quỹ theo quy định của pháp luật; đề xuất việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quỹ có phạm vi hoạt động ở cấp xã theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ đạo công chức Tài chính - Kế toán hướng dẫn, kiểm tra tình hình hoạt động và quản lý quỹ theo quy định của pháp luật.

5. Trước ngày 15 tháng 11 hàng năm, tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động của quỹ, công tác quản lý quỹ tại cơ sở báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm rà soát, kiểm tra để củng cố, chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của các quỹ đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho phép thành lập; Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) về tổ chức và hoạt động của các quỹ hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý.

1. Trường hợp các quỹ đang hoạt động có hiệu quả nhưng chưa đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành về thành lập quỹ thì hướng dẫn các quỹ làm lại thủ tục và tổ chức lại đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.

2. Trường hợp các quỹ không bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ hoặc không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động hoặc giải thể theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

Thủ trưởng các, sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và Hội đồng quản lý quỹ, Giám đốc của các quỹ hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm thi hành Quy định này./.