Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2012/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 16 tháng 5 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM NHỎ LẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ Quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 38/TTr-SNN&PTNT ngày 03/4/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phùng Quang Hùng

 

QUY ĐỊNH

VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM NHỎ LẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này được ban hành để quản lý môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng cho tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có quy mô công suất dưới 500 gia súc/ngày và 5.000 gia cầm/ngày.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Gia súc gồm: trâu, bò, lợn, ngựa, dê.

2. Gia cầm gồm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, chim cút.

3. Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: Là địa điểm cố định, được các cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm.

4. Chất thải: Là toàn bộ những vật chất được thải ra từ quá trình sản xuất, sinh hoạt, bao gồm chất thải rắn, lỏng và khí, cụ thể:

a) Chất thải rắn là: phân, lông, da, xương, sừng, móng, rác thải ta trong quá trình giết mổ;

b) Chất thải lỏng là: nước phân, nước tiểu, máu của gia súc, gia cầm; nước vệ sinh từ điểm giết mổ, từ các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm; dung dịch xử lý khu vực giết mổ;

c) Chất thải khí là: các loại khí thải phát sinh trong quá trình giết mổ như: NH3, H2S, CO2.

5. Quản lý chất thải là hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu huỷ, thải loại chất thải.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện

1. Tuân thủ các quy định của Luật bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm có trách nhiệm bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Thải các loại chất thải vào môi trường khi chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trong quá trình giết mổ.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định của Pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Cam kết bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường.

2. Nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường: thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ Quy định về đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.

Điều 7. Xử lý các loại chất thải đối với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm

1. Đối với chất thải lỏng: Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ phải xây dựng hệ thống thu gom và khu xử lý chất thải lỏng phù hợp với công suất giết mổ trước khi thải ra ngoài môi trường.

2. Đối với chất thải rắn:

a) Chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ phải có các biện pháp thường xuyên thu gom chất thải và xử lý theo quy định;

b) Các thùng đựng phế phụ phẩm phải có nắp đạy và được phân biệt theo chức năng sử dụng (màu sắc, ký hiệu), để không làm lây nhiễm chéo;

c) Có nơi xử lý gia súc, gia cầm chết, phủ tạng hoặc các phần của thân thịt có nghi ngờ mang mầm bệnh truyền nhiễm;

d) Trong trường hợp không có nơi xử lý chất thải rắn thì cơ sở phải ký hợp đồng với tổ chức được cấp phép hành nghề thu gom chất thải.

3. Đối với chất thải khí: Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ phải dùng các chất xử lý sinh học để khử mùi và không để phát tán ra môi trường.

4. Khi vận chuyển gia súc, gia cầm; sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hoặc chất thải rắn ra khỏi cơ sở giết mổ phải sử dụng phương tiện vận chuyển chuyên dụng, không để rò rỉ, rơi vãi, phát tán chất thải ra môi trường.

Điều 8. Nguồn tài chính bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ

1. Ngân sách chi sự nghiệp môi trường hàng năm.

2. Vốn của tổ chức, cá nhân để phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

3. Tiền bồi thường thiệt hại môi trường, phí bảo vệ môi trường và các nguồn thu khác theo quy định của Pháp luật.

4. Vốn vay ưu đãi và tài trợ từ quỹ bảo vệ môi trường; vốn vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác theo quy định của Pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy định này.

2. Chỉ đạo Chi cục Thú y kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và hướng dẫn xử lý chất thải đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

3. Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Khuyến khích phát triển phương thức giết mổ tập trung theo hướng bán công nghiệp hoặc công nghiệp, nhằm hạn chế phát sinh mới cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong các hộ gia đình.

4. Nghiên cứu, triển khai ứng dụng mô hình giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Điều 10. Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND huyện, thành, thị:

a) Tuyên truyền, phổ biến các văn bản Pháp luật quy định về bảo vệ môi trường; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật xử lý chất thải cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ;

b) Kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các điểm tiêu huỷ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm buộc phải tiêu huỷ;

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy định của Pháp luật.

2. Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các chủ trương, giải pháp về bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

3. Tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Điều 11. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến các văn bản Pháp luật về bảo vệ sức khoẻ cộng đồng; tập huấn, hướng dẫn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Điều 12. Công an tỉnh

1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

2. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm.

Điều 13. Sở Công thương

1. Chỉ trì, phối hợp với Sở, ngành liên quan quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

2. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm.

Điều 14. Các Sở, ban, ngành liên quan

Các Sở Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh & TH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, … căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thành, thị kiểm tra việc chấp hành các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và vệ sinh môi trường; tuyên truyền, phổ biến Pháp luật về kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý vi phạm theo quy định.

Điều 15. Uỷ ban nhân dân cấp huyện

1. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

2. Cấp giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ theo thẩm quyền.

3. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo các phòng, ban chức năng chuyên môn tổ chức quy hoạch, công bố quy hoạch địa điểm giết mổ tại địa phương; ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

4. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ở địa phương.

Điều 16. Uỷ ban nhân dân cấp xã

1. Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn, khu dân cư thuộc phạm vi quản lý của mình.

2. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ của hộ gia đình, cá nhân.

3. Giải quyết các tranh chấp về môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn theo quy định của Pháp luật.

Điều 17. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ

1. Chỉ được hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường từ các hoạt động của mình. Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường trong bản cam kết đã được cấp có thẩm quyền xác nhận.

3. Khắc phục ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại (nếu có) do hoạt động của mình gây ra.

4. Trong trường hợp gia súc, gia cầm bị bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm phải xử lý, tiêu huỷ phải thực hiện theo quy định của Pháp luật về Thú y và Luật bảo vệ môi trường.

5. Chấp hành chế độ kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường.

6. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động trong cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của mình.

7. Nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường theo quy định.

Điều 18. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, được xem xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

2. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của bản quy định này và các quy định của Pháp luật về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/2012/QĐ-UBND về Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 09/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/05/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Phùng Quang Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/05/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản