Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 09/2009/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 18 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÁC DỰ ÁN CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI TRONG VÙNG SẢN XUẤT HÀNG HOÁ TẬP TRUNG ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
Căn cứ Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 100/2008/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 719/2008/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 06 tháng 4 năm 2006 của liên Bộ: Bộ Tài Chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Thuỷ sản về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư; Thông tư liên tịch số 50/2007/TTLT - BTC - BNN&PTNT - BTS ngày 21 tháng 5 năm 2007 của liên Bộ: Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Thủy sản về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 30/2006/TTLT - BTC - BNN&PTNT-BTS;
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; Thông báo số 754-TB/TU ngày 14 tháng 6 năm 2009 về ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 12 tháng 6 năm 2009; Kết luận số 58-KL/TU ngày 18 tháng 6 năm 2009 Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (kỳ thứ 43);
Căn cứ Nghị quyết số 13/2009/NQ-HĐND ngày 23 tháng 7 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XVI, kỳ họp thứ 12 về cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung đến năm 2015;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 261/TTr-SKH ngày 02 tháng 7 năm 2009 về việc phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung đến năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung đến năm 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đỗ Văn Chiến

 

QUY ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÁC DỰ ÁN CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI TRONG VÙNG SẢN XUẤT HÀNG HOÁ TẬP TRUNG ĐẾN NĂM 2015
(Kèm theo Quyết định số 09/2009/QĐ -UBND, ngày 18/8/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh )

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh được sản xuất trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung, có thị trường tiêu thụ và được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc kế hoạch phát triển (danh mục cây trồng, vật nuôi tại Phụ lục I kèm theo Quy định này).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Là các hộ gia đình, nhóm hộ, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hợp tác xã, tổ hợp tác (sau đây gọi chung là các tổ chức, cá nhân) tổ chức sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, lợi thế phát triển tại vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

Điều 3. Điều kiện được hưởng chính sách

Các tổ chức, cá nhân sản xuất cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung được hưởng chính sách tại Quy định này phải có đủ các điều kiện sau:

1. Có dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung được Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã phê duyệt.

2. Có hồ sơ xin hỗ trợ được Trưởng thôn, xóm, bản, tổ nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận.

3. Quy mô dự án sản xuất hàng hoá tập trung cho từng cây trồng, vật nuôi theo danh mục tại Phụ lục II kèm theo Quy định này.

Điều 4. Những nội dung không nêu trong Quy định này được thực hiện theo các chính sách, pháp luật hiện hành của Nhà nước.

Chương II

CHÍNH SÁCH CỤ THỂ

Điều 5. Về quy hoạch

Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách địa phương hàng năm hỗ trợ kinh phí cho công tác lập quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.

Điều 6. Về đất đai

1. Khuyến khích người sản xuất dồn điền đổi thửa, thuê đất, chuyển nhượng đất, tích tụ ruộng đất theo quy định của Luật Đất đai để hình thành vùng sản xuất tập trung phù hợp với định hướng phát triển sản xuất của địa phương, quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Được ưu tiên trong giải quyết các thủ tục chuyển đổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

2. Các tổ chức, cá nhân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất được giao để sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

3. Các tổ chức, cá nhân xin thuê đất hoặc giao đất để sản xuất cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung được hưởng mức ưu đãi cao nhất về tiền sử dụng đất, giá thuê đất theo quy định hiện hành.

Điều 7. Hỗ trợ đầu tư

1. Về cây trồng: Hỗ trợ 60% giá trị giống, cụ thể cho từng loại cây trồng sau:

a) Cây lạc, đậu tương, rau: hỗ trợ một lần cho sản xuất vụ đầu. Mức hỗ trợ tối đa cho cây lạc 3.000.000 đồng/ha; cây đậu tương 800.000 đồng/ha; rau (khoai tây 6.500.000 đồng/ha, cà chua 3.000.000 đồng/ha, rau khác 1.000.000 đồng/ha).

b) Cây cam, bưởi, gấc: hỗ trợ một lần đối với trồng mới cho sản xuất vụ đầu. Mức hỗ trợ tối đa cho cây cam, bưởi là 3.500.000 đồng/ha, cây gấc là 1.000.000 đồng/ha.

2. Về vật nuôi: hỗ trợ một lần cho tổ chức, cá nhân chăn nuôi trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cụ thể:

a) Chăn nuôi lợn: hỗ trợ 20% giá trị giống lợn nái sinh sản hướng nạc. Mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/con.

b) Chăn nuôi trâu, bò:

- Hỗ trợ kinh phí giám định, bình tuyển chất lượng đàn trâu, bò đực; trâu, bò cái sinh sản phục vụ công tác cải tạo, nâng cao chất lượng đàn trâu, bò. Mức hỗ trợ 10.000 đồng/con.

- Hỗ trợ 20% giá trị trâu, bò đực giống mua từ ngoài vùng dự án (trâu đực giống đạt xếp cấp tổng hợp cấp I; bò đực giống đạt đặc cấp kỷ lục). Mức hỗ trợ tối đa 5.000.000 đồng/con.

3. Về nuôi trồng thuỷ sản:

a) Đối với nuôi thuỷ sản bằng lồng trên mặt nước lớn (sông, hồ thuỷ điện Tuyên Quang, hồ thuỷ lợi lớn trên 02 ha). Hỗ trợ một lần 30% giá trị về giống, mức hỗ trợ tối đa 300.000 đồng/lồng.

b) Đối với nuôi cá ruộng: hỗ trợ một lần 30% giá trị về giống cho sản xuất vụ đầu. Mức hỗ trợ tối đa 3.000.000 đồng/ha.

c) Đối với nuôi cá ở eo ngách trên hồ thuỷ điện Tuyên Quang (có diện tích mặt thoáng từ 03 ha trở lên): hỗ trợ một lần 30% giá trị về giống, mức hỗ trợ tối đa 3.000.000 đồng/ha mặt thoáng.

4. Về thiệt hại do sâu bệnh, dịch bệnh, thiên tai

Nhà nước hỗ trợ một lần cho tổ chức, cá nhân thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung bị thiệt hại do sâu bệnh, dịch bệnh, thiên tai (được cơ quan có thẩm quyền xác định thiệt hại), cụ thể như sau:

a) Đối với cây trồng

- Trường hợp cây trồng (lạc, đậu tương và rau theo dự án được duyệt) trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung bị thiên tai, sâu bệnh làm thiệt hại trên 50% diện tích và mức thiệt hại giảm trên 50% năng suất (so với năng suất bình quân cùng kỳ năm trước trên địa bàn tỉnh) thì được hỗ trợ giá trị giống cho diện tích bị thiệt hại như điểm a, khoản 1, Điều 7 của Quy định này.

- Trường hợp cây trồng (cam, bưởi, gấc) trong giai đoạn thu hoạch: đối với diện tích bị thiên tai, sâu bệnh làm thiệt hại trên 50% sản lượng (so với sản lượng thu hoạch cùng kỳ năm trước) thì được hỗ trợ 40% giá trị phân bón (đạm, lân, kali, vôi) và thuốc bảo vệ thực vật cho việc chăm sóc trong năm sản xuất tiếp theo, nhưng tối đa không quá các mức hỗ trợ sau:

+ Cây cam, bưởi 4.000.000 đồng/ha.

+ Cây gấc 2.500.000 đồng/ha.

Tổng mức hỗ trợ cho một dự án được phê duyệt tối đa không quá 10.000.000 đồng.

b) Đối với vật nuôi

Trường hợp vùng chăn nuôi gia súc hàng hoá tập trung bị dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (có công bố dịch) phải tiêu huỷ bắt buộc, thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

c) Đối với thuỷ sản

Trường hợp vùng nuôi thuỷ sản hàng hoá tập trung bị thiên tai, dịch bệnh không cho thu hoạch thì được hỗ trợ giá trị về giống, như hỗ trợ tại khoản 3, Điều 7 của Quy định này.

Điều 8. Về khuyến nông

Kinh phí tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất vận dụng theo mức hỗ trợ quy định tại Thông tư liên tịch số 30/2006/TTLT - BTC -BNN&PTNT - BTS ngày 06/4/2006 của liên Bộ: Tài chính - Nông nghiệp và PTNT - Thuỷ sản; Thông tư liên tịch số 50/2007/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 21/5/2007 của liên Bộ: Tài Chính - Nông nghiệp và PTNT - Thuỷ sản về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 06/4/2006 về việc hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.

Số lượng người tập huấn được tính để hỗ trợ kinh phí:

- Đối với dự án trồng trọt: Tối đa 10 người/ha;

- Đối với dự án chăn nuôi: 100% số chủ dự án và chủ hộ thực hiện dự án.

Điều 9. Về tín dụng

Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên địa bàn tỉnh được vay vốn tín dụng đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư theo quy định tại Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước và Nghị định 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006.

Điều 10. Hỗ trợ xúc tiến thương mại

1. Hỗ trợ một lần 30% kinh phí xây dựng thương hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm (khi sản phẩm được công nhận). Mức hỗ trợ tối đa 50.000.000 đồng.

2. Hỗ trợ Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã 70% chi phí thuê gian hàng khi tham gia Hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm của vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn. Mức hỗ trợ tối đa 4.000.000 đồng/lần/năm đối với Hội chợ cấp tỉnh tổ chức, 10.000.000 đồng/lần/năm đối với Hội chợ ngoài tỉnh và quốc tế.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Thẩm định dự toán, quản lý, thanh quyết toán vốn

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trên cơ sở các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung của tổ chức, cá nhân trên địa bàn, tổng hợp, lập dự toán, quyết toán kinh phí gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, tổng hợp dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện cơ chế, chính sách đối với cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

3. Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt để kiểm soát, quản lý, cấp phát, thanh toán kinh phí thực hiện cơ chế, chính sách đối với cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung đúng đối tượng, định mức, chế độ chi tiêu và quy định hiện hành của Nhà nước và của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4. Các tổ chức, cá nhân làm chủ dự án được phê duyệt tại khoản 1, Điều 3 của Quy định này chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án đúng mục đích, có hiệu quả và quyết toán kinh phí thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 12. Trách nhiệm của các cấp, các ngành

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định quy hoạch, kế hoạch sản xuất vùng sản xuất hàng hoá tập trung của UBND huyện, thị xã, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hướng dẫn các thủ tục lập hồ sơ xin hỗ trợ cho người sản xuất, nghiên cứu, khảo sát, tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và ứng dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định của Luật Đất đai; các quy định về bảo vệ môi trường; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã

a) Quy hoạch vùng sản xuất cây trồng dài ngày cam, bưởi, gấc; vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên địa bàn; lập kế hoạch sản xuất cây trồng ngắn ngày lạc, đậu tương, rau gửi các ngành chức năng thẩm định.

b) Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Uỷ ban nhân dân cấp xã, các tổ chức, cá nhân sản xuất cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn thực hiện cơ chế, chính sách này.

c) Thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư sản xuất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để làm cơ sở vay vốn và thực hiện các chính sách hỗ trợ.

5. Uỷ ban nhân dân cấp xã

a) Kiểm tra, xác nhận thủ tục liên quan đến dự án sản xuất cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên địa bàn theo quy định hiện hành và Quy định này.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung của dự án trên địa bàn quản lý.

Điều 13. Trách nhiệm của cán bộ khuyến nông cấp xã và các tổ chức, cá nhân làm chủ dự án:

a) Cán bộ khuyến nông xã ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung có trách nhiệm hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật.

b) Các tổ chức, cá nhân làm chủ dự án chịu trách nhiệm lập dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành của nhà nước và Quy định này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành chức năng liên quan, UBND huyện, thị xã tổ chức thực hiện và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng cơ chế, chính sách tại Quy định này.

Điều 15. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC VÀ QUY MÔ CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI TRONG VÙNG SẢN XUẤT HÀNG HOÁ TẬP TRUNG

TT

Loại cây trồng, vật nuôi

ĐVT

Quy mô vùng

Điều kiện khác

A

Cây trồng

 

 

 

1

Cây lạc

ha

>50

 

2

Cây đậu tương

ha

>50

 

3

Cây cam

ha

>20

 

4

Cây bưởi

ha

> 20

 

5

Cây gấc

ha

>50

 

6

Rau

ha

>20

 

B

Vật nuôi

 

 

 

1

Giống lợn nái sinh sản hướng nạc

con

>300

Khu sản xuất tập trung phải xa khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường

2

Trâu, bò cái sinh sản

con

>300

C

Thuỷ sản

 

 

 

1

Cá lồng

lồng

>30

Lồng có thể tích hữu ích từ 9m3 trở lên

2

Cá ruộng

ha

>3

 

3

Cá eo ngách lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang

ha/eo ngách

>3

 

 

PHỤ LỤC II

QUY MÔ DỰ ÁN CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI TRONG VÙNG SẢN XUẤT HÀNG HOÁ TẬP TRUNG

TT

Loại cây trồng, vật nuôi

ĐVT

Quy mô của dự án trong vùng sản xuất hàng hóa TT

Điều kiện khác

A

Cây trồng

 

 

 

1

Cây lạc

ha

>10

Nhóm hộ

2

Cây đậu tương

ha

>10

3

Cây cam

ha

>5

Hộ, cá nhân thuộc dự án có từ 0,5 ha trở lên

4

Cây bưởi

ha

> 5

5

Cây gấc

ha

>20

Nhóm hộ

6

Rau

ha

>5

B

Vật nuôi

 

 

 

1

Giống lợn nái sinh sản hướng nạc

con

100 đến 300

Hộ, cá nhân thuộc dự án có từ 20 con trở lên

2

Trâu, bò cái sinh sản

con

100 đến 300

- Hộ, cá nhân thuộc dự án có từ 10 con trở lên

- Chỉ hỗ trợ trâu, bò đực giống theo tỷ lệ đực/cái và quy mô dự án

C

Thuỷ sản

 

 

 

1

Cá lồng

lồng

30 đến 100

Hộ, cá nhân vùng sản xuất hàng hóa tập trung có từ 3 lồng cá trở lên

2

Cá ruộng

ha

3 đến 20

Có từ 0,5 ha trở lên liền khoảnh

3

Cá eo ngách

ha/eo ngách

3 đến 10

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng sản xuất hàng hoá tập trung đến năm 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 09/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/08/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Đỗ Văn Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/08/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản