Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 09/2008/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ SẮP XẾP DOANH NGHIỆP TẠI CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC, CÔNG TY MẸ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;
Căn cứ Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước;
Căn cứ công văn số 1120/TTg-ĐMDN ngày 17/08/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư khi cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, công ty mẹ.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 76/2003/QĐ-BTC ngày 28/05/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW và các ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
 thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, Cục Thuế các tỉnh thành phố trực thuộc TW;
- Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Công báo;
- Lưu: VT, TCDN (10).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ SẮP XẾP DOANH NGHIỆP TẠI CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC, CÔNG TY MẸ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I . NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng Quy chế:

Quy chế này quy định việc quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý chung:

1. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ thành lập bộ máy quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, tổ chức quản lý, điều hành Quỹ thực hiện cấp phát đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định tại Quy chế này.

2. Các khoản thu, chi của Quỹ quy định tại quy chế này, phải được phản ánh, hạch toán kế toán đầy đủ và quản lý chi chặt chẽ theo chế độ quy định.

Các khoản thu từ cổ phần hoá, bán doanh nghiệp đã sử dụng để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư tại doanh nghiệp thành viên, công ty con được xác định là các khoản thu, chi của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo và quyết toán với cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

3. Các khoản thu chậm nộp về Quỹ phải phạt chậm nộp; các khoản chi sai mục đích, đối tượng phải bồi hoàn.

Điều 3. Một số quy ước:

1. Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước là “Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương”.

2. Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ hoạt động trong mô hình công ty mẹ - công ty con sau đây gọi tắt là “Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp”.

3. Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần sau đây gọi tắt là “Nghị định số 109/2007/NĐ-CP”.

4. Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước sau đây gọi tắt là “Nghị định 110/2007/NĐ-CP”.

II. NGUỒN THU CỦA QUỸ

Điều 4. Nguồn thu của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp

1. Nguồn thu từ cổ phần hoá doanh nghiệp thành viên, công ty con, đơn vị phụ thuộc Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ quy định tại Điều 45 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP.

2. Nguồn thu từ bán, giải thể, phá sản đối với các doanh nghiệp thành viên, công ty con, đơn vị phụ thuộc Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ theo quy định của Chính phủ.

3. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

4. Khoản thu khác (nếu có).

Điều 5. Thời hạn nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp

Chậm nhất 30 ngày sau khi hoàn tất việc thu tiền từ bán tài sản, bán doanh nghiệp, bán cổ phần theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu và Ban thanh lý doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp bị giải thể, phá sản) có trách nhiệm nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu sau khi trừ các khoản chi theo quy định hiện hành về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp. Sau thời hạn nêu trên, nếu phát sinh số tiền chậm nộp về Quỹ, phải chịu nộp lãi theo lãi suất tiền vay ngắn hạn do Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm chậm nộp. Trường hợp do nguyên nhân khách quan dẫn đến chậm nộp tiền, đơn vị phải báo cáo giải trình và được cơ quan quyết định sắp xếp chuyển đổi doanh nghiệp xác nhận về thời gian chậm nộp.

III. CÁC NỘI DUNG CHI CỦA QUỸ

Điều 6. Nội dung chi của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp bao gồm:

1. Hỗ trợ các nông, lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp thành viên, công ty con, đơn vị phụ thuộc giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư do sắp xếp chuyển đổi doanh nghiệp, gồm:

1.1. Giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư theo quy định tại Bộ luật Lao động và các Nghị định số 109/2007/NĐ-CP và Nghị định số 110/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

1.2. Hỗ trợ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có giá trị tài sản thấp hơn nợ phải trả khi thực hiện giao, bán, giải thể, phá sản để thanh toán chi phí chuyển đổi và nợ bảo hiểm xã hội của người lao động.

2. Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động dôi dư có nguyện vọng học nghề theo quy định tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 110/2007/NĐ-CP.

3. Điều chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Bổ sung vốn điều lệ cho các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

5. Đầu tư cho các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

IV. QUẢN LÝ CHI CỦA QUỸ

A. ĐỐI VỚI CHI HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN SẮP XẾP, CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ CHO LAO ĐỘNG DÔI DƯ.

Điều 7. Đối tượng được hỗ trợ:

1. Người lao động dôi dư tại các nông, lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ thực hiện các hình thức sắp xếp, chuyển đổi theo quy định của pháp luật.

2. Các chức danh thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban Kiểm soát ở các doanh nghiệp, các nông, lâm trường thực hiện sắp xếp, chuyển đổi theo quy định tại Nghị định số 110/2007/NĐ-CP.

Điều 8. Nguyên tắc hỗ trợ kinh phí của Quỹ:

1. Khi thực hiện cổ phần hoá, bán doanh nghiệp phải dùng toàn bộ tiền thu từ cổ phần hoá, tiền bán doanh nghiệp sau khi trừ chi phí cổ phần hoá, chi phí bán doanh nghiệp và sử dụng Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm trích lập theo quy định để giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư theo quy định tại Nghị định số 110/2007/NĐ-CP và Bộ luật Lao động theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phần kinh phí còn thiếu được Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Quy chế này.

2. Khi thực hiện giao, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu, doanh nghiệp và các nông, lâm trường thực hiện sắp xếp lại phải sử dụng toàn bộ nguồn quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm trích lập theo quy định để giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư theo Nghị định số 110/2007/NĐ-CP và Bộ luật lao động. Phần còn thiếu sẽ được Quỹ hỗ sắp xếp doanh nghiệp hỗ trợ theo quy định tại quy chế này.

Điều 9. Trách nhiệm của doanh nghiệp được hỗ trợ:

Các doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của số liệu tính toán khi xác định chế độ chi trả cho người lao động. Có trách nhiệm trích lập và sử dụng Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm theo quy định, quyết toán đầy đủ nguồn thu từ cổ phần hoá, bán doanh nghiệp để chi trả trợ cấp cho người lao động dôi dư theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ giải quyết lao động dôi dư bao gồm:

1. Văn bản đề nghị Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí giải quyết chế độ lao động dôi dư của doanh nghiệp.

2. Phương án sắp xếp lại lao động (kèm theo danh sách lao động thường xuyên tại thời điểm quyết định sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, danh sách người lao động được hưởng trợ cấp và được đào tạo lại) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Các tài liệu để xác định mức trợ cấp, bao gồm:

3.1. Các biểu xác định mức trợ cấp cho lao động dôi dư theo hướng dẫn tại Thông tư số 18/2007/TT-BLĐTBXH ngày 10/09/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 110/2007/NĐ-CP được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3.2. Các biểu xác định mức trợ cấp cho lao động nghỉ việc, thôi việc theo Bộ luật lao động và theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3.3. Các biểu xác định mức trợ cấp cho người lao động nghỉ việc của 3 chức danh theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

4. Báo cáo giải trình về trích lập và sử dụng Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp trong 03 năm từ thời điểm sắp xếp lại doanh nghiệp trở về trước.

5. Quyết định phê duyệt phương án sắp xếp, chuyển đổi sở hữu của cơ quan có thẩm quyền.

6. Báo cáo quyết toán tài chính 03 năm liên tục trước thời điểm có quyết định sắp xếp lại doanh nghiệp.

7. Đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, bán doanh nghiệp thì hồ sơ phải bổ sung thêm:

7.1. Báo cáo quyết toán chi phí cổ phần hoá, bán doanh nghiệp; quyết toán số tiền thu từ cổ phần hoá, bán doanh nghiệp.

7.2. Bản giải trình về sử dụng nguồn thu cổ phần hoá, bán doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền xác nhận.

8. Đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước thực hiện giải thể, phá sản hồ sơ gồm:

8.1. Văn bản đề nghị cấp kinh phí lao động dôi dư của doanh nghiệp có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

8.2. Quyết định giải thể, thông báo mở thủ tục tuyên bố phá sản của cấp có thẩm quyền.

8.3. Dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giải quyết lao động dôi dư.

Điều 11. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ:

1. Doanh nghiệp có trách nhiệm lập đầy đủ hồ sơ quy định tại Điều 10 Quy chế này, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trước khi gửi Hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp phải niêm yết công khai danh sách lao động dôi dư và dự toán kinh phí chi trả chế độ đối với người lao động dôi dư trong thời gian 03 ngày làm việc để người lao động kiểm tra, đối chiếu.

3. Thời hạn gửi hồ sơ về Quỹ.

3.1. Đối với các doanh nghiệp thực hiện các hình thức giao, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, giải thể, phá sản, sáp nhập, hợp nhất, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu: thời hạn gửi hồ sơ không quá 90 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, chuyển đổi.

3.2. Đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, bán có tiền thu từ cổ phần hóa, bán doanh nghiệp không đủ giải quyết kinh phí lao động dôi dư: Thời hạn gửi hồ sơ về Quỹ không quá 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

4. Trường hợp công ty đã hoàn tất việc chuyển đổi, đã đăng ký kinh doanh theo pháp nhân mới nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí giải quyết lao động dôi dư thì công ty mới có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về tên và số hiệu tài khoản mới của công ty đến cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

5. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra, ra quyết định xuất quỹ và thực hiện cấp kinh phí cho các doanh nghiệp theo phương án được duyệt. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo các yêu cầu theo quy định hoặc có sai sót về số liệu tính toán thì cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp phải kịp thời thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để hoàn chỉnh.

Điều 12. Tổ chức chi trả

Sau khi nhận được kinh phí từ Quỹ, doanh nghiệp có trách nhiệm:

1. Niêm yết công khai tại công ty mức kinh phí được hưởng của từng người lao động.

2. Tổ chức chi trả trợ cấp cho người lao động dôi dư trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí.

3. Việc chi trả phải đúng đối tượng, đúng số tiền và theo danh sách đã được phê duyệt; phải lập phiếu chi theo quy định hiện hành; lập bảng kê người lao động nhận trợ cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 quy chế này. Người lao động, người đại diện được uỷ quyền hoặc người quản lý di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự ký nhận tiền trợ cấp vào phiếu chi và bảng kê.

Điều 13. Báo cáo quyết toán kinh phí

1. Đối với khoản kinh phí cấp cho doanh nghiệp thành viên, công ty con thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong mô hình Công ty mẹ - công ty con:

1.1. Trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí đơn vị được cấp kinh phí phải lập Báo cáo quyết toán kinh phí, bao gồm :

a) Bảng kê người lao động nhận trợ cấp (Phụ lục số 1, Quy chế này).

b) Báo cáo sử dụng kinh phí cấp từ Quỹ (Phụ lục số 2, Quy chế này).

c) Báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp lao động theo quy định tại Thông tư số 18/2007/TT-BLĐTBXH.

1.2. Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí, doanh nghiệp được cấp kinh phí phải nộp Báo cáo quyết toán đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho cơ quan quản lý Quỹ (bản chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của số liệu báo cáo quyết toán.

1.3. Kinh phí sau khi chi trả cho người lao động còn thừa, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả về Quỹ cùng với việc lập và gửi báo cáo quyết toán nêu trên.

2. Đối với khoản kinh phí cấp cho cơ quan bảo hiểm xã hội: Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được kinh phí, cơ quan bảo hiểm xã hội phải lập báo cáo sử dụng kinh phí (theo Phụ lục số 3 quy chế này) gửi cho cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

Điều 14. Nguồn kinh phí hỗ trợ để giải quyết chế độ lao động dôi dư:

1. Trường hợp Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ không đủ nguồn để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên, công ty con, đơn vị trực thuộc thực hiện các hình thức sắp xếp, chuyển đổi giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư; các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Công ty mẹ phải lập hồ sơ gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều hoà kinh phí từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ.

2. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí bao gồm:

2.1. Công văn đề nghị của Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ.

2.2. Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

2.3. Dự toán kinh phí đề nghị giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi các doanh nghiệp thành viên, công ty con, đơn vị phụ thuộc theo quy định tại Nghị định số 110/2007/NĐ-CP và Bộ luật Lao động.

2.4. Ý kiến xác nhận của Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ thuộc phạm vi quản lý.

B. CẤP KINH PHÍ CHO CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN SẮP XẾP, CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU.

Điều 15. Lập và thẩm định Hồ sơ cấp kinh phí

1. Các cơ sở đào tạo nghề cho người lao động dôi dư lập hồ sơ, dự toán kinh phí đào tạo và gửi văn bản đề nghị thanh toán kinh phí đào tạo (Phụ lục số 4, Quy chế này), kèm theo các Phiếu học nghề miễn phí (bản gốc) và bản sao các quyết định nghỉ việc của người lao động dôi dư học nghề tại cơ sở đào tạo đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính nơi cơ sở dạy nghề đóng trụ sở thẩm định.

Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác trong hồ sơ đề nghị thanh toán kinh phí đào tạo.

2. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thẩm định về số lao động dôi dư thực tế đào tạo tại cơ sở dạy nghề, thời gian đào tạo nghề (tối đa không quá 6 tháng).

3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định về mức chi đào tạo thực tế phát sinh: Mức chi phí đào tạo một người/ tháng tối đa không quá mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ tại thời điểm thẩm định.

Điều 16. Thủ tục xuất Quỹ

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do cơ sở dạy nghề gửi, cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp ra quyết định cấp kinh phí gửi cơ sở dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính nơi cơ sở dạy nghề đóng trụ sở, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trường hợp hồ sơ không đảm bảo các yêu cầu theo quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp thông báo bằng văn bản cho cơ sở dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính biết để hoàn chỉnh.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, sau khi có quyết định xuất Quỹ, cơ quan quản lý Quỹ thực hiện cấp kinh phí cho cơ sở dạy nghề.

C. BỔ SUNG VỐN ĐIỀU LỆ CỦA CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC, CÔNG TY MẸ THEO QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ;

Điều 17. Nguyên tắc bổ sung vốn điều lệ:

Việc sử dụng nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để bổ sung vốn điều lệ của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ chỉ được thực hiện sau khi đã đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, công ty con thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu giải quyết chính sách lao động dôi dư, thanh toán chi phí chuyển đổi và nợ bảo hiểm xã hội của người lao động và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Điều 18. Trình tự, thủ tục bổ sung vốn điều lệ:

1. Căn cứ vào nhu cầu và quy mô phát triển sản xuất kinh doanh, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và Công ty mẹ xây dựng phương án bổ sung vốn điều lệ và gửi về Bộ Tài chính để thẩm định và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trình tự, thủ tục xây dựng và phê duyệt bổ sung vốn điều lệ của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20/10/2005 của Chính phủ và Nghị định số 86/2006/NĐ-CP ngày 21/08/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20/10/2005 về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.

2. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ tiến hành điều chuyển nguồn vốn hạch toán tăng vốn chủ sở hữu và giảm nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tương ứng.

3. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ có trách nhiệm sử dụng vốn điều lệ đúng mục đích, có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn.

D. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THEO QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.

Điều 19. Nguyên tắc và trình tự, thủ tục đầu tư phát triển doanh nghiệp:

1. Hàng năm các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ cân đối nguồn thu và nhu cầu chi hỗ trợ các nông, lâm trường, các doanh nghiệp thành viên, công ty con thực hiện sắp xếp, chuyển đổi xử lý lao động dôi dư và thanh toán chi phí chuyển đổi và nợ bảo hiểm xã hội của người lao động, dự kiến nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp được dùng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Căn cứ vào kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ tiến hành triển khai các dự án đầu tư theo quy định hiện hành.

3. Trình tự, thủ tục cấp phát, thanh quyết toán các dự án đầu tư thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

V. ĐIỀU HOÀ QUỸ

Điều 20. Nguyên tắc điều hoà.

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều hoà nguồn của các Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ có số dư lớn về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương để đảm bảo mục tiêu đầu tư các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Việc điều hoà Quỹ phải đảm bảo:

2.1. Không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch sắp xếp chuyển đổi doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ.

2.2. Đảm bảo vốn theo tiến độ triển khai của các dự án quan trọng và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 21. Trình tự, thủ tục.

1. Bộ Tài chính căn cứ vào báo cáo số dư Quỹ hàng năm và nhu cầu sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ; Kế hoạch đầu tư tài chính của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển tiền từ các Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương.

2. Căn cứ vào quyết định điều hoà quỹ của Thủ tướng Chính phủ, trong phạm vi 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ có trách nhiệm làm thủ tục để chuyển tiền từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tập đoàn hoặc Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ về tài khoản của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương.

VI. KẾ TOÁN QUỸ VÀ BÁO CÁO QUYẾT TOÁN

Điều 22. Kế toán Quỹ:

Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ có trách nhiệm mở sổ sách kế toán, hạch toán và ghi chép rõ ràng, đầy đủ bảo đảm cập nhật kịp thời các khoản thu, chi phát sinh và tổ chức việc lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo đúng chế độ quy định.

Điều 23. Báo cáo Quỹ:

Kết thúc năm tài chính, trong phạm vi 45 ngày, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ phải gửi báo cáo quyết toán Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp về Bộ Tài chính. Báo cáo quyết toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp phải phản ánh đầy đủ, trung thực số liệu về tình hình thu chi; tình hình công nợ phải thu, phải trả và những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp kèm theo xác nhận số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Ngân hàng thương mại nơi Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp mở tài khoản.

Trên cơ sở báo cáo tình hình quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hoá tại các doanh nghiệp, quyết toán tài chính của các Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 24. Công tác lưu trữ hồ sơ, chứng từ:

Các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ sở dạy nghề nhận kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp có trách nhiệm lưu trữ sổ sách, chứng từ, tài liệu có liên quan đến việc sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và của các cơ quan có liên quan.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:

1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

2. Kiểm tra, tổng hợp báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, tình hình quản lý và sử dụng các Quỹ hỗ trợ săp xếp doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung vốn điều lệ của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

4. Thực hiện một số công việc khác theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến quản lý Quỹ.

5. Thanh tra các nguồn thu, chi của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo kế hoạch thanh tra được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

6. Hướng dẫn hạch toán các khoản thu, chi của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

Điều 26. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

1. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào quyết định phê duyệt phương án sắp xếp tổng thể công ty nhà nước theo Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 03 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thực hiện phê duyệt kế hoạch sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước độc lập, các doanh nghiệp thành viên, công ty con, đơn vị phụ thuộc của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ.

2. Phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí giải quyết chế độ cho lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo Nghị định 110/2007/NĐ-CP.

Điều 27. Trách nhiệm của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ và các doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí tại Quỹ.

1. Thực hiện việc quản lý thu, chi của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP, Nghị định số 110/NĐ-CP và Quy chế này.

2. Đôn đốc doanh nghiệp thành viên, công ty con thực hiện chuyển đổi sở hữu nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp kịp thời, đầy đủ.

3. Kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hoá và việc chấp hành chính sách chế độ giải quyết lao động dôi dư đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ. Theo dõi, kiểm tra việc chi trả trợ cấp, quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp của các đơn vị thuộc trách nhiệm chi trả.

4. Chịu sự kiểm tra, giám sát, điều hoà của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

5. Định kỳ (quý, năm) tổng hợp báo cáo tình hình thu, chi Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Xây dựng kế hoạch thu, chi hàng năm của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp chung báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Xây dựng kế hoạch bổ sung vốn điều lệ báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

8. Báo cáo kế hoạch thực hiện cổ phần hoá các công ty thành viên, công ty con và toàn bộ Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ.

9. Thực hiện chế độ báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

10. Thực hiện đúng các quy định tại Quy chế này bao gồm: Lập hồ sơ, tổ chức chi trả kinh phí cho người lao động dôi dư, lập báo cáo quyết toán sử dụng kinh phí; Lưu trữ sổ sách chứng từ đầy đủ theo quy định; Chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.

Điều 28. Trách nhiệm của người lao động được tái tuyển dụng và đơn vị tái tuyển dụng:

Người lao động dôi dư theo quy định tại Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 110/2007/NĐ-CP đã nhận trợ cấp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp nếu được tái tuyển dụng lại vào Công ty nhà nước, Nông, lâm trường đã cho thôi việc hoặc công ty, cơ quan khác thuộc khu vực nhà nước hoặc được Nông, lâm trường giao đất, giao rừng thì phải nộp hoàn trả toàn bộ hoặc một phần số tiền trợ cấp đã được nhận theo quy định.

Đơn vị tái tuyển dụng lao động có trách nhiệm thu hồi số tiền trợ cấp mà người lao động hoàn trả và nộp về tài khoản của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ ngay sau khi ký hợp đồng lao động; Đồng thời, thông báo bằng văn bản cho Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ.

Đơn vị tái tuyển dụng và người lao động được tái tuyển dụng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm trái quy định tại Điều này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỜNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

 

PHỤ LỤC SỐ 01:

Ban hành kèm theo Quyết định số /2008/QĐ-BTC ngày /01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ.

 

Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

Tên công ty:

BẢNG KÊ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐÃ NHẬN TRỢ CẤP
Từ ngày... tháng ... năm 200.. đến ngày ..tháng... năm 200...

Đơn vị tính: đồng

STT

Họ và tên

Tháng năm sinh

Đối tượng 03 chức danh nghỉ hưu trước tuổi

Đối tượng 03 chức danh bị thôi việc

Lao động nghỉ hưu trước tuổi

Lao động hợp đồng không xác định thời hạn

Lao động hợp đồng đủ 12 đến 36 tháng bị mất việc

Lao động nông lâm trường

Tổng số tiền trợ cấp đã nhận

Đã nhận phiếu học nghề miễn phí

Ký tên

 

 

Nam

Nữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú :          Cột 5, 6, 7, 8, 9, 10: người lao động thuộc đối tượng cột nào thì đánh dấu x vào cột đó.

Cột 10 : đối tượng lao động của nông lâm trường chấm dứt quan hệ LĐ theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động

 

..., ngày...tháng...năm 200...

THẨM ĐỊNH CỦA CƠ QUAN PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP LAO ĐỘNG

...,ngày...tháng...năm 200...

Ý KIẾN CỦA TỔNG CÔNG TY
(đối với đơn vị thuộc tổng công ty)

...,ngày... tháng...năm 200..

GIÁM ĐỐC CÔNG TY
(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

 

PHỤ LỤC SỐ 02:

Ban hành kèm theo Quyết định số /2008/QĐ-BTC ngày /01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ.

Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Tên công ty

BÁO CÁO SỬ DỤNG KINH PHÍ ĐƯỢC CẤP TỪ QUỸ
Từ ngày... tháng ... năm 200.. đến ngày ..tháng... năm 200..

TT

Nội dung hỗ trợ từ Quỹ

Số lao động nhận trợ cấp (người)

Kinh phí đã nhận từ Quỹ(đồng)

Thực tế chi trả (đồng)

Chênh lệch (đồng)

Lý do

1

Phần kinh phí thuộc trách nhiệm của Quỹ

 

 

 

 

 

1.1

Kinh phí để chi trả cho người lao động nghỉ hưu trước tuổi :

Trong đó đối tượng nghỉ theo Nghị quyết 09/2003/NQQ-CP

 

 

 

 

 

1.2

Kinh phí để chi trả cho người lao động thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn bị mất việc:

Trong đó đối tượng nghỉ theo Nghị quyết 09/2003/NQ-CP

 

 

 

 

 

1.3

Kinh phí để chi trả trợ cấp cho người lao động thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 bị mất việc

 

 

 

 

 

2

Hỗ trợ phần kinh phí còn thiếu thuộc trách nhiệm chi trả trợ cấp của công ty

Bao gồm cả kinh phí hỗ trợ người LĐ của nông lâm trường chấm dứt quan hệ LĐ theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động (nếu có)

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

..., ngày... tháng... năm 200...

THẨM ĐỊNH CỦA CƠ QUAN PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP LAO ĐỘNG

..., ngày... tháng... năm 200...

Ý KIẾN CỦA TỔNG CÔNG TY
(đối với đơn vị thuộc tổng công ty)

..., ngày... tháng... năm 200...

GIÁM ĐỐC CÔNG TY
(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

 

PHỤ LỤC SỐ 03:

Ban hành kèm theo Quyết định số /2008/QĐ-BTC ngày /01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ.

 

Tên cơ quan BHXH
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số:...

...., ngày... tháng... năm...

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ SỬ DỤNG KINH PHÍ TỪ QUỸ  HỖ TRỢ SẮP XẾP DOANH NGHIỆP

Bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố... thông báo kết quả sử dụng kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để giải quyết chế độ cho người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa là 06 tháng như sau:

1. Số kinh phí đã nhận từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp:... đồng

2. Thời điểm nhận tiền: ngày...tháng...năm 200...

3. Theo Quyết định số... của Bộ trưởng Bộ Tài chính

4. Đã sử dụng để giải quyết chế độ cho ...người lao động dôi dư theo đúng danh sách người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa là 06 tháng trong hồ sơ của doanh nghiệp ...

5. Các giải trình khác (nếu có).

 

GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH/THÀNH PHỐ...

(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

 

PHỤ LỤC SỐ 04:

Ban hành kèm theo Quyết định số /2008/QĐ-BTC ngày /1/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ.

 

Tên cơ sở dạy nghề
Số tài khoản:
Ngân hàng:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:...

...., ngày... tháng... năm...

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ THANH TOÁN KINH PHÍ ĐÀO TẠO

Kính gửi: Quỹ Hỗ sắp xếp doanh nghiệp Tập đoàn (Tổng công ty)....

Cơ sở dạy nghề ... đề nghị Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp thanh toán kinh phí đào tạo lại nghề miễn phí cho người lao động dôi dư tại các công ty sắp xếp lại theo quy định hiện hành của Nhà nước, cụ thể như sau:

STT

Họ tên học viên

Công ty

Nghề đào tạo lại

Thời gian đào tạo

Giá đào tạo/ 1 tháng

Thành tiền

1

2

3

4

5

6

7=5 x 6

1

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CỦA SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XH

GIÁM ĐỐC CƠ SỞ DẠY NGHỀ
(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

 

Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CỦA SỞ TÀI CHÍNH

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/2008/QĐ-BTC về quy chế quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 09/2008/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/01/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 115 đến số 116
  • Ngày hiệu lực: 06/03/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 10/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản