Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 09/2001/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN “QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRUNG TÂM PHÒNG CHỐNG BỆNH XÃ HỘI THUỘC SỞ Y TẾ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 01/1998/NĐ - CP ngày 03/01/1998 của Chính phủ về hệ thống tổ chức y tế địa phương và Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT - BYT - BTCCBCP ngày 27/6/1998 của liên Bộ Y tế - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 01/1998/NĐ - CP;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng, Vụ trưởng Vụ Điều trị - Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành, các quy định trước đây trái với quy định trong Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các Ông, bà: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng, Vụ trưởng Vụ Điều trị - Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Đỗ Nguyên Phương

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRUNG TÂM PHÒNG CHỐNG BỆNH XÃ HỘI THUỘC SỞ Y TẾ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 09/2001/QĐ-BYT ngày 03 tháng 01 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG:

Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) là đơn vị sự nghiệp y tế, có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế và tổ chức thực hiện công tác phòng chống bệnh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội là đơn vị có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

II. NHIỆM VỤ:

1. Căn cứ vào kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế của tỉnh, chỉ đạo của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch dài hạn phòng chống bệnh xã hội, trình Giám đốc Sở Y tế và triển khai thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt.

2. Chỉ đạo công tác điều tra phát hiện, quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng cho bệnh nhân lao, tâm thần, mắt và da liễu; chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình y tế thuộc lĩnh vực phụ trách, thực hiện lồng ghép các chương trình tại cơ sở để đạt hiệu quả.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để thực hiện công tác Truyền thông - Giáo dục phòng chống bệnh xã hội tại cộng đồng.

4. Tổ chức và tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của Trung tâm, cán bộ tuyến huyện, xã và các cán bộ khác.

5. Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học về phòng chống bệnh xã hội, kỹ thuật phát hiện, điều trị và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh xã hội theo chủ trương hướng về cộng đồng.

6. Tổ chức thực hiện và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và các chương trình như: Tài chính, thuốc, vật tư, hoá chất..., thanh quyết toán kịp thời và đúng quy định của Pháp luật.

7. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Y tế giao.

III. TỔ CHỨC BỘ MÁY:

1. Tổ chức:

1.1.Ban Giám đốc: Giám đốc và 02 đến 03 Phó Giám đốc giúp việc.

1.2. Các Phòng nghiệp vụ:

- Phòng Kế hoạch - Tài chính - Kế toán.

- Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị.

1.3. Các Khoa chuyên môn:

- Khoa Lao.

- Khoa Tâm thần.

- Khoa Da liễu.

- Khoa Mắt.

- Khoa Cận lâm sàng.

2. Biên chế:

Do Giám đốc Sở Y tế quyết định trong tổng biên chế của ngành được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao theo các quy định hiện hành.

3. Nhiệm vụ của từng Khoa, Phòng:

3.1. Phòng Kế hoạch - Tài chính - Kế toán:

- Xây dựng kế hoạch tổng hợp dài hạn và ngắn hạn (năm, quý, tháng) của Trung tâm, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện các kế hoạch đó.

- Dự trù kế hoạch mua sắm vật tư, thuốc, hoá chất...

- Quản lý việc cấp phát kinh phí, vật tư  theo kế hoạch đã được duyệt, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và chịu trách nhiệm thanh quyết toán theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ tại Trung tâm và tuyến dưới.

- Tổng hợp các mặt hoạt động của Trung tâm, thu thập thông tin và phân tích số liệu do các đơn vị gửi đến, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, chịu trách nhiệm về các số liệu đã báo cáo.

3.2. Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị:

- Quản lý và tham mưu cho Giám đốc Trung tâm về công tác tổ chức cán bộ, thực hiện các chế độ chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật liên quan đến công tác phòng chống bệnh xã hội.

- Thực hiện các công việc hành chính của Trung tâm.

- Mua sắm vật tư, trang thiết bị... theo kế hoạch đã được phê duyệt và theo các quy định hiện hành để phục vụ cho các hoạt động của Trung tâm.

- Quản lý vật tư, tài sản, điều động phương tiện theo kế hoạch của Giám đốc Trung tâm.

- Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị theo kế hoạch hàng năm.

3.3. Khoa Lao:

- Tham mưu cho Giám đốc Trung tâm về việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống lao trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, thực hiện công tác phòng bệnh, khám phát hiện bệnh, điều trị và quản lý theo dõi bệnh nhân lao (kể cả bệnh nhân lao có nhiễm HIV/AIDS) tại cộng đồng.

- Tổ chức điều tra, giám sát, quản lý tình hình mắc lao trong cộng đồng theo kế hoạch của Trung tâm, thu thập và phân tích số liệu, lên biểu đồ phản ánh tình hình mắc lao của tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các cơ quan chức năng

trên địa bàn tỉnh để xây dựng mạng lưới phòng chống và quản lý theo dõi bệnh lao.

- Tham gia tuyên truyền phòng và chống bệnh lao tại cộng đồng.

- Tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác phòng chống bệnh lao.

3.4. Khoa Tâm thần:

- Tham mưu cho Giám đốc Trung tâm về việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, thực hiện công tác phòng bệnh, khám phát hiện bệnh, điều trị và quản lý theo dõi bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.

- Tổ chức điều tra, giám sát, quản lý tình hình mắc bệnh tâm thần tại cộng đồng, thu thập, phân tích số liệu, lên biểu đồ phản ánh tình hình mắc bệnh tâm thần của tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh để xây dựng mạng lưới phòng chống và quản lý theo dõi bệnh  tâm thần.

- Tham gia tuyên truyền phòng và chống bệnh tâm thần tại cộng đồng.

- Tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác phòng chống bệnh tâm thần.

3.5. Khoa Da liễu:

Tham mưu cho Giám đốc Trung tâm về việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh da liễu (bao gồm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các nhiễm trùng lây qua đường tình dục, bệnh phong và bệnh da) trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, thực hiện công tác phòng bệnh, khám phát hiện bệnh, điều trị và quản lý theo dõi bệnh nhân da liễu (kể cả bệnh nhân da liễu có nhiễm HIV/AIDS) tại cộng đồng.

- Tổ chức điều tra, giám sát, quản lý tình hình mắc bệnh da liễu trong cộng đồng, thu thập và phân tích số liệu, lên biểu đồ phản ánh tình hình mắc bệnh da liễu của tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh để xây dựng mạng lưới phòng chống và quản lý theo dõi bệnh da liễu.

- Tham gia tuyên truyền phòng và chống bệnh da liễu tại cộng đồng.

- Tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

- Lập kế hoạch điều tra và chống tàn phế cho bệnh nhân phong, giúp họ hoà nhập với cộng đồng, xã hội.

- Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác phòng chống bệnh da liễu.

3.6. Khoa Mắt:

- Tham mưu cho Giám đốc Trung tâm về việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống các bệnh về mắt trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo, thực hiện công tác phòng bệnh, khám phát hiện, điều trị và quản lý theo dõi các bệnh về mắt tại cộng đồng.

- Tổ chức điều tra, giám sát tình hình mắc các bệnh về mắt trong cộng đồng, thu thập, phân tích số liệu, lên biểu đồ phản ánh tình hình mắc các bệnh về mắt của tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh để xây dựng mạng lưới phòng chống và quản lý theo dõi các bệnh về mắt.

- Tham gia tuyên truyền phòng và chống các bệnh về mắt tại cộng đồng.

- Tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác phòng chống các bệnh về mắt.

3.7. Khoa Cận lâm sàng:

- Tham mưu cho Giám đốc Trung tâm về việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch xét nghiệm cận lâm sàng đối với bệnh xã hội.

- Thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu phục vụ cho công tác phòng chống bệnh xã hội. Tuỳ theo nhu cầu và điều kiện có thể lập các labo kỹ thuật riêng biệt cho từng lĩnh vực.

- Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, tiếp nhận và triển khai các kỹ thuật cận lâm sàng mới phục vụ cho công tác chẩn đoán bệnh.

- Tham gia đào tạo cho cán bộ chuyên khoa và các đối tượng khác.

- Thực hiện dịch vụ cận lâm sàng trong lĩnh vực bệnh xã hội theo quy định hiện hành.

- Thống nhất áp dụng thường quy kỹ thuật cận lâm sàng đã được Bộ Y tế ban hành, phổ biến kỹ thuật cho các tuyến, kiểm tra đánh giá việc thực hiện theo thường quy kỹ thuật đã được thống nhất.

- Thực hiện công tác thống kê, báo cáo theo quy định.

Căn cứ vào số lượng biên chế và nhu cầu thực tế của địa phương, Giám đốc Trung tâm có thể bố trí các tổ trong Khoa, Phòng để phát huy hiệu quả công tác.

IV. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG:

1. Từ ngân sách sự nghiệp y tế.

2. Từ ngân sách các chương trình y tế.

3. Các nguồn kinh phí khác.

V. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC:

1. Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Y tế.

2. Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội chịu sự quản lý và chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế (Vụ Y tế dự phòng, Vụ Điều trị và các Viện, Bệnh viện đầu ngành trực thuộc Bộ: Viện Lao và Bệnh phổi, Viện Da liễu, Viện Mắt, Bệnh viện Tâm thần).

3. Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội có mối quan hệ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh.

4. Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực Phòng chống bệnh xã hội tại cộng đồng đối với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế (các đơn vị y tế tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện) và Trạm y tế xã./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/2001/QĐ-BYT Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 09/2001/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/01/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đỗ Nguyên Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 07/10/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản