Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 0865/2004/QĐ-BTM

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 0865/2004/QĐ-BTM NGÀY 29 THÁNG 06 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ MẪU S CỦA VIỆT NAM CHO HÀNG HOÁ ĐỂ HƯỞNG CÁC ƯU ĐÃI THUẾ QUAN THEO HIỆP ĐỊNH VỀ HỢP TÁC KINH TẾ, VĂN HOÁ, KHOA HỌC KỸ THUẬT GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, ký ngày 16 tháng 01 năm 2004, tại Vientiane;
Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá Mẫu S của Việt Nam cho hàng hoá được hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào có hiệu lực từ ngày 16 tháng 01 năm 2004.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Thủ trưởng các cơ quan liên quan thuộc Bộ Thương mại chịu trách nhiệm thi hành và hướng dẫn thi hành Quyết định này.

 

 

Mai Văn Dâu

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HOÁ MẪU S CỦA VIỆT NAM ĐỂ HƯỞNG CÁC ƯU ĐÃI THEO HIỆP ĐỊNH VỀ HỢP TÁC KINH TẾ, VĂN HOÁ, KHOA HỌC KỸ THUẬT GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 0865/2004/QĐ-BTM, ngày 29 tháng 06 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)

I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1: Định nghĩa

- Giấy chứng nhận hàng hoá Mẫu S của Việt Nam (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận Mẫu S) là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (viết tắt là C/O) do cơ quan có thẩm quyền được Bộ Thương mại uỷ quyền cấp cho hàng hoá Việt Nam để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đã ký tại Vientiane ngày 16/01/2004 (sau đây gọi tắt là Hiệp định Việt - Lào).

Điều 2: Hàng hoá được cấp Giấy chứng nhận Mẫu S

Hàng hoá được cấp Giấy chứng nhận Mẫu S là các hàng hoá đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về xuất xứ quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế này.

II. THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN MẪU S:

Điều 3: Số lượng một bộ Giấy chứng nhận mẫu S

Bộ giấy chứng nhận Mẫu S được cấp bao gồm một (01) bản chính và ba (03) bản sao.

Điều 4: Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S bao gồm:

1. Giấy chứng nhận Mẫu S (theo mẫu chung do Bộ Thương mại ban hành) đã được khai hoàn chỉnh (theo Điều 1 của Phụ lục 3);

2. Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá (trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra) phải phù hợp với các quy chế về xuất xứ quy định tại Phụ lục số 1 trong quy chế này và do tổ chức giám định hàng hoá cấp (quy định trong Phụ lục 4);

3. Tờ khai Hải quan đã hoàn thành thủ tục Hải quan;

4. Hoá đơn thương mại;

5. Vận đơn.

Trong trường hợp chưa có Tờ khai Hải quan đã hoàn thành thủ tục Hải quan (nhưng phải có Tờ khai Hải quan đã có chữ ký của cán bộ Hải quan tiếp nhận hồ sơ) và Vận đơn hoặc Biên lai nhận hàng, ngưòi xin cấp Giấy chứng nhận mẫu S có thể được nợ các chứng từ này nhưng phải có văn bản gửi cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cam kết sẽ nộp các chứng từ này sau. Thời gian được nợ các chứng từ này tối đa là 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận mẫu S.

Ba loại giấy (số 3; 4; 5) là bản sao có chữ ký và đóng dấu xác nhận sao y bản chính của thủ trưởng đơn vị (nếu là tổ chức) hoặc có chữ ký và đóng dấu của cơ quan công chứng (nếu là cá nhân) đồng thời mang theo bản chính để đối chiếu.

Điều 5: Trách nhiệm của người xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S

Người xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các chi tiết được khai trong Giấy chứng nhận Mẫu S.

Điều 6: Kiểm tra xuất xứ hàng hoá được cấp Giấy chứng nhận mẫu S

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có thể:

a. Yêu cầu người xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S cung cấp thêm các tài liệu cần thiết để xác định chính xác xuất xứ hàng hoá theo các tiêu chuẩn của Hiệp định Việt - Lào;

b. Tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất;

c. Kiểm tra lại các trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận Mẫu S

Điều 7: Thời hạn cấp Giấy chứng nhận mẫu S

Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận Mẫu S trong các thời hạn sau, kể từ khi nhận được hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S đầy đủ và hợp lệ:

- 2 giờ làm việc đối với các trường hợp thông thường;

- 4 giờ làm việc đối với các trường hợp được quy định tại Khoản a Điều 6;

- Trong trường hợp được quy định tại Khoản b Điều 6, thời hạn có thể chậm hơn nhưng không quá bảy (7) ngày làm việc.

Điều 8: Giấy chứng nhận mẫu S cấp sau

Trong những trường hợp quy định tại Điều 18, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cấp Giấy chứng nhận Mẫu S cho hàng hoá đã được giao trong thời hạn không quá 1 năm kể từ ngày giao hàng. Giấy chứng nhận Mẫu S được cấp trong trường hợp này phải ghi rõ "cấp sau và có hiệu lực từ khi giao hàng" bằng tiếng Anh: "Issued retroactively" vào Giấy chứng nhận Mẫu S.

Điều 9: Cấp lại Giấy chứng nhận mẫu S

Trong trường hợp Giấy chứng nhận Mẫu S bị mất cắp, thất lạc hoặc hư hỏng, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có thể cấp lại bản sao chính thức Giấy chứng nhận Mẫu S và bản sao thứ ba trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được đơn xin cấp lại có kèm theo bản sao thứ tư (Quadruplicate) của lần cấp đầu tiên, có ghi vào ô số 12 dòng chữ "bản sao chứng thực" bằng tiếng Anh: " Certified true copy".

Điều 10: Từ chối cấp và từ chối cấp lại Giấy chứng nhận mẫu S

Trong các trường hàng hoá không đủ tiêu chuẩn hoặc không xác định được chính xác xuất xứ theo các tiêu chuẩn của Hiệp định Việt - Lào, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có quyền từ chối cấp giấy chứng nhận Mẫu S và phải thông báo rõ lý do cho người xin cấp biết trong thời hạn được quy định tại Điều 8. Trong trường hợp hồ sơ xin cấp lại không có bản sao thứ tư của lần cấp đầu tiên, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có quyền từ chối cấp lại giấy chứng nhận Mẫu S và phải thông báo rõ lý do cho người xin cấp lại biết trong thời hạn được quy định tại Điều 10.

Điều 11: Những vấn đề khác

Những vấn đề chưa được đề cập trong các điều từ Điều 4 đến Điều 11 sẽ được giải quyết theo các quy định tại Phụ lục số 2.

III. TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN MẪU S:

Điều 12: Người ký Giấy chứng nhận mẫu S

Chỉ có những người được Bộ trưởng Bộ Thương mại uỷ quyền và đã đăng ký chữ ký mới có quyền ký Giấy chứng nhận Mẫu S.

Điều 13: Cơ quan cấp Giấy chứng nhận mẫu S

Việc cấp Giấy chứng nhận Mẫu S do các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Lạng Sơn, Quảng Ninh và các cơ quan thẩm quyền được Bộ Thương mại uỷ quyền thực hiện và danh sách này có thể được Bộ Thương mại bổ sung bằng các văn bản tương ứng.

Các doanh nghiệp có quyền lựa chọn nơi xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu S trong số các cơ quan được cấp Giấy chứng nhận mẫu S để phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh.

Điều 14: Trách nhiệm của cơ quan cấp Giấy chứng nhận mẫu S

Cơ quan cấp Giấy chứng nhận Mẫu S có trách nhiệm:

- Hướng dẫn thủ tục xin cấp giấy chứng nhận Mẫu S;

- Kiểm tra hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận Mẫu S;

- Duyệt ký và cấp giấy chứng nhận Mẫu S;

- Lưu trữ hồ sơ cấp giấy chứng nhận Mẫu S;

- Theo dõi, kiểm tra việc sử dụng giấy chứng nhận Mẫu S;

- Báo cáo những vấn đề liên quan đến việc cấp và sử dụng giấy chứng nhận Mẫu S.

IV. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15: Cơ quan giải quyết khiếu nại

Trong trường hợp bị từ chối cấp hoặc quá thời hạn được quy định tại Điều 8 và Điều 10 mà chưa được cấp hoặc cấp lại Giấy chứng nhận Mẫu S, người xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Thương mại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận Mẫu S hoặc ngày cuối cùng của thời hạn cấp theo Điều 8. Bộ trưởng Bộ Thương mại có trách nhiệm giải quyết trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại là quyết định cuối cùng.

Điều 16: Giấy chứng nhận Mẫu S cấp sau

Trong trường hợp vì sai sót của cán bộ cấp Giấy chứng nhận Mẫu S hoặc vì các trường hợp bất khả kháng của người xin cấp Giấy chứng nhận Mẫu S, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cấp Giấy chứng nhận Mẫu S sau khi giao hàng theo các quy định tại Điều 9.

Điều 17: Thu hồi Giấy chứng nhận Mẫu S

Sau khi cấp Giấy chứng nhận Mẫu S, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có trách nhiệm cùng với các cơ quan hữu quan khác tiếp tục kiểm tra, giám sát việc sử dụng Giấy chứng nhận Mẫu S của người được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu S. Trong trường hợp có đủ lý do để xác định có hành vi vi phạm quy chế cấp và sử dụng Giấy chứng nhận Mẫu S, cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có quyền thu hồi Giấy chứng nhận Mẫu S đã cấp.

Điều 18: Cơ quan đầu mối giải quyết khiếu nại

Vụ Xuất nhập khẩu là cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại giải quyết khiếu nại của nước ngoài và/hoặc trong nước. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có liên quan đến việc khiếu nại này chịu trách nhiệm giải trình trước Vụ Xuất nhập khẩu và/hoặc trước Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Điều 19: Xử phạt hành vi vi phạm

Mọi hành vi gian dối trong quá trình cấp và sử dụng Giấy chứng nhận Mẫu S, tuỳ theo mức độ, sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật.


PHỤ LỤC 1

QUY TẮC XUẤT XỨ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ THEO HIỆP ĐỊNH VIỆT - LÀO

Để xác định xuất xứ của hàng hoá được hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định về Hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (sau đây được gọi là "Hiệp định Việt - Lào"), các quy tắc sau đây sẽ được áp dụng:

QUY TẮC 1: CÁC ĐỊNH NGHĨA

Chỉ nhằm mục đích trong Phụ lục này:

(a) "một Bên" nghĩa là các bên riêng rẽ của Hiệp định, có nghĩa là nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào hoặc nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(b) "nguyên vật liệu" sẽ bao gồm các nguyên vật liệu cấu thành, linh kiện, cụm lắp ráp và/hoặc hàng hoá vật chất được đưa vào trong hàng hoá khác hoặc theo một công đoạn trong quá trình sản xuất hàng hoá khác.

(c) "các sản phẩm có xuất xứ" là các sản phẩm có xuất xứ phù hợp với các quy định trong Quy tắc 2.

(d) "sản xuất" là các phương thức để có được hàng hoá bao gồm việc nuôi trồng, khai thác mỏ, thu hoạch, chăn nuôi, sinh sản, chiết xuất, thu gom, thu lượm, săn bắt, đánh bắt, bẫy, săn bắn, chế tạo, sản xuất, gia công chế biến hoặc lắp ráp một hàng hoá.

(e) "Các quy tắc cụ thể về sản phẩm" là các quy tắc quy định rằng nguyên vật liệu đã có sự thay đổi về phân loại thuế quan hoặc quá trình chế tạo hoặc chế biến nhất định, hoặc thoả mãn một tiêu chuẩn theo giá hàng hoặc kết hợp bất kỳ tiêu chuẩn nào trong số các tiêu chuẩn này.

QUY TẮC 2: TIÊU CHUẨN XUẤT XỨ

Theo Hiệp định này, các mặt hàng được một Bên nhập khẩu sẽ được xem là có xuất xứ và được hưởng các nhân nhượng có tính ưu đãi nếu các mặt hàng này phù hợp với các yêu cầu về xuất xứ theo bất kỳ quy định nào dưới đây:

(a) Các mặt hàng hoàn toàn có được hoặc được sản xuất theo như quy định và định nghĩa trong Quy tắc 3; hoặc

(b) Các mặt hàng không hoàn toàn có được hoặc sản xuất được miễn là các mặt hàng này phù hợp các quy định của Quy tắc 4, Quy tắc 5 hoặc Quy tắc 6.

QUY TẮC 3: CÁC SẢN PHẨM THUẦN TUÝ

Trong phạm vi nghĩa của Quy tắc 2(a), các sản phẩm sau sẽ được xem là hoàn toàn được sản xuất hoặc có được của một Bên:

(a) Cây trồng [1] và các sản phẩm từ cây trồng được thu hoạch, hái hoặc thu lượm ở nước đó;

(b) Động vật sống [2] được sinh ra và nuôi dưỡng ở đó;

(c) Các sản phẩm [3] từ động vật sống được đề cập đến ở đoạn (b) ở trên;

(d) Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, thu lượm hoặc săn bắt ở đó;

(e) Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, không được liệt kê trong các đoạn (a) tới (d), được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của nước đó;

(f) Các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài hải phận của Bên đó; với điều kiện là Bên đó có quyền khai thác vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển đó theo luật quốc tế;

(g) Các sản phẩm đánh bắt ở biển và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển khơi bằng tàu được đăng ký với một bên hoặc được phép treo cờ của bên đó;

(h) Các sản phẩm được chế biến và/hoặc được sản xuất ngay trên tàu được đăng ký với một Bên hoặc được phép treo cờ của Bên đó, loại trừ các sản phẩm được đề cập đến trong đoạn (g) ở trên;

(i) Các vật phẩm được thu thập ở nước đó hiện không còn thực hiện được những chức năng ban đầu và cũng không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên vật liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế [4]; và

(j) Các hàng hoá có được hoặc sản xuất được ở một nước chỉ từ các sản phẩm được đề cập đến trong các đoạn từ (a) đến (i) nói trên.

QUY TẮC 4: CÁC SẢN PHẨM KHÔNG THUẦN TUÝ

(a) Trong phạm vi của quy tắc 2(b), một mặt hàng sẽ được xem là có xuất xứ nếu:

(i) Không dưới 40% của hàm lượng sản phẩm có xuất xứ từ bất kỳ một Bên nào; hoặc

(ii) Nếu tổng giá trị của các nguyên vật liệu, một phần hoặc cả sản phẩm có xuất xứ từ bên ngoài lãnh thổ của một bên không vượt quá 60% giá trị của sản phẩm tính theo giá FOB được sản xuất hoặc có được với điều kiện là quy trình cuối cùng trong quá trình sản xuất được thực hiện trong phạm vi của lãnh thổ của Bên đó.

(b) Trong phạm vi của Hiệp định này, các tiêu chuẩn xuất xứ được nêu trong Quy tắc 4(a) (ii) sẽ được đề cập đến như là "hàm lượng Việt - Lào". Công thức 40% hàm lượng Việt - Lào được tính toán như sau:

Giá trị của các nguyên vật liệu không thuộc Việt - Lào

+

Giá trị của các linh kiện có xuất xứ không xác định được

*100% = < 60%

Giá FOB

Do đó, hàm lượng Việt - Lào = 100% - các nguyên vật liệu không thuộc Việt Nam và Lào

= ít nhất 40%

 

(c) Giá trị của các nguyên vật liệu không có xuất xứ sẽ là:

(i) Giá trị tính theo giá CIF vào thời điểm nhập khẩu các nguyên vật liệu; hoặc

(ii) Giá xác định ban đầu của các nguyên vật liệu không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ của Bên diễn ra quy trình sản xuất hay chế biến.

QUY TẮC 5: QUY TẮC XUẤT XỨ CỘNG GỘP

Trừ khi có quy định khác, các sản phẩm phù hợp với các yêu cầu về xuất xứ được quy định trong Quy tắc 2 và được sử dụng trong phạm vi lãnh thổ của một Bên như là nguyên vật liệu cho một thành phẩm được hưởng ưu đãi theo Hiệp định sẽ được xem là các mặt hàng có xuất xứ từ lãnh thổ của Bên diễn ra quá trình sản xuất hoặc chế biến của thành phẩm, với điều kiện là tổng hàm lượng Việt - Lào (có nghĩa là cộng gộp toàn bộ, được áp dụng đối với tất cả các Bên) của thành phẩm đó sẽ không thấp hơn 40%.

QUY TẮC 6: TIÊU CHÍ CỤ THỂ VỀ MẶT HÀNG

Các mặt hàng đó qua biến đổi đáng kể tại một Bên sẽ được coi là hàng hóa xuất xứ từ Bên đó. Các mặt hàng đáp ứng các Quy tắc cụ thể về mặt hàng (sẽ được thoả thuận sau) và được coi là hàng hoá đó qua biến đổi đáng kể tại một Bên.

QUY TẮC 7: THAO TÁC VÀ CHẾ BIẾN TỐI THIỂU

Thao tác hay chế biến, chỉ bản thân chúng hay liên hợp với nhau nhằm các mục đích được liệt kê dưới đây, được coi là tối thiểu và sẽ không được tính đến trong việc xác định hàng hóa được sản xuất thuần tuý tại một nước hay không:

a) Bảo quản hàng hóa trong điều kiện tốt nhằm mục đích vận chuyển hay lưu kho;

b) Hỗ trợ gửi hàng hay vận chuyển;

c) Đóng gói 5 hoặc trưng bày hàng hóa để bán.

QUY TẮC 8: VẬN CHUYỂN HÀNG TRỰC TIẾP

Nếu mặt hàng được vận chuyển trực tiếp giữa Việt Nam với Lào thì được coi là vận chuyển trực tiếp từ Bên xuất khẩu đến Bên nhập khẩu. Ngoài ra các trường hợp dưới đây cũng được coi là vận chuyển trực tiếp nếu các hàng hoá liên quan đến vận chuyển quá cảnh qua một hoặc nhiều nước hoặc nhiều nước trung gian (không phải là Việt Nam hoặc Lào) có hoặc không có chuyển tải hay lưu kho tạm thời tại các nước đó, miễn là:

(i) Việc quá cảnh phải được biện minh bởi lý do địa lý hoặc xem xét liên quan đến các yêu cầu vận tải

(ii) Mặt hàng không được đưa vào thương mại hoặc tiêu thụ tại đó; và

(iii) Mặt hàng không qua bất cứ một khâu xử lý nào tại đó ngoại trừ việc bốc dỡ và chất lại hoặc bất kỳ yêu cầu xử lý nào để lưu giữ hàng hoá trong điều kiện tốt.

QUY TẮC 9: QUY CHẾ ĐÓNG GÓI

(a) Nếu vì mục đích tính thuế hải quan, một Bên sẽ xử lý riêng rẽ các mặt hàng với bao bì, nước nhập khẩu hàng hóa từ Bên khác có thể xác định xuất xứ của quy trình đóng gói bao bì riêng rẽ.

(b) Nếu phần (a) kể trên không được áp dụng, việc đóng gói sẽ được coi là một phần làm nên toàn bộ sản phẩm đó và không có một phần đóng gói nào vì yêu cầu vận chuyển hoặc lưu kho sẽ được coi là được nhập khẩu từ Bên ngoài lãnh thổ Việt - Lào khi xác định xuất xứ hàng hóa một cách tổng thể.

QUY TẮC 10: PHỤ KIỆN, LINH KIỆN VÀ PHỤ TÙNG

Xuất xứ của các phụ kiện, linh kiện và phụ tùng và tài liệu hướng dẫn hoặc thông tin nguyên liệu khác được kèm theo hàng hóa sẽ bị loại trừ trong việc xác định xuất xứ hàng hóa, miễn là các phụ kiện, linh kiện, phụ tùng và các tài liệu thông tin được phân loại và thu thuế nhập khẩu cùng với hàng hóa bởi nước nhập khẩu.

QUY TẮC 11: CÁC YẾU TỔ TRUNG GIAN

Nếu như không có quy định khác, nhằm mục đích xác định xuất xứ hàng hóa, xuất xứ của năng lượng và nhiên liệu, nhà máy và thiết bị, hoặc máy móc và phụ tùng được sử dụng để có được hàng hóa, hoặc các tài liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất mà không có trong hàng hóa hoặc hình thành một phần của hàng hóa, sẽ không được tính đến.

QUY TẮC 12: GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ

Việc chấp thuận sản phẩm được hưởng ưu đãi sẽ được thể hiện bằng Giấy chứng nhận xuất xứ do một cơ quan có thẩm quyền cấp được ủy quyền của Chính phủ của Bên xuất khẩu và thông báo tới các Bên khác trong Hiệp định phù hợp với các thủ tục chứng nhận, được quy định tại Phụ lục 2.

QUY TẮC 13: RÀ SOÁT VÀ SỬA ĐỔI

Các quy tắc này sẽ được rà soát và sửa đổi khi có yêu cầu của một trong hai Bên và mọi sửa đổi bổ sung sẽ có hiệu lực khi được sự đồng ý của Bộ Thương mại hai Bên.


PHỤ LỤC 2

THỦ TỤC HƯỚNG DẪN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ CHO HÀNG HOÁ THEO HIỆP ĐỊNH VIỆT - LÀO

Để thực thi các quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá theo Hiệp định Việt - Lào, các thủ tục hướng dẫn cấp và kiểm tra Giấy chứng nhận xuất xứ (Mẫu S) và các thủ tục hành Chính có liên quan khác được quy định như sau:

I. CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN

QUY TẮC 1

Các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ Bên xuất khẩu sẽ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.

QUY TẮC 2

(a) Một Bên sẽ thông báo cho tất cả các Bên khác tên và địa chỉ của các cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của nước mình và sẽ cung cấp mẫu chữ ký và mẫu con dấu Chính thức của cơ quan có thẩm quyền nói trên thuộc Chính phủ của nước mình.

(b) Các thông tin về mẫu chữ ký và con dấu nói trên phải được gửi đến các Bên tham gia Hiệp định. Bất cứ thay đổi tên, địa chỉ hoặc con dấu chính thức cũng sẽ được thông báo ngay lập tức theo cách thức nói trên.

QUY TẮC 3

Để kiểm tra các điều kiện được hưởng đối xử ưu đãi, các cơ quan có thẩm quyền được Chính phủ ủy quyền cấp C/O có quyền yêu cầu xuất trình các bằng chứng hỗ trợ bằng văn bản hoặc tiến hành bất kỳ kiểm tra nào khi cần thiết. Nếu các quyền này không được quy định trong các luật và quy định quốc gia hiện hành, các quyền này phải được nêu thành một điều khoản trong đơn xin cấp C/O được đề cập trong các quy tắc 4 và 5 sau đây.

II. HỒ SƠ XIN CẤP C/O

QUY TẮC 4

Nhà xuất khẩu và/hoặc nhà sản xuất của các mặt hàng đủ điều kiện để hưởng đối xử ưu đãi sẽ nộp đơn yêu cầu cho các cơ quan Chính phủ có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra xuất xứ của hàng hóa trước khi xuất khẩu. Kết quả những đợt kiểm tra tiến hành định kỳ hoặc tiến hành khi cần thiết sẽ được chấp nhận sau khi có bằng chứng hỗ trợ để xác định xuất xứ của các hàng hóa được xuất khẩu sau đó. Việc kiểm tra trước có thể không áp dụng với những mặt hàng căn cứ theo bản chất của hàng hóa đó có thể dễ dàng xác định được xuất xứ và những sản phẩm thuần tuý nêu tại Quy tắc 3 của Phụ lục 1 của Quyết định này.

QUY TẮC 5

Tại thời điểm tiến hành các thủ tục xuất khẩu các mặt hàng thuộc diện được hưởng ưu đãi, nhà xuất khẩu hoặc đại diện được ủy quyền của nhà xuất khẩu sẽ xuất trình đơn xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ kèm theo các tài liệu hỗ trợ phù hợp để chứng minh rằng các mặt hàng xuất khẩu đó đáp ứng các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.

III. KIỂM TRA C/O TRƯỚC KHI XUẤT KHẨU

QUY TẮC 6

Các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ được ủy quyền cấp C/O phải tận dụng hết các kỹ năng và khả năng của mình để tiến hành kiểm tra các đơn xin cấp C/O để đảm bảo rằng:

(a) Đơn xin cấp và C/O được hoàn thành kịp thời và được người có thẩm quyền ký;

(b) Xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định của Quy tắc xuất xứ ban hành kèm theo Quyết định này;

(c) Các lời khai khác trong C/O phù hợp với các bằng chứng bằng văn bản hỗ trợ;

(d) Mô tả hàng hóa, số lượng và trọng lượng của hàng hóa, ký hiệu và số kiện hàng hóa, số lượng và loại hàng hóa như quy định phù hợp với các mặt hàng xuất khẩu.

IV. CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ

QUY TẮC 7

(a) Giấy chứng nhận xuất xứ phải là giấy khổ A4 theo tiêu chuẩn ISO phù hợp với mẫu trong Phần C đính kèm. Giấy chứng nhận xuất xứ phải được viết bằng tiếng Anh.

(b) Giấy chứng nhận xuất xứ bao gồm một bản gốc và ba (3) bản sao giấy than với những màu sau đây (như mẫu C/O form D của ASEAN):

Bản gốc (original) - Tím nhạt

Bản thứ 2 (duplicate): Vàng cam

Bản thứ 3 (triplicate): Vàng cam

Bản thứ 4 (quadruplicate):Vàng cam

(c) Mỗi Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ ghi một số tham chiếu riêng do địa điểm nơi đặt Cơ quan cấp C/O cấp.

(d) Người xuất khẩu sẽ chuyển bản gốc (original) và bản thứ 3 (triplicate) cho người nhập khẩu để người nhập khẩu nộp cho Cơ quan hải quan tại cảng hoặc nơi nhập khẩu. Bản thứ 2 (duplicate) sẽ được Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ của Bênxuất khẩu lưu. Bản thứ 4 (quadruplicate) sẽ do người xuất khẩu lưu. Sau khi hàng hóa được nhập khẩu, bản thứ 3 (triplicate) sẽ được đánh dấu hợp lệ ở ô số 4 và sẽ được trao trả lại cho Cơ quan cấp C/O trong một thời hạn hợp lý.

QUY TẮC 8

Để thực hiện các quy định trong Quy tắc 4 và 5 của Quy tắc xuất xứ, Giấy chứng nhận xuất xứ do Bên xuất khẩu cuối cùng xuất trình sẽ tuân thủ các quy tắc có liên quan và tỷ lệ phần trăm tương xứng về hàm lượng Việt - Lào quy định trong ô số 8.

QUY TẮC 9

Không được phép gạch xóa hoặc viết thêm vào Giấy chứng nhận xuất xứ. Bất kỳ việc sửa đổi C/O nào sẽ được thực hiện bằng cách gạch đi những chỗ sai và thêm vào những chỗ cần thiết. Việc sửa đổi này phải do chính người khai C/O thực hiện và được cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ thích hợp chứng nhận. Những khoảng trống không dùng đến phải được gạch chéo để ngăn chặn việc có thêm những sửa đổi sau đó.

QUY TẮC 10

(a) Cơ quan có thẩm quyền liên quan của Chính phủ của Bên xuất khẩu sẽ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ vào thời điểm xuất khẩu hoặc ngay sau thời điểm khi hàng hóa được xuất khẩu có thể được coi là có xuất xứ từ Bên đó theo quy định trong Quy tắc xuất xứ của Quyết định này.

(b) Trong những trường hợp ngoại lệ, Giấy chứng nhận xuất xứ không được cấp vào thời điểm xuất khẩu hoặc ngay sau thời điểm đó vì những lỗi không cố ý hoặc do bỏ sót hoặc những nguyên nhân hợp lệ khác, thì Giấy chứng nhận xuất xứ có thể được cấp có hiệu lực hồi tố nhưng không được muộn hơn 1 năm kể từ ngày giao hàng, phải ghi dòng chữ "cấp sau và có hiệu lực từ khi giao hàng" bằng tiếng Anh "issued retroactively".

QUY TẮC 11

Trong trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ bị ăn trộm, đánh mất hoặc bị tiêu hủy, nhà xuất khẩu có thể nộp đơn cho Cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, để xin cấp bản sao chứng thực của bản C/O gốc (original) và bản C/O thứ 3 (triplicate) dựa trên bộ hồ sơ xuất khẩu mà các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ nói trên giữ và trên những bản sao này phải ghi dòng chữ chứng nhận "Bản sao chứng thực" bằng tiếng Anh "Certified true copy" ở ô 12. Trên bản sao này phải ghi ngày cấp Giấy chứng nhận xuất xứ bản gốc. Bản sao chứng thực của Giấy chứng nhận xuất xứ phải được cấp không muộn hơn 1 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận xuất xứ gốc và với điều kiện là nhà xuất khẩu phải nộp cho cơ quan ban hành có liên quan bản sao thứ 4 (quadruplicate).

V. XUẤT TRÌNH C/O

QUY TẮC 12

Bản gốc Giấy chứng nhận xuất xứ phải được xuất trình cùng với bản thứ 3 cho các cơ quan Hải quan vào thời điểm kê khai nhập khẩu hàng hóa liên quan.

QUY TẮC 13

Việc xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ phải tuân thủ các thời hạn sau đây:

(a) Giấy chứng nhận xuất xứ phải được đệ trình cho Cơ quan Hải quan của Bên nhập khẩu trong vòng bốn (4) tháng kể từ ngày Cơ quan có thẩm quyền liên quan của Chính phủ của Bên xuất khẩu cấp C/O;

(b) Trong trường hợp hàng hóa đi qua lãnh thổ của 1 hoặc nhiều nước không tham gia Hiệp định Việt - Lào theo các quy định của Quy tắc 8 (c) của Quy tắc xuất xứ Việt - Lào, thời hạn nộp Giấy chứng nhận xuất xứ quy định trong đoạn (a) trên đây sẽ được kéo dài thành sáu (6) tháng;

(c) Trong trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ được đệ trình cho Cơ quan có thẩm quyền liên quan của Chính phủ khi đó quá hạn nộp, Giấy chứng nhận đó vẫn được chấp nhận nếu việc không thể nộp đúng hạn có nguyên nhân do bất khả kháng hoặc do các nguyên nhân hợp lý khác nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà xuất khẩu; và

(d) Trong mọi trường hợp, Cơ quan có thẩm quyền liên quan của Chính phủ của Bên nhập khẩu có thể chấp nhận Giấy chứng nhận xuất xứ đó với điều kiện là hàng hóa được nhập khẩu trước khi hết thời hạn đệ trình Giấy chứng nhận xuất xứ đó.

QUY TẮC 14

Trong trường hợp lô hàng vận chuyển có xuất xứ từ Bên xuất khẩu và có giá trị tính theo giá FOB không vượt quá 200 đô-la Mỹ, việc xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ được miễn trừ, và việc sử dụng tờ khai giản đơn của người xuất khẩu với nội dung là các mặt hàng thuộc diện kiểm tra có xuất xứ từ Bên xuất khẩu sẽ được chấp nhận. Hàng gửi qua bưu điện có giá trị không vượt quá 200 đô-la Mỹ tính theo giá FOB cũng sẽ được đối xử tương tự.

QUY TẮC 15

(a) Việc phát hiện ra những sai khác nhỏ giữa kê khai trong Giấy chứng nhận xuất xứ và hồ sơ xuất trình cho Cơ quan hải quan của Bên nhập khẩu nhằm mục đích thực hiện các thủ tục để nhập khẩu hàng hóa, sẽ không làm Giấy chứng nhận xuất xứ vô hiệu; nếu trên thực tế nội dung Giấy chứng nhận xuất xứ này phù hợp với các hàng hóa đó kê khai.

(b) Trong trường hợp nhiều mặt hàng được khai trong cùng một giấy chứng nhận xuất xứ, việc một mặt hàng trong danh sách có vấn đề sẽ không ảnh hưởng hoặc làm trì hoãn việc được hưởng ưu đãi xuất xứ và việc thông quan của các mặt hàng còn lại trong giấy chứng nhận xuất xứ. Quy tắc 16 (c) sẽ được áp dụng cho các mặt hàng có vấn đề.

QUY TẮC 16

(a) Bên nhập khẩu có thể yêu cầu kiểm tra hồi tố một cách ngẫu nhiên và/hoặc có thể kiểm tra hồi tố khi Bên nhập khẩu nghi ngờ một cách hợp lý về tính xác thực của Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc nghi ngờ một cách hợp lý về tính chính xác của thông tin về xuất xứ thực sự của hàng hóa hoặc một số phần nhất định của hàng hóa đó thuộc diện nghi vấn.

(b) Đơn yêu cầu kiểm tra hồi tố phải được kèm theo Giấy chứng nhận xuất xứ có liên quan và nêu rõ các lý do và các thông tin bổ sung cho rằng của các chi tiết cụ thể trong Giấy chứng nhận xuất xứ có thể không chính xác, ngoại trừ trường hợp việc kiểm tra hồi tố được tiến hành một cách ngẫu nhiên.

(c) Cơ quan Hải quan của Bên nhập khẩu có thể tạm ngừng việc áp dụng các quy định về đối xử ưu đãi trong khi chờ kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, Cơ quan Hải quan có thể giải phóng hàng hóa theo những biện pháp hành chính cần thiết cho nhà nhập khẩu, miễn là những hàng hóa này không bị giữ lại vì lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu và không có sự nghi ngờ hàng hóa gian lận.

(d) Sau khi nhận được đơn yêu cầu kiểm tra hồi tố, Cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phải nhanh chóng hồi âm đơn yêu cầu và trả lời không muộn hơn sáu (6) tháng sau khi nhận được đơn yêu cầu.

QUY TẮC 17

(a) Đơn xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ và tất cả các giấy tờ liên quan tới đơn xin đó phải được Cơ quan cấp C/O lưu ít nhất trong thời gian 2 năm kể từ ngày cấp.

(b) Các thông tin có liên quan đến hiệu lực của Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ được cung cấp cho Bên nhập khẩu theo yêu cầu của Bên nhập khẩu.

(c) Bất kỳ thông tin nào được trao đổi giữa các Bên liên quan phải được giữ bí mật và chỉ được sử dụng nhằm mục đích xác định tính hợp lệ của Giấy chứng nhận xuất xứ.

VI. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

QUY TẮC 18

Khi điểm đến của tất cả hoặc một phần hàng hóa xuất khẩu sang một Bên bị thay đổi vào trước hoặc sau khi hàng hoá đến Bên đó, các quy tắc sau đây phải được tuân thủ:

(a) Nếu hàng hoá đó được xuất trình cho Cơ quan Hải quan của một Bên nhập khẩu, nếu nhà nhập khẩu có đơn đề nghị, Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ được Cơ quan Hải quan nói trên đồng ý chứng nhận xuất xứ cho tất cả hoặc một phần của hàng hóa và bản gốc của Giấy chứng nhận xuất xứ này phải được chuyển trả lại cho nhà nhập khẩu. Bản thứ 3 sẽ được trả lại cho Cơ quan cấp.

(b) Nếu việc thay đổi điểm đến của hàng hóa diễn ra trong quá trình vận chuyển tới Bên nhập khẩu được ghi trong Giấy chứng nhận xuất xứ, nhà xuất khẩu sẽ nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cùng với Giấy chứng nhận xuất xứ đó được cấp để nhằm mục đích cấp mới lại Giấy chứng nhận xuất xứ tất cả hoặc một phần hàng hóa.

QUY TẮC 19

Nhằm mục đích thực hiện Quy tắc 8 (Phụ lục I) của Quy tắc xuất xứ Việt - Lào, khi hàng hoá được vận chuyển qua lãnh thổ của một hoặc nhiều nước không phải là thành viên, các giấy tờ sau phải được xuất trình cho Cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ của Nước thành viên nhập khẩu:

(a) Giấy chứng nhận xuất xứ do Cơ quan liên quan có thẩm quyền của Chính phủ của nước thành viên xuất khẩu cấp;

(b) Một vận đơn chở suốt cấp tại nước Thành viên xuất khẩu;

(c) Một bản hoá đơn thương mại gốc của lô hàng; và

(d) Các giấy tờ hỗ trợ để chứng minh rằng đó đáp ứng các yêu cầu trong Quy tắc 8 (Phụ lục I) của Quy tắc xuất xứ Việt - Lào

QUY TẮC 20

(a) Hàng hoá được gửi từ một Bên xuất khẩu để trưng bày triển lãm ở một nước khác và được bán trong hoặc sau cuộc triển lãm đó cho một Bên sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo Hiệp định Việt - Lào với điều kiện là các hàng hoá này đáp ứng được các yêu cầu của Quy tắc xuất xứ Việt - Lào, miễn là có thể chứng tỏ cho Cơ quan Chính phủ có thẩm quyền của Bên nhập khẩu rằng:

(i) Nhà xuất khẩu đó vận chuyển những hàng hóa này từ lãnh thổ của Bên xuất khẩu tới nước tổ chức triển lãm, và nhà xuất khẩu này đó trưng bày những hàng hóa này ở nước đó;

(ii) Nhà xuất khẩu đó bán hoặc chuyển số hàng này cho một người nhận hàng ở Bên nhập khẩu; và

(iii) Hàng hoá được bán cho Bên nhập khẩu trong thời gian triển lãm hoặc ngay sau thời gian triển lãm mà vẫn giữ nguyên trạng thái của hàng hóa như khi gửi đi triển lãm.

(b) Để thực hiện những quy định trên đây, Giấy chứng nhận xuất xứ phải được xuất trình cho Cơ quan Chính phủ có thẩm quyền của Bên nhập khẩu. Trong Giấy chứng nhận xuất xứ đó phải nêu rõ tên và địa chỉ của triển lãm và kèm theo một giấy chứng nhận do Cơ quan Chính phủ có thẩm quyền của Bên tổ chức triển lãm cấp và các giấy tờ hỗ trợ khác quy định trong Quy tắc 19 (d).

(c) Đoạn (a) có thể áp dụng cho bất kỳ triển lãm, hội chợ thương mại, nông nghiệp hoặc thủ công nào hoặc các buổi trình diễn hoặc trưng bày tương tự hoặc trong các cửa hàng hoặc các cơ sở kinh doanh có bán các hàng hoá nước ngoài và các sản phẩm bị Hải quan kiểm soát trong suốt quá trình triển lãm.

QUY TẮC 21

Các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ tại nước nhập khẩu có thể chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ trong trường hợp hoá đơn thương mại được do công ty ngoài Việt Nam/Lào phát hành hoặc của nhà nhập khẩu Việt Nam/Lào cho công ty nói trên, miễn là hàng hoá đáp ứng được các yêu cầu của Quy tắc xuất xứ Việt - Lào.

VII. CHỐNG GIAN LẬN

QUY TẮC 22

(a) Khi có nghi ngờ rằng có những hành động gian lận về Quy tắc xuất xứ, các cơ quan liên quan có thẩm quyền của Chính phủ sẽ phối hợp tiến hành các hành động trong lãnh thổ của từng Bên tương ứng để điều tra những người có liên quan.

(b) Mỗi Bên sẽ có trách nhiệm ban hành lệnh trừng phạt đối với những hành động gian lận liên quan đến Giấy chứng nhận xuất xứ.

QUY TẮC 23

Trong trường hợp nảy sinh tranh chấp khi xác định xuất xứ, phân loại hoặc hàng hóa hoặc các vấn đề khác, Cơ quan liên quan có thẩm quyền của Chính phủ tại nước Thành viên xuất khẩu hoặc nhập khẩu sẽ tiến hành tham vấn lẫn nhau để giải quyết tranh chấp.


PHỤ LỤC 3

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HOÁ MẪU S ĐỂ HƯỞNG ƯU ĐÃI THEO HIỆP ĐỊNH VIỆT - LÀO

Điều 1: Hướng dẫn kê khai chứng nhận mẫu S

Giấy chứng nhận Mẫu S phải được khai bằng tiếng Anh và đánh máy. Nội dung khai phải phù hợp với tờ khai hải quan đã được thanh khoản và các chứng từ khác như vận đơn, hoá đơn thương mại và Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ của Tổ chức Giám định hàng hoá xuất nhập khẩu (trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra)

- Ô số 1: tên giao dịch của người xuất hàng + địa chỉ + tên nước (Việt Nam)

- Ô số 2: Tên người nhận hàng + địa chỉ + tên nước (phù hợp với tờ khai hải quan đã được thanh khoản)

- Ô trên cùng bên phải: Do cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ghi. Số tham chiếu gồm tối thiểu 12 ký tự, chia làm 5 nhóm, chi tiết cách ghi như sau:

* Nhóm 1: 02 ký tự "VN" (viết in) là viết tắt của 2 chữ Việt Nam.

* Nhóm 2: 02 ký tự (viết in) là viết tắt tên nước nhập khẩu, quy định các chữ viết tắt như sau:

LA: Lào

* Nhóm 3: 02 ký tự biểu hiện năm cấp giấy chứng nhận

* Nhóm 4: 01 (hoặc 02) ký tự thể hiện tên Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực và các cơ quan thẩm quyền do Bộ Thương mại uỷ quyền cấp Giấy chứng nhận Mẫu S theo quy định như sau:

Số 1: Hà Nội Số 5: Hải Phòng

Số 2: Hồ Chí Minh Số 6: Bình Dương

Số 3: Đà Nẵng Số 7: Vũng Tàu

Số 4: Đồng Nai Số 8: Lạng Sơn

Số 9: Quảng Ninh

* Nhóm 5: Gồm 05 ký tự biểu hiện số thứ tự của Giấy chứng nhận Mẫu S

Ví dụ: Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận Mẫu S mang số thứ 6 cho một lô hàng xuất khẩu sang Lào trong năm 2005 thì cách ghi số tham chiếu của Giấy chứng nhận Mẫu S này sẽ như sau:

VN-LA 05 2 00006

- Ô số 3: Tên phương tiện vận tải (nếu gửi bằng máy bay thì đánh "By air", nếu gửi bằng đường biển thì đánh tên tàu) + từ cảng nào? đến cảng nào? by truck,…vv

- Ô số 4: Để trống (sau khi nhập khẩu hàng hoá, cơ quan hải quan tại cảng hoặc địa điểm nhập khẩu sẽ đánh dấu thích hợp trước khi gửi lại cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ đã cấp Giấy chứng nhận Mẫu S này).

- Ô số 5: Danh mục hàng hoá

- Ô số 6: Ký mã và số hiệu của kiện hàng

- Ô số 7: Số loại kiện hàng, mô tả hàng hoá (bao gồm số lượng và số HS của nước nhập khẩu).

- Ô số 8: Hướng dẫn cụ thể như sau:

a. Trường hợp hàng hoá/sản phẩm có xuất xứ toàn bộ tại Việt Nam (không sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu) thì đánh chữ "X"

b. Hàng hoá không được sản xuất hay khai thác toàn bộ tại Việt Nam như Quy tắc 3 Phụ lục 1 của Quy chế xuất xứ sẽ nêu ở phần sau theo quy định của Hiệp định Việt - Lào thì ghi rõ số phần trăm giá trị đã được tính theo giá FOB của hàng hoá được sản xuất hay khai thác tại Việt Nam, ví dụ 40%.

c. Hàng hoá có xuất xứ cộng gộp như Quy tắc 4 Phụ lục 1 của Qui chế xuất xứ Việt – Lào nêu tại Phụ lục 1 thì ghi rõ số phần trăm của hàm lượng có xuất xứ cộng gộp Việt – Lào, ví dụ 40%.

- Ô số 9: Trọng lượng cả bì hoặc số lượng và giá trị khác (Giá FOB).

- Ô số 10: Số và ngày của hoá đơn thương mại.

- Ô số 11: Dòng thứ ba ghi địa điểm, ngày tháng năm, chữ ký, dấu (nếu có)

- Ô số 12: Do cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ chứng nhận.

+ Trường hợp cấp sau theo quy định tại Điều 8 thì ghi: "Issued retroactively".

+ Trường hợp cấp lại theo quy định tại Điều 9 thì ghi: "Certified true copy".

Điều 2: Cơ quan đầu mối

Vụ Xuất nhập khẩu giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện quy chế, theo dõi và báo cáo với Bộ trưởng Bộ Thương mại về thực hiện quy chế.

Vụ Xuất nhập khẩu là đầu mối làm các thủ tục đăng ký mẫu chữ ký và con dấu của các cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ với Lào cũng như đăng ký với Lào.

Vụ Xuất nhập khẩu có trách nhiệm giúp Tổ chức Giám định hàng hoá xuất nhập khẩu thực hiện quy trình kiểm tra xuất xứ hàng hoá.

Điều 3: Việc in ấn và bán các tờ khai mẫu S:

Văn phòng Bộ Thương mại có trách nhiệm in và giao Mẫu S cho các cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.

Các cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ trực tiếp bán cho người xin Giấy chứng nhận Mẫu S và phải thực hiện việc quyết toán theo quy định của Văn phòng Bộ Thương mại.

Điều 4: Báo cáo việc cấp giấy chứng nhận mẫu S

Các cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ cho Vụ Xuất nhập khẩu về tình hình khối lượng hàng hoá được cấp Giấy chứng nhận Mẫu S, tình hình cấp và sử dụng Giấy chứng nhận Mẫu S theo các biểu mẫu báo cáo do Vụ Xuất nhập khẩu hướng dẫn.


PHỤ LỤC 4

THỦ TỤC XIN KIỂM TRA VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM TRA XUẤT XỨ HÀNG HOÁ MẪU S

Để thực hiện Quy chế về xuất xứ đối với hàng hoá được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Việt - Lào, thủ tục xin và cấp Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ Mẫu S được quy định như sau:

I. TỔ CHỨC ĐƯỢC KIỂM TRA VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM TRA:

Điều 1: Tổ chức được thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá Mẫu S là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá theo quy định tại Nghị định số 20/1999/NĐ-CP ngày 12/04/1999 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá.

Điều 2: Để phục vụ cho việc kiểm tra, tổ chức kiểm tra có quyền yêu cầu người xin kiểm tra cung cấp hay xuất trình các chứng từ cần thiết có liên quan đến hàng hoá cũng như tiến hành bất kỳ việc kiểm tra hàng hoá nào nếu thấy cần thiết.

II. KIỂM TRA XUẤT XỨ HÀNG HOÁ

Điều 3: Việc kiểm tra xuất xứ hàng hoá được tiến hành trước khi hàng hoá xuất khẩu. Riêng đối với hàng hoá cần kiểm tra hàm lượng Việt - Lào thì tuỳ theo mức độ phức tạp mà việc kiểm tra sẽ được thực hiện ngay từ khâu sản xuất, chế biến.

Người xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cần thiết để người kiểm tra tiến hành công việc được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác.

Điều 4: Kiểm tra xuất xứ hàng hoá bao gồm những hạng mục sau:

- Đặc điểm hàng hoá (chủng loại, quy cách),

- Ký mã hiệu trên kiện hàng,

- Kiểu đóng kiện,

- Số, khối lượng (số, khối lượng cuối cùng căn cứ theo vận đơn),

- Hàm lượng Việt - Lào.

Điều 5: Cơ sở, công thức tính hàm lượng Việt - Lào áp dụng theo Qui tắc 3, Qui tắc 4 của Phụ lục 1 trong Qui định của Hiệp định Việt - Lào về việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá Mẫu S.

III. THỦ TỤC XIN KIỂM TRA VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM TRA XUẤT XỨ HÀNG HOÁ

Điều 6: Khi làm thủ tục xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá, người xin kiểm tra phải đảm bảo:

(a) Đã có đủ và sẵn sàng để kiểm tra đối với hàng hoá có xuất xứ thuần tuý Việt - Lào.

(b) Đã bắt đầu hay đang được sản xuất đối với hàng hoá phải xác định hàm lượng Việt - Lào.

Điều 7: Hồ sơ xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá Mẫu S bao gồm:

(a) Hai tờ đơn xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá Mẫu S (theo mẫu quy định đính kèm) đã được khai đầy đủ và ký tên (riêng đối với doanh nghiệp thì phải đóng dấu).

(b) Các chứng từ gửi kèm theo đơn xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá:

(b).i. Đối với hàng hoá có nguyên phụ liệu nhập khẩu ngoài lãnh thổ nước thành viên và/hoặc không xác định được xuất xứ:

- Quy trình pha trộn/quy trình sản xuất, lắp ráp hay bảng giải trình tỷ lệ pha trộn nguyên phụ liệu đầu vào của hàng hoá.

- Hoá đơn chứng từ để xác định giá nhập theo điều kiện CIF của nguyên phụ liệu nhập khẩu từ ngoài lãnh thổ nước Thành viên.

- Hoá đơn, chứng từ chứng minh giá nguyên, phụ liệu không xác định được xuất xứ.

(b).ii. Đối với hàng hoá có xuất xứ cộng gộp:

- Các chứng nhận xuất xứ thoả mãn điều kiện xuất xứ Mẫu S từ các thành viên.

- Các quy trình pha trộn/quy trình sản xuất, lắp ráp hoặc bản giải trình pha trộn nguyên liệu đầu vào của hàng hoá.

(c) Các giấy tờ phải nộp trước ngày nhận giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá (có thể nộp bản sao, nhưng phải xuất trình bản chính để đối chứng):

- Hoá đơn thương mại và/hoặc các giấy tờ để chứng minh giá xuất khẩu hàng hoá theo điều kiện FOB.

Điều 8: Người xin kiểm tra xuất xứ hàng hoá Mẫu S phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các chi tiết đã kê khai trong đơn xin kiểm tra cũng như trong các chứng từ gửi kèm theo.

Điều 9: Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá được lập trên mẫu ấn chỉ có biểu tượng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá đã được đăng ký tại Cục sở hữu công nghiệp thuộc Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

ĐƠN XIN KIỂM TRA XUẤT XỨ HÀNG HOÁ MẪU S

Số:......................

Kính gửi: Tổ chức giám định hàng hoá

Người yêu cầu (ghi rõ tên, địa chỉ, tel, Fax ):..................................................

................................................ o Doanh nghiệp............... o Cá nhân...............

Người xuất khẩu (ghi rõ họ tên, địa chỉ, tel, Fax):...........................................

..........................................................................................................................

Người nhập khẩu (ghi rõ họ tên, địa chỉ, tel, Fax):...........................................

..........................................................................................................................

Tên hàng:..........................................................................................................

Số/Khối lượng:..................................................................................................

Cảng xếp hàng:.................................................................................................

Cảng dỡ hàng:...................................................................................................

Phương tiện vận tải:..........................................................................................

Tiêu chuẩn xuất xứ yêu cầu kiểm tra:

* Hàng hoá có xuất xứ thuần tuý

o Việt Nam o Việt Nam + Lào

o Lào

* Hàng hoá có nguyên phụ liệu nhập khẩu

o Xuất xứ ngoài Việt Nam và Lào So với giá FOB chiếm:................. %

o Xuất xứ không xác định So với giá FOB chiếm:................. %

* o Hàng hoá có xuất xứ cộng gộp So với giá FOB hàm lượng Việt Lào chiếm: ..................... %

Tài liệu giấy tờ kèm theo:

o Hoá đơn chứng từ để xác định giá trị nguyên, phụ liệu nhập khẩu ngoài lãnh thổ nước Thành viên

o Hoá đơn, chứng từ chứng minh giá nguyên, phụ liệu không xác định xuất xứ

o Quy trình pha trộn nguyên, phụ liệu/quy trình sản xuất, lắp ráp.

o Bảng giải trình tỷ lệ nguyên, phụ liệu được sử dụng ở đầu vào

o Các C/O thoả mãn điều kiện xuất xứ hàng hoá mẫu (đối với hàng hoá có xuất xứ cộng gộp)

o Vận đơn

o Hoá đơn thương mại và/hoặc giấy tờ chứng minh giá FOB

Thời gian/Địa điểm/Người liên hệ để kiểm tra:..............................................

........................................................................................................................

Số bản giấy chứng nhận (tiếng Việt) yêu cầu cấp:................................... bản

Chúng tôi cam kết sẽ thanh toán phí kiểm tra bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hoá đơn của quý Tổ chức.

......, ngày....... tháng....... năm........

Người yêu cầu

(Ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú:

[1] Cây trồng ở đây đề cập đến tất cả các dạng cây trồng, bao gồm trái cây, hoa, rau quả, tảo biển, rêu và các thực vật sống khác.

[2] Động vật đề cập đến ở các đoạn (b) và (c) bao gồm tất cả các loại động vật, bao gồm động vật có vú, chim, động vật giáp xác, động vật thân mềm, bò sát, vi khuẩn và vi rút.

[3] Các mặt hàng đề cập đến những thứ lấy được từ động vật sống mà không cần chế biến thêm, bao gồm sữa, trứng, mật ong tự nhiên, tóc, len, tinh dịch và phân bón.

[4] Việc này bao gồm tất cả các phế liệu và chất thải bao gồm các phế liệu và rác thải sinh ra trong quá trình sản xuất hoặc chế biến hoặc tiêu thô trong cùng một quốc gia, máy móc phế liệu, các bao bì, bao gói bỏ đi và tất cả các sản phẩm. Các phế liệu và chất thải này chỉ có thể bỏ đi hoặc đem làm nguyên vật liệu thô chứ không thể dùng được theo đúng mục đích mà trước đây các phế liệu và chất thải này được sản xuất ra. Các quá trình sản xuất hay chế biến sẽ bao gồm tất cả các dạng chế biến, không chỉ là chế biến công nghiệp hay hoá học mà còn có khai thác mỏ, nông nghiệp, xây dựng, tinh luyện, thiêu trong lò và xử lý cống rãnh.

[5] Loại trừ việc đóng gói theo thuật ngữ "bao bì" trong ngành công nghiệp điện tử

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 0865/2004/QĐ-BTM về Quy chế cấp giấy phép chứng nhận xuất xứ Mẫu S của VN cho hàng hoá để hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước CHXHCNVN và Chính phủ CHDCND Lào do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành

  • Số hiệu: 0865/2004/QĐ-BTM
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/06/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Mai Văn Dâu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 05/03/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản