Hệ thống pháp luật

ỦY BAN SÔNG MÊ CÔNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/QĐ-UBMC

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

THÀNH LẬP VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ THÀNH PHẦN CỦA TIỂU BAN LƯU VỰC SÔNG CỬU LONG

CHỦ TỊCH ỦY BAN SÔNG MÊ CÔNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 1326/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 41/UBMC ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam về việc phê duyệt danh sách Ủy viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long (sau đây gọi tắt là Tiểu ban) trực thuộc Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ủy ban).

Điều 2. Chức năng của Tiểu ban

Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long có chức năng giúp Chủ tịch Ủy ban thực hiện quản lý lưu vực sông Cửu Long theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quyết định số 619/QĐ-TTg) và theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản pháp luật có liên quan của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long sử dụng con dấu của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trong các văn bản khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Điều 3. Nhiệm vụ của Tiểu ban

1. Nghiên cứu, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia liên quan đến lưu vực sông Cửu Long của Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quyết định số 619/QĐ-TTg, và các nhiệm vụ sau:

a) Thúc đẩy hợp tác sử dụng quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường giữa Việt Nam và Campuchia.

b) Đề xuất chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho toàn bộ Châu thổ Mê Công tiến tới cơ chế hợp tác quản lý lưu vực chung với Campuchia trong khuôn khổ hợp tác Ủy hội sông Mê Công quốc tế và hợp tác song phương Việt Nam - Campuchia.

2. Giúp Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đảm bảo phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, đối tác quốc tế, vùng, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên lưu vực sông Cửu Long được quy định tại khoản 2 Điều 2 của Quyết định số 619/QĐ-TTg, và xem xét đề xuất của Văn phòng Thường trực Ủy ban, trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của các Bộ ngành và địa phương có liên quan, về:

a) Các chương trình, dự án và hoạt động liên ngành và phối hợp với Campuchia liên quan đến sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước sông Mê Công.

b) Đánh giá tác động tổng thể đến tài nguyên nước, môi trường, kinh tế xã hội của các hoạt động khai thác sử dụng nước quy mô lớn trong lưu vực sông Cửu Long và ở thượng nguồn, bao gồm cả các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và kiến nghị các chủ trương giải pháp ứng phó.

3. Giúp Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đảm bảo phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban được quy định tại các khoản 4, 5, và 6 Điều 2 của Quyết định số 619/QĐ-TTg liên quan đến lưu vực sông Cửu Long thông qua chuẩn bị ý kiến của Ủy ban về các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án và theo dõi giám sát các hoạt động có liên quan đến khai thác, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Cửu Long.

4. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Ủy ban giao, phân công.

Điều 4. Thành phần của Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long

1. Chủ tịch Tiểu ban: Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Các Phó Chủ tịch Tiểu ban: Thành viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Thứ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

3. Các Ủy viên Tiểu ban:

a) Thành viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam của các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Quốc phòng, Công an.

b) Thành viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Cửu Long gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

c) Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam;

d) Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước;

đ) Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường;

e) Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi;

g) Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai.

4. Đại diện một số tổ chức khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước với quy mô lớn hoặc có tác động lớn tới nguồn nước của lưu vực sông; các nhà khoa học; các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan được mời tham gia các phiên họp của Tiểu ban khi cần thiết.

Điều 5. Kinh phí hoạt động

Kinh phí hoạt động của Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long được ngân sách nhà nước bảo đảm trong dự toán ngân sách hàng năm của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và được sử dụng theo quy định.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam ban hành Quy chế hoạt động của Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long.

2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương.

Các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm đảm bảo các Ủy viên Tiểu ban của mình tham gia đầy đủ và hiệu quả các hoạt động của Tiểu ban và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu ban theo thẩm quyền quản lý được giao của Bộ, ngành, địa phương.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Các Thành viên Tiểu ban nêu tại Điều 4 và các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 7;
- PTTg, Chủ tịch Ủy ban (để báo cáo);
- Các Phó CT Ủy ban;
- Các Ủy viên Ủy ban;
- Các Vụ: TCCB, HTQT, KH-TC (Bộ TNMT);
- Lưu: VT, HC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Trần Hồng Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/QĐ-UBMC năm 2021 về thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ và thành phần Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long do Ủy ban sông Mê Công Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 07/QĐ-UBMC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/02/2021
  • Nơi ban hành: Ủy ban sông Mê Công Việt Nam
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản