Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2018/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 02 tháng 4 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2011-2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;

Căn cứ Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình về Điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 890/TTr-SXD ngày 27 tháng 27 năm 2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 4 năm 2018.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban chỉ đạo chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh; Giám đốc các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UB Thường vụ Quốc Hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND,UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các thành viên UBND tỉnh;
- Ban KT-NS, Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- Báo Quảng Bình; Đài PT-TH tỉnh;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CV XDCB.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Quang

 

CHỈNH

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2011-2020 BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 30/2011/QĐ-UBND NGÀY 20/12/2011 CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2018/QĐ-UBND ngày / /2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1.1. Về phát triển nhà ở tại đô thị

Trong giai đoạn từ 2011-2015, tốc độ đô thị hoá trên địa bàn tỉnh diễn ra khá mạnh mẽ. Nhà ở trong khu vực đô thị đã được cải thiện đáng kể, số lượng nhà ở, diện tích xây dựng nhà ở tăng cao do việc xây dựng mới, cải tạo nhà ở của người dân sống ở đô thị diễn ra trên quy mô rộng. Bên cạnh đó, nhiều dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị mới và dự án tạo quỹ đất đã và đang được đầu tư xây dựng đã tạo nguồn quỹ đất dồi dào, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân vùng đô thị xây dựng nhà ở.

Các khu dân cư mới ở đô thị trong những năm gần đây được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ, có nhiều khu dân cư đầu tư hiện đại, góp phần tạo nên bộ mặt mới cho các đô thị.

Chất lượng nhà ở được nâng cao từ kiến trúc đến trang thiết bị nội thất. Người dân ngày càng quan tâm hơn đến việc đầu tư, sở hữu những ngôi nhà khang trang, hiện đại.

Việc cấp phép cũng như chấp hành giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trong đô thị được triển khai thực hiện ngày càng chặt chẽ, đúng quy định.

Diện tích nhà ở bình quân trên toàn tỉnh, tính đến năm 2015 đạt 21,5m2 sàn/người, xấp xỉ chỉ tiêu diện tích bình quân của cả nước (22m2). Trong đó khu vực đô thị đạt 30,2 m2 sàn/người, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chương trình của tỉnh và vượt trên chỉ tiêu bình quân của quốc gia (26m2).

1.2. Về phát triển nhà ở tại nông thôn

Nhà ở khu vực nông thôn đã có bước phát triển mạnh mẽ. Người dân khu vực nông thôn ngày càng quan tâm đến việc xây dựng nhà ở nhằm có nơi ở ổn định để tạo lập cuộc sống.

Chất lượng nhà ở khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao. Nhà ở có quy mô hiện đại, kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều. Nhà ở thiếu kiên cố, nhà ở tạm ngày càng ít, nhiều nơi không còn tồn tại.

Các chương trình hỗ trợ về nhà ở của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ gia đình nghèo có kiện tạo lập nhà ở. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo bộ mặt mới cho khu vực nông thôn. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực nông thôn.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 19,0m2 sàn/người, xấp xỉ chỉ tiêu đặt ra trong Chương trình và đạt chỉ tiêu của quốc gia ở khu vực nông thôn (19m2).

1.3. Nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu kinh tế

Chính phủ cũng như UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên số lượng chưa nhiều.

UBND tỉnh đã chủ trương lập và phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch, trong đó đã dành diện tích đất xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, tổng cộng đến nay đã quy hoạch trên 50 ha đất dành để xây dựng nhà ở cho công nhân.

Tỉ lệ phủ kín các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh ta còn thấp. Số nhà máy hoạt động còn ít, lượng công nhân chưa nhiều. Bên cạnh một số nhà ở công nhân do các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng, đáp ứng một phần nhu cầu, phần lớn công nhân thuê nhà ở trọ gần khu vực sản xuất để sinh sống.

1.4. Nhà ở cho học sinh, sinh viên

Nhà ở cho học sinh, sinh viên trong thời gian qua được xây dựng chủ yếu do các chủ đầu tư là các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh xây dựng từ nguồn vốn chủ yếu là vốn Nhà nước, với số lượng chưa nhiều và chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh, sinh viên các trường trong địa bàn tỉnh.

Theo thống kê cho thấy, số lượng học sinh, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh là 10.380 người đang theo học. Ước tính trong số này có khoảng 60% có nhu cầu nhà ở, tương ứng khoảng 6200 chỗ ở. Hiện nay, ký túc xá dành cho học sinh, sinh viên ở do các trường xây dựng đáp ứng khoảng 1.500 chỗ, giải quyết chỗ ở cho gần 25% số lượng nhu cầu. Chưa đạt so với mục tiêu đặt ra trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2011- 2015 là giải quyết tối thiểu 60% số học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh có nhu cầu để ở.

1.5. Nhà ở thương mại

Dự án nhà ở thương mại trong thời gian qua đã có sự tham gia của một số nhà đầu tư và đã triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là thành phố Đồng Hới.

Ngoài một số dự án trung tâm thương mại kết hợp nhà ở (như dự án Vincom tại thành phố Đồng Hới) có hạng mục nhà ở được chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc thuê; một số hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở để cho thuê, đa phần các dự án nhà ở thương mại khác đều chỉ đầu tư hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, sau đó chuyển đất nền đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở (như là hình thức phân lô bán nền) như Dự án Khu nhà ở thương mại tại phường Đức Ninh Đông, Dự án Khu đô thị mới tại phường Phú Hải, Dự án Khu nhà ở thương mại Mỹ Cảnh, ...

1.6. Nhà ở cho hộ nghèo, nhà ở cho người có công với cách mạng

Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo kịp thời và thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ về nhà ở theo các chương trình hỗ trợ về nhà ở của Chính phủ cho các đối tượng là hộ nghèo và người có công với cách mạng. Tính đến nay, đã hỗ trợ cho 12.947 hộ khó khăn về nhà ở xây dựng mới/cải tạo nhà ở, trong đó: hỗ trợ cho 6.715 hộ nghèo xây dựng nhà ở; 2.541 hộ nghèo vùng bị bão, lụt xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt; 3.691 hộ gia đình người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, cụ thể:

Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 20/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ được 6.515 hộ/6.646 hộ phê duyệt theo Đề án (đạt 97,52%).

Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt theo Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm xây dựng nhà phòng tránh lũ lụt cho 100 hộ nghèo tại 2 xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và Quảng Tiên (huyện Quảng Trạch).

Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ được 2.483 hộ trên tổng số 3.881 hộ theo Đề án được duyệt, đạt 63,97% so với mục tiêu chương trình.

Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ năm, kế hoạch trong năm 2016 hỗ trợ cho 200 hộ (nay đã thực hiện xong 156 hộ) trên tổng số 4.011 hộ theo Đề án được duyệt để thực hiện trong 5 năm, từ 2016 – 2020, đạt 78% kế hoạch năm 2016 và 3,8% kế hoạch toàn Đề án.

Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ được 3.691 hộ trên tổng số 14.436 hộ theo Đề án được phê duyệt và phê duyệt bổ sung, đạt 25,57% kế hoạch.

1.7. Đánh giá chung

Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung, chỉ tiêu đặt ra theo Chiến lược phát triển nhà ở của Chính phủ cũng như kế hoạch, mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở và đã đạt được một số kết quả nhất định như diện tích nhà ở bình quân đầu người ở khu vực đô thị và nông thôn đều đạt chỉ tiêu trong Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh và vượt trên chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế và đặc điểm dân cư, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán của người dân có phần đặc thù; vì vậy, việc thực hiện Chiến lược, Chương trình phát triển nhà ở còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt, chưa đáp ứng đòi hỏi thực tế của các đối tượng có nhu cầu về nhà ở trong xã hội.

(Kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2011-2015 có phụ lục kèm theo)

II. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

2.1. Những tồn tại, hạn chế

Nhìn chung, nhiều chỉ tiêu về phát triển nhà ở giai đoạn 2011-2015 chưa đạt kế hoạch đề ra như phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công nhân, nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở cho các đối tượng khó khăn, người có công với cách mạng;

Có sự mất cân đối về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhà ở giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn: nhà ở khu vực đô thị phát triển nhanh, với chất lượng nhà ở tốt hơn, đa dạng hơn ở khu vực nông thôn;

Ở khu vực đô thị, nhiều khu dân cư quy hoạch đồng bộ mới được hình thành, nhà cửa mới xây đa phần đẹp và hiện đại, góp phần tạo nên những bộ mặt mới cho khu vực đô thị. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như việc kiểm soát xây dựng nhà ở theo thiết kế đô thị tại các khu vực quy hoạch mới; nhiều khu vực trong đô thị tồn tại theo hiện trạng chưa được quy hoạch, đường giao thông nhỏ hẹp, thiếu kết nối, manh mún, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, nhiều khu vực đô thị nhưng người dân xây dựng nhà ở như ở nông thôn (xây chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm), làm mất mỹ quan cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống khu vực đô thị, nhất là đối với những khu vực đô thị mới hình thành do nâng cấp, dựa trên nền tảng khu dân cư nông thôn hiện hữu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đầy đủ và đồng bộ.

Chất lượng xây dựng nhà ở nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều ngôi nhà quy mô lớn, kiên cố và khang trang được xây dựng. Tuy nhiên, không đồng đều giữa các vùng, miền; tình trạng nhà ở, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, môi trường sống của các hộ dân ở nông thôn tại một số nơi, một số vùng nhất là ở vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra;

Việc phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhà ở cho học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp nói chung ở khu vực đô thị tuy đã có nhiều chủ trương, chính sách của nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính đến nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp xây dựng một số khu nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, còn lại chưa có dự án đầu tư tại các khu vực đô thị để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua, đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng này;

Đối với các dự án nhà ở thương mại: Việc phát triển dự án nhà ở thương mại hiện nay chủ yếu theo hình thức phân lô bán nền, chưa tạo được sản phẩm chính là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua. Người dân tự xây dựng nhà ở theo nhu cầu nên kiến trúc, cảnh quan khu nhà ở không đồng bộ. Việc lấp đầy nhà ở khu dân cư sẽ chậm hoàn thành, các công trình hạ tầng xã hội khác vì thế chưa được đầu tư xây dựng;

Nhà ở cho các đối tượng hộ nghèo, hộ khó khăn vùng bão lụt, hộ gia đình người có công với cách mạng tuy đã được UBND tỉnh, các cấp các ngành tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt, song tiến độ thực hiện ở một số chương trình vẫn còn chậm. Nguồn lực thực hiện chưa đầy đủ và còn chậm được bố trí. Nhiều nơi, nhiều hộ nghèo, người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở có nhu cầu cải thiện nhà ở thực sự cần thiết nhưng các nguồn lực hỗ trợ không kịp thời, dẫn đến thiệt thòi cho người dân cũng như gây bức xúc cho người dân thực hiện các chương trình này;

2.2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

Nguyên nhân khách quan

Sự tăng trưởng của kinh tế xã hội, mức độ đô thị hóa mạnh mẽ kéo theo sự mất cân đối về thu nhập của người dân sống ở vùng đô thị và vùng nông thôn. Kết quả thống kê, so sánh cho thấy, sự chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao và nhóm thu nhập thấp tăng lên từ năm 2010 là 7,0 lần đến năm 2015 là 7,8 lần, đồng nghĩa với mức sống của người dân giữa vùng đô thị và nông thôn có sự khác biệt. Chính điều này làm cho mức độ phát triển, cơ cấu nhà ở có sự không đồng đều giữa vùng đô thị và nông thôn.

Nhu cầu nhà ở thuộc nhóm đối tượng có thu nhập thấp ở đô thị ở tỉnh ta là có, tuy nhiên không nhiều và chưa bức xúc như các tỉnh khác. Tâm lý người dân vẫn thích sở hữu nhà và đất riêng lẻ chứ không thích ở căn hộ chung cư. Công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay chưa tập trung đông, hoạt động các nhà máy còn rải rác, phân tán, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp còn cân nhắc đầu tư nhà ở do nhu cầu chưa có nhiều.

Các chương trình hỗ trợ nhà ở theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tuy đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, song nguyên nhân khách quan do nguồn vốn ngân sách trung ương cấp không kịp thời và không đảm bảo tiến độ theo quy định, dẫn đến tiến độ triển khai một số chương trình bị chậm hơn so với kế hoạch. Nhiều hộ gia đình khó khăn về nhà ở vẫn trông chờ vào các nguồn hỗ trợ để cải thiện nhà ở.

Nguyên nhân chủ quan

Nhiều khu dân cư ở khu vực đô thị chậm được quy hoạch xây dựng, mật độ dân cư ngày càng đông trong lúc hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng, dẫn đến việc ô nhiễm môi trường sống, mất mỹ quan đô thị;

Việc quản lý phát triển nhà ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập, chế tài quản lý còn lỏng lẻo; người dân tự phát xây dựng là chủ yếu mà thiếu đi sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương;

Nguồn lực để đầu tư phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị còn thiếu, chưa được tỉnh đầu tư một cách tương xứng do nguồn lực hạn chế. Chưa có nhiều các khu đất sạch xây dựng nhà ở để kêu gọi nhà đầu tư quan tâm xây dựng.

Việc thực hiện đồng thời một lúc nhiều chương trình hỗ trợ về nhà ở hiện nay trong lúc nguồn lực không đảm bảo dẫn đến nhiều chương trình hỗ trợ về nhà ở bị kéo dài tiến độ, làm giảm hiệu quả của các chương trình.

Cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư khi xây dựng nhà ở xã hội ngày càng nhiều nhưng chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực có lợi nhuận thấp; quá trình thiết lập dự án và xây dựng nhà ở tương đối phức tạp và tốn nhiều thời gian, công sức. Mặt khác, do nhu cầu nhà ở xã hội ở tỉnh Quảng Bình chưa bức xúc như các đô thị lớn khác, nên thời gian qua, tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội tại địa phương nhưng chưa nhà đầu tư nào quan tâm. Tỉnh còn khó khăn nên chưa bố trí vốn xây dựng nhà ở xã hội.

Phần thứ hai

NỘI DUNG CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. DỰ BÁO NHU CẦU PHÁT TRIỂN CÁC LOẠI NHÀ Ở ĐẾN NĂM 2020

1.1. Nhà ở tại khu vực đô thị

Nhà ở khu vực đô thị tiếp tục gia tăng do việc gia tăng dân số tự nhiên và cơ học cũng như quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Dự kiến đến năm 2020, khu vực đô thị sẽ được mở rộng do có một số đô thị mới được thành lập, một số đô thị hiện hữu được nâng cấp, mở rộng; nhà ở khu vực đô thị sẽ gia tăng. Dự báo đến năm 2020, tại các đô thị tỉnh ta cần xây dựng thêm khoảng 1,960 triệu m2 sàn nhà ở (so với năm 2015).

1.2. Nhà ở tại khu vực nông thôn

Nhà ở khu vực nông thôn tiếp tục gia tăng, tuy nhiên, tốc độ gia tăng chậm hơn ở khu vực đô thị. Việc gia tăng diện tích nhà ở khu vực nông thôn chủ yếu do quá trình tăng hộ gia đình (tách hộ phải làm nhà ở mới) và nhu cầu cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có của người dân. Dự báo đến năm 2020, khu vực nông thôn cần tăng thêm 1,870 triệu m2 sàn nhà ở (so với năm 2015).

1.3. Nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị

- Nhu cầu nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh sẽ tiếp tục gia tăng do các cơ sở đào tạo nâng cấp, mở rộng ngành nghề đào tạo cũng như tăng chỉ tiêu đào tạo. Với tổng số học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo đến năm 2020 có khoảng 15.000 người, dự kiến có khoảng 7.500 học sinh, sinh viên có nhu cầu nhà ở, với diện tích nhà ở dự kiến cần đáp ứng khoảng 60.000m2 sàn (tương đương 8m2 sàn/người).

- Tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, do nhu cầu lao động tăng cao của các doanh nghiệp để đáp ứng năng lực sản xuất nên số lượng công nhân lao động sẽ tăng khá cao. Ước tính đến năm 2020, tổng số công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trong toàn tỉnh có nhu cầu nhà ở khoảng 3.800 người. Nhu cầu diện tích nhà ở khoảng 45.600m2 sàn (tương đương khoảng 12m2 sàn/người).

- Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị có xu hướng gia tăng do nhu cầu lao động ở các đô thị ngày càng nhiều. Tuy nhiên tập trung ở một số đô thị lớn trong tỉnh như thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, trong đó nhiều nhất vẫn là thành phố Đồng Hới. Dự kiến đến năm 2020, có khoảng 540 hộ gia đình thu nhập thấp ở thành phố Đồng Hới và các vùng lân cận có nhu cầu nhà ở, với nhu cầu diện tích nhà ở cần đáp ứng khoảng 37.800m2 sàn.

1.4. Nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình người có công với cách mạng.

Từ năm 2016-2020, tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ hộ nghèo và hỗ trợ hộ gia đình có người có công với cách mạng cải thiện nhà ở. Dự báo nhu cầu các chương trình cụ thể như sau:

- Đối với Chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng nhà phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện chuyển tiếp chương trình từ năm 2015, kể từ năm 2016, tiếp tục thực hiện hỗ trợ số hộ còn lại trong Đề án được duyệt với số lượng hỗ trợ là 1.440 hộ.

- Đối với Chương trình hộ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện chuyển tiếp chương trình từ năm 2016 đến năm 2020, hỗ trợ cho 4.011 hộ nghèo khó khăn về nhà ở có nhu cầu cải thiện nhà ở.

- Đối với Chương trình hỗ trợ hộ gia đình người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện chuyển tiếp chương trình từ năm 2014, từ năm 2016-2020, tiếp tục hỗ trợ cho khoảng 10.745 hộ gia đình có người có công cải thiện nhà ở.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NHÀ Ở GIAI ĐOẠN 2016-2020

Phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 25,0m2 sàn/người, trong đó đô thị đạt 32,0m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 22m2 sàn/người.

Tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn tỉnh đạt trên 80%, trong đó tại khu vực đô thị đạt trên 90% và tại nông thôn đạt trên 70%. Xóa hết nhà ở đơn sơ trên phạm vi toàn tỉnh.

Đến năm 2020, giải quyết tối thiểu 60% số học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đồng Hới và khoảng 60% số công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung có nhu cầu về nhà ở được thuê nhà để ở.

Giải quyết khoảng 60% số hộ gia đình có thu nhập thấp ở thành phố Đồng Hới và vùng lân cận có nhu cầu nhà ở được mua, thuê, thuê mua nhà ở.

Phát triển các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới.

Hoàn thành các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, người có công với cách mạng về nhà ở theo các đề án được duyệt.

III. NỘI DUNG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở GIAI ĐOẠN 2016-2020

3.1. Phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị

3.1.1. Nhà ở cho học sinh, sinh viên

Nhu cầu nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, mà chủ yếu tập trung tại thành phố Đồng Hới (gồm các trường: Đại học Quảng Bình, Cao đẳng Kỹ thuật Công – Nông nghiệp Quảng Bình, Trung cấp y tế Quảng Bình, Trung cấp Luật, Trung cấp Kinh tế, Trung cấp Nghề số 9, Cao đẳng nghề và một số trường THPT trên địa bàn thành phố), dự kiến đến năm 2020, cần khoảng 42.000 m2 sàn nhà ở, đáp ứng khoảng 60% tổng nhu cầu nhà ở của học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo (tương đương khoảng 5.250 người).

Theo thống kê, đến nay, các cơ sở đào tạo đã đáp ứng được 1.500 chỗ ở. Như vậy, đến năm 2020, số lượng chỗ ở cần đáp ứng khoảng 3.750 chỗ, tương đương diện tích sàn xây dựng khoảng 30.000m2 sàn.

Định hướng phát triển:

- Các cơ sở đào tạo tự đầu tư mở rộng, nâng cấp các khu nhà ở hiện hữu và xây mới các khu nhà ở mới, đáp ứng tối thiểu khoảng 20% số nhu cầu, tương đương khoảng 6.000m2 sàn.

Nguồn vốn:

+ Sử dụng nguồn tự có của các đơn vị và nguồn vốn hợp pháp khác do các cơ sở đào tạo huy động.

+ Vốn từ các Chương trình mục tiêu do Nhà nước bố trí để phát triển nhà ở xã hội.

- Xã hội hóa đầu tư theo hình thức kêu gọi nhà đầu tư để đầu tư nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên thuê. Dự kiến đáp ứng khoảng 80% số nhu cầu, tương đương khoảng 24.000m2 sàn.

Nguồn vốn: Xã hội hóa.

3.1.2. Nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp

Nhu cầu nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 có khoảng 3.800 người. Để đáp ứng tối thiểu 60% nhà ở cho số công nhân có nhu cầu (tương đương khoảng 2.280 người), cần diện tích sàn tối thiểu 27.360m2.

Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế chưa đầu tư nhà ở cho công nhân. Chỉ mới có một doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đầu tư xây dựng 3.360m2 sàn, công suất 204 phòng, đáp ứng khoảng 280 chỗ ở cho công nhân và người lao động nói chung. Như vậy, đến năm 2020, diện tích nhà ở xã hội cần xây dựng thêm để đáp ứng tối thiểu 60% số công nhân có nhu cầu là 24.000m2 sàn.

Định hướng phát triển

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuộc doanh nghiệp của mình ngay trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có quy hoạch đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Dự kiến đầu tư khoảng 7.200m2 sàn, tương đương khoảng 30% nhu cầu.

- Xã hội hóa đầu tư: Kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, đáp ứng yêu cầu cho công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế và người lao động nói chung ở các khu vực lân cận khu công nghiệp. Dự kiến đầu tư theo hình thức xã hội hóa khoảng 70% nhu cầu, tương đương 16.800m2 sàn.

- Kết hợp với các hạng mục về nhà ở cho công nhân theo Dự án các thiết chế phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp do Liên đoàn Lao động tỉnh làm chủ đầu tư.

Nguồn vốn đầu tư: Nguồn của doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa.

3.1.3. Nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp tại đô thị

Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị (cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng vũ trang, công nhân lao động trong đô thị, ...), dự kiến đến năm 2020 cần xây dựng mới 21.000m2 sàn, đáp ứng tối thiểu cho khoảng 60% tổng số hộ gia đình thuộc đối tượng thu nhập thấp trong đô thị có nhu cầu về nhà ở.

Định hướng phát triển

- Phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tập trung chủ yếu ở thành phố Đồng Hới.

- Hình thức phát triển: Xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư đầu tư dự án nhà ở xã hội. Nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi của Nhà nước theo quy định của Chính phủ và của UBND tỉnh.

- Nhà nước tạo kiện để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như tạo quỹ đất sạch, hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án nhằm khuyến khích nhà đầu tư quan tâm, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

- Xây dựng khoảng 350 căn hộ chung cư, tương đương diện tích sàn 21.000m2 (mỗi căn hộ khoảng 60m2 sàn) trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tại khu vực phường Đồng Phú và khu dân cư đường Phan Đình Phùng, gần ngã ba Phú Quý.

3.2. Phát triển nhà ở thương mại

Nhà ở thương mại trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến sẽ có nhu cầu, song chưa nhiều, do tâm lý người dân chưa có thói quen mua nhà xây sẵn mà chủ yếu là mua đất trong các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để tự xây dựng nhà ở.

Định hướng phát triển

- Phát triển nhà ở thương mại dưới dạng dự án khu nhà ở, khu đô thị mới ở khu vực đô thị và khu vực nông thôn, các vùng lân cận đô thị trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố có nhu cầu; trong đó, tập trung phát triển ở thành phố Đồng Hới.

- Các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới có diện tích đất xây dựng nhà ở được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt, sau đó xây dựng nhà ở thương mại để bán hoặc cho thuê, cho thuê mua theo nhu cầu, hoặc chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh cho người dân tự xây dựng nhà ở (thực hiện đối với một số khu vực và được cấp có thẩm quyền cho phép).

- Đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh dự kiến xây dựng khoảng 34 dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 407 ha, trong đó, diện tích đất phục vụ xây dựng nhà ở khoảng 165 ha.

3.3. Cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ người có công với cách mạng

- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo xây dựng nhà phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với số lượng hỗ trợ là 1.440 hộ.

Phương thức hỗ trợ: Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần kinh phí (12; 14 hoặc 16 triệu đồng), Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối thiểu 2,5 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay tối đa 15 triệu đồng. Nguồn vốn còn lại do hộ gia đình huy động. Tổng cộng nguồn vốn để xây dựng nhà ở phòng tránh lũ lụt khoảng từ 50 triệu đến 60 triệu đồng. Người dân tự xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở đã có đảm bảo có phần diện tích sàn tối thiểu 10m2 sử dụng để tránh lũ lụt.

- Thực hiện hỗ trợ cho 4.011 hộ nghèo khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, năm 2016 đã cấp vốn hỗ trợ cho 200 hộ, các năm tiếp theo hỗ trợ cho số lượng còn lại là 3.811 hộ.

Phương thức hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ thông qua hỗ trợ lãi suất ưu đãi khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức vay tối đa 25 triệu đồng/hộ. Sau khi được vay vốn, người dân tự xây dựng nhà ở mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đã có đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu là 24m2 (đối với hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng không được thấp hơn 18m2).

- Hỗ trợ nhà ở cho 10.745 hộ gia đình có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ cải thiện nhà ở.

Phương thức hỗ trợ: Ngân sách trung ương hỗ trợ 20 triệu đồng (đối với nhà cải tạo, sửa chữa) hoặc 40 triệu đồng (đối với nhà xây mới). Sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình tự xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đã có đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2 (đối với hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng không được thấp hơn 24m2).

(Danh mục, khái toán kinh phí và nguồn vốn các dự án có phụ lục kèm theo)

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đã nêu trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020, ban hành kèm theo Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh. Trong đó, chú trọng một số nội dung sau.

- Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ, hàng năm để tổ chức thực hiện.

- Phát triển nhà ở thương mại gắn với việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đảm bảo các khu nhà ở mới được hình thành đồng bộ, kết nối thuận lợi với các khu vực khác, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến sinh sống trong khu vực. Đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế để phát triển, tránh trường hợp phát triển một cách tràn lan, phong trào, gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường bất động sản.

- Coi trọng vấn đề phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo mục tiêu chung của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Khuyến khích các doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp có giải pháp chỗ ở cho công nhân, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội trên cơ sở các cơ chế ưu đãi theo quy định của Chính phủ. Thực hiện cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP để phát triển nhà ở xã hội.

- Tập trung sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện các chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo, người có công với cách mạng cải thiện nhà ở. Lồng ghép các chương trình mục tiêu để phát huy các nguồn lực; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về nhà ở cho hộ nghèo, người có công với cách mạng để người dân biết, hưởng ứng và tham gia tích cực, có hiệu quả, nhằm phát huy hiệu quả của các chương trình.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra nhằm đạt được các mục tiêu, định hướng của Chương trình. Tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở để xây dựng Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong giai đoạn tiếp theo.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh, các Sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được giao trong Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020, ban hành kèm theo Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Chương trình.

Để đạt được các mục tiêu đề ra giai đoạn 2016-2020, các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở tỉnh đã được phê duyệt, Sở Xây dựng tham mưu xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định để triển khai thực hiện.

- Căn cứ các mục tiêu về phát triển nhà ở đề ra trong Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm được duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm năm và hàng năm, làm cơ sở để triển khai thực hiện.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu xây dựng, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm năm và hàng năm đối với các dự án phát triển nhà ở, các dự án khu đô thị mới, báo cáo UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét quyết định để có cơ sở thực hiện.

- Sở Tài chính chủ động tham mưu cân đối, bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư và nguồn vốn lập quy hoạch các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới làm cơ sở cho việc lựa chọn nhà đầu tư.

- Các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ hộ nghèo và người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, phấn đấu hoàn thành dứt điểm các chương trình trước năm 2020.

 

PHỤ LỤC 1

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2011-2015

(Kèm theo điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020, ban hành kèm theo Quyết định số /2018/QĐ-UBND ngày / /2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Bảng 1. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người

Đơn vị tính: m2 sàn/người

Chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người

Mục tiêu giai đoạn 2011-2015

Kết quả thực hiện 2011-2015

Đánh giá

Toàn tỉnh

21,3

21,5

Vượt

- Nhà ở đô thị

30,0

30,2

Vượt

- Nhà ở nông thôn

19,5

19,0

Xấp xỉ đạt

Bảng 2. Phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị

Chỉ tiêu phát triển nhà ở

Mục tiêu giai đoạn 2011-2015

Kết quả thực hiện 2011-2015

Đánh giá

Nhà ở công nhân

169.956 m2 sàn, Đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho 50% công nhân có nhu cầu về nhà ở

3.360 m2 sàn. Đáp ứng 280 chỗ ở

Đạt 1,9%

Nhà ở cho học sinh, sinh viên

70.000 m2 sàn. Đáp ứng 60% nhu cầu chỗ ở cho sinh viên trên địa bàn

12.000 m2 sàn. Đáp ứng 1.500 chỗ ở

Đạt 17%

Nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị

180.000 m2 sàn

0.00m2 sàn

Đạt 0%

Bảng 3. Kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, người có công với cách mạng cải thiện nhà ở

Chương trình

Mục tiêu giai đoạn 2011-2015

Kết quả thực hiện 2011-2015

Đánh giá

Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ

Tiếp tục hỗ trợ cho khoảng 4.500 hộ nghèo

Hỗ trợ cho 6.515/6.646 hộ (đạt 97,52%)

Đạt so với chỉ tiêu đưa ra

Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ

Hoàn thành việc hỗ trợ trong năm 2012

Hỗ trợ cho 100/100 hộ (đạt 100% mục tiêu đề ra)

Đạt so với chỉ tiêu đưa ra

Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ

Hoàn thành việc hỗ trợ trong năm 2014-2016

Hỗ trợ cho 2.483/3.881 hộ (đạt 63,97%)

Đang tiếp tục triển khai thực hiện

Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ

Hoàn thành việc hỗ trợ trong năm 2013 - 2014

Hỗ trợ cho 3.691/14.436 hộ (đạt 25,57%)

Chưa đạt, do nguồn vốn Trung ương cấp chưa đủ để thực hiện

Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ

Năm 2016 hỗ trợ hoàn thành 200 hộ

Hỗ trợ được 156/200 hộ (đạt 78%)

Chưa đạt, do nhiều hộ gia đình chưa kịp triển khai trong năm 2016

Bảng4. Kết quả thực hiện các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới

TT

Tên dự án

Quy mô, Mục tiêu giai đoạn 2011-2015

Kết quả thực hiện 2011-2015

Đánh giá

1

Khu Đô thị mới Bảo Ninh

Diện tích đất: 55ha; diện tích sàn nhà CC: 165.000m2; diện tích sàn nhà BT:82.500m2; nhà liền kề: 68.750m2.

Đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư

Chưa đạt

2

Khu Đô thị mới Phú Hải

Diện tích đất: 28ha; diện tích sàn nhà CC: 84.000m2; diện tích sàn nhà BT:42.000m2; nhà liền kề: 35.000m2.

Đã lựa chọn được nhà đầu tư, đang triển khai đầu tư hạ tầng dự án

Khối lượng thi công hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 20%

3

Khu nhà ở tại phường Đức Ninh Đông

Diện tích đất: 9,2ha; diện tích sàn nhà CC: 124.200m2; diện tích sàn nhà BT: 32.400m2.

Đã đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật và chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở

Tỷ lệ xây dựng nhà ở đạt khoảng 10% trên tổng diện tích nhà ở của dự án

4

Khu biệt thự tại Khu dân cư phía Bắc Đường Lê Lợi

Diện tích sàn nhà BT: 34.500m2.

Hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư hoàn chỉnh. Quyền sử dụng đất đã chuyển nhượng hết cho người dân. Người dân tự xây dựng nhà ở đạt khoảng 40% tổng số nhà ở biệt thự trong dự án

Tỷ lệ xây dựng nhà đạt khoảng 40% tổng số nhà ở biệt thự

5

Khu biệt thự tại Khu phía Bắc Đường Trần Quang Khải

Diện tích sàn nhà BT: 42,000m2.

Do điều chỉnh hình thức thực hiện sang xã hội hóa nên đến năm 2015, dự án chưa được triển khai

Chưa đạt

6

Khu biệt thự tại KDC Đường Phan Đình Phùng gần ngã 3 Phú Quý.

Diện tích sàn nhà BT: 18,000m2.

Chưa triển khai

Chưa đạt

7

Khu biệt thự tại KĐTM phía Tây sông Cầu Rào thuộc phường Nam Lý và Đức Ninh Đông

Diện tích sàn nhà BT: 9,000m2.

Dự án đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, quyền sử dụng đất đã chuyển nhượng hết cho người dân tự xây dựng nhà ở. Người dân tự xây dựng đạt khoảng 10% tổng diện tích dự án

Tỷ lệ xây dựng nhà đạt khoảng 10% tổng số nhà ở biệt thự

8

Khu nhà ở liền kề tại Khu vực phường Đức Ninh Đông (trong QHCTXD phường Đức Ninh Đông và Trung tâm xã Đức Ninh).

Dự kiến đất phân lô xây nhà liền kề: 6,5ha; diện tích sàn xây dựng: 162.500m2.

Chưa triển khai thực hiện

Chưa đạt

 

PHỤ LỤC 2

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, KHÁI TOÁN KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2016-2020

(Kèm theo điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020, ban hành kèm theo Quyết định số /2018/QĐ-UBND ngày / /2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

I. CÁC DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

TT

Dự án

Địa điểm, Quy mô

Khái toán kinh phí (tỷ đồng)

I

NHÀ Ở SINH VIÊN

 

 

1

Các cơ sở đào tạo đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các khu nhà ở hiện hữu

Tại các cơ sở đào tạo. Quy mô đạt 6000 m2 sàn xây dựng

30,0

2

Xã hội hóa đầu tư nhà ở cho sinh viên, học sinh tại thành phố Đồng Hới

Tại thành phố Đồng Hới. Quy mô đạt 24.000 m2 sàn xây dựng

120,0

II

NHÀ Ở CÔNG NHÂN

 

 

1

Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân

Tại các khu công nghiệp. Quy mô 7.200 m2 sàn xây dựng

36,0

2

Xã hội hóa đầu tư nhà ở cho công nhân

Tại khu kinh tế Hòn La và khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới. Quy mô 16.800 m2 sàn xây dựng

84,0

III

NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

 

 

1

Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg

3.811 nhà

190,55

2

Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg

1.440 nhà

72,00

3

Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg

10.745 nhà

537,25

IV

NHÀ Ở CHO NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP Ở ĐÔ THỊ

 

 

1

Xây dựng 02 khu nhà ở cho người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Đồng Hới

Tại phường Đồng Phú và tại phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới.

Quy mô: 21.000 m2 sàn xây dựng

105,00

II. CÁC DỰ ÁN NHÀ Ở THƯƠNG MẠI, KHU ĐÔ THỊ MỚI

TT

Dự án

Địa điểm, Quy mô

Khái toán kinh phí (tỷ đồng)

 

Thành phố Đồng Hới

 

 

1

Dự án Khu nhà ở thương mại phía Bắc kênh Phóng Thủy, phường Đồng Phú, Đồng Hới

Địa điểm: phường Đồng Phú.

Diện tích quy hoạch: 10,9 ha

Diện tích dự án: 9,9 ha

485,0

2

Dự án Khu nhà ở thương mại phía Đông đường Phùng Hưng, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới

Địa điểm: phường Đồng Phú.

Diện tích quy hoạch: 13,9 ha

Diện tích dự án: 9,9 ha

520,0

3

Dự án Khu nhà ở thương mại tại Trung tâm hành chính phường Đức Ninh Đông

Địa điểm: phường Đức Ninh Đông.

Diện tích quy hoạch: 10,63 ha

Diện tích dự án: 7,0 ha.

300,0

4

Dự án Khu nhà ở thương mại phía Đông sông Lệ Kỳ, phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới

Địa điểm: phường Phú Hải

Diện tích quy hoạch: 12,07 ha

Diện tích dự án 9,8 ha.

472,0

5

Dự án Khu đô thị mới Đồng Cựa Trên, phường Đức Ninh Đông, thành phố Đồng Hới

Địa điểm: phường Đức Ninh Đông

Diện tích dự án: 8,0 ha.

350,0

6

Dự án Khu nhà ở thương mại phía Bắc đường Trần Quang Khải

Địa điểm: phường Đồng Phú

Diện tích dự án: 10,3 ha.

505,0

7

Dự án Khu nhà ở thương mại phía Tây Nam đường Lý Thái Tổ, phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới

Địa điểm: phường Bắc Nghĩa.

Diện tích quy hoạch: 13,8 ha

Diện tích dự án: 8,0 ha.

345,0

8

Dự án nhà ở thương mại phía Nam đường Trần Hưng Đạo (giáp với Đài phát sóng, phát thanh Đồng Hới)

Địa điểm: phường Đồng Phú.

Diện tích quy hoạch: 4,3 ha

Diện tích dự án: 3,43 ha

220,0

9

Dự án Khu nhà ở thương mại phía Tây mương Phóng Thủy, phường Bắc Lý

Địa điểm: phường Bắc Lý.

Diện tích quy hoạch: 9,9 ha

Diện tích dự án: 8,0 ha

350,0

10

Dự án Khu nhà ở thương mại phía Đông đường Nguyễn Văn Linh

Địa điểm: phường Nam lý và phường Bắc Lý.

Diện tích quy hoạch: 8,16 ha

Diện tích dự án: 8,16 ha

450,0

11

Dự án nhà ở liền kề kết hợp kinh doanh shop – house

Địa điểm: Phường Hải Đình.

Diện tích: 4.537m2. Tổng số căn 46

131,0

12

Dự án khu nhà ở thương mại phía Tây Nam đường Lý Thánh Tông, đoạn từ đường F325 đến đường Trương Phúc Phấn

Địa điểm: phường Bắc Lý.

Diện tích quy hoạch: 12,19 ha

Diện tích dự án: 11,0 ha

550,0

13

Dự án khu đô thị mới Bảo Ninh 1, 2, 3

Địa điểm: Xã Bảo Ninh

Diện tích dự án: khoảng 55 ha

1.900,0

14

Dự án khu nhà ở thương mại Trường Thịnh (của Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh)

Địa điểm: 5 khu đất thuộc phường Bắc Lý, Nam Lý của Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh.

Diện tích dự án: 5,334 ha

512,0

15

Dự án khu đô thị phía Nam cầu Dài, phường Phú Hải

Địa điểm: Phường Phú Hải

Diện tích dự án: khoảng 42,3 ha

1.500,0

 

Huyện Bố Trạch

 

 

16

Dự án Khu nhà ở thương mại xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch

Địa điểm: xã Phú Trạch .

Diện tích quy hoạch: 4,15 ha

Diện tích dự án: 4,15 ha

210,0

17

Dự án Khu nhà ở thương mại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch

Địa điểm: xã Lý Trạch.

Diện tích quy hoạch: 9,7 ha

Diện tích dự án: 9,7 ha

525,0

18

Dự án Khu nhà ở thương mại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch

Địa điểm: xã Trung Trạch.

Diện tích quy hoạch: 8,6 ha

Diện tích dự án: 8,0 ha

450,0

19

Khu nhà ở thương mại tại trung tâm hành chính mới xã Nhân Trạch

Địa điểm: xã Nhân Trạch Diện tích quy hoạch: 15,68 ha

Diện tích dự án: 15,0 ha

638,0

20

Khu nhà ở thương mại tại xã Thanh Trạch

Địa điểm: xã Thanh Trạch Diện tích quy hoạch: 8,0 ha

Diện tích dự án: 8,0 ha

450

 

Huyện Quảng Trạch

 

 

21

Dự án khu nhà ở thương mại phía Đông Nam trung tâm huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch

Địa điểm: Trung tâm huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch.

Diện tích quy hoạch: 19,8 ha

Diện tích dự án: 19,8 ha

745,0

22

Dự án khu nhà ở thương mại phía Tây trung tâm huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch

Địa điểm: Trung tâm huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch.

Diện tích quy hoạch: 19,8 ha

Diện tích dự án: 19,8 ha

775,0

23

Dự án Khu nhà ở thương mại tại trung tâm hành chính huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch

Địa điểm: Xã Quảng Phương. Khu đất có ký hiệu OT7, OT5, OT6 (theo Quy hoạch chung được duyệt).

Diện tích quy hoạch: 16,5 ha

Diện tích: khoảng 16,5 ha

600,0

24

Dự án Khu nhà ở thương mại phía Đông ngoài trung tâm hành chính huyện lỵ mới (dọc tuyến đường N1)

Địa điểm: Xã Quảng Hưng.

Diện tích quy hoạch: 40,4 ha

Diện tích dự án: 40,4 ha

1.500,0

 

Thị xã Ba Đồn

 

 

25

Dự án Khu nhà ở thương mại tại phường Quảng Phong

Địa điểm: Phường Quảng Phong (tiếp giáp Quốc lộ 12A).

Diện tích quy hoạch: 9,9 ha

Diện tích dự án: 9,6 ha

360,0

26

Dự án Khu nhà ở thương mại phường Quảng Phong, giáp mương tưới Tiên Lang

Địa điểm: phường Quảng Phong, tiếp giáp mương tưới Tiên Lang.

Diện tích quy hoạch: 9,7 ha

Diện tích dự án: 9,7 ha

515,0

27

Dự án khu nhà ở thương mại Tiên Phong – Quảng Long (của Công ty TNHH Tiên Phong)

Địa điểm: tại phường Quảng Long

Diện tích: 1.672,7 m2.

12,5

28

Khu nhà ở thương mại phía Nam Tổ dân phố Mỹ Hòa

Địa điểm: tại phường Quảng Phúc

Diện tích quy hoạch: 10 ha

Diện tích dự án: 9,8 ha.

350

 

Huyện Lệ Thủy

 

 

29

Dự án Khu nhà ở thương mại tại thị trấn Kiến Giang và xã Liên Thủy

Địa điểm: khu vực thượng giang, thị trấn Kiến Giang và một phần thuộc xã Liên Thủy.

Diện tích quy hoạch: 16,8 ha

Diện tích dự án: 10 ha

460,0

30

Dự án Khu nhà ở thương mại thị trấn Nông trường Lệ Ninh

Địa điểm: Thị trấn Nông trường Lệ Ninh.

Diện tích quy hoạch: 6,62 ha

Diện tích dự án: 6,62 ha

250,0

 

Huyện Quảng Ninh

 

 

31

Dự án Khu nhà ở thương mại tại vùng ruộng Nhất, thị trấn Quán Hàu

Địa điểm: thị trấn Quán Hàu

Diện tích quy hoạch: 8,02 ha

Diện tích dự án: 4,5 ha

215,0

32

Dự án Khu nhà ở thương mại Dinh Mười III

Địa điểm: Thôn Dinh Mười, xã Gia Ninh.

Diện tích quy hoạch: 9,89 ha

Diện tích dự án: 9,89 ha

370,0

33

Dự án Khu nhà ở thương mại thôn Hà Thiệp – Bắc Ninh

Địa điểm: xã Võ Ninh.

Diện tích quy hoạch: 9,53 ha

Diện tích dự án: 9,53 ha

380,0

34

Dự án khu nhà ở thương mại Đá Lả

Địa điểm: Thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh.

Diện tích quy hoạch: 6,52 ha

Diện tích dự án: 6,52 ha

250

 

Tổng cộng: 34 dự án

Tổng diện tích dự án: 407ha

Tổng vốn đầu tư: 17.645 tỷ đồng

 

III. TỔNG KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN                                                                      Đơn vị tính: tỷ đồng

TT

Dự án

Khái toán kinh phí (tỷ đồng)

Phân ra theo nguồn vốn

Ngân sách TW(1)

Ngân sách địa phương(2)

Vay ngân hàng CSXH(3)

Huy động từ các tổ chức khác và người dân(4)

Xã hội hóa đầu tư(5)

1

Nhà ở sinh viên

150,00

-

15,000

-

-

135,000

2

Nhà ở công nhân

120,00

-

12,000

-

-

108,000

3

Nhà ở cho hộ nghèo, người có công với cách mạng

799,8

293,995

30,852

116,245

358,708

-

4

Nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị

105,00

-

10,500

-

-

94,500

5

Nhà ở thương mại, khu đô thị mới

17.645,00

-

-

-

-

17.645,000

 

Tổng

18.819,8

293,995

68,352

116,245

358,708

17.982,5

Ghi chú:

(1): Ngân sách Trung ương để hỗ trợ thực hiện các chương trình theo quy định, gồm Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng tránh lũ lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của TTCP; Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của TTCP.

(2): Ngân sách địa phương để:

- Hỗ trợ đối ứng cho các chương trình theo quy định của Chính phủ gồm Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của TTCP, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng tránh lũ lụt theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của TTCP; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg .

- Hỗ trợ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, gồm nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị (ước tính khoảng 10%).

(3): Vốn vay ngân hàng CSXH để cho hộ gia đình vay vốn thực hiện các chương trình: hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng tránh lũ lụt theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg của TTCP; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg .

(4): Vốn huy động từ người dân và các tổ chức khác: Để thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, hộ gia đình có công với cách mạng.

(5): Vốn xã hội hóa: Là nguồn vốn của các tổ chức kinh tế tham gia đầu tư phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị.