Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2006/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 16 tháng 01 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG TRONG THƯƠNG MẠI BÁN LẺ VÀ TỔ CHỨC XÂY DỰNG MÔ HÌNH TRẠM CÂN ĐỐI CHỨNG TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND & UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Đo lường ngày 06 tháng 10 năm 1999;

Căn cứ Nghị định số 06/2002/NĐ-CP ngày 14/01/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Đo lường;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;

Căn cứ Quyết định số 31/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 17/5/2002 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là bộ Khoa học Công nghệ) về việc ban hành “Quy định về đo lường đối với các phép đo trong thương mại bán lẻ”;

Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 732/TT-KHCN ngày 22/12/2005 về việc ban hành Quy định quản lý đo lường trong thương mại bán lẻ và tổ chức xây dựng trạm cân đối chứng tại các chợ trên địa bàn Tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý đo lường trong thương mại bán lẻ và tổ chức xây dựng trạm cân đối chứng tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Thương mại, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG TRONG THƯƠNG MẠI BÁN LẺ VÀ TỔ CHỨC XÂY DỰNG TRẠM CÂN ĐỐI CHỨNG TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2006/QĐ-UBND ngày 16/01/2005 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Quy định này quy định việc quản lý đo lường trong thương mại bán lẻ và tổ chức xây dựng trạm cân đối chứng tại các Trung tâm thương mại, chợ loại 1, loại 2 và một số chợ loại 3 đã được quy hoạch theo Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010;

2. Các chợ cóc, chợ tạm, không ổn định và không nằm trong quy hoạch trên địa bàn tỉnh thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Quy mô chợ

1. Chợ loại 1: có trên 400 điểm kinh doanh, là chợ trung tâm của tỉnh, vừa buôn bán vừa kinh doanh tổng hợp, phạm vi ảnh hưởng của chợ loại 1 đến tất cả các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh.

2. Chợ loại 2: có khoảng 200 đến 400 điểm kinh doanh, là chợ kinh doanh tổng hợp, vừa buôn bán sĩ và bán lẻ phục vụ cho nhu cầu dân cư ở các khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố.

3. Chợ loại 3: có dưới 200 điểm kinh doanh mua bán, là chợ thường tập trung ở các xã, liên xã với quy mô vừa và nhỏ, phạm vi phục vụ hẹp, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tại chỗ.

Điều 3.

1. Tất cả các chợ loại 1, loại 2 và loại 3 quy định tại điều 1, điều 2 của Quy định này được trang bị trạm cân đối chứng, để kiểm tra, giám sát và chống các hành vi gian lận về đo lường, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân.

2. Chống gian lận đo lường, đảm bảo công bằng xã hội là trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, quản lý thị trường, quản lý chuyên ngành, UBND các cấp, Ban quản lý chợ và của chính mỗi người dân.

3. Từng tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm chấp hành Pháp luật đo lường, nghiêm cấm các hành vi gian lận về đo lường.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Đo lường: là việc xác định giá trị của một lượng hàng hóa cần cân, đong, đo.

2. Dụng cụ chuẩn: là phương tiện đo lường có độ chính xác cấp cao nhất ở một địa phương hoặc một tổ chức để xác định giá trị hàng hóa.

3. Phương tiện đo: là phương tiện kỹ thuật dùng để xác định giá trị của đại lượng cần cân, đong, đo.

4. Giới hạn thiếu cho phép: là lượng hàng hóa được phép thiếu ở tại các mức cân, đong khác nhau.

5. Kiểm định: là việc xác định và chứng nhận phương tiện đo đó đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định do tổ chức có thẩm quyền hoặc được ủy quyền kiểm định thực hiện.

6. Gian lận đo lường: là hành vi sử dụng một số thủ thuật làm sai lệch kết quả cân, đong, đo lường trong trao đổi, mua, bán hàng hóa, các biểu hiện chính như:

a) Sử dụng các thủ thuật làm sai lệch kết quả định lượng hàng hóa (khi phương tiện đo đó vẫn còn hợp pháp và chính xác).

b) Sử dụng phương tiện đo không hợp pháp: phương tiện đo chưa được kiểm định, phương tiện đo chưa được phê duyệt mẫu, hết hạn kiểm định, phương tiện đo có sai số nằm ngoài mức sai số cho phép.

c) Phá dấu niêm phong của cơ quan quản lý Nhà nước để điều chỉnh làm sai lệch phương tiện đo theo hướng có lợi cho tổ chức, cá nhân.

d) Kinh doanh các loại hàng hóa đóng gói sẳn theo định lượng (khối lượng hoặc thể tích) thuộc danh mục hàng đóng gói sẳn phải quản lý Nhà nước về đo lường do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành như: Không ghi định lượng thực trên bao bì theo quy định; không đủ định lượng, có sai số vượt mức giới hạn cho phép đối với sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẳn.

7. Trạm cân đối chứng: là cơ sở pháp lý, kỹ thuật của Nhà nước, bao gồm một số phương tiện đo chuẩn, trang bị cho các chợ, phục vụ nhu cầu đối chứng và đấu tranh chống gian lận đo lường của nhân dân; hỗ trợ quản lý đo lường của UBND các cấp.

8. Cân đo đối chứng: là việc các tổ chức, cá nhân, sử dụng phương tiện đo hợp pháp tại các Trạm cân đối chứng, cân đong lại lượng hàng hóa đã mua bán để xác định sai số đo lường.

9. Hàng đóng gói sẳn: là hàng hóa được thực hiện phép đo định lượng và đóng gói không có sự chứng kiến của khách hàng.

Chương II

QUY ĐỊNH ĐO LƯỜNG TRONG THƯƠNG MẠI BÁN LẺ

Điều 5. Giới hạn thiếu cho phép trong đo lường

1. Khối lượng hàng hóa bán cho khách hàng khi cân không được thiếu quá giới hạn cho phép theo bảng sau:

Lượng hàng hóa (theo kg)

Giới hạn thiếu cho phép (theo g)

Đến 0,1

5

Trên 0,1 đến 0,2

10

Trên 0,2 đến 0,5

15

Trên 0,5 đến 01

20

Trên 01 đến 02

40

Trên 02 đến 05

80

Trên 05 đến 10

150

Trên 10

150 + 10 cho mỗi kg tiếp theo

2. Lượng hàng hóa tính theo thể tích bán cho khách hàng khi đong không được thiếu quá giới hạn cho phép trong bảng sau:

Lượng hàng hóa (theo L)

Giới hạn thiếu cho phép (theo mL)

0,25

5

Từ 0,5 đến 05

10 cho mỗi lít hàng hóa

Trên 05

5 cho mỗi lít hàng hóa

Điều 6. Phương tiện đo dùng trong mua, bán, trao đổi hàng hóa phải đảm bảo các yêu cầu sau đây

1. Đã được kiểm định và còn thời hạn sử dụng hợp pháp.

2. Cân có độ chính xác cấp 4 trở lên; phương tiện đong có độ chính xác từ 0,5% đến 1% và phạm vi đo thích hợp với từng mức cân, đong.

3. Đối với phương tiện đong: không được móp méo, bị biến dạng hoặc tồn đọng lượng hàng hóa làm thay đổi dung tích.

4. Phương tiện đo phải đúng theo thiết kế của nhà sản xuất, không được phép gắn thêm các thiết bị phụ trợ hoặc cài đặt chương trình để làm thay đổi kết quả đo.

5. Đối với các phương tiện đo đã sử dụng lâu năm, lắp ráp không đồng bộ, hoạt động không ổn định thì các doanh nghiệp phải có kế hoạch thay thế để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và đo lường.

Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức cá nhân mua, bán, trao đổi hàng hóa

1. Các tổ chức, cá nhân mua, bán, trao đổi hàng hóa phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những người có trách nhiệm, khách hàng hoặc đại diện của khách hàng có thể chứng kiến, kiểm tra, so sánh các phép đo định lượng hàng hóa.

2. Trường hợp hàng hóa đã được cân hoặc đong trước đó (nhưng không phải là hàng đóng gói sẳn) người bán hàng phải ghi rõ lượng hàng hóa đã cân, đong trên bao bì và phải thực hiện cân, đong lại nếu khách hàng yêu cầu.

3. Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa phải có các phương tiện chuẩn hợp pháp để khách hàng đối chứng sản phẩm.

4. Các điểm kinh doanh xăng dầu phải công bố mức chất lượng hàng hóa trên từng cột bơm, trang bị các bình đong chuẩn, niêm yết công khai màu của các loại xăng, để người tiêu dùng có điều kiện đối chứng số lượng và chất lượng nhiên liệu đã mua.

5. Người mua có quyền yêu cầu người bán cân, đong lại lượng hàng hóa tại nơi bán bằng phương pháp của người bán hoặc tự kiểm tra lại tại các điểm cân, đong đối chứng hoặc thông qua phương tiện đo hợp pháp của người khác.

Chương III

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẠM CÂN ĐỐI CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Điều 8. Quy hoạch phát triển Trạm cân đối chứng

1. Việc phát triển trạm cân đối chứng phải theo quy hoạch thống nhất, phù hợp với quy hoạch phát triển chợ và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

2. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Thương mại, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Ngành liên quan xây dựng quy hoạch phát triển Trạm cân đối chứng cho các chợ trên địa bàn Tỉnh, trình UBND Tỉnh phê duyệt thực hiện.

Điều 9. Quy mô trạm cân đối chứng

Tùy quy mô và phân loại từng chợ, mỗi chợ được xây dựng 01 Trạm cân đối chứng hoặc một số Trạm cân đối chứng bao gồm: 01 trạm chính (với các trang thiết bị đầy đủ, đồng bộ) và một số trạm phụ (với trang bị rút gọn), theo các mô hình Trạm cân đối chứng đã xây dựng.

Điều 10. Tổ chức, quản lý Trạm cân đối chứng

1. Tổ quản lý đo lường tại các chợ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chịu sự quản lý trực tiếp của Ban quản lý chợ.

2. Tùy theo quy mô chợ loại 1, chợ loại 2 hoặc chợ loại 3 có thể thành lập tổ quản lý khoảng từ 01 đến 04 thành viên, trong đó tổ trưởng là lãnh đạo ban quản lý chợ.

3. Nhiệm vụ chính của Tổ quản lý:

a) Tuyên truyền, phổ biến các quy định đo lường, hướng dẫn đôn đốc các hộ kinh doanh thực hiện việc kiểm định phương tiện đo theo quy định pháp luật.

b) Quản lý và trực các trạm cân đối chứng, theo dõi nắm bắt tình hình sử dụng cân đối chứng.

c) Thường xuyên theo dõi, giám sát các hoạt động đo lường, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình quản lý đo lường ở phạm vi chợ theo quy định.

d) Trực tiếp giải quyết các khiếu nại, tranh chấp về đo lường theo quyền hạn, tham mưu đơn vị chức năng xử lý các trường hợp vi phạm về đo lường.

e) Phối hợp với các đơn vị chức năng thanh, kiểm tra phương tiện đo khi có yêu cầu.

Điều 11. Quy định hoạt động của Trạm cân đối chứng

1. Trạm cân đối chứng phục vụ không thu phí khi nhân dân có nhu cầu cân đối chứng trong mua bán, trao đổi hàng hóa.

2. Trạm cân đối chứng hoạt động theo phương thức tự phục vụ, người tiêu dùng khi có nhu cầu cân đối chứng, được tự mình cân kiểm tra tại Trạm; Khi có sai lệch về định lượng hàng hóa, các bên tự thỏa thuận giải quyết với nhau; Trường hợp không thỏa thuận được, các bên được quyền đề nghị Ban quản lý chợ, các cơ quan có thẩm quyền làm trọng tài giải quyết.

3. Phương tiện đo tại Trạm cân đối chứng là loại cân có cấp chính xác 2, giá trị phân độ (d) từ 0,01kg đến 0,02kg và phải được định kỳ kiểm định theo quy định pháp luật. Tùy theo lượng hàng hóa kinh doanh thông dụng tại mỗi chợ, các đơn vị trang bị cân với mức cân phù hợp.

4. Phương tiện đo tại các Trạm cân đối chứng là căn cứ pháp lý để xác định sai số của việc định lượng hàng hóa (thông dụng), để giải quyết tranh chấp về đo lường trong trao đổi, mua, bán hàng hóa tại chợ.

5. Mọi người tiêu dùng đều có quyền và nghĩa vụ cân đối chứng lại lượng hàng hóa mình đã mua nhằm kiểm tra, giám sát đo lường và đấu tranh chống gian lận đo lường để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

6. Ban quản lý chợ chịu trách nhiệm tổ chức trực và duy trì các Trạm cân đối chứng hoạt động theo đúng các quy định của Quy định này; cán bộ trực và vận hành thiết bị của Trạm cân đối chứng phải được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về đo lường, đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

7. Người cân đối chứng phải có ý thức giữ gìn các phương tiện đo thuộc Trạm cân đối chứng. Các tổ chức cá nhân không được sử dụng phương tiện đo của trạm cân đối chứng vào các mục đích khác.

Điều 12. Kinh phí trang bị, xây dựng và hoạt động của trạm cân đối chứng Kinh phí thực hiện bao gồm: từ nguồn sự nghiệp Khoa học và Công nghệ của tỉnh (cấp qua Sở Khoa học và công nghệ); ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn thu phí của chợ, cụ thể:

1. Nguồn kinh phí xây dựng, lắp đặt, trang bị cân và đào tạo, hướng dẫn chuyên môn cho Trạm cân đối chứng được lấy từ ngân sách hỗ trợ cho hoạt động Khoa học và Công nghệ của các huyện, thị xã, thành phố hàng năm.

2. Kinh phí xây dựng kiốt bao che cân trích từ nguồn kinh phí chợ và ngân sách cấp huyện.

3. Duy trì các Trạm cân, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ, đột xuất các phương tiện đo của Trạm cân đối chứng trích từ nguồn thu phí chợ và xử lý gian lận thông qua đo lường tại các chợ.

Chương IV

NHIỆM VỤ CỦA SỞ, NGÀNH VÀ UBND CÁC CẤP

Điều 13. Nhiệm vụ của các Sở, Ngành và UBND các cấp

1. Sở Khoa học và Công Nghệ:

a) Căn cứ quy hoạch chung của tỉnh, kế hoạch của các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển các trạm cân đối chứng trên địa bàn Tỉnh.

b) Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các đơn vị, nhân dân các quy định về quản lý đo lường.

c) Hướng dẫn các tổ chức cá nhân sử dụng phương tiện đo, thực hiện các phép đo theo đúng quy định.

d) Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý đo lường và cách thức xây dựng mô hình cân đối chứng.

e) Đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý đo lường tại các địa phương và chợ.

f) Chủ động phối hợp với các Ngành chức năng, các cấp chính quyền tổ chức công tác quản lý, thanh kiểm tra về đo lường.

g) Cân đối kinh phí sự nghiệp Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho các địa phương đảm bảo đủ để thực hiện kế hoạch xây dựng trạm cân đối chứng.

h) Tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ, đột xuất các phương tiện đo cho các doanh nghiệp, trạm cân đối chứng khi có yêu cầu.

i) Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh xăng dầu nghiêm chỉnh thực hiện các quy định Nhà nước về đo lường và quy định này.

2. Sở Tài chính:

a) Hàng năm, cân đối nguồn kinh phí đảm bảo cho việc triển khai công tác quản lý đo lường và tổ chức, xây dựng, hoạt động của Trạm cân đối chứng.

b) Hướng dẫn về chính sách, chế độ và các quy định tài chính của Nhà nước cho các ngành, các cấp, các đơn vị liên quan.

3. Sở Thương mại:

a) Thường xuyên phối hợp với Sở Khoa học & Công Nghệ, các ngành liên quan lồng ghép kế hoạch kiểm tra thị trường với kiểm tra đo lường tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ hướng dẫn bổ sung nhiệm vụ quản lý đo lường và duy trì hoạt động trạm cân đối chứng cho các ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Thực hiện nhiệm vụ quản lý đo lường theo Pháp lệnh đo lường và Nghị định 06/2002/NĐ-CP ngày 14/01/2002 của Chính phủ.

b) Xây dựng kế hoạch phát triển trạm cân đối chứng trong kế hoạch khoa học công nghệ hàng năm.

c) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ triển khai hoạt động quản lý đo lường, xây dựng các trạm cân đối chứng và thực hiện công tác chống gian lận thương mại.

d) Phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thương mại và các đơn vị có liên quan triển khai hoạt động thanh kiểm tra về đo lường tại địa phương.

5. UBND các phường, xã, thị trấn: ( được phân cấp quản lý chợ)

a) Tiếp nhận thiết bị, tổ chức xây dựng trạm cân đối chứng theo chỉ đạo của Sở Khoa học và Công Nghệ và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

b) Chỉ đạo Ban quản lý chợ lập tổ quản lý đo lường, triển khai trạm cân đối chứng theo hướng dẫn.

c) Giúp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thương mại, Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường - Chất lượng , UBND các huyện, thành phố và các cơ quan quản lý Nhà nước triển khai hoạt động quản lý, thanh, kiểm tra đo lường trên địa bàn quản lý.

d) Đảm bảo các điều kiện cần thiết về mặt bằng, an ninh trật tự, an toàn cho mọi hoạt động của trạm cân đối chứng.

6. Ban quản lý chợ và các doanh nghiệp quản lý chợ:

a) Thành lập tổ quản lý đo lường, tổ chức quản lý trạm cân đối chứng; Hướng dẫn, hỗ trợ người tiêu dùng cân đối chứng; Làm trọng tài giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện về đo lường tại chợ;

b)Tổ chức tuyên truyền các quy định Nhà nước về đo lường, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, thanh kiểm tra đo lường tại chợ.

c) Bảo quản tài sản và sử dụng thiết bị trạm cân đối chứng đúng quy định.

b) Cân đối kinh phí hoạt động, tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ các phương tiện đo của trạm cân đối chứng.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý đo lường, xây dựng và phát triển trạm cân đối chứng, chống gian lận trong đo lường được khen thưởng kịp thời.

2. Các tổ chức, cá nhân chịu sự thanh kiểm tra, giám sát về đo lường của cơ quan quản lý, các hành vi vi phạm quy định pháp luật về đo lường và các nội dung của Quy định này, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các Sở, Ban, Ngành liên quan tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Quy định này trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì UBND các cấp, các Sở, Ngành phản ảnh bằng văn bản về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, trình UBND Tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2006/QĐ-UBND quản lý Đo lường trong thương mại bán lẻ và tổ chức xây dựng mô hình trạm cân đối chứng tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 07/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/01/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/01/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 17/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản