Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2003/QĐ-BTS

Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN SỐ 07/2003/QĐ-BTS NGÀY 5 THÁNG 8 NĂM 2003 QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN VỆ SINH VÀ THÚ Y THUỶ SẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thuỷ sản;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản (gọi tắt là Cục Chất lượng và Thú y thuỷ sản) là tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành về chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản từ sản xuất nguyên liện đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản nhằm phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản, bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm thuỷ sản và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Cục Chất lượng và Thú y thuỷ sản có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước.

Tên giao dịch quốc tế: The National Fisheries Quality Assuranee and Veterinary Directorate, viết tắt là NAFIQAVED.

Trụ sợ của Cục đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Xây dựng và trình Bộ trưởng các dự thảo chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, hằng năm, chương trình, dự án về chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản.

2. Đề xuất và trình Bộ trưởng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản do Bộ trưởng phân công.

3. Triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản.

5. Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thuỷ sản:

a) Kiểm tra, công nhận hoặc huỷ bỏ việc công nhận điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thuỷ sản đối với:

- Tàu cá, cảng cá, chợ cá, cơ sở thu gom nguyên liệu, cơ sở bảo quản, cơ sở chế biến và kinh doanh thuỷ sản;

- Các cơ sở nuôi trồng, cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, hoá chất và chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thuỷ sản;

b) Kiểm tra, chứng nhận nhà nước về an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu và sản phẩm thuỷ sản theo quy định của pháp luật;

c) Tham gia kiểm soát ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt đến môi trường nuôi trồng thuỷ sản, kiến nghị với các cơ quan chức năng có liên quan để có biện pháp xử lý kịp thời.

6. Quản lý thú y thuỷ sản:

a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phòng trừ dịch bệnh và dập tắt ổ bệnh thuỷ sản. Đề xuất việc công bố và bãi bỏ công bố dịch bệnh thuỷ sản theo quy định của pháp luật. Phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường sau khi dập tắt ổ bệnh, dịch bệnh;

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm dịch động, thực hiện kiểm dịch động, thực vật thuỷ sản xuất khẩu, nhập khẩu và lưu chuyển trong nước theo quy định của pháp luật;

c) Giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy định về khảo nghiệm giống, thức ăn, thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học trong phạm vi được giao; việc thực hiện quy định về danh mục các đối tượng thuộc diện kiểm dịch thuỷ sản, danh mục cấm xuất, nhậtp khẩu và hạn chế xuất, nhập khẩu đối với giống, thức ăn, thuốc thú y, hoá chất và chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thuỷ sản;

d) Kiểm tra, công nhận hoặc huỷ bỏ việc công nhận an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở nuôi trồng, cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, hoá chất và chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thuỷ sản;

e) Kiểm tra, chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với thức ăn, thuốc thú y, hoá chất, chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

7. Thực hiện việc cấp, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận thuộc lĩnh vực chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản; giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống, thức ăn, thuốc thú y, hoá chất và chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thuỷ sản theo quy định của pháp luật;

8. Tham gia thẩm định các dự án qui hoạch, dự án đầu tư thuỷ sản về nội dung đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản;

Công nhận phòng kiểm nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thuỷ sản, phòng kiểm nghiệm dịch bệnh thuỷ sản theo quy định của pháp luật.

9. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản.

10. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản; ký kết hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ký kết các văn bản hợp tác theo quy định của pháp luật.

11. Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuỷ sản theo quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực được giao;

12. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản cho cán bộ trong toàn hệ thống;

13. Thực hiện các dịch vụ chuyên môn theo quy định của pháp luật.

14. Quản lý, sử dụng lao động, tài sản, tài chính của Cục và các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

Thống nhất quản lý chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và kết quả hoạt động của hệ thống tổ chức thuộc phạm vi Cục quản lý ở địa phương.

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của Cục Chất lượng và Thú y thuỷ sản gồm có:

1. Văn phòng Cục;

2. Phòng Tổng hợp - Thông tin và Hợp tác quốc tế

3. Phòng Chất lượng và An toàn vệ sinh thuỷ sản;

4. Phòng Thú y thuỷ sản;

5. Phòng Quản lý Kiểm nghiệm;

6 Các Chi cục Quản lý Chất lượng và thú y thuỷ sản tại các vùng trọng điểm nghề cá là: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Cần Thơ.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo; thay thế Quyết định số 648 TS/QĐ ngày 26 tháng 8 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm kiểm tra chất lượng và vệ sinh thhuỷ sản và những quy định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Chất lượng và Thú y thuỷ sản chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án tổ chức Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản tại các địa phương; xây dựng Quy chế về tổ chức và hoạt động của Cục trình Bộ trưởng quyết định;

Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục chất lượng và Thú y thuỷ sản, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Tạ Quang Ngọc

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2003/QĐ-BTS quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản ban hành

  • Số hiệu: 07/2003/QĐ-BTS
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/08/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Tạ Quang Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 140
  • Ngày hiệu lực: 16/09/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản