Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PH
Ố HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 06/2015/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN QUẢNG CÁO TRÊN BÁO CHÍ, PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRÊN MẠNG ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THUỘC THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Dược ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Quảng cáo ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng;

Căn cứ Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV ngày 27 tháng 7 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;

Căn cứ Thông tư số 13/2009/TT-BYT ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc;

Căn cứ Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm;

Căn cứ Thông tư số 40/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công thương quy định cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương;

Căn cứ Thông tư số 75/2011/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về đăng ký và xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BYT ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Bộ Y tế hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp quản lý hoạt động thông tin quảng cáo trên báo chí, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử trên mạng thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Thủ trưởng các Sở: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ TTTT;
- TTTU; Thường trực HĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- VP: Thành ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- VPUBTP: CPVP; các phòng TH, VX;
- Trung tâm tin học Công báo TP;
- Cổng Giao tiếp ĐT Thành phố;
- Lưu: VT, VX Dg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN QUẢNG CÁO TRÊN BÁO CHÍ, PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRÊN MẠNG ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THUỘC THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CỦA TP HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định nguyên tắc, trách nhiệm và nội dung phối hợp quản lý hoạt động thông tin quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trên mạng thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội.

2. Quy chế này áp dụng đối với các phương tiện quảng cáo gồm:

a) Báo chí của Thành phố: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử;

b) Thông tin điện tử trên mạng: mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin điện tử chuyên ngành, trang thông tin điện tử nội bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố;

3. Các đài phát thanh cấp huyện, đài truyền thanh xã, phường, thị trấn không được quảng cáo.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp, quản lý.

1. Tổ chức, cá nhân có yêu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc về tổ chức, cá nhân mình trên báo chí và thông tin điện tử trên mạng chịu trách nhiệm về các thông tin, điều kiện, yêu cầu đối với nội dung quảng cáo và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Người đứng đầu cơ quan báo chí, người chịu trách nhiệm quản lý mạng xã hội, trang thông tin điện tử chịu trách nhiệm về nội dung sản phẩm quảng cáo đăng, phát trên phương tiện của mình.

3. Các Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Y tế; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm và phối hợp quản lý theo đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo theo lĩnh vực được phân công; Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo thuộc phạm vi quản lý của mình; Phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến hoạt động quảng cáo; Kịp thời cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý; Việc xử lý các vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Yêu cầu khi đăng, phát quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

1. Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trước khi quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng phải có đủ giấy chứng nhận tiêu chuẩn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý;

2. Tổ chức, cá nhân có yêu cầu giới thiệu về tổ chức, cá nhân mình hoặc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải cung cấp thông tin cần thiết, trung thực, chính xác về cơ quan, tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, điều kiện quảng cáo và chịu trách nhiệm về các thông tin được cung cấp; Chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện và liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện;

3. Cơ quan báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử trước khi thực hiện đăng, phát các nội dung quảng cáo có trách nhiệm kiểm tra đầy đủ các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu quảng cáo; Chịu trách nhiệm về nội dung sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quảng cáo của mình;

4. Nghiêm cấm thực hiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo và các hành vi cấm quảng cáo được quy định tại Điều 7, Điều 8 Luật Quảng cáo.

Điều 4. Trách nhiệm quản lý thông tin quảng cáo

1. Các Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chịu trách nhiệm cấp giấy xác nhận và quản lý nội dung đăng ký quảng cáo thuộc lĩnh vực chuyên ngành theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện cung cấp và công khai thông tin về các nội dung quảng cáo đã được tiếp nhận hoặc cấp giấy xác nhận quảng cáo cho tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực được phân cấp quản lý, cụ thể:

- Công khai thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan mình ngay sau khi tiếp nhận và cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo;

- Thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày cấp giấy xác nhận nội dung đăng ký quảng cáo;

- Thông báo cho UBND quận, huyện, thị xã nơi có trụ sở của đơn vị kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ;

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

b) Trực tiếp tiếp nhận thông tin và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử theo quy định của pháp luật.

c) Định kỳ hằng tháng cung cấp danh sách các cơ quan, tổ chức được Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội cho các cơ quan: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Y tế; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND quận, huyện, thị xã để phối hợp cùng kiểm tra, giám sát các nội dung quảng cáo được đăng, phát.

d) Công khai danh sách các cơ quan báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử vi phạm quy định về quảng cáo trên cổng thông tin điện tử của cơ quan.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

b) Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định về quảng cáo trên địa bàn; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý về quảng cáo tại địa phương;

c) Chỉ đạo các phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thị xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân về các quy định của Nhà nước trong hoạt động quảng cáo.

4. UBND quận, huyện, thị xã

a) Tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn các quy định của nhà nước trong hoạt động quảng cáo.

b) Chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn thuộc thẩm quyền.

c) Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên cổng/trang thông tin điện tử.

d) Thông báo tới Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Y tế; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bằng văn bản khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo và phối hợp xử lý;

e) Tổ chức quán triệt, tăng cường quản lý các Đài phát thanh, truyền thanh trực thuộc không được thực hiện quảng cáo.

Điều 5. Thanh tra, kiểm tra

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Y tế; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND quận, huyện, thị xã thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Chế độ báo cáo

1. Định kỳ 6 tháng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí của Thành phố, mạng xã hội, trang thông tin điện tử thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố chịu trách nhiệm báo cáo việc thực hiện đăng, phát thông tin quảng cáo trên phương tiện của mình để Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp báo cáo theo quy định;

2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin quảng cáo trên báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử theo định kỳ 6 tháng báo cáo UBND Thành phố, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc được xem xét khen thưởng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực, theo dõi đôn đốc việc thực hiện Quy chế: Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh, các cơ quan, đơn vị kịp thời thông báo về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp trình UBND thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung.