Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2012/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 20 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP NGUỒN THU - NHIỆM VỤ CHI ĐỐI VỚI NGÂN SÁCH TỈNH; NGÂN SÁCH HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ; NGÂN SÁCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ ban hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;

Căn cứ Thông tư số 188/2010/TT-BTC ngày 22 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định tiêu thức phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương;

Căn cứ Nghị quyết số 30/2011/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII, tại kỳ họp thứ ba về việc phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi đối với ngân sách tỉnh; ngân sách huyện, thị xã, thành phố; ngân sách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 530/TTr-STC ngày 26 tháng 12 năm 2011 về việc phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách tỉnh; ngân sách huyện, thị xã, thành phố; ngân sách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi đối với ngân sách tỉnh; ngân sách huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện); ngân sách xã, phường, thị trấn (cấp xã).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan hướng dẫn chi tiết thực hiện việc phân cấp nguồn thu -nhiệm vụ chi đối với ngân sách tỉnh; ngân sách cấp huyện; ngân sách cấp xã.

Giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức lập, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho cơ sở theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và được áp dụng thực hiện ổn định trong 04 năm ngân sách, từ năm 2012 đến năm 2015. Quyết định này thay thế Quyết định số 06/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi đối với ngân sách tỉnh; ngân sách huyện, thị xã, thành phố; ngân sách xã, phường, thị trấn.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Nam

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP NGUỒN THU - NHIỆM VỤ CHI ĐỐI VỚI NGÂN SÁCH TỈNH; NGÂN SÁCH HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ; NGÂN SÁCH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với việc lập và xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước ở địa phương hàng năm, điều hành và quản lý thực hiện kế hoạch thu, chi đúng theo luật định trong thời kỳ ổn định ngân sách và các năm tiếp theo.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 2. Nguồn thu của ngân sách tỉnh

1. Các khoản thu được hưởng 100%

1.1. Tiền thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do tỉnh trực tiếp quản lý thu;

1.2. Thu hồi vốn của ngân sách tỉnh tại các tổ chức kinh tế, thu từ quỹ dự trữ tài chính, thu nhập từ vốn góp của tỉnh;

1.3. Tiền đền bù các dự án sử dụng đất công theo quy định (tiền đền bù thiệt hại đất);

1.4. Thu đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

1.5. Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết;

1.6. Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho tỉnh;

1.7. Thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác;

1.8. Huy động từ các tổ chức, cá nhân theo quy định;

1.9. Thu kết dư ngân sách tỉnh;

1.10. Các khoản phí, lệ phí do các đơn vị cấp tỉnh trực tiếp quản lý thu;

1.11. Các khoản thu sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị tỉnh trực tiếp quản lý;

1.12. Thu xử lý vi phạm hành chính do các đơn vị trực tiếp xử phạt;

1.13. Thu phí xăng, dầu;

1.14. Thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế môn bài, thu khác công thương nghiệp ngoài quốc doanh do Cục Thuế tỉnh quản lý thu;

1.15. Thuế đối với doanh nghiệp nhà nước (Trung ương, địa phương), đầu tư nước ngoài, liên doanh gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế môn bài, thu khác do Cục Thuế tỉnh quản lý thu;

1.16. Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài;

1.17. Thu chuyển nguồn ngân sách từ ngân sách tỉnh năm trước sang ngân sách tỉnh năm sau;

1.18. Thu mặt bằng do tỉnh trực tiếp quản lý thu;

1.19. Thuế thu nhập cá nhân;

1.20. Các khoản thu tịch thu, thu khác ngân sách tỉnh;

1.21. Thu từ huy động đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước;

1.22. Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên.

2. Nguồn thu được phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa 02 cấp ngân sách địa phương (ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện): Thu tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất trong trường hợp các tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

3. Nguồn thu được phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa 03 cấp ngân sách địa phương:

3.1. Thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (trừ doanh nghiệp ngoài quốc doanh do Cục Thuế tỉnh quản lý thu);

3.2. Lệ phí trước bạ;

3.3. Thuế nhà, đất.

Điều 3. Nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh

1. Chi đầu tư phát triển:

1.1. Chi xây dựng cơ bản tập trung;

1.2. Chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn huy động đầu tư theo Khoản 3, Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước;

1.3. Chi đầu tư phát triển các chương trình quốc gia do địa phương thực hiện;

1.4. Chi đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp theo chế độ.

2. Chi thường xuyên:

2.1. Chi trợ giá các mặt hàng chính sách;

2.2. Chi sự nghiệp kinh tế, trong đó:

- Chi sự nghiệp nông - lâm - ngư nghiệp và thủy lợi;

- Chi sự nghiệp giao thông;

- Chi sự nghiệp khác.

2.3. Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề, trong đó:

- Chi sự nghiệp giáo dục phổ thông trung học (bao gồm cả nội trú và bổ túc văn hóa);

- Chi sự nghiệp đào tạo và dạy nghề;

2.4. Chi sự nghiệp y tế (phòng bệnh, chữa bệnh và các hoạt động y tế khác của các đơn vị cấp tỉnh);

2.5. Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ;

2.6. Chi sự nghiệp văn hóa - thông tin;

2.7. Chi sự nghiệp phát thanh - truyền hình;

2.8. Chi sự nghiệp thể dục - thể thao;

2.9. Chi sự nghiệp môi trường;

2.10. Chi đảm bảo xã hội;

2.11. Chi quản lý hành chính, trong đó:

- Chi quản lý nhà nước;

- Chi hoạt động của cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội;

- Chi hỗ trợ hội, đoàn thể.

2.12. Chi an ninh quốc phòng địa phương, trong đó:

- Chi giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội;

- Chi quốc phòng địa phương (đã bao gồm chi diễn tập quân sự do tỉnh quyết định);

2.13. Chi hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh;

2.14. Chi thường xuyên các chương trình quốc gia do địa phương thực hiện;

2.15. Chi khác ngân sách.

3. Chi trả nợ gốc và lãi vay đầu tư cơ sở hạ tầng theo Khoản 3, Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước.

4. Chi lập hoặc bổ sung quỹ dự trữ tài chính.

5. Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới.

6. Chi chuyển nguồn ngân sách tỉnh năm trước sang ngân sách tỉnh năm sau.

7. Các khoản chi được quản lý qua ngân sách nhà nước.

Điều 4. Nguồn thu của ngân sách cấp huyện

1. Các khoản thu hưởng 100%

1.1. Thu mặt bằng chợ (phí chợ) do cấp huyện trực tiếp quản lý thu;

1.2. Tiền thuê nhà và bán nhà thuộc sở hữu nhà nước do cấp huyện trực tiếp quản lý (thuộc thẩm quyền cấp huyện quản lý cho thuê);

1.3. Thu tiền cho thuê đất, mặt nước hàng năm do cấp huyện trực tiếp quản lý thu;

1.4. Thu nhập từ vốn góp của địa phương;

1.5. Tiền đền bù của các dự án sử dụng đất công theo quy định (tiền đền bù thiệt hại đất);

1.6. Thu từ quỹ đất công, hoa lợi công sản do cấp huyện trực tiếp quản lý thu;

1.7. Thu đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

1.8. Thu kết dư ngân sách cấp huyện;

1.9. Thuế môn bài (trừ môn bài từ bậc 4 đến bậc 6 của cá nhân và hộ kinh doanh);

1.10. Các khoản thu phí, lệ phí do các cơ quan, đơn vị cấp huyện trực tiếp quản lý thu;

1.11. Thu xử lý vi phạm hành chính do các cơ quan, đơn vị cấp huyện trực tiếp xử phạt (đã bao gồm phạt quản lý thị trường trên địa bàn);

1.12. Thu viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cấp trực tiếp cho ngân sách cấp huyện theo quy định;

1.13. Thu chuyển nguồn ngân sách từ ngân sách cấp huyện năm trước sang ngân sách cấp huyện năm sau;

1.14. Các khoản thu sự nghiệp do huyện trực tiếp quản lý thu;

1.15. Các khoản thu tịch thu, thu khác ngân sách theo quy định.

2. Nguồn thu được phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa các cấp ngân sách địa phương: Quy định tại Khoản 2, 3, Điều 2 của Quy định này.

3. Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên.

4. Thu huy động đóng góp.

Điều 5. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện

1. Chi đầu tư phát triển.

2. Chi thường xuyên về:

2.1. Chi quản lý hành chính bao gồm: Chi hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân; tài trợ cho các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp cấp huyện theo quy định của pháp luật;

2.2. Các hoạt động sự nghiệp giáo dục được phân cấp từ giáo dục mầm non đến trung học cơ sở;

2.3. Các hoạt động sự nghiệp đào tạo: Đối với trung tâm bồi dưỡng chính trị và trường dạy nghề căn cứ kế hoạch đào tạo được duyệt theo khả năng ngân sách địa phương mà cân đối vào ngân sách cấp huyện;

2.4. Các hoạt động sự nghiệp y tế gồm phòng bệnh, chữa bệnh, kế hoạch hóa gia đình, khám tuyển nghĩa vụ quân sự, y tế xã, tiền thuốc đối tượng chính sách, hỗ trợ bác sĩ về cơ sở và các hoạt động y tế khác;

2.5. Sự nghiệp kinh tế gồm:

- Sự nghiệp nông - lâm - ngư nghiệp;

- Sự nghiệp giao thông tỉnh phân cấp giao cho cấp huyện quản lý để duy tu, bảo dưỡng phục vụ nhu cầu cho nhân dân đi lại (trừ tỉnh lộ và quốc lộ);

- Sự nghiệp kiến thiết thị chính: Hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống thoát nước, công viên cây xanh…;

- Sự nghiệp kinh tế khác.

2.6. Sự nghiệp môi trường;

2.7. Các hoạt động sự nghiệp văn hóa - thông tin, văn học nghệ thuật, thư viện, phát thanh - truyền hình, thể dục - thể thao và các sự nghiệp khác do cấp huyện quản lý;

2.8. Các hoạt động sự nghiệp đảm bảo xã hội;

2.9. Các hoạt động sự nghiệp khoa học - công nghệ;

2.10. Quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội gồm: Công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, công tác tuyển quân và đón tiếp quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về, đăng ký quân nhân dự bị, tổ chức tập huấn cán bộ - dân quân tự vệ, tuyên truyền giáo dục phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, hỗ trợ các chiến dịch giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng chống tội phạm, hỗ trợ sơ kết, tổng kết phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, hỗ trợ hoạt động an ninh trật tự cơ sở, chi diễn tập quân sự và các hoạt động khác;

2.11. Chi hoạt động Hội đồng nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố;

2.12. Quỹ khen thưởng;

2.13. Dự phòng ngân sách;

2.14. Các khoản chi khác ngân sách theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nguồn thu của ngân sách cấp xã

1. Các khoản thu hưởng 100%.

1.1. Thu mặt bằng chợ (phí chợ) do cấp xã trực tiếp quản lý thu;

1.2. Thu đấu thầu, thu khoán theo mùa vụ từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản do xã quản lý;

1.3. Thu từ các hoạt động sự nghiệp phần nộp ngân sách xã, phường, thị trấn;

1.4. Các khoản đóng góp tự nguyện cho xã, thị trấn;

1.5. Tiền đền bù của các dự án sử dụng đất công theo quy định (tiền đền bù thiệt hại đất);

1.6. Thu kết dư ngân sách xã, thị trấn;

1.7. Thuế môn bài từ bậc 4 đến bậc 6 của cá nhân và các hộ kinh doanh;

1.8. Thu phạt xử lý vi phạm hành chính do cấp xã trực tiếp xử phạt;

1.9. Các khoản thu phí, lệ phí do cấp xã trực tiếp quản lý thu;

1.10. Thu chuyển nguồn ngân sách từ ngân sách cấp xã năm trước sang ngân sách cấp xã năm sau (theo quy định hiện hành);

1.11. Các khoản thu tịch thu, thu khác ngân sách do cấp xã trực tiếp quản lý thu;

1.12. Thu thuế sử dụng đất nông nghiệp.

2. Các khoản thu phân chia tỷ lệ phần trăm (%) giữa các cấp ngân sách địa phương: Quy định tại Khoản 3, Điều 2 của Quy định này.

3. Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên.

4. Các khoản thu quản lý qua ngân sách cấp xã: Khoản thu ghi thu, ghi chi qua ngân sách cấp xã.

Điều 7. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp xã

1. Chi đầu tư phát triển.

2. Chi thường xuyên cấp xã về:

2.1. Chi quản lý hành chính Đảng, chính quyền (bao gồm cả hoạt động của Hội đồng nhân dân), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể;

2.2. Chi công tác dân quân tự vệ, tuyển quân, diễn tập quân sự, an ninh trật tự…;

2.3. Chi sự nghiệp văn hóa thông tin, truyền thanh;

2.4. Chi sự nghiệp thể dục thể thao - du lịch;

2.5. Chi sự nghiệp đảm bảo xã hội;

2.6. Chi quỹ khen thưởng;

2.7. Dự phòng ngân sách;

2.8. Chi hỗ trợ các hội;

2.9. Chi cho hoạt động ấp, khu phố;

2.10. Chi hỗ trợ khác.

3. Chi quản lý qua ngân sách ở cấp xã dùng để chi cho sự nghiệp, bao gồm:

3.1. Phần phí, lệ phí được trích để lại cho đơn vị, tổ chức thu để trang trải chi phí hoạt động và thu phí, lệ phí;

3.2. Các khoản trích để lại khác theo quy định của pháp luật.

4. Các hoạt động tài chính khác ở ngân sách cấp xã:

4.1. Các quỹ công chuyên dùng của xã được thành lập theo quy định của pháp luật;

4.2. Chi cho hỗ trợ ấp - khu phố và các hoạt động tài chính khác của xã.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Giao cho Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tốt Quy định này. Trong quá trình thực hiện gặp khó khăn; các cơ quan, đơn vị có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có sửa đổi, bổ sung kịp thời./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 06/2012/QĐ-UBND về Quy định phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi đối với ngân sách tỉnh; ngân sách huyện, thị xã, thành phố; ngân sách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 06/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/02/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Trần Thanh Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 09/02/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản