Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2008/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 29 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ BAN THƯỜNG VỤ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Luật Công đoàn ngày 30/6/1990;

Sau khi thống nhất với Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và xét đề nghị của Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế về mối quan hệ công tác giữa UBND tỉnh và Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau mười ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cường

 

QUY CHẾ

VỀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ BAN THƯỜNG VỤ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 29/02/2008 của UBND tỉnh)

Điều 1. Những quy định chung.

Quy chế này quy định một số điểm cụ thể về quan hệ phối hợp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban nhân dân tỉnh có liên quan đến chức năng của Liên đoàn Lao động tỉnh trong việc tham gia với cơ quan Nhà nước xây dựng và kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật, thực hiện các cơ chế, chủ trương, chính sách quản lý có liên quan trực tiếp đến phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức và người lao động; tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế góp phần bảo đảm các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức và người lao động; đồng thời tổ chức, giáo dục, động viên cán bộ, công chức và người lao động tích cực thực hiện các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Điều 2. Tham gia xây dựng các văn bản.

1 - Các sở, ban, ngành được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao chủ trì soạn thảo văn bản có liên quan đến cán bộ công chức, viên chức, công nhân lao động như: Lao động, việc làm, tiền công, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như các chính sách xã hội khác có trách nhiệm gửi văn bản dự thảo đến Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh trước khi tổ chức họp ít nhất 05 ngày để lấy ý kiến tham gia.

2 - Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm cử đại diện trực tiếp tham gia cùng cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản.

3 - Trường hợp ý kiến tham gia của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thống nhất thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét quyết định theo thẩm quyền.

Điều 3. Tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, công chức, người lao động.

1 - Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm đề ra mục tiêu, nội dung, tiến độ triển khai các phong trào thi đua hàng năm; tổ chức khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc; xem xét quyết định việc tổ chức các phong trào thi đua và danh hiệu thi đua mới.

2 - Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức phát động phong trào thi đua, xây dựng chương trình kế hoạch; chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai và vận động công nhân, viên chức - lao động tham gia; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn phong trào; phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến; lựa chọn đề xuất các đơn vị, cá nhân tiêu biểu đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh khen thưởng; đề xuất các hình thức, biện pháp chỉ đạo danh hiệu thi đua mới có liên quan đến phong trào thi đua trong công chức, viên chức, công nhân lao động.

3 - Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức và người lao động thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị các biện pháp nhằm phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

Điều 4. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của CNVC - LĐ.

1 - Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh được cử người tham gia các đoàn thanh, kiểm tra hoặc thành lập đoàn kiểm tra theo Luật Công đoàn trong việc thực hiện chế độ chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ công chức, viên chức, công nhân lao động theo quy định của pháp luật. Khi cần thiết, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng và đề xuất kế hoạch kiểm tra để Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra của tỉnh.

2 - Căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra liên ngành hoặc độc lập kiểm tra, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh báo cáo kết quả và những đề xuất, kiến nghị các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích của công chức, viên chức, công nhân lao động và hoạt động Công đoàn để Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét và giải quyết kịp thời.

Điều 5. Giải quyết các kiến nghị của cán bộ công chức, viên chức, công nhân lao động.

1 - Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm phối hợp, giám sát và tập hợp tình hình thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của cán bộ, công chức, công nhân lao động ở các ngành, địa phương, các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khi có vấn đề phát sinh hoặc thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, với các ngành chức năng của tỉnh giải quyết theo thẩm quyền được pháp luật quy định, lấy việc giải quyết trực tiếp tại chỗ và từ cơ sở là chủ yếu.

2 - Trường hợp đơn thư kiến nghị, khiếu nại tố cáo của công chức, viên chức, công nhân lao động đã được Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các ngành chức năng hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết nhưng Liên đoàn Lao động tỉnh còn có ý kiến khác thì Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết theo luật định.

Điều 6. Giải quyết tranh chấp lao động và đình công.

1 - Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, các ban, ngành chức năng được phân công giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

2 - Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng nắm bắt tình hình về quan hệ lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chỉ đạo các cấp công đoàn có các biện pháp xây dựng và cải thiện mối quan hệ lao động tại các cơ sở.

3 - Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh kịp thời phát hiện, chủ động phối hợp với các ngành chức năng giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp lao động và đình công khi xảy ra theo hướng đối thoại, hoà giải dựa trên các quy định của pháp luật, không để kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điều 7. Hỗ trợ ngân sách Công đoàn.

Mọi hoạt động hàng năm của Công đoàn kinh phí sử dụng theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong trường hợp đột xuất, phát sinh chi lớn phục vụ các hoạt động, tổ chức phong trào thi đua Liên đoàn Lao động tỉnh lập dự toán qua Sở Tài chính đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét chi hỗ trợ.

Điều 8. Chế độ hội họp.

1 - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh (hoặc người được uỷ quyền) được mời dự các phiên họp của Uỷ ban nhân dân tỉnh để bàn và giải quyết các vấn đề có liên quan đến tổ chức Công đoàn, đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của công chức, viên chức, công nhân lao động và các vấn đề khác khi cần thiết.

2 - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (hoặc người được uỷ quyền) được mời dự các kỳ họp của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh khi bàn các vấn đề có liên quan đến việc làm, đời sống của công chức, viên chức, công nhân lao động và hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3 - Vào quý I hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức họp phiên liên tịch để kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện quy định về quan hệ công tác giữa 2 cơ quan, thống nhất những công việc trọng tâm cần tập trung trong năm tiếp theo.

Điều 9. Chế độ thông tin, báo cáo.

1 - Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm thông tin, báo cáo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh những vấn đề có liên quan đến tình hình tư tưởng, việc làm, đời sống, thực hiện chế độ chính sách, pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức, công nhân lao động và hoạt động công đoàn theo định kỳ 06 tháng, 01 năm hoặc đột xuất khi cần thiết.

2 - Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm thường xuyên thông tin cho Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, các chính sách của địa phương mới ban hành có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của công chức, viên chức, công nhân lao động và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Liên đoàn Lao động tỉnh.

Điều 10.

Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh cùng có trách nhiệm thực hiện nghiêm Quy chế này, đồng thời chỉ đạo các cấp của mình căn cứ Quy chế này xây dựng theo điều kiện cụ thể ở địa phương, ngành, đơn vị và thực hiện Quy chế phối hợp giữa chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với tổ chức Công đoàn cùng cấp./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 05/2008/QĐ-UBND Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên

  • Số hiệu: 05/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/02/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Văn Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/03/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản