Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2008/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 25 tháng 02 năm 2008 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ “Về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường”;
Căn cứ Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre tại Tờ trình số 26/TTr-STNMT ngày 08 tháng 01 năm 2008 “Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre”.
Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện quy định này.
Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này thay thế Quyết định số 2695/2005/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre “Về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre”.
Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Điều 1. Mục tiêu, đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre phải tuân thủ theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Thú y và các văn bản pháp luật khác có liên quan của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm mục tiêu cải thiện, bảo vệ môi trường sống, ổn định và phát triển ngành chăn nuôi một cách có hiệu quả.
2. Quy định này được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Giải thích thuật ngữ dùng trong quy định
Các thuật ngữ trong quy định này được hiểu theo Luật Bảo vệ môi trường, ngoài ra còn thêm một số thuật ngữ dưới đây:
1. Các hoạt động chăn nuôi gồm: heo (lợn), bò, trâu, cừu, dê, gia cầm, thủy cầm với bất kỳ loại hình (chăn nuôi hộ gia đình, cá nhân và chăn nuôi tập trung), quy mô nào được nêu trong quy định này được hiểu là hoạt động sản xuất phục vụ lợi ích về kinh tế của cá nhân, tổ chức gọi chung là cơ sở chăn nuôi.
2. Chất thải trong chăn nuôi:
a) Chất thải lỏng: nước phân, nước tiểu, nước rửa chuồng trại, nước vệ sinh dụng cụ chăn nuôi, thuốc thú y, các dung dịch, hoá chất lỏng sử dụng trong chăn nuôi được thải bỏ.
b) Chất thải rắn: phân động vật, xác động vật, thức ăn thừa, phủ tạng động vật, da, lông, sừng, móng.
c) Chất thải khí: các loại khí thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi như CO2, NH3, H2S, NH3, CH4, khí có mùi hôi thối.
Điều 3. Phân loại quy mô hoạt động chăn nuôi
Phân loại quy mô hoạt động cơ sở chăn nuôi lúc cao điểm, như sau:
1. Cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn:
a) Heo (lợn): từ 100 con trở lên (không kể heo theo theo mẹ);
b) Trâu, bò: từ 50 con trở lên (kể cả nuôi nhốt hoặc chăn thả);
c) Dê, cừu: từ 500 con trưởng thành trở lên (kể cả nuôi nhốt hoặc chăn thả);
d) Gia cầm, thủy cầm: từ 10.000 con trở lên (kể cả nuôi nhốt hoặc chăn thả);
2. Cơ sở chăn nuôi có quy mô vừa:
a) Heo (lợn): từ 20 đến dưới 100 con (không kể heo theo theo mẹ);
b) Trâu, bò: từ 20 đến dưới 50 con (kể cả nuôi nhốt hoặc chăn thả);
c) Dê, cừu: từ 40 đến dưới 500 con (kể cả nuôi nhốt hoặc chăn thả);
d) Gia cầm, thủy cầm: từ 200 đến dưới 10.000 con (kể cả nuôi nhốt hoặc chăn thả);
3. Cơ sở chăn nuôi có quy mô nhỏ:
a) Heo (lợn): dưới 20 con (không kể heo theo mẹ);
b) Trâu, bò: dưới 20 con (kể cả nuôi nhốt hoặc chăn thả);
c) Dê, cừu: dưới 40 con (kể cả nuôi nhốt hoặc chăn thả);
d) Gia cầm, thủy cầm: dưới 200 con (kể cả nuôi nhốt hoặc chăn thả);
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI
Điều 4. Những điều cấm trong hoạt động chăn nuôi
1. Vứt xác gia súc, gia cầm, thủy cầm: nhiễm bệnh, nhiễm khuẩn, chết ra nơi công cộng, sông, kênh, rạch.
2. Thải trực tiếp chất thải chưa qua xử lý hoặc đã được xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định ra môi trường. Để rơi vãi chất thải trong quá trình chứa đựng và vận chuyển.
3. Nhập các gia súc, gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc, không theo đúng quy định của pháp luật.
4. Để các vật nuôi như gia súc, gia cầm, thủy cầm phóng uế nơi công cộng, đường phố.
5. Để các loại vật nuôi như gia súc, gia cầm, thủy cầm, thả rong trên đường phố.
6. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm, trong các công sở, bệnh viện, trường học,… (gọi chung là cơ quan Nhà nước), thả nơi công cộng.
7. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm trong các phường nội thị thị xã, các thị trấn, thị tứ, khu vực đông dân cư.
Điều 5. Nguyên tắc bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi
1. Trong quá trình chăn nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp xử lý chất thải theo quy định tại Điều 7 của Quy định này, đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.
2. Các xác động vật, chất thải nhiễm bệnh, nhiễm khuẩn, gây bệnh phải được xử lý theo quy định của Pháp lệnh Thú y.
3. Trường hợp hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, chủ các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện biện pháp xử lý, khắc phục triệt để, nếu không khắc phục được phải ngừng hoạt động chăn nuôi, thông báo khả năng gây tổn hại cho dân cư chung quanh, đồng thời báo cáo ngay cho cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, cơ quan quản lý Nhà nước về thú y của địa phương.
Điều 6. Các cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo các yêu cầu sau
1. Điều kiện về vị trí xây dựng chuồng trại:
a) Phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và quy hoạch chăn nuôi của địa phương.
b) Phải có nguồn nước sạch phục vụ các hoạt động chăn nuôi, nơi chứa nước đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.
c) Các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm trên các thủy vực (ao cá, mương vườn,….), nguồn nước từ các thủy vực này phải được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường như phảo có hầm biogas, ao lắng, lọc, ao sinh học, để xử lý trước khi xả thải ra nguồn nước của môi trường, theo hướng dẫn của ngành chức năng.
d) Vị trí xây dựng cơ sở chăn nuôi phải cách công sở, trường học, bệnh viện, chợ, công viên, khu vui chơi giải trí, khu du lịch và các công trình công cộng khác theo quy định sau:
- Đối với cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn: trên 100 mét;
- Đối với cơ sở chăn nuôi có quy mô vừa: trên 50 mét;
- Đối với cơ sở chăn nuôi có quy mô nhỏ: trên 20 mét.
e) Vị trí xây dựng chuồng trại chăn nuôi với nguồn nước:
- Cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn và quy mô vừa: chuồng trại chăn nuôi phải cách nguồn nước phục vụ cho mục đích ăn uống, sinh hoạt tối thiểu là 15 mét.
- Cơ sở chăn nuôi có quy mô nhỏ: chuồng trại chăn nuôi phải cách nguồn nước phục vụ cho mục đích ăn uống, sinh hoạt tối thiểu là 10 mét.
2. Điều kiện về mặt bằng xây dựng chuồng trại:
Ngoài nội dung cấm được quy định tại khoản 7 Điều 4 của Quy định này; các cơ sở chăn nuôi khi xây dựng chuồng trại phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và quy hoạch chăn nuôi của địa phương, đảm bảo về môi trường, đảm bảo diện tích xây dựng chuồng trại và khu vực xử lý chất thải theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Tùy theo điều kiện mặt bằng, quy mô cơ sở chăn nuôi, chủ cơ sở lựa chọn biện pháp xử lý phù hợp đảm bảo chất thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
1. Xử lý tiếng ồn:
a) Các khu vực tập trung đông dân cư, chuồng trại phải có tường bao quanh, xây dựng cao tối thiểu là 02 mét;
b) Tiếng ồn phải xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
2. Xử lý nước thải:
a) Phải đảm bảo hệ thống thoát nước, vệ sinh chuồng trại luôn được khai thông, tạo thông thoáng, không để tù đọng, phát sinh mùi hôi, ruồi, muỗi.
b) Nước thải phải được xử lý bằng hầm tự hoại; hầm, túi biogas, ao lắng, lọc, ao sinh học và các phương pháp khác đảm bảo không phát sinh mùi hôi hoặc chảy tràn ra môi trường xung quanh.
c) Nước thải sau khi xử lý phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
3. Xử lý chất thải rắn:
a) Chất thải rắn phát sinh trong quá trình chăn nuôi phải được thu gom gọn gàng sạch sẽ, có nơi thu gom, chứa chất thải rắn, thùng chứa phải bằng vật liệu bền, có nắp đậy kín, không rò rỉ, thấm hút, chảy tràn. Thường xuyên dùng hoá chất, vôi bột để sát trùng nơi chứa chất thải rắn. Xử lý bằng hầm, túi biogas.
b) Không tồn trữ chất thải rắn tại chuồng trại và nơi thu gom của cơ sở quá 24 giờ mà không có biện pháp xử lý thích hợp. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn phải đảm bảo kín, không rò rỉ, không rơi vãi, không thoát mùi hôi.
c) Chất thải rắn sau khi xử lý phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
4. Xử lý khí thải, mùi hôi:
a) Chủ cơ sở chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại để giảm thiểu mùi hôi phát sinh trong quá trình chăn nuôi.
b) Khí thải trong quá trình nuôi nhốt, tồn trữ chất thải phải được xử lý bằng các biện pháp thích hợp để không phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
c) Khí thải sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
5. Phải định kỳ kiểm tra chất lượng các hệ thống xử lý chất thải, nếu chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định phải sửa chữa hệ thống xử lý trong thời gian nhanh nhất.
6. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và xử lý giảm thiểu mùi hôi, khí độc sinh ra từ phân và nước tiểu gia súc, gia cầm.
Điều 8. Quy định đối với thủ tục lập hồ sơ xét duyệt về môi trường
1. Các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn phải lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
2. Các cơ sở chăn nuôi có quy mô vừa phải lập Bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Quy trình thẩm định và xét duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Bản cam kết bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 9. Các cơ sở chăn nuôi tồn tại trước khi ban hành Quy định này, tùy theo quy mô tổng đàn mà thực hiện những thủ tục môi trường theo hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường có thẩm quyền; phải có những biện pháp khắc phục, điều chỉnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng cho phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường hiện hành.
Điều 10. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre có nhiệm vụ và quyền hạn
1. Nhiệm vụ:
a) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi.
b) Khi có nhu cầu thay đổi quy mô trong hoạt động chăn nuôi có ảnh hưởng đến môi trường, chủ cơ sở có trách nhiệm xử lý môi trường cho phù hợp quy mô thay đổi và báo cáo cho cơ quan Nhà nước quản lý về bảo vệ môi trường.
c) Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khử trùng, phòng chống, dập dịch theo đúng quy định về vệ sinh thú y.
d) Tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên về bảo vệ môi trường thi hành nhiệm vụ; phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kết luận những vấn đề về bảo vệ môi trường.
e) Bồi thường thiệt hại nếu hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác hoặc gây hủy hoại môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Quyền hạn:
a) Tổ chức thực hiện các hoạt động chăn nuôi theo quy hoạch, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo quy định pháp luật, được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
b) Khiếu nại, tố cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ sở chăn nuôi.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI
Điều 11. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 12. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh với các nhiệm vụ:
1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường.
2. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết các khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
3. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân trình tự thủ tục về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Điều 13. Các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phối hợp cơ quan chức năng hướng dẫn, phổ biến, kiểm tra thực hiện Quy định này.
Điều 14. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã có nhiệm vụ và quyền hạn.
1. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập bản cam kết bảo vệ môi trường; tổ chức thẩm định và phê duyệt bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi qui mô vừa.
2. Tổ chức thực hiện các văn bản, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên phạm vi địa phương mình quản lý.
3. Phối hợp cùng các sở, ban ngành tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo vệ, phòng chống ô nhiễm môi trường đối với hoạt động chăn nuôi; tổ chức quy hoạch vùng nuôi trên địa bàn.
4. Kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi ở địa phương. Tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về môi trường.
5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi.
6. Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện, thị xã.
Điều 15. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ và quyền hạn như sau
1. Tổ chức thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên phạm vi địa phương mình quản lý; hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi thực hiện các chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi tại địa phương.
2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi.
3. Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi ở địa phương.
4. Kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm về môi trường đối với hoạt động chăn nuôi ở địa phương. Tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về môi trường.
Điều 16. Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm
1. Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra được sử dụng các quyền hạn quy định tại Điều 125, 126, 127, 128, 129 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; Điều 27, 28, 29 Luật Thanh tra năm 2004.
2. Mọi khiếu nại, tố cáo về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân áp dụng theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004 và năm 2005.
3. Tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi có hành vi gây tổn hại đến môi trường, không thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử phạt theo Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.
Điều 17. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành
Sở Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với các ngành, các cấp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường, để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo./.
- 1Quyết định 04/2009/QĐ-UBND về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- 2Quyết định 2695/2005/QĐ-UBND về Quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 3Quyết định 1184/QĐ-UBND năm 2013 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành từ năm 1976 đến ngày 31/12/2012 đã hết hiệu lực thi hành
- 1Quyết định 04/2009/QĐ-UBND về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- 2Quyết định 2695/2005/QĐ-UBND về Quy định bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 3Quyết định 1184/QĐ-UBND năm 2013 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành từ năm 1976 đến ngày 31/12/2012 đã hết hiệu lực thi hành
- 1Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi 2005
- 2Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 3Nghị định 80/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 4Nghị định 81/2006/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- 5Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 6Pháp lệnh Thú y năm 2004
- 7Luật Khiếu nại, Tố cáo sửa đổi 2004
- 8Luật Thanh tra 2004
Quyết định 04/2008/QĐ-UBND quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- Số hiệu: 04/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/02/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Nguyễn Quốc Bảo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra