Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2008/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA VĂN PHÒNG THÔNG BÁO VÀ ĐIỂM HỎI ĐÁP QUỐC GIA VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT (SPS) CỦA VIỆT NAM VỚI MẠNG LƯỚI CÁC ĐIỂM THÔNG BÁO VÀ HỎI ĐÁP VỀ SPS THUỘC CÁC BỘ, NGÀNH

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 99/2005/QĐ-TTg ngày 09/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động giữa Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về SPS của Việt Nam với mạng lưới các điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ và Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về SPS của Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (để b/c);
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW Đảng;
- UB KHCN và MT Quốc hội;
- Các Bộ Công thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế;
- Công báo Chính phủ, Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế;
- Lưu: HTQT(5b), VP (LTH 25).

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA VĂN PHÒNG THÔNG BÁO VÀ ĐIỂM HỎI ĐÁP QUỐC GIA VỀ SPS CỦA VIỆT NAM VỚI MẠNG LƯỚI CÁC ĐIỂM THÔNG BÁO VÀ HỎI ĐÁP THUỘC CÁC BỘ, NGÀNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BNN ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về tổ chức, nhiệm vụ, chế độ làm việc và cơ chế phối hợp hoạt động giữa Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về SPS của Việt Nam (sau đây gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) với mạng lưới các điểm Thông báo và hỏi đáp về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (sau đây gọi là điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành) nhằm thực thi nghĩa vụ minh bạch hóa của Việt Nam về thông báo và hỏi đáp liên quan đến thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (sau đây gọi tắt là Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (sau đây gọi tắt là WTO)

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng trong thông báo và hỏi đáp giữa Văn phòng SPS Việt Nam với mạng lưới các điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS được thành lập tại các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành liên quan nhằm thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 4, Quyết định số 99/2005/QĐ-TTg ngày 09/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Điều 5 của Quy chế này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Hiệp định SPS” là Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

2. “Biện pháp SPS” là bất kỳ biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật nào được áp dụng để bảo vệ cuộc sống của con người, động vật và thực vật trong lãnh thổ Việt Nam khỏi nguy cơ xâm nhập, xuất hiện hay lan truyền của sâu, bệnh, vật mang bệnh hay vật gây bệnh, nguy cơ từ các chất phụ gia thực phẩm, tạp chất, độc chất hoặc vật gây bệnh trong thực phẩm, đồ uống hoặc thức ăn chăn nuôi, nguy cơ từ các bệnh do động vật, thực vật hay sản phẩm của chúng đem lại hoặc từ việc xâm nhập, xuất hiện và lan truyền của sâu hại hay bệnh dịch và ngăn chặn hay hạn chế tác hại khác do sự xâm nhập, xuất hiện hay lan truyền của sâu hại và dịch bệnh, bao gồm: các văn bản quy phạm pháp luật; các quy định, yêu cầu và thủ tục, tiêu chuẩn cuối cùng của sản phẩm; các quá trình và phương pháp sản xuất, thử nghiệm, thanh tra, chứng nhận và thủ tục chấp thuận; xử lý kiểm dịch kể cả các yêu cầu gắn với việc vận chuyển động vật hay thực vật, các nguyên liệu cần thiết cho sự tồn tại của chúng trong khi vận chuyển; các điều khoản về phương pháp thống kê có liên quan, thủ tục lấy mẫu và phương pháp đánh giá nguy cơ; các yêu cầu đóng gói và dán nhãn liên quan trực tiếp đến an toàn thực phẩm.

Điều 4. Nghĩa vụ về minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định SPS

1. Thông báo cho các nước thành viên thông qua Ban Thư ký WTO về các biện pháp SPS theo quy định tại khoản 2, Điều 3 của Quy chế này; các dự thảo xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung hoặc văn bản do các cơ quan nhà nước thẩm quyền của Việt Nam ban hành có khả năng tạo ra các rào cản trong thương mại giữa Việt Nam với các thành viên của WTO, đồng thời xem xét và có ý kiến đối với thông báo nhận được của các nước thành viên nhằm đảm bảo các biện pháp SPS mà các nước đã, đang hoặc sẽ áp dụng không hạn chế thương mại của Việt Nam với các nước đó.

a. Thời hạn thông báo dự thảo về các biện pháp SPS để lấy ý kiến tham vấn của các cơ quan có liên quan trong nước và các nước thành viên WTO theo quy định ít nhất là 60 ngày. Thời hạn tham vấn có thể được gia hạn theo yêu cầu của nước thành viên trước khi tổng hợp, ban hành, trừ trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe, an toàn, bảo vệ môi trường và an ninh quốc gia, trong trường hợp này sẽ áp dụng theo quy định tại khoản 2 phụ lục B của Hiệp định SPS;

b. Thông báo được thể hiện bằng một trong 03 ngôn ngữ là tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha theo biểu mẫu thống nhất theo quy định của Ủy ban SPS thuộc WTO.

2. Tiếp nhận, xử lý và chuyển các câu hỏi hoặc trả lời của các nước thành viên WTO cũng như các câu hỏi hoặc trả lời của Việt Nam về các biện pháp SPS đã, đang và sẽ áp dụng đến các nước thành viên, đáp ứng nhu cầu thông tin và nghĩa vụ minh bạch hóa trong Hiệp định SPS.

Chương 2.

TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ CỦA VĂN PHÒNG SPS VIỆT NAM VÀ MẠNG LƯỚI CÁC ĐIỂM THÔNG BÁO VÀ HỎI ĐÁP VỀ SPS THUỘC CÁC BỘ NGÀNH

Điều 5. Tổ chức mạng lưới SPS Việt Nam

1. Văn phòng SPS Việt Nam thành lập theo Quyết định số 99/2005/QĐ-TTg ngày 09/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ, đặt tại trụ sở tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổ công tác liên Bộ gồm: các cán bộ của Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế); Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương). Mỗi cơ quan cử 01 cán bộ lãnh đạo và 01 chuyên viên làm thành viên của tổ Công tác liên bộ để thông báo và trả lời hoặc chuẩn bị và cung cấp các tài liệu liên quan trong phạm vi Bộ, ngành mình quản lý theo Quy chế này.

2. Điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc Bộ, ngành được thành lập trên cơ sở các điểm hỗ trợ kỹ thuật đặt tại các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành gồm: Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và Cục Khai thác và bảo vệ các nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương).

Điều 6. Nhiệm vụ của Văn phòng SPS Việt Nam

1. Văn phòng SPS Việt Nam làm đầu mối quốc gia thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa theo quy định tại Phụ lục B của Hiệp định SPS về minh bạch hóa các quy định về các Biện pháp SPS, thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định liên quan đến SPS, yêu cầu của các nước thành viên WTO thông báo về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, thanh tra, kiểm tra, thủ tục chấp thuận và các vấn đề liên quan đến SPS.

2. Nhiệm vụ của Văn phòng SPS Việt Nam được quy định tại Quyết định số 1733/QĐ-BNN-TCCB ngày 15/7/2005 và Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động ban hành kèm theo Quyết định số 1117/QĐ-BNN-TCCB ngày 18/4/2006 và thực thi các nhiệm vụ khác được quy định trong Quy chế này.

3. Điều phối các hoạt động, hướng dẫn nghiệp vụ thông báo và hỏi đáp cho các cơ quan trong mạng lưới SPS theo đúng quy định của WTO.

4. Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế về tài chính, khoa học và kỹ thuật, triển khai thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa và đẩy nhanh việc thực thi các cam kết đối với Hiệp định SPS đáp ứng nghĩa vụ thành viên WTO.

Điều 7. Nhiệm vụ của các điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành.

Chủ trì, phối hợp chuẩn bị, cung cấp tài liệu để thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về áp dụng các biện pháp liên quan đến SPS trong phạm vi Bộ, ngành mình quản lý theo thời gian và biểu mẫu quy định của WTO. Có trách nhiệm phối hợp với các điểm thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành khác và với Văn phòng SPS Việt Nam theo quy định của Quy chế này, bao gồm:

1. Nhiệm vụ thông báo

a. Chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tập hợp các dự thảo văn bản xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến việc áp dụng các biện pháp SPS trong phạm vi Bộ, ngành mình quản lý có khả năng tác động đến thương mại và thông báo sớm nhất cho Văn phòng SPS Việt Nam để gửi cho Ban thư ký WTO thông báo tới các nước thành viên được biết và góp ý;

b. Thời hạn thông báo dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về SPS ít nhất là 70 ngày trước khi ban hành, trừ trường hợp các biện pháp áp dụng khẩn cấp nhằm bảo vệ sức khỏe của con người hoặc động thực vật, trong trường hợp này, có thể thông báo biện pháp SPS khẩn cấp cho Văn phòng SPS Việt Nam trước hoặc sau khi văn bản có hiệu lực, đồng thời phải giải thích lý do áp dụng biện pháp khẩn cấp đó;

c. Xem xét ý kiến đóng góp của các nước thành viên WTO và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong nước đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về các biện pháp SPS trong phạm vi Bộ, ngành mình quản lý trước khi trình cơ quan thẩm quyền ban hành;

d. Thông báo cho Văn phòng SPS Việt Nam về việc ký kết các hiệp định hoặc thỏa thuận song phương và đa phương có liên quan đến các biện pháp SPS được ký kết trong phạm vi Bộ, ngành mình quản lý.

2. Nhiệm vụ hỏi đáp.

a. Tiếp nhận, trả lời các câu hỏi và cung cấp các thông tin về SPS trong lĩnh vực chuyên môn trong phạm vi Bộ, ngành mình quản lý trong vòng 5 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu từ Văn phòng SPS Việt Nam, hoặc từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và của nước thành viên WTO;

b. Trực tiếp hay thông qua Văn phòng SPS Việt Nam trả lời các câu hỏi và cung cấp các thông tin liên quan đến các biện pháp SPS trong phạm vi Bộ, ngành mình quản lý cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có quan tâm trong nước và các nước thành viên WTO;

c. Thông báo cho Văn phòng SPS Việt Nam các câu hỏi hoặc đề nghị cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, quy định về biện pháp SPS của các nước thành viên WTO trong phạm vi Bộ, ngành mình quản lý;

d. Xem xét và góp ý cho dự thảo văn bản có liên quan đến biện pháp SPS của các nước thành viên WTO khác có liên quan đến phạm vi Bộ, ngành mình quản lý. Văn bản gửi về Văn phòng SPS Việt Nam trong thời gian không quá 50 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo dự thảo của các nước thành viên được Văn phòng SPS Việt Nam chuyển đến;

đ. Tiếp nhận và chuyển thông báo về biện pháp SPS của các nước thành viên WTO đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nước, trong đó chú ý tới các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp thuộc phạm vi Bộ, ngành mình quản lý có khả năng chịu tác động bởi các biện pháp này bằng các phương tiện liên lạc thích hợp trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo từ Văn phòng SPS Việt Nam.

3. Tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục thông báo và hỏi đáp theo hướng dẫn của Văn phòng SPS Việt Nam.

4. Nghiên cứu, đề xuất biện pháp thích hợp với các cấp quản lý trực tiếp nhằm đảm bảo hoạt động thông báo và hỏi đáp về SPS có hiệu quả.

5. Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế có liên quan đến việc triển khai thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa của Hiệp định SPS.

Điều 8. Biên chế và chế độ làm việc của các tổ chức trong mạng lưới SPS

1. Văn phòng SPS Việt Nam và điểm thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc Bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ được giao và các cán bộ thực hiện nằm trong biên chế của cơ quan quản lý trực tiếp.

2. Ngoài biên chế được cơ quan quản lý trực tiếp phân bổ, các điểm Thông báo và hỏi đáp có thể tuyển dụng lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ theo chức năng được giao.

3. Các điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc Bộ, ngành làm việc theo chế độ thủ trưởng và phải chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 9. Ký hiệu trong các văn bản của Văn phòng SPS Việt Nam và Điểm Thông báo và Hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành

1. Văn phòng SPS Việt Nam được ký hiệu như sau: Số:…../SPS-BNNVN;

2. Điểm Thông báo và Hỏi đáp về SPS của Bộ/ngành được ký hiệu như sau: SPS kèm theo ký hiệu của Bộ, ngành (giữa SPS và ký hiệu của Bộ, ngành cách nhau bằng dấu gạch ngang -). Ví dụ: Điểm thông báo và hỏi đáp về SPS Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế có ký hiệu: Số:……./SPS-BYTVN, điểm Thông báo và Hỏi đáp về SPS của Cục Bảo vệ thực vật ký hiệu: Số:……../SPS-BVTV hay Điểm Thông báo và Hỏi đáp về SPS của Cục Thú y ký hiệu: Số:…../SPS-TY, v.v…;

3. Trong trường hợp cơ quan thông báo (TB) và điểm hỏi đáp (HĐ) không cùng nằm trong một tổ chức, ký hiệu của cơ quan thông báo là SPS TB kèm theo các ký hiệu của Bộ, ngành và ký hiệu của cơ quan hỏi đáp là SPS HĐ kèm theo các ký hiệu của Bộ, ngành.

Chương 3.

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ CÁC THÔNG BÁO, HỎI ĐÁP VÀ QUAN HỆ HOẠT ĐỘNG GIỮA VĂN PHÒNG SPS VIỆT NAM VỚI CÁC ĐIỂM THÔNG BÁO VÀ HỎI ĐÁP VỀ SPS THUỘC CÁC BỘ, NGÀNH

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan nhà nước giúp Thủ tướng Chính phủ điều hành, phối hợp giữa các Bộ, ngành điều phối các hoạt động về áp dụng các biện pháp SPS và có các nhiệm vụ sau:

1. Làm đầu mối thông báo hỏi đáp theo Điều 7 và quy định tại Phụ lục B của Hiệp định SPS.

2. Có trách nhiệm ban hành, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về thông báo và hỏi đáp giữa Văn phòng SPS Việt Nam và các điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành theo quy định của Hiệp định SPS, các hướng dẫn và khuyến nghị có liên quan của WTO.

Điều 11. Quan hệ hoạt động giữa các cơ quan trong mạng lưới

1. Về thực hiện chức năng đối ngoại

Văn phòng SPS Việt Nam là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng đối ngoại trong việc thông báo và hỏi đáp về các biện pháp SPS của Việt Nam theo quy định của Hiệp định SPS, các điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành gửi các thông báo cũng như dự thảo các biện pháp SPS về Văn phòng SPS Việt Nam để gửi cho Ban thư ký của WTO.

2. Về đảm bảo thời gian và tính chính xác của thông tin

a. Điểm Thông báo và Hỏi đáp về SPS của Bộ, ngành chịu trách nhiệm về thời gian và tính chính xác chuyên môn, chuyên ngành trong phạm vi Bộ, ngành mình quản lý khi thực hiện các nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp. Trong trường hợp vấn đề chuyên môn, chuyên ngành có liên quan đến nhiều bộ, ngành hoặc địa phương, thì Bộ, ngành chịu trách nhiệm chính về vấn đề chuyên môn đó phải phối hợp với các Bộ, ngành khác có liên quan giải quyết trền cơ sở đồng thuận;

b. Trong trường hợp không có sự đồng thuận trong giải quyết vấn đề chuyên môn được đề cập, thì Bộ, ngành chịu trách nhiệm chính về vấn đề chuyên môn đó lấy ý kiến của Tổ công tác liên bộ về SPS và ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan. Kết luận của Tổ công tác liên Bộ về SPS và cán bộ chuyên trách tại các điểm hỗ trợ kỹ thuật đối với vấn đề chuyên môn được đề cập là cơ sở cho Văn phòng SPS Việt Nam gửi trả lời cho bên quan tâm.

3. Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành trong việc thông báo và hỏi đáp về các biện pháp SPS đảm bảo thực thi đầy đủ nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp theo đúng quy định của WTO.

4.  Văn phòng SPS Việt Nam có quyền yêu cầu các cơ quan Trung ương, địa phương và các Tổ chức phi Chính phủ và các tổ chức khác có liên quan đến việc thực thi Hiệp định SPS tại Việt Nam tuân thủ những yêu cầu về minh bạch hóa thông tin và cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định.

Điều 12. Điều kiện hoạt động

Các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản), Bộ Y tế (Cục an toàn vệ sinh thực phẩm), Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và Bộ Công thương (Vụ Chính sách thương mại đa biên) có trách nhiệm đảm bảo các nguồn lực cần thiết, cán bộ, cơ sở vật chất và kỹ thuật cho hoạt động cho điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS do mình quản lý.

Kinh phí cho hoạt động của các điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS của các Bộ, ngành được cấp theo kế hoạch ngân sách cân đối hàng năm của Trung ương cho Bộ, ngành đó.

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Văn phòng SPS Việt Nam và các điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành có trách nhiệm thực hiện các quy định của Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 04/2008/QĐ-BNN Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động giữa Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Việt Nam với mạng lưới các điểm Thông báo và hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 04/2008/QĐ-BNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/01/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 37 đến số 38
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản