Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2016/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 22 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TẠM THỜI MỘT PHẦN LÒNG ĐƯỜNG, HÈ PHỐ KHÔNG VÌ MỤC ĐÍCH GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 03/2014/QĐ-UBND NGÀY 10 THÁNG 01 NĂM 2014 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;

Căn cứ Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, cụ thể như sau:

1. Sửa đổi Điều 7 như sau:

“Điều 7. Sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào hoạt động văn hóa, xã hội

Cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố để tiến hành hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) phải gửi văn bản đề nghị và phương án bảo đảm an toàn giao thông đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền trước ngày diễn ra hoạt động văn hóa ít nhất là 10 ngày làm việc. Nội dung văn bản đề nghị phải nêu rõ nội dung, chương trình, thời gian sử dụng lòng đường, hè phố. Cơ quan tổ chức hoạt động văn hóa xã hội không thực hiện đúng phương án bảo đảm an toàn giao thông đã được thống nhất để xảy ra mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.

2. Sửa đổi Điểm b, Khoản 2, Điều 8 như sau:

“Các điểm trông giữ xe không làm cản trở đến lối đi của người đi bộ sang đường, phải cách nút giao thông 20m và bố trí biển báo, vạch sơn; các loại xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy phải xếp thành hàng cách mép hè phố 0,2m, chéo tối đa 45 độ, đầu xe quay ra hướng lòng đường theo chiều xe chạy”.

3. Sửa đổi Điều 10 như sau:

“Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố làm nơi tập kết tạm thời để trung chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, sửa chữa công trình, vật tư thiết bị, tập kết rác thải để trung chuyển phải đảm bảo an toàn giao thông, giao thông không bị ách tắc, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và phải tuân thủ quy định tại Khoản 1, Điều 4; Điểm a, Khoản 2, Điều 5 của Quy định này. Thời gian được phép thực hiện từ 22h00 đến ngày hôm trước đến 6h00 sáng hôm sau.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phục vụ cưới, hỏi, lễ tang (kể cả việc trông, giữ xe phục vụ cưới, hỏi; lễ tang) phải thông báo với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trước khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố và phải tuân thủ quy định tại Khoản 1, Điểm b, Điểm c, Khoản 2, Điều 4; Điểm a, Khoản 2, Điều 5; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Khoản 1, Điều 8 của Quy định này.

5. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 13 như sau:

“2. Tổ chức, cá nhân khi xây dựng, lắp đặt các công trình nổi trên lòng đường, hè phố phải thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép và các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị, vệ sinh môi trường.

a) Khi xây dựng, lắp đặt vọng gác Cảnh sát giao thông, máy giao dịch tự động ATM, điện thoại công cộng, tủ cáp điện lực, nhà chờ xe buýt (trừ kiốt buôn bán, kinh doanh hàng hóa), hệ thống đèn chiếu sáng, đảm bảo thống nhất với quy hoạch của cấp có thẩm quyền quy định, đúng vị trí của cơ quan có thẩm quyền đã cấp phép. Lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, biển báo giao thông theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ.

b) Không được lắp đặt, xây dựng bục, bệ dắt xe, bậc tam cấp làm ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện tham gia giao thông và người đi bộ trên hè phố, lòng đường, làm mất mỹ quan đô thị.”

6. Sửa đổi Điểm a, Điểm b, Điểm c, Khoản 1, Điều 16 như sau:

“a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 9, Khoản 10 Điều 3 của Quy định này. Trừ các trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 4.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông quy định tại Khoản 7, Khoản 8, Điều 3 của Quy định này trên đường đô thị thuộc địa bàn quản lý.

c) Đối với việc khoan, đào, lấp lòng đường, hè phố để thi công trên các đoạn đường đô thị (không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương quản lý) do cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.”.

7. Sửa đổi Điểm a, Khoản 4, Điều 16 như sau

“a) Thành phần hồ sơ:

- Đơn đề nghị cấp phép (theo mẫu tại Phụ lục I, III kèm theo quy định này).

- Bản vẽ vị trí mặt bằng đề nghị cấp phép do tổ chức, cá nhân có nhu cầu đề nghị cấp phép tự thực hiện. Đối với trường hợp khoan, đào lòng đường, hè phố để thi công công trình tại Khoản 9, Khoản 10 Điều 3 Quy định này cần phải có gửi kèm bản chính hồ sơ thiết kế, trong đó có bình đồ, trắc dọc, trắc ngang vị trí đoạn tuyến do đơn vị tư vấn lập và biện pháp tổ chức thi công đảm bảo an toàn giao thông.”

8. Bãi bỏ Điểm b, Điểm d, Khoản 5, Điều 16.

9. Sửa đổi Điểm a, Điểm c, Khoản 6, Điều 16 như sau:

“a) Hồ sơ đề nghị gia hạn gồm:

- Đơn đề nghị gia hạn xin phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông (bản chính) theo mẫu tại Phụ lục II, IV.

- Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp lần đầu (bản sao).

c) Thời gian gia hạn: Chỉ gia hạn một (01) lần, với thời hạn không quá thời gian cấp phép lần đầu.”

10. Sửa đổi Khoản 2, Điều 19 như sau:

“2. Quản lý và cấp phép sử dụng tạm thời hè phố theo quy định và tổ chức kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc sử dụng lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông.”

11. Sửa đổi Mục (1), hướng dẫn nội dung ghi trong đơn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình như sau:

“(1) Đề nghị sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều 3 của Quy định này.”.

12. Sửa đổi Mục (1), hướng dẫn nội dung ghi trong đơn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình như sau:

“(1) Đề nghị gia hạn cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều 3 của Quy định này.”.

13. Sửa đổi Mục (2), hướng dẫn nội dung ghi trong đơn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình như sau:

“(2) Cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 16 của Quy định này (Đối với việc đề nghị xin cấp phép thi công khoan, đào lòng đường, hè phố để thi công công trình không thuộc thẩm quyền cấp phép tại Điểm a, Khoản 1, Điều 16 thì thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 19 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ).”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Kim tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực TU, HĐND tnh;
- Chủ tịch, các Phó phủ tịch UBND tnh;
- Đoàn đại biu Quốc hội tỉnh;
- VP/UBND tnh: CVP, các PCVP,
Trung tâm TH&CB;
- Lưu: VT, CNXD (M).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 03/2016/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vì mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình kèm theo Quyết định 03/2014/QĐ-UBND

  • Số hiệu: 03/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/01/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Nguyễn Văn Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản