Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 02/2000/QĐ-UB-VX

TP.Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 01 năm 2000 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TIẾP NHẬN, NUÔI DƯỠNG, GIÁO DỤC, CHỮA BỆNH CÁC ĐỐI TƯỢNG TỰ NGUYỆN HOẶC DO GIA ĐÌNH GỞI VÀO CÁC TRUNG TÂM XÃ HỘI VÀ CƠ SỞ CHỮA BỆNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Nghị quyết số 90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa ;
Xét nhu cầu thực tế của thành phố và nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác xã hội trên địa bàn thành phố ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố tại Tờ trình số 1969/LĐ-TBXH ngày 16 tháng 9 năm 1999 và của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố tại tờ trình số 23/TCCQ ngày 12 tháng 02 năm 1999 ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này Quy chế tiếp nhận, nuôi dưỡng, giáo dục, chữa bệnh các đối tượng tự nguyện hoặc do gia đình gởi vào các Trung tâm xã hội và cơ sở chữa bệnh (gọi tắt là các Trung tâm) thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, Sở Y tế thành phố, Công an thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện quản lý.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, Giám đốc Sở Tài chánh-Vật giá thành phố, Giám đốc Sở Y tế thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, Thủ trưởng các Sở-Ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

Nơi nhận  
- Như điều 3  
- Thường trực Thành ủy
- Ban An ninh Nội chính Thành ủy
- Thường trực HĐND.TP
- Thường trực UBND.TP
- Sở Tư pháp thành phố
- Viện Kiểm sát nhân dân TP
- Tòa án nhân dân thành phố  
- Ban TCCQ thành phố (2b)
- VPUB : PVP/NC, VX
- Tổ VX, NC, TH
- Lưu

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

TP.Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 01 năm 2000 

 

QUY CHẾ

TIẾP NHẬN NUÔI DƯỠNG, GIÁO DỤC VÀ CHỮA BỆNH CÁC ĐỐI TƯỢNG TỰ NGUYỆN HOẶC DO GIA ĐÌNH GỞI VÀO CÁC TRUNG TÂM XÃ HỘI VÀ CƠ SỞ CHỮA BỆNH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02 /2000/QĐ-UB-VậT LIệU XÂY DựNG ngày 20 tháng 01 năm 2000 của Ủy ban nhân dân thành phố).

 

 

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Mục đích ý nghĩa.

Quy chế này được ban hành là nhằm :

1.1- Đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhiều gia đình không có điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người thân của mình (gồm : cha, mẹ, anh, chị, em, con cháu...) do già cả, ốm đau, bệnh tật, nguy cơ phạm pháp, nghiện ma túy... nhưng có đủ khả năng và tự nguyện gởi người thân của mình vào các Trung tâm xã hội, cơ sở chữa bệnh thuộc hệ thống quản lý của Nhà nước.

1.2- Góp phần giữ gìn trật tự xã hội chung và sớm ngăn chặn các tệ nạn xã hội khác : lang thang, bụi đời, xì ke, ma túy, mại dâm, nguy cơ phạm pháp... đang là một vấn đề xã hội thành phố cần tập trung sức giải quyết.

1.3- Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác xã hội trên địa bàn thành phố trên cơ sở vật chất sẵn có, đội ngũ cán bộ viên chức có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn về công tác xã hội và chữa bệnh, chăm sóc, giáo dục đối tượng xã hội.

Điều 2.- Trung tâm xã hội và cơ sở chữa bệnh được tiếp nhận các đối tượng tự nguyện đủ 18 tuổi trở lên và các đối tượng do gia đình tự nguyện gởi vào.

Đối tượng do gia đình tự nguyện gửi vào các Trung tâm xã hội và cơ sở chữa bệnh bao gồm :

2.1- Trẻ bị khuyết tật bẩm sinh do bại não, bại liệt, dưới 16 tuổi, gia đình không có điều kiện chăm sóc.

2.2- Trẻ có nguy cơ đi vào con đường phạm pháp (trẻ bỏ học, đi bụi đời, có hành vi trộm cắp,...) dưới 16 tuổi đã được gia đình và địa phương giáo dục nhiều lần nhưng không kết quả.

2.3- Người bị bệnh tâm thần đã được chữa bệnh tại các bệnh viện thuộc ngành y tế nhưng không có kết quả, người già và người tàn tật, gia đình không có điều kiện chăm sóc.

2.4- Người nghiện ma túy ngoài đối tượng theo Nghị định số 20/CP, kể cả đối tượng nghiện đã được đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Nghị định số 20/CP, nhưng tái phạm và gia đình tự nguyện gởi vào.

Điều 3.- Phạm vi tiếp nhận đối tượng tự nguyện hoặc do gia đình gởi vào các Trung tâm xã hội và cơ sở chữa bệnh :

Ưu tiên nhận các đối tượng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp các cơ sở còn khả năng thì có thể tiếp nhận người ở các tỉnh khác thông qua giới thiệu của ngành Lao động-Thương binh và xã hội nơi đối tượng cư trú.

Điều 4.- Quy chế này áp dụng cho các Trung tâm xã hội, cơ sở chữa bệnh và các cơ sở xã hội khác có chức năng tương tự do Sở Lao động-Thương binh và xã hội thành phố, Công an thành phố, Sở Y tế thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện quản lý.

Điều 5.- Cơ sở pháp lý của việc tiếp nhận nuôi dưỡng, giáo dục và chữa bệnh các đối tượng do gia đình gửi vào các Trung tâm xã hội, cơ sở chữa bệnh là hợp đồng dịch vụ được ký giữa đối tượng tự nguyện hoặc gia đình có thân nhân gởi vào với Trung tâm xã hội, cơ sở chữa bệnh (theo mẫu đính kèm).

Chương 2:

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC A : THỦ TỤC HỒ SƠ, NỘI DUNG QUẢN LÝ CÁC ĐỐI TƯỢNG TỰ NGUYỆN VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG DO GIA ĐÌNH GỞI.

Điều 6.- Hàng năm căn cứ hiệu quả hoạt động và điều kiện cơ sở vật chất cho phép, các Trung tâm xã hội, cơ sở chữa bệnh lập kế hoạch tiếp nhận đối tượng, trình cơ quan chủ quản xét duyệt ; đồng gởi báo cáo cho Sở Lao động-Thương binh và xã hội.

Điều 7.- Thủ tục tiếp nhận hồ sơ :

7.1- Các đối tượng tự nguyện hoặc gia đình gởi thân nhân vào Trung tâm xã hội, cơ sở chữa bệnh phải hoàn tất hồ sơ thủ tục sau đây và nộp tại Trung tâm xã hội hoặc cơ sở chữa bệnh nơi tiếp nhận đối tượng :

- Đơn (theo mẫu của Sở Lao động-Thương binh và xã hội).

- Sơ yếu lý lịch : có xác nhận của Chính quyền địa phương.

- Phiếu khám sức khỏe (theo mẫu của y tế) hoặc hồ sơ bệnh lý (đối với người bệnh tâm thần hoặc trẻ khuyết tật).

- Bản sao hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận tạm trú dài hạn.

- Bản sao Chứng minh nhân dân (nếu đủ tuổi được cấp) hoặc các giấy tờ tùy thân khác.

7.2- Đối với các Trung tâm xã hội, cơ sở chữa bệnh :

Sau khi xem xét hồ sơ, nếu đối tượng thuộc diện tiếp nhận của đơn vị, thì làm thủ tục tiếp nhận và lập hồ sơ quản lý theo quy định của Sở Lao động-Thương binh và xã hội.

Điều 8.- Thời gian quản lý đối tượng tự nguyện hoặc do gia đình gởi :

8.1- Thời gian đối tượng tự nguyện hoặc do gia đình gởi đặt dưới sự quản lý, chăm sóc của Trung tâm xã hội hay cơ sở chữa bệnh phải được ghi rõ trong hợp đồng ký kết giữa hai bên, nếu hết thời gian ghi trong hợp đồng thì hợp đồng đương nhiên chấm dứt, nếu muốn tiếp tục thì hai bên phải làm thủ tục gia hạn hợp đồng hoặc là ký một hợp đồng mới.

8.2- Trong quá trình gởi, nếu gia đình muốn nhận thân nhân về trước khi kết thúc hợp đồng thì hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng trước thời hạn, đơn vị chỉ giải quyết cho về sau khi gia đình thanh toán đầy đủ các chi phí. Trường hợp đối tượng tự ý rời bỏ đơn vị thì đơn vị phối hợp cùng gia đình tìm kiếm để đưa về đơn vị tiếp tục nuôi dưỡng, giáo dục chữa bệnh hoặc hai bên thanh lý hợp đồng trước thời hạn.

8.3- Trường hợp đối tượng không chấp hành nội qui, gia đình không đóng tiền nuôi dưỡng, chăm sóc từ 5 ngày trở lên thì đơn vị được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng phải báo cho gia đình có đối tượng gởi ít nhất là 5 ngày trước khi trả đối tượng về gia đình, có thông báo cho Ủy ban nhân dân địa phương nơi đối tượng cư ngụ.

Điều 9.- Trong thời gian quản lý đối tượng, các Trung tâm xã hội và cơ sở chữa bệnh phải thực hiện đúng các quy định tổ chức quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Nếu để xảy ra hậu quả do sai sót, thiếu trách nhiệm, làm sai quy định của Nhà nước thì tùy theo mức độ, cá nhân, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và gia đình của đối tượng được gởi vào kể cả trách nhiệm phải bồi thường theo Luật dân sự.

Điều 10.- Nội dung quản lý :

Tùy theo tính chất của các loại đối tượng nêu trên, các Trung tâm xã hội và cơ sở chữa bệnh lập quy trình quản lý nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề và phục hồi chức năng trình cơ quan chủ quản và Sở Lao động-Thương binh và xã hội thông qua. Quy trình này phải đảm bảo các quy tắc sau :

10.1- Tổ chức khu vực dành riêng cho các đối tượng tự nguyện hoặc thuộc diện gia đình gởi, có phân công cán bộ công nhân viên theo dõi quản lý riêng, có phối hợp với hoạt động chung của toàn đơn vị.

10.2- Thực hiện đầy đủ, đúng nguyên tắc quản lý đối tượng về : Hồ sơ cá nhân, danh sách trích ngang, nội quy sinh hoạt, hồ sơ bệnh lý, hồ sơ học văn hóa, học nghề....

10.3- Có chương trình quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề, chữa bệnh và phục hồi chức năng phù hợp với các đối tượng và theo đúng quy định của Nhà nước.

10.4- Thường xuyên trao đổi với gia đình trong quá trình quản lý (hàng tuần, tháng, quý...) để kịp thời phối hợp chăm sóc đối tượng.

10.5- Được phép công bố tuyên truyền rộng rãi hoạt động, trợ giúp diện gia đình gởi trên các phương tiện thông tin, báo đài. Phối hợp với các địa phương trong việc giải quyết đưa đối tượng gia đình gởi vào cũng như giúp đỡ họ tái hòa nhập với cộng đồng.

MỤC B : MỨC THU KINH PHÍ VÀ PHÂN BỔ NGUỒN THU KINH PHÍ.

Điều 11.- Mức thu kinh phí được thực hiện trên nguyên tắc thu đảm bảo các chi phí phục vụ cho đối tượng gồm :

- Tiền ăn.

- Tiền cơ sở vật chất.

- Điện nước.

- Chi phí quản lý.

- Sinh hoạt giải trí.

- Tiền thuốc chữa bệnh thông thường.

- Tiền học văn hóa, học nghề.

Tùy theo loại đối tượng, có chi phí thực tế khoản nào thì thu khoản đó hàng tháng, khi nào gia đình đưa thân nhân vào thì Trung tâm thu phí lúc đó.

Điều 12.- Chế độ miễn giảm được áp dụng cho các đối tượng như sau :

12.1- Diện gia đình chính sách có công với cách mạng do Phòng Lao động-Thương binh và xã hội quận-huyện xác nhận.

12.2- Diện gia đình Cán bộ, công nhân viên chức gặp hoàn cảnh khó khăn do cơ quan nơi làm việc xác nhận.

12.3- Diện gia đình trong chương trình xóa đói giảm nghèo do Ủy ban nhân dân phường-xã xác nhận.

Việc miễn giảm cụ thể giao cho Sở Lao động-Thương binh và xã hội hướng dẫn chi tiết cho các Trung tâm xã hội, cơ sở chữa bệnh.

Điều 13.- Hằng năm các Trung tâm xã hội và cơ sở chữa bệnh đăng ký mức thu kinh phí các đối tượng tự nguyện hoặc thuộc diện gia đình gởi thông qua đơn vị chủ quản, liên Sở : Sở Lao động-Thương binh và xã hội và Sở Tài chánh-Vật giá thành phố xét duyệt cụ thể.

Các Trung tâm xã hội và cơ sở chữa bệnh phải thực hiện bảng chiết tính mức thu - chi cụ thể cho mỗi đối tượng theo quy định tại điều 11 của Quy chế này. Phải mở sổ kế toán, thanh quyết toán hàng tháng, quý, năm theo đúng Pháp lệnh kế toán thống kê và chịu sự giám sát kiểm tra của cơ quan chủ quản, Sở Lao động-Thương binh và xã hội và cơ quan tài chánh cấp trên.

Điều 14.- Không tính thuế đối với các hoạt động nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề và chữa bệnh các đối tượng tự nguyện hoặc do gia đình gởi tại các Trung tâm xã hội và cơ sở chữa bệnh thuộc các cơ quan nói tại điều 4.

Điều 15.- Các Trung tâm xã hội và cơ sở chữa bệnh phải sử dụng các khoản thu đúng mục đích. Các khoản thu tiền phòng, chi phí quản lý phục vụ, các hình thức dịch vụ và chữa bệnh áp dụng theo Thông tư số 14/TT-LB ngày 30-9-1995 của Liên Bộ Y tế-Tài chính-Lao động-Thương binh và xã hội-Ban Vật giá Chính phủ về việc “Hướng dẫn thực hiện một phần viện phí” được để lại cho đơn vị sử dụng theo quy định sau :

- 70% sử dụng bổ sung kinh phí hoạt động cho đơn vị.

- 30% được sử dụng như sau :

+ 25% nộp quỹ phúc lợi của đơn vị để giải quyết khó khăn về đời sống và khen thưởng thi đua cho Cán bộ-công nhân viên.

+ 5% chuyển về cho cơ quan chủ quản để thành lập quỹ hỗ trợ cho các đơn vị trong ngành không có điều kiện tổ chức hoạt động thu phí, thu nhập của cán bộ-công nhân viên quá thấp.

Điều 16.- Ngoài thuốc chữa bệnh thông thường, nếu đối tượng cần phải sử dụng thuốc đặc trị, dịch truyền, máu, các xét nghiệm, phim X quang, thuốc cản quang... thì thực hiện theo Thông tư Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động-Thương binh và xã hội - Ban Vật giá Chính phủ số 14/TT-LB ngày 30-9-1995 về việc “Hướng dẫn thực hiện một phần viện phí”.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17.- Các Trung tâm xã hội, cơ sở chữa bệnh phải báo cáo định kỳ tháng, quý, năm về tình hình các đối tượng tự nguyện hoặc thuộc diện gia đình gởi cho đơn vị chủ quản và Sở Lao động-Thương binh và xã hội kịp thời.

Điều 18.- Giao cho Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế này. Việc sửa đổi bổ sung quy chế do các cơ sở chữa bệnh, Trung tâm xã hội đề xuất, thông qua cơ quan chủ quản và Sở Lao động-Thương binh và xã hội trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt./.

 ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 02/2000/QĐ-UB-VX về quy chế tiếp nhận, nuôi dưỡng,giáo dục, chữa bệnh các đối tượng tự nguyện hoặc do gia đình gởi vào các Trung tâm xã hội và cơ sở chữa bệnh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 02/2000/QĐ-UB-VX
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/01/2000
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Viết Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản