Hệ thống pháp luật

Quy định về thời hạn xử lý vật chứng?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41700

Câu hỏi:

Chào luật sư! Luật sư cho em hỏi: Bạn em nó mượn laptop của em xong nó mang đi cắm lấy tiền (cờ bạc) có ghi giấy nợ, có ký tên. Và giờ hết hạn rồi mà bạn em nó không trả (có khi trốn tránh trách nhiệm), không nghe điện thoại, nó cắm laptop vs giá là 15triệu. Giá trị laptop của em là 18triệu. Vậy em báo công an thì khoảng bao giờ em mới lấy lại được laptop ạ và xử lý thằng bạn em như thế nào ạ? Em có thể đề nghị tạm thời tịch thu laptop đang cắm ở tiệm không ạ?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009

– Bộ luật tố tụng dân sự 2003

2. Nội dung tư vấn

Với thông tin bạn đưa ra,bạn của bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009:

  a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

  b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó  vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

Chủ thể: Chủ thể tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là người từ đủ 16 tuổi trở lên,không rơi vào trường hợp mất  năng lực hành vi dân sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội khi hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009.

Hành vi: Người phạm tội này thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua:

Vay, mượn, thuê tài sản hoặc nhận được tài sản dưới hình thức giao dịch khác rồi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản đó.

Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản bằng hình thức hợp đồng rồi dùng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Lỗi: Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý.

Như vậy, với trường hợp này, bạn của bạn mượn laptop của bạn rồi đi cắm tại hiệu cầm đồ và dùng số tiền cắm được để đánh bạc (mục đích bất hợp pháp). Nếu không thể lấy lại được laptop trên hoặc có hành vi trốn tránh nhằm chiếm đoạt tài sản thì bạn của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt nằm xác định là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Ngoài tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bạn của bạn còn có hành vi đánh bạc trái phép. Do đó, bạn của bạn có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.

Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.

Việc xử lý vật chứng theo Điều 76 Bộ luật tố tụng dân sự 2003:

1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;

b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;

c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;

đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng dân sự 2003 có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng dân sự 2003 cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.

4. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tài sản của bạn được xác định là vật chứng trong vụ án này. Nó sẽ được trả lại cho bạn khi chiếc laptop không còn ảnh hưởng đến vụ án hoặc đến khi vụ án được giải quyết xong. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM