Hệ thống pháp luật

CỤC SÁNG CHẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 545

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1991

 

QUY ĐỊNH

CỦA CỤC SÁNG CHẾ - UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC SỐ 545 NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 1991 VỀ HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG ĐƠN YÊU CẦU BẢO HỘ SÁNG CHẾ, GIẢI PHÁP HỮU ÍCH 

Căn cứ theo khoản 3 Điều 5 của Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;
Căn cứ theo khoản 2 Điều 28 của Điều lệ về Sáng kiến cải tiến kỹ thuật - hợp lý hoá sản xuất và sáng chế, khoản 1 Điều 30 của Điều lệ về Giải pháp hữu ích và điểm 98 của Thông tư số 1134/SC ngày 17-10-1991 của Uỷ ban Khoa học Nhà nước "Hướng dẫn thi hành Nghị định 84/HĐBT ngày 20-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ về Sáng kiến cải tiến kỹ thuật - hợp lý hoá sản xuất và sáng chế; Điều lệ về Nhãn hiệu hàng hoá; Điều lệ về Kiểu dáng công nghiệp; Điều lệ về Giải pháp hữu ích nhằm thi hành Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp" (sau đây gọi là Thông tư);
Cục Sáng chế quy định cụ về hình thức, nội dung của đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích (gọi tắt là Đơn) như sau:

I. YÊU CẦU VỀ HÌNH THỨC ĐỐI VỚI ĐƠN

1. Tính thống nhất của Đơn

Mỗi đơn chỉ được trình bày cho một đối tượng yêu cầu bảo hộ (đối tượng của sáng chế, giải pháp hữu ích được quy định tại điểm 38 và điểm 2 của Thông tư). Được phép gộp nhiều đối tượng vào một đơn "nếu các đối tượng có liên quan chặt chẽ với nhau nhằm thực hiện một mục đích chung" (điểm 40 của Thông tư), ví dụ:

- Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ của đơn là chất hoặc cơ cấu thì có thể gộp vào đơn này phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng chất hoặc cơ cấu đó; hoặc

- Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ của đơn là phương pháp thì có thể gộp vào đơn này cơ cấu để thực hiện phương pháp đó; hoặc

- Nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ của đơn là chất hoặc cơ cấu và khi có thể gộp vào đơn này phương pháp sản xuất chất hoặc cơ cấu thì cũng có thể gộp vào đơn này thiết bị để thực hiện phương pháp đó.

2. Kích thước khổ giấy.

Các tài liệu của đơn theo điểm 40.1 của Thông tư phải được làm trên khổ giấy A4 theo tiêu chuẩn Việt Nam (29,7 x 21cm).

Kích thước tối thiểu của các lề trên trang giấy trong các tài liệu của đơn (trừ các bản vẽ) như sau:

Lề trên: 2,0 cm

Lề trái: 2,5 cm

Lề phải: 2,0 cm

Lề dưới: 2,0 cm

Các trang giấy không được đóng khung.

Trên bản vẽ, hình vẽ không được quá khổ 26,2 x 17,0 cm và không được đóng khung. Kích thước tối thiểu của các lề như sau:

Lề trên: 2,5 cm

Lề trái: 2,5 cm

Lề phải: 1,5 cm

Lề dưới: 1,0 cm

3. Cách trình bày

3.1. Yêu cầu chung

Tất cả các tài liệu của đơn phải được đánh máy hoặc in rõ ràng, không tẩy xoá và chỉ sử dụng trên một mặt giấy theo chiều dọc.

Các tài liệu của đơn được trình bày trên các trang giấy riêng.

Tất cả các trang của tài liệu trong đơn phải được đánh số trang lần lượt bằng chữ Ả-rập.

Chữ số trang phải nằm giữa phía trên trang giấy.

Tất cả các trang giấy của đơn được kẹp với nhau sao cho có thể lật, tháo rời và kẹp lại dễ dàng.

Trong tờ khai, bản mô tả, yêu cầu bảo hộ và bản tóm tắt có thể có công thức hoá học hoặc toán học.

Trong bản mô tả và bản tóm tắt có thể có bảng; bất kỳ điểm nào của yêu cầu bảo hộ cũng có thể có bảng nhưng chỉ trong trường hợp các bảng này là cần thiết để làm rõ bản chất của đối tượng yêu cầu bảo hộ.

3.2. Yêu cầu cụ thể đối với bản vẽ

Bản vẽ, sơ đồ (nếu cần) nhằm làm rõ bản chất sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, phải thoả mãn các yêu cầu sau:

- Bản vẽ phải được thể hiện theo các quy định về vẽ kỹ thuật.

- Bản vẽ phải được thể hiện bằng các đường nét màu đen trên giấy can hoặc giấy màu trắng không có dòng kẻ. Các đường nét phải bền màu, đậm đều và rõ nét, không tô màu.

- Các hình vẽ phải được thể hiện theo phương pháp các hình chiếu vuông góc.

- Trong các bản vẽ không được ghi kích thước. Nếu cần phải có kích thước để làm sáng tỏ bản chất của giải pháp thì nêu trong phần mô tả giải pháp.

- Nhát cắt được chỉ ra bằng các nét nghiêng không cản trở việc đọc rõ ràng các ký hiệu chỉ dẫn và các đường chính.

- Tỷ lệ của bản vẽ và độ rõ nét phải được thực hiện sao cho khi sao chụp với độ thu nhỏ 2/3 vẫn phân biệt được các chi tiết trong hình vẽ.

- Bản vẽ không được có một chữ viết nào khác trừ trường hợp cần thiết để làm rõ hình vẽ nhưng phải ngắn gọn như "nước", "hơi", "mở", "đóng", "nhát cắt theo A - A".

Chữ viết trên bản vẽ phải được sắp xếp sao cho khi sửa không làm hỏng đường nét của bản vẽ.

- Tất cả các chữ số và đường chỉ dẫn trên bản vẽ phải rõ ràng. Số và chữ không được đặt trong ngoặc đơn, ngoặc kép, khoanh tròn.

- Có thể trình bày nhiều hình vẽ trên một trang giấy. Nếu các hình vẽ tạo nên một hình thống nhất được phân bố trên nhiều trang giấy thì chúng được phân bố sao cho hình đó có thể ghép lại mà không mất bất cứ phần nào của các hình vẽ trên các trang khác nhau.

- Các hình vẽ riêng biệt được đánh số thứ tự bằng chữ số Ả-rập và không phụ thuộc vào số thứ tự trang.

- Các ký hiệu chỉ dẫn không nhắc đến trong mô tả không được đặt trên hình vẽ và ngược lại.

- Đánh số thứ tự các chi tiết trong hình vẽ lần lượt theo thứ tự được nêu trong bản mô tả.

- Một chi tiết nhất định của bản vẽ tương ứng với một ký hiệu chỉ dẫn nêu trong toàn bộ các tài liệu của đơn.

4. Thuật ngữ, ký hiệu, đơn vị đo lường.

Các thuật ngữ, ký hiệu sử dụng trong đơn phải thống nhất và là những thuật ngữ, ký hiệu thông dụng.

Các đơn vị đo lường được biểu thị bằng các đơn vị của hệ mét hoặc nếu trước tiên chúng đã được biểu thị bằng các đơn vị của hệ đo lường khác thì phải chuyển đổi sang đơn vị của hệ mét.

Nhiệt độ được biểu thị bằng độ C hoặc nếu trước tiên chúng được trình bày theo cách khác thì phải chuyển đổi sang độ C.

Ký hiệu nhiệt lượng, năng lượng, ánh sáng, âm thanh, từ tính cũng như công thức toán học và các đơn vị điện phải theo thông lệ quốc tế, đối với công thức hoá cần sử dụng các ký hiệu, nguyên tử lượng và công thức phân tử thông dụng.

II. YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG CỦA CÁC TÀI LIỆU ĐƠN

1. Tờ khai xin cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích

Người nộp đơn cũng như người đại diện đều có thể sử dụng mẫu tờ khai in sẵn của Cục Sáng chế hoặc phải làm theo nội dung của mẫu tờ khai quy định ở phụ lục 6a và 6b của Thông tư này.

Tờ khai phải được ký tên. Nếu người nộp đơn là cơ quan, đơn vị thì phải có chữ ký của thủ trưởng và đóng dấu.

Trường hợp người nộp đơn muốn hưởng quyền ưu tiên theo khoản 3 Điều 29 của Điều lệ về Sáng kiến cải tiến kỹ thuật - hợp lý hoá sản xuất và sáng chế hoặc mục b, c điều 6 của Điều lệ về Giải pháp hữu ích thì phải điền đầy đủ vào các mục liên quan đến quyền ưu tiên trong tờ khai và các thông tin này phải đồng nhất với thông tin được xác nhận trong tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (theo điểm II.5 dưới đây).

2. Bản mô tả sáng chế, giải pháp hữu ích.

2.1. Yêu cầu chung đối với bản mô tả

Bản mô tả phải:

a) Bộc lộ hoàn toàn bản chất kỹ thuật của sáng chế hoặc giải pháp hữu ích và phải đủ thông tin đến mức căn cứ vào đó chuyên gia trong lĩnh vực được đề cập có thể thực hiện được (chế tạo, sản xuất, hoặc áp dụng trực tiếp).

b) Thể hiện được tính mới, tính sáng tạo (đối với sáng chế) và khả năng áp dụng cũng như khả năng đạt được mục đích mà sáng chế hoặc giải pháp hữu ích đề ra.

c) Gồm nội dung sau (theo điểm 40.3 của Thông tư):

- Tên sáng chế hoặc tên giải pháp hữu ích;

- Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập;

- Những giải pháp kỹ thuật đã biết;

- Bản chất kỹ thuật của sáng chế hoặc giải pháp hữu ích;

- Ví dụ thực hiện.

Mỗi phần của bản mô tả phải viết thành một đoạn riêng.

2.2. Nội dung chi tiết của từng phần trong bản mô tả

2.2.1 Tên sáng chế, giải pháp hữu ích

Tên sáng chế, giải pháp hữu ích phải ngắn gọn, chính xác và phù hợp với bản chất kỹ thuật của sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.

Tên sáng chế hoặc giải pháp hữu ích không được bộc lộ bản chất của đối tượng đó.

Khi đặt tên sáng chế hoặc giải pháp hữu ích phải sử dụng các thuật ngữ thông dụng trong lĩnh vực kỹ thuật đề cập.

Tên sáng chế hoặc giải pháp hữu ích không được mang tính chất quảng cáo (không kèm theo các tính từ như "tối ưu", "ưu việt"...) hoặc những từ ngữ trừu tượng, những ký hiệu không phù hợp với bản chất.

Tên sáng chế hoặc giải pháp hữu ích trong bản mô tả phải đồng nhất với tên sáng chế hoặc giải pháp hữu ích trong tờ khai và các tài liệu khác của đơn.

Nếu đơn gồm nhiều đối tượng thoả mãn tính thống nhất của sáng chế hoặc giải pháp hữu ích thì tên sáng chế hoặc giải pháp hữu ích phải thể hiện đầy đủ các đối tượng đó.

2.2.2. Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập

Phải chỉ ra lĩnh vực kỹ thuật mà sáng chế hoặc giải pháp hữu ích liên quan tới hoặc lĩnh vực có thể sử dụng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.

2.2.3. Những giải pháp kỹ thuật đã biết

Trình bày bản chất kỹ thuật của một hoặc một số giải pháp đã biết tương tự giải pháp trong đơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hiểu bản chất của giải pháp trong đơn, trong đó chỉ ra các dấu hiệu cơ bản của chúng và nhược điểm mà giải pháp trong đơn sẽ khắc phục một phần hoặc toàn bộ. Phải chỉ rõ nguồn thông tin về các giải pháp này (như nước và số bằng đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, tên sách báo, tác giả, nhà xuất bản, nơi và thời gian xuất bản, trang...).

Việc phê phán các giải pháp kỹ thuật đã biết phải chính xác, khách quan và không phóng đại.

Phải chọn ra một giải pháp có bản chất kỹ thuật gần nhất với đối tượng trong đơn.

2.2.4. Bản chất kỹ thuật của sáng chế, giải pháp hữu ích

Trước tiên phải nêu mục đích của sáng chế hoặc giải pháp hữu ích là đáp ứng hoặc đáp ứng cao hơn một hoặc một số nhu cầu của xã hội so với giải pháp kỹ thuật đã biết (những lợi ích kinh tế, xã hội đạt được khi sử dụng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích).

Mục đích của sáng chế hoặc giải pháp hữu ích phải được thể hiện khách quan, cụ thể, không mang tính chất quảng cáo và mục đích đó đạt được nhờ các dấu hiệu khác biệt của giải pháp nêu trong đơn.

Sau đó trình bày nhiệm vụ kỹ thuật của giải pháp kỹ thuật trong đơn nhằm đạt được mục đích đề ra.

Tiếp theo trình bày cách thức (phương tiện kỹ thuật) giải quyết nhiệm vụ đặt ra bằng cách chỉ ra tất cả các dấu hiệu cơ bản của sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, trong đó đặc biệt phải chỉ ra các dấu hiệu mới của sáng chế hoặc giải pháp hữu ích.

Tuỳ thuộc vào đối tượng của sáng chế, giải pháp hữu ích, bản chất kỹ thuật của giải pháp có thể được trình bày như sau:

a) Đối tượng của sáng chế, giải pháp hữu ích là cơ cấu, mô tả cơ cấu ở trạng thái tĩnh, có thể bao gồm các dấu hiệu cơ bản sau:

- Các chi tiết, cụm chi tiết và chức năng của chúng;

- Mối liên quan giữa các chi tiết, cụm chi tiết;

- Hình dạng và sự tương quan kích thước của chi tiết, cụm chi tiết;

- Sự bố trí tương hỗ của chi tiết, cụm chi tiết trong không gian;

- Vật liệu để chế tạo chi tiết, cụm chi tiết...

Việc mô tả cơ cấu phải được thể hiện rõ ràng, không phải suy đoán. Các chi tiết, cụm chi tiết và mối liên quan giữa chúng phải được chỉ dẫn trên hình vẽ và phải đánh số thứ tự theo trình tự được mô tả.

Trong phần mô tả này phải trình bày tỷ mỷ các đặc điểm kết cấu. Khi cần thiết, có thể mô tả các đặc điểm công nghệ chế tạo cơ cấu trong đơn.

Khi có hình vẽ, sơ đồ để làm rõ bản chất của sáng chế hoặc giải pháp hữu ích thì trước khi mô tả chi tiết phải có danh mục các hình vẽ và giải thích ngắn gọn mỗi hình, ví dụ:

Hình 1: mô tả... (nêu tên hình vẽ) ở dạng tổng thể.

Hình 2: mô tả mặt cắt A - A...

Tiếp đến, phải mô tả cơ cấu ở trạng thái hoạt động (quá trình làm việc của cơ cấu) hay cách sử dụng cơ cấu bằng cách chỉ ra trình tự làm việc của các chi tiết, cụm chi tiết.

Đối với đơn vị liên quan tới thiết bị điện, cần thiết phải mô tả tập hợp các dấu hiệu cơ bản tạo thành thiết bị, nghĩa là tập hợp các chi tiết, thành phần thiết yếu, vị trí, sơ đồ mạch của các chi tiết, thành phần này phải đủ để căn cứ vào đó thiết bị có thể hoạt động được. Trạng thái, quá trình làm việc của thiết bị cần được mô tả từ thời điểm đóng mạch hoặc từ khi thiết bị bắt đầu làm việc cho tới các thời điểm làm việc ổn định của thiết bị đó. Trong đó cần nêu rõ chức năng của các chi tiết, thành phần, các hiệu ứng hoặc các quá trình điện xảy ra mà nhờ đó mục đích đề ra của giải pháp có thể đạt được.

Đối với mạch điện cần mô tả bằng lời các phần tử, các khối thông dụng, các mối liên hệ giữa chúng. Quá trình làm việc của mạch điện được mô tả bằng chu trình dòng điện đi qua các phần tử hoặc các khối của mạch, các hiệu ứng hoặc các quá trình điện trong mạch xảy ra khi dòng điện đi qua để thực hiện chức năng đã đề ra.

b) Đối tượng của sáng chế, giải pháp hữu ích là phương pháp:

Liệt kê các công đoạn, trình tự thực hiện các công đoạn, các điều kiện để thực hiện các công đoạn (các thông số kỹ thuật về nhiệt độ, áp suất, thời gian, chất xúc tác... trong khoảng cho phép), các phương tiện kỹ thuật để thực hiện phương pháp (ví dụ: thiết bị, dụng cụ, chất, nguyên vật liệu). Nếu sử dụng các phương tiện kỹ thuật không thông dụng thì phải mô tả chi tiết các phương tiện này (có hình vẽ minh hoạ, nếu có).

Nếu đối tượng là phương pháp sử dụng chất thì cần phải mô tả liều lượng và cách thức pha chế, tính chất sau pha chế, liều lượng và cách sử dụng cũng như hiệu quả sử dụng.

Khi thực hiện phương pháp cần sử dụng chất mới thì phải mô tả đặc tính của các chất đó và phương pháp thu được chất đó.

Nếu trong phương pháp đó đề cập đến thực vật khi cần phải kèm theo tên Latinh của thực vật đó. Yêu cầu này cũng được áp dụng cho đối tượng ở mục c, dưới đây.

Ngoài các yêu cầu trên, đối với các giải pháp liên quan đến quy trình công nghệ vi sinh cần mô tả cụ thể chủng vi sinh được dùng trong quy trình, như tên gọi Latinh của các chủng (giống - loài) , các dữ liệu liên quan đến sự lưu giữ chúng, cũng như các đặc tính hình thái học, hoá sinh... và các điều kiện nuôi cấy chúng.

Nếu giải pháp liên quan đến các phương pháp tạo chủng mới cần mô tả cụ thể chủng tự nhiên và chủng thu được, tên gọi Latinh (loài - giống), tất cả các dữ liệu liên quan đến sự lưu giữ chúng, các đặc tính hình thái học, hoá sinh... các nhân tố gây đột biến hoặc phương pháp phân lập và môi trường, điều kiện sử dụng chúng.

c) Đối tượng của sáng chế, giải pháp hữu ích là chất:

Liệt kê các hợp phần tạo nên chất cũng như nêu tỷ lệ các hợp phần mô tả đặc tính của các hợp phần và công dụng của chất thu được.

Nếu chất mới là hợp chất hoá học thì phải nêu công thức hoá học và cấu trúc phân tử của chất mới.

Nếu giải pháp là sản phẩm dạng lớp thì phải thể hiện cấu trúc của sản phẩm (tạo lớp, quan hệ giữa các lớp).

Tiếp đến, phải đề cập đến phương pháp thu nhận chất trong đó phải nêu rõ cách thức thực hiện và các điều kiện kỹ thuật tương tự như khi mô tả đối tượng là phương pháp.

d) Đối tượng của sáng chế là sử dụng cơ cấu, phương pháp chất đã biết theo chức năng mới:

Nêu chức năng ban đầu của đối tượng đã biết, sau đó chỉ rõ chức năng mới, cách thức sử dụng đối tượng đó theo chức năng mới và hiệu quả mới đạt được.

2.2.5. Ví dụ thực hiện

Phần này nhằm làm rõ thêm phần bản chất của giải pháp được thể hiện bằng các ví dụ cụ thể để chứng minh tính hiện thực của giải pháp (khả năng áp dụng của sáng chế, giải pháp hữu ích) cũng như chứng minh khả năng đạt được mục đích đề ra.

Đặc biệt, đối tượng của sáng chế, giải pháp hữu ích là phương pháp thì trong phần này trình bày các ví dụ cụ thể theo cách trình bày như ở phần mô tả nhưng với những thông số kỹ thuật cụ thể (trong trường hợp các thông số kỹ thuật nằm trong một phạm vi cho phép thì phải có ví dụ với thông số nằm ở hai giới hạn biên và một ví dụ có thông số nằm trong giới hạn đó), lượng nguyên vật liệu sử dụng cụ thể hoặc liều lượng chất pha chế và cách thức pha chế cụ thể cũng như hàm lượng cụ thể và đặc tính của sản phẩm thu được.

Khi đối tượng của sáng chế, giải pháp hữu ích là chất thì phải nêu các ví dụ thu nhận chất ở các giới hạn biên của tỷ lệ thành phần và ví dụ nằm giữa giới hạn biên đó. Nếu tỷ lệ các thành phần tạo nên chất được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm khối lượng hay thể tích thì tổng các giá trị phần trăm của các thành phần ở từng ví dụ cụ thể phải là 100%; cần nêu lượng cụ thể của thành phần ban đầu và lượng chất thu được cũng như đặc tính của chúng, cấu trúc hoá học của chất (nếu là hợp chất hoá học) và cơ sở khoa học để chứng minh cấu trúc và thành phần chất.

Cần phải có ví dụ cụ thể chứng minh về hiệu quả sử dụng chất.

3. Yêu cầu bảo hộ

Theo điểm 40.4 của Thông tư, yêu cầu bảo hộ nhằm xác định khối lượng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, phải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn và phải được mô tả minh hoạ.

3.1. Yêu cầu bảo hộ cho một đối tượng

- Yêu cầu bảo hộ có thể viết thành một hoặc nhiều điểm.

- Mỗi điểm của yêu cầu bảo hộ viết thành một câu và có thể gồm hai phần:

Phần giới hạn (phần đầu) gồm tên của đối tượng và các dấu hiệu cần thiết để xác định đối tượng mà các dấu hiệu này trùng với các dấu hiệu của đối tượng đã biết từ tình trạng kỹ thuật trước ngày nộp đơn.

Phần khác biệt bắt đầu bằng các từ "khác biệt ở chỗ", "đặc trưng bởi" hoặc các từ tương tự khác và chỉ ra các dấu hiệu khác biệt (đặc trưng) của đối tượng nêu trong Đơn mà các dấu hiệu này khi kết hợp với các dấu hiệu đã biết ở phần đầu tạo nên một điểm yêu cầu bảo hộ.

- Nếu yêu cầu bảo hộ gồm nhiều điểm thì điểm đầu gọi là điểm độc lập, điểm hoặc các điểm tiếp theo gọi là điểm phụ thuộc.

- Điểm độc lập phải chứa tất cả các dấu hiệu cơ bản chung mà mỗi dấu hiệu là cần thiết cho tất cả các trường hợp thực hiện hay sử dụng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích và tất cả các dấu hiệu đó là đủ để đảm bảo đạt được mục đích đề ra.

- Điểm phụ thuộc chứa các dấu hiệu bổ sung nhằm phát triển, làm rõ một hoặc một số dấu hiệu nêu trong điểm độc lập. Các dấu hiệu bổ sung chỉ cần trong các trường hợp thể hiện phương án cụ thể thực hiện sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, hoặc để làm tăng hiệu quả của giải pháp. Phần đầu của điểm phụ thuộc nêu điểm hoặc các điểm mà nó phụ thuộc trực tiếp vào phần khác biệt nêu các dấu hiệu bổ sung.

- Các điểm của yêu cầu bảo hộ được đánh dấu số thứ tự bằng chữ số Ả-rập.

- Trong yêu cầu bảo hộ không được chữa các chỉ dẫn liên quan đến bản mô tả hoặc hình vẽ, ví dụ: "như được mô tả ở phần... của mô tả" hoặc "như được minh hoạ bởi hình... của hình vẽ" . Nhưng nếu bản chất của sáng chế hoặc giải pháp hữu ích được minh hoạ và cần có ký hiệu chỉ dẫn từ hình vẽ để làm rõ hơn bản chất của chúng thì các ký hiệu chỉ dẫn phải được đặt trong ngoặc đơn.

Khi đối tượng là sử dụng cơ cấu, phương pháp, chất theo chức năng mới thì yêu cầu bảo hộ được viết như sau:

"Sử dụng... (nêu tên của đối tượng đã biết) làm... (nêu chức năng mới)".

3.2. Yêu cầu bảo hộ cho đối tượng

Nếu đơn gồm nhiều đối tượng đảm bảo tính thống nhất (quy định ở điểm 1 chương I) yêu cầu bảo hộ phải gồm nhiều điểm độc lập, mỗi điểm độc lập cho một đối tượng độc lập, ví dụ yêu cầu bảo hộ có thể gồm:

- Một điểm độc lập cho chất, một điểm độc lập cho quá trình sản xuất và một điểm độc lập cho việc sử dụng chất đó; hoặc

- Một điểm độc lập cho phương pháp, một điểm độc lập cho cơ cấu để thực hiện phương pháp đó; hoặc

- Một điểm độc lập cho chất, một điểm độc lập cho phương pháp sản xuất và một điểm độc lập cho cơ cấu để thực hiện phương pháp đó.

Nếu từng điểm độc lập có các điểm phụ thuộc thì các điểm phụ thuộc này phải được đánh số thứ tự tiếp theo các điểm mà chúng bị phụ thuộc. Điểm độc lập tiếp theo được đánh số thứ tự tiếp theo.

4. Bản tóm tắt

Bản tóm tắt là phần trình bày ngắn gọn bản chất của sáng chế hoặc giải pháp hữu ích đã bộc lộ trong bản mô tả, yêu cầu bảo hộ và hình vẽ, và không được nhiều hơn 150 từ.

Với mục đích làm thông tin kỹ thuật, bản tóm tắt gồm lĩnh vực kỹ thuật được đề cập và bản chất của giải pháp kỹ thuật, không chứa những thông tin mang tính chất quảng cáo như tuyên bố về tính ưu việt, giá trị sáng chế hoặc giải pháp hữu ích hoặc dự tính về sử dụng chúng.

Nếu cần nêu công thức hoá học phải nêu công thức đặc trưng nhất.

Những dấu hiệu cơ bản nêu trong tóm tắt được minh hoạ bằng hình vẽ, nếu cần kèm theo ký hiệu chỉ dẫn thì các ký hiệu này được đặt trong dấu ngoặc đơn.

5. Chứng từ xác nhận quyền ưu tiên

Nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Điều lệ Sáng kiến, sáng chế hoặc theo khoản b, c Điều 6 Điều lệ Giải pháp hữu ích đã được ghi rõ trong tờ khai thì người nộp đơn phải nộp bản sao đơn kèm theo giấy chứng nhận của cơ quan nhận đơn đầu tiên hoặc giấy chứng nhận trưng bày sáng chế hoặc giải pháp hữu ích tại triển lãm của Ban Tổ chức triển lãm kèm theo bản dịch các tài liệu này ra tiếng Việt.

Trong giấy chứng nhận trưng bày triển lãm sáng chế hoặc giải pháp hữu ích để yêu cầu quyền ưu tiên phải có nội dung sau:

- Tên triển lãm quốc tế chính thức;

- Địa điểm triển lãm (thành phố, tên nước);

- Ngày bắt đầu trưng bày triển lãm sáng chế, giải pháp hữu ích.

Thời hạn nộp bản sao đơn và chứng nhận trưng bày sáng chế, giải pháp hữu ích tại triển lãm là 3 tháng kể từ ngày nộp đơn.

III. KHOẢN THI HÀNH

Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với văn bản hướng dẫn này đều mất hiệu lực.

 

Đòan Phương

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy định 545 năm 1991 về hình thức và nội dung đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích do Cục Sáng chế ban hành

  • Số hiệu: 545
  • Loại văn bản: Quy định
  • Ngày ban hành: 26/11/1991
  • Nơi ban hành: Cục Sáng chế
  • Người ký: Đoàn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản