Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 254-TC/VT

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1991

QUY ĐỊNH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 254-TC/VT NGÀY 18 THÁNG 07 NĂM 1991 VỀ THỦ TỤC NHẬN NGOẠI TỆ, HÀNG VIỆN TRỢ QUỐC TẾ

Căn cứ Quyết định số 142/HDBT ngày 10-5-1990 của Hội đồng Bộ trưởng và công văn số 674-TC/TCCB ngày 23-5-1991 của Bộ Tài chính quy định những nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế, Bộ Tài chính quy định thủ tục nhận ngoại tệ, hàng viện trợ của các tổ chức Quốc tế như sau:

I- PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Những trường hợp được áp dụng theo quy định này:

- Ngoại tệ, hàng viện trợ (hoàn lại hay không hoàn lại) của các chính phủ (viện trợ song phương).

- Ngoại tệ, hàng viện trợ của các tổ chức liên Chính phủ (viện trợ đa phương).

- Ngoại tệ, hàng viện trợ của các tổ chức Liên Hợp quốc (viện trợ Liên Hợp quốc).

- Ngoại tệ, hàng viện trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO).

- Ngoại tệ, hàng viện trợ (không hoàn lại) do các tổ chức khoa học ngoài nước gửi theo chương trình hợp tác khoa học cho các cơ quan khoa học trong nước.

- Hàng mẫu nằm trong khuôn khổ dự án, chương trình, hiệp định đã được thoả thuận trong văn bản ký kết giữa chính phủ Việt Nam và tổ chức viện trợ.

2. Những trường hợp không nằm trong quy định này:

- Ngoại tệ, hàng viện trợ của các tổ chức tôn giáo Quốc tế cho các tôn giáo tổ chức trong nước nhằm tổ chức phục vụ cho các hoạt động thuần tuý của tôn giáo.

- Hàng hoá được ghi là quà biếu (Gift), quà tặng của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài gửi cho các tổ chức, cá nhân trong nước; hàng quảng cáo, hàng chào giá của các hãng, Công ty nước ngoài gửi cho các Công ty trong nước (bạn hàng).

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A- CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH.

Để nhận ngoại tệ và hàng viện trợ, các đơn vị phải tiến hành làm các thủ tục như sau:

A1. Nếu viện trợ là ngoại tệ.

1. Làm giấy xác nhận tại Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ Quốc tế.

2. Đến Ngân hàng xuất trình giấy xác nhận để làm thủ tục rút tiền (theo giấy báo nhận ngoại tệ).

3. Báo cáo kết quả nhận tiền cho ban quản lý và tiếp nhận viện trợ Quốc tế khi cần thiết.

A2. Nếu viện trợ là hàng hoá.

1. Làm giấy xác nhận tại Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ Quốc tế.

2. Xin giấy phép nhập khẩu hàng hoá tại tổ cấp giấy phép xuất nhập khẩu (Bộ Thương nghiệp).

3. Xin giấy phép miễn thuế nhập khẩu cho Lô hàng viện trợ tại phòng thuế xuất nhập khẩu của Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) theo hướng dẫn tại công văn số 600-TC/CTN ngày 21-4-1990 của Bộ Tài chính.

Sau khi có đủ tài liệu trên (giấy xác nhận tiền hàng viện trợ; giấy phép nhập khẩu; giấy phép miễn thuế nhập khẩu), đơn vị tiến hành tiếp các bước sau:

Nếu hàng hoá về bằng đường hàng không.

4. Đến Hải quan sân bay Nội Bài (Hà Nội) hoặc Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) làm thủ tục khai báo hải quan (theo giấy báo nhận hàng).

5. Tiếp đó, đơn vị đến phòng hàng hoá tại sân bay để làm lệnh nhận hàng, thanh quyết toán số hàng thực nhận với kho hàng.

6. Đến Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ Quốc tế làm thủ tục khiếu nại, bồi thường nếu phát sinh chênh lệch thừa, thiếu, mất mát, không đúng chủng loại hoặc giá cả ... so với kê khai.

7. Báo cáo kết quả kiểm kê, đánh giá, phân phối hàng thực nhận cho Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế.

Nếu hàng hoá về bằng đường biển.

4. Đến Hải quan cũng làm thủ tục khai báo hải quan (theo giấy báo nhận hàng).

5. Đến cơ quan vận tải (hoặc đại lý vận tải) lấy lệnh nhận hàng (theo giấy báo nhận hàng).

6. Đến ty kho hàng tại cảng lấy lệnh giao hàng.

7. Đến kho để hàng tại cảng để nhận hàng.

8. Thanh, quyết toán số hàng thực nhận với kho và ty kho hàng của cảng.

9. Đến ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế làm thủ tục khiếu nại, bồi thường nếu phát sinh chênh lệch thừa, thiếu, mất mát, không đúng chủng loại hoặc giá cả... so với kê khai.

10. Báo cáo kết quả kiểm kê, đánh giá, phân phối hàng thực nhận do Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế.

B- THỦ TỤC XÁC NHẬN VÀ KHIẾU NẠI.

1. Thủ tục xác nhận.

Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhà nước, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, các hội, đoàn thể quần chúng, các cơ sở kinh tế trong và ngoài quốc doanh... (gọi tắt là các đơn vị) đều phải đến Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế làm thủ tục xác nhận ngoại tệ và hàng viện trợ khi nhận được giấy báo tiền, hàng viện trợ.

Địa chỉ xác nhận:

+ Tại Hà Nội: nhà số 4 - phố Phan Huy Chú.

+ Tại Đà Nẵng: nhà số 48 - đường Pasteur

+ Tại thành phố Hồ Chí Minh: số 138 - đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

- Thủ tục và mẫu giấy xác nhận ngoại tệ, hàng viện trợ được áp dụng thống nhất trong cả nước.

- Các đơn vị được nhận và sử dụng ngoại tệ, hàng viện trợ có trách nhiệm kê khai chính xác và đầy đủ ngoại tệ, hàng viện trợ theo các khoản mục trong mẫu xác nhận ngoại tệ, hàng viện trợ của Bộ Tài chính (Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế) đã ban hành.

- Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ Quốc tế có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục, kiểm tra các tài liệu, chứng từ hàng hoá... để nhanh chóng xác nhận ngoại tệ, hàng viện trợ cho các đơn vị.

- Thời hạn xác nhận ngoại tệ, hàng viện trợ tối đa không quá 3 ngày kể từ khi đơn vị có đủ tài liệu đến làm thủ tục xác nhận viện trợ.

- Trường hợp những lô hàng viện trợ có vướng mắc về thủ tục thì Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế có trách nhiệm hướng dẫn đơn vị làm các thủ tục cần thiết để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.

2. Các tài liệu cần thiết cho việc xác nhận.

Các đơn vị khi làm thủ tục xác nhận cần phải có đầy đủ các tài liệu như sau:

a. Các tài liệu cơ bản.

Đối với ngoại tệ, hàng viện trợ của các chính phủ, tổ chức liên chính phủ, các tổ chức Liên Hợp quốc thì các tài liệu cơ bản cần phải có là:

- Dự án, chương trình, hiệp định thoả thuận viện trợ đã được đại diện có thẩm quyền của tổ chức viện trợ và bên Việt Nam ký kết chính thức với phụ lục kèm theo gồm:

+ Danh mục hàng hoá và các loại được cấp có thẩm quyền xét duyệt và phê chuẩn.

+ Các khoản ngoại tệ (tiền mặt hoặc séc) được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trong từng khoản mục ngân sách của dự án, chương trình, hiệp định hoặc thoả thuận đã được hai bên ký kết.

- Trường hợp các tài liệu trên không kê rõ danh mục hàng hoá các loại, thì đơn vị phải có bản giải trình cụ thể giá trị hàng hoá viện trợ nằm trong tổng số kinh phí của dự án, chương trình, hiệp định hoặc thoả thuận và phải được xác nhận của lãnh đạo cơ quan chủ quản.

- Trường hợp có sự thay đổi danh mục hoặc chủng loại hàng hoá viện trợ, thay đổi sự chi tiêu cho các khoản mục ngân sách của dự án thì đơn vị phải có văn bản phê duyệt của Hội đồng Bộ trưởng hoặc Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

- Trường hợp khoản ngoại tệ viện trợ không có trong dự án, chương trình, hiệp định hoặc thoả thuận đã được ký kết thì đơn vị phải có bản thuyết minh rõ nguồn ngoại tệ và mục đích sử dụng khoản ngoại tệ viện trợ này. Đồng thời, đơn vị phải có văn bản cho phép sử dụng khoản ngoại tệ viện trợ này của Hội đồng Bộ trưởng.

Đối với ngoại tệ, hàng viện trợ của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức ngoài Liên Hợp quốc (cá nhân, nhân sĩ, nhà khoa học, trí thức, việt kiều ...) thì các tài liệu cơ bản cần phải có là:

- Văn bản thoả thuận (cam kết) viện trợ hoặc thông báo viện trợ của tổ chức hoặc cá nhân viện trợ.

- Tài liệu, chứng từ xác định rõ nguồn ngoại tệ, số lượng và trị giá hàng viện trợ của tổ chức hoặc cá nhân viện trợ gửi tới.

- Văn bản cho phép tiếp nhận, phân phối và sử dụng ngoại tệ, hàng viện trợ của Bộ chủ quản hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

- Văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền theo quyết định số 80/CT ngày 28-3-1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

b- Các tài liệu liên quan khác.

Ngoài các tài liệu cơ bản nêu trên, đơn vị phải có các tài liệu cần thiết liên quan khác là:

- Đối với hàng viện trợ:

+ Vận đơn đường biển (Bill ofladinh) hoặc vận đơn hàng không (Air way Bill).

+ Bản kê chi tiết (Packing list).

+ Hoá đơn thương mại (Invoice).

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance certificate).

- Đối với bản ngoại tệ viện trợ là bản thuyết minh kế hoạch sử dụng nguồn ngoại tệ viện trợ.

c- Các trường hợp ngoại lệ.

- Trường hợp chưa có các tài liệu như đã nêu ở trên (tài liệu đến chậm), đơn vị phải có giấy báo của sân bay hoặc của cơ quan vận tải.

Sau 15 ngày kể từ ngày làm xác nhận, đơn vị phải nộp lại các tài liệu có liên quan đến lô hàng viện trợ được nhận (đã nêu ở phần 2 điểm b) cho Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ Quốc tế.

- Trường hợp đơn vị khi làm thủ tục xác nhận chỉ có điện báo của tổ chức (cá nhân) gửi hàng viện trợ thì điện báo phải kê rõ các nội dung sau:

+ Ký, mã hiệu của dự án, chương trình, hiệp định hoặc thoả thuận đã được ký kết.

+ Tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng và trị giá ngoại tệ của hàng viện trợ.

+ Số đơn đặt hàng (Purchase order).

+ Số vận đơn, tên tàu chở hàng, ngày tàu đi và đến.

- Trường hợp hàng viện trợ do cá nhân người nước ngoài mang theo người, sân bay hoặc hải quan chỉ cho đơn vị được nhận hàng khi đơn vị đã làm thủ tục xác nhận (như đã nêu ở trên) với Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ Quốc tế.

3. Thủ tục khiếu nại.

a) Tại Ngân hàng:

Trường hợp số tiền Việt Nam thực nhận (quy đổi từ trị giá ngoại tệ viện trợ theo tỷ giá mua của ngân hàng công bố thời điểm nhận viện trợ) có thay đổi (tăng hoặc giảm) so với số ngoại tệ để xác nhận: trong thời hạn 15 ngày (kể từ khi nhận tiền), đơn vị phải báo cáo kết quả thực nhận số tiền viện trợ cho Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế để điều chỉnh số ngoại tệ đã xác nhận làm căn cứ thanh toán qua ngân sách Nhà nước về ngoại tệ viện trợ cho đơn vị.

b) Tại sân bay hoặc cảng:

Trường hợp có phát sinh chênh lệch thừa, thiếu, mất mát, không đúng chủng loại hoặc giá cả... so với kê khai thì đơn vị nhận hàng phải đồng thời làm ngay các việc như sau:

- Trực tiếp mỗi cơ quan giám định (công ty giám định hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam Vinacontrol hoặc công ty Bảo Việt) thực hiện việc giám định lại toàn bộ số hàng hoá thực nhận và làm biên bản giám định.

Trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày nhận hàng), đơn vị phải gửi biên bản giám định cho Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế để điều chỉnh số hàng đã xác nhận làm căn cứ thanh toán qua ngân sách Nhà nước về hàng viện trợ cho đơn vị.

- Đến Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế: đơn vị nhận hàng trực tiếp làm các thủ tục khiếu nại, bồi thường dưới sự hướng dẫn của Ban.

Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ Quốc tế chỉ trực tiếp làm các thủ tục khiếu nại, bồi thường khi được đơn vị nhận hàng uỷ nhiệm.

Lưu ý: Thời hạn khiếu nại trong vòng 30 ngày kể từ ngày dỡ hàng phải hoàn tất thủ tục.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thương nghiệp, Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan phối hợp với Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ Quốc tế để quản lý chặt chẽ các nguồn ngoại tệ, hàng viện trợ theo những quy định trên và chỉ làm thủ tục cho các đơn vị nhận ngoại tệ, hàng viện trợ khi đã có giấy xác nhận của Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ Quốc tế.

2. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các quy định trước đây trái với bản quy định này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời báo cho Bộ Tài chính (Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ Quốc tế) biết để nghiên cứu và giải quyết.

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy định 254-TC/VT năm 1991 về thủ tục nhập ngoại tệ, hàng viện trợ quốc tế do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 254-TC/VT
  • Loại văn bản: Quy định
  • Ngày ban hành: 18/07/1991
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/1991
  • Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản