Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KIÊN GIANG,
BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2620/QCPH-UBND

Kiên Giang, ngày 13 tháng 11 năm 2020

 

QUY CHẾ PHỐI HỢP

GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU TRONG CÔNG TÁC CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

Căn cứ tình hình thực tế tại 02 tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thống nhất ban hành Quy chế phối hợp trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo, quy định, như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung và các mối quan hệ phối hợp giữa UBND 02 tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân: Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn có liên quan đến hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của 02 tỉnh.

2. Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh) và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo của 02 tỉnh.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Tập trung, thống nhất sự chỉ đạo, điều hành giữa UBND 02 tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện thực tế ở từng địa phương để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 689/CT-TTg, Công điện số 732/CĐ-TTg và Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Kịp thời, thiết thực, hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 4. Nội dung phối hợp trao đổi thông tin

Thường xuyên trao đổi, thông báo cho nhau tình hình có liên quan đến hoạt động của tàu cá và ngư dân 02 tỉnh, bao gồm:

1. Tổng thể số lượng tàu cá đang hoạt động; kết quả công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu cá.

2. Tình hình, diễn biến, kết quả xử lý các vụ việc có liên quan đến tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

3. Tình hình an ninh trật tự có liên quan đến tàu cá và ngư dân tại các cảng cá, khu neo đậu, các vùng biển thuộc quyền quản lý.

4. Các vụ việc liên quan đến thiên tai, tai nạn trên biển; phối hợp điều tra xác minh hỗ trợ ngư dân; công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển.

5. Trao đổi tình hình, kết quả xác minh, xử lý về số đối tượng, tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Điều 5. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

1. UBND 02 tỉnh thống nhất chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và UBND cấp huyện, xã có liên quan, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho ngư dân nắm, thực hiện; tuyên truyền cho ngư dân biết ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước, nhất là khu vực chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, niêm phong thiết bị, mở thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ kể từ khi rời cảng để hoạt động trên biển đến khi cập cảng.

2. Ngoài hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo kế hoạch của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; định kỳ hàng năm, 02 tỉnh phối hợp tổ chức họp mặt, thăm hỏi, động viên ngư dân an tâm bám biển, đồng thời nhắc nhở thực hiện việc chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định tại địa phương nơi tàu cá hoạt động.

Điều 6. Kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thuyền viên

1. Hai tỉnh phối hợp, hỗ trợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá, ngư dân hoạt động khai thác thủy sản có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó chú trọng tàu cá, ngư dân trong danh sách được đề nghị tăng cường hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát.

2. Chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện công tác quản lý, kiểm soát tàu cá của tỉnh như nhau và có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở không để tàu cá 2 tỉnh hoạt động đánh bắt thủy sản vi phạm pháp luật, kể cả đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

3. Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, phương tiện xuất, nhập bến tại các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng; kiên quyết xử lý không cho tàu cá xuất bến khi không có đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định. Thông qua công tác quản lý, kiểm soát Biên phòng yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép.

4. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện việc rà soát, thống kê tàu cá của tỉnh khác đến hoạt động thường xuyên trên địa bàn tỉnh mình phối hợp, hỗ trợ, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý, điều tra, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm.

5. Chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động thực hiện và thông báo kịp thời công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ tàu cá của 02 tỉnh đang hoạt động trên vùng biển của tỉnh mình.

Điều 7. Xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến tàu cá và ngư dân khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài

1. Khi phát hiện tàu cá của tỉnh này đang hoạt động tại tỉnh kia và được các cơ quan chức năng thông báo đã vi phạm vùng biển nước ngoài, thì giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có tàu cá đang hoạt động có trách nhiệm hỗ trợ công tác điều tra, xác minh khi có yêu cầu.

2. Sở Ngoại vụ của 02 tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, báo cáo Bộ Ngoại giao để có biện pháp bảo hộ công dân, phối hợp với các nước có liên quan giải quyết các vụ việc.

3. Giao Công an tỉnh của 02 tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ, chứng cứ xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi làm trung gian, môi giới để đưa người và tàu cá đi đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài; môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt, xử lý đưa về nước trái phép; lợi dụng khai thác thủy sản để buôn lậu và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Điều 8. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, 06 tháng (ngày 20 tháng 6), năm (ngày 20 tháng 11), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 02 tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan báo cáo bằng văn bản các nội dung phối hợp đến UBND 02 tỉnh theo dõi, chỉ đạo (thông qua cơ quan thường trực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

2. Khi có vụ việc đột xuất xảy ra có liên quan đến ngành nào thì trao đổi với ngành đó; nếu vụ việc phức tạp, cấp bách thì UBND 02 tỉnh sẽ trao đổi với nhau để thống nhất chỉ đạo.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Cơ quan thường trực và sơ, tổng kết

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 02 tỉnh làm Cơ quan thường trực, đầu mối tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp này.

2. Định kỳ vào tháng 12 hàng năm tổ chức hội nghị sơ kết tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa 02 tỉnh. Hình thức tổ chức hội nghị sơ kết/ tổng kết luân phiên trên cơ sở thống nhất giữa các tỉnh trong Quy chế.

Tỉnh đăng cai tổ chức hội nghị sơ kết/ tổng kết thì Cơ quan thường trực của tỉnh đó sẽ chủ trì, phối hợp với Cơ quan thường trực của tỉnh kia tổng hợp tình hình, chuẩn bị chương trình, nội dung báo cáo, đề xuất biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và các nội dung khác có liên quan (nếu có); đồng thời tiến hành bàn giao nhiệm vụ thường trực cho Cơ quan thường trực của tỉnh kia vào năm sau.

Điều 10. Điều khoản thi hành

Căn cứ Quy chế phối hợp giữa UBND 02 tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa- Vũng Tàu trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đề nghị Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND cấp huyện có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung đã ký kết. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đề nghị báo về Cơ quan thường trực (Sở Nông nghiệp và PTNT) của 02 tỉnh để tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho UBND 02 tỉnh xem xét, quyết định.

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.

 

UBND TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thọ

UBND TỈNH KIÊN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



Nguyễn Thanh Nhàn

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- BCĐ Trung ương về IUU;
- TT. Tnh ủy (02 tỉnh);
- CT, các PCT.UBND tỉnh (02 tỉnh);
- Các Sở, ngành, địa phương TV BCĐ về IUU (02 tỉnh);
- LĐVP, các Phòng: KT, NC, TH;
- Lưu: VT, tvhung.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy chế phối hợp 2620/QCPH-UBND năm 2020 về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo, quy định do tỉnh Kiên Giang - tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành

  • Số hiệu: 2620/QCPH-UBND
  • Loại văn bản: Quy chế
  • Ngày ban hành: 13/11/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Thanh Nhàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/11/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản