Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC CẢNH SÁT PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM - BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXHVN

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2012

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA TỔNG CỤC CẢNH SÁT PCTP VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM TRONG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VÀ CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT GÓP PHẦN BẢO VỆ TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ VÀ ĐẢM BẢO TTATXH TẠI CÁC ĐƠN VI THUỘC HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2005;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 và Nghị định số 116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 của Chính phủ sửa đổi một số điều Nghị định số 94/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 4049/QĐ-BCA ngày 01/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm;

Thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998; Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm và Chỉ thị 48/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất ban hành Quy chế phối hợp  trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội tại các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh.

1. Quy chế này quy định những nguyên tắc, nội dung và phương pháp phối hợp ở tất cả các cấp (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện) giữa lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm tăng cường, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật góp phần giữ gìn trật tự trong hoạt động bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tại các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Hoạt động phối hợp trong Quy chế này bao gồm:

- Phối hợp phòng, chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT;

- Phối hợp bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, cá nhân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp;

- Phối hợp đảm bảo an toàn các hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp.

1. Quan hệ phối hợp giữa hai bên là quan hệ hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mỗi bên theo quy định của pháp luật.

2. Việc phối hợp phải thường xuyên, kịp thời và hiệu quả.

3. Những thông tin có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quản lý, sử dụng theo quy định quản lý và sử dụng tài liệu của Nhà nước.

Chương 2.

NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP PHỐI HỢP

MỤC A. TRÁCH NHIỆM CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Điều 3. Chủ động, kịp thời thông báo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nghiệp vụ của ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động BHXH, BHYT; các biểu mẫu, ấn chỉ, như: sổ BHXH, thẻ BHYT và các biểu mẫu trong quản lý nghiệp vụ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hành để lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm có phương án phối hợp trong công tác bảo vệ tài sản; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, quản lý quỹ, quản lý tài chính và đầu tư tăng trưởng của ngành BHXH.

Điều 4. Thủ trưởng cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ đạo các bộ phận trực thuộc cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT của đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm.

Điều 5. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp chủ động xây dựng chương trình, nội dung phối hợp với Công an địa phương đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Điều 6. Tuyên truyền, giáo dục cán bộ, viên chức trong các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật đối với hoạt động BHXH, BHYT; tích cực tham gia hoạt động phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xảy ra trong các đơn vị mình.

Điều 7. Định kỳ hàng quý, Ban Kiểm tra thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi với Cục Cảnh sát kinh tế thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm kết quả về công tác xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công nhân viên trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trường hợp có biểu hiện phức tạp liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác phòng chống tội phạm cần trao đổi kịp thời với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm hoặc Công an địa phương nơi Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoạt động để nắm tình hình và có biện pháp phối hợp giải quyết dứt điểm, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

MỤC B. TRÁCH NHIỆM CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM

Điều 8. Chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để thông báo kịp thời cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT và các hành vi vi phạm pháp luật khác để Bảo hiểm xã hội Việt Nam có kế hoạch phối hợp và chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.

Điều 9. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Công an các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT để có biện pháp phối hợp xử lý theo pháp luật một cách hiệu quả.

Điều 10. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập hợp tình hình, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý BHXH, BHYT của Nhà nước để kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ.

MỤC C. PHƯƠNG PHÁP PHỐI HỢP

Điều 11. Việc trao đổi thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT là công tác thường xuyên của những cán bộ được giao nhiệm vụ phối hợp.

Hai bên có thể thực hiện những biện pháp phối hợp khác không trái với quy định của pháp luật, sau khi đã xin ý kiến của cấp lãnh đạo có thẩm quyền.

Trong quá trình tổ chức thực hiện hai bên có thể hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện hoặc một phần kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

Điều 12.

1. Hằng năm, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiến hành tổ chức giao ban, sơ kết để trao đổi tình hình, rút kinh nghiệm và bàn phương hướng, biện pháp công tác tiếp theo.

2. Năm năm một lần, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Quy chế.

3. Trường hợp đột xuất hoặc xét thấy cần thiết hai bên có thể trao đổi trực tiếp, qua điện thoại hoặc fax…

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Quy chế này được tổ chức thực hiện thống nhất trong lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm và các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 14. Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm giao Cục Cảnh sát kinh tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao Ban Kiểm tra chịu trách nhiệm thường trực, là đầu mối phối hợp, tổ chức triển khai, kiểm tra đôn đốc và tổng hợp tình hình thực hiện Quy chế này báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam biết để chỉ đạo.

Điều 15. Căn cứ Quy chế này, các đơn vị được giao thường trực thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến hành triển khai một cách sâu rộng, có hiệu quả đến từng đơn vị trực thuộc để Quy chế được phát huy tác dụng một cách tốt nhất.

Điều 16.

1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Quá trình thực hiện Quy chế nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh cần sửa đổi, bổ sung thì Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (qua Cục Cảnh sát kinh tế), các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo về Bảo hiểm xã hội Việt Nam (qua Ban Kiểm tra) để tổng hợp báo cáo lãnh đạo hai bên thống nhất quyết định.

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Trung tướng Phan Văn Vĩnh

TỔNG GIÁM ĐỐC




Lê Bạch Hồng

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh (để báo cáo);
- Hội đồng quản lý BHXHVN (để chỉ đạo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ: Công an, Tài chính, Nội vụ, LĐTBXH, Y tế;
- Lưu VT (BHXHVN), C46 (TCCSPCTP).

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy chế 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXHVN phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại đơn vi thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam

  • Số hiệu: 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXHVN
  • Loại văn bản: Quy chế
  • Ngày ban hành: 16/05/2012
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm
  • Người ký: Lê Bạch Hồng, Phan Văn Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/05/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 16/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản