Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH – TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1822/QCPH/BTC-TLĐ

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2014

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA BỘ TÀI CHÍNH VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; và Luật số 21/2012/QH13 ngày 21/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 ngày 20/06/2012;

Căn cứ Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

Để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất ban hành Quy chế phối hợp công tác như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi phối hợp bao gồm:

a) Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện quy định của pháp luật thuế, pháp luật công đoàn;

b) Hỗ trợ cung cấp thông tin để cơ quan công đoàn các cấp thực hiện thu kinh phí công đoàn;

c) Phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra đóng kinh phí công đoàn.

2. Hoạt động phối hợp công tác nêu trên được thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã được pháp luật quy định đối với Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn.

3. Hoạt động phối hợp công tác thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của mỗi bên, có kế hoạch được lãnh đạo có thẩm quyền của hai cơ quan phê duyệt. Những vướng mắc phát sinh phải được trao đổi, giải quyết kịp thời. Trường hợp không thống nhất phương hướng giải quyết thì báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp của hai bên xem xét, quyết định.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện pháp luật thuế và pháp luật công đoàn

a) Cơ quan công đoàn phối hợp với cơ quan tài chính (cơ quan Thuế) cùng cấp trong việc tuyên truyền thực hiện nghĩa vụ thuế trong công nhân, viên chức, người lao động và cán bộ công đoàn.

Các báo, tạp chí của cơ quan Công đoàn đăng bài tuyên truyền, phổ biến: chính sách pháp luật thuế; các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện nghĩa vụ thuế; hỏi đáp về chính sách, pháp luật thuế.

b) Cơ quan tài chính (cơ quan Thuế) hỗ trợ cơ quan công đoàn trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về công đoàn trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế và các hình thức tuyên truyền khác; tại các chương trình tập huấn chính sách, pháp luật thuế cho người nộp thuế.

Cơ quan công đoàn có trách nhiệm cung cấp tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật công đoàn phù hợp với các hình thức, đối tượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

2. Hỗ trợ cung cấp, trao đổi thông tin về đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn

a) Trên cơ sở thông tin quản lý thuế và cơ sở dữ liệu về đăng ký thuế, cơ quan tài chính (cơ quan Thuế) định kỳ tháng đầu của quý cung cấp thông tin về đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn (người nộp thuế là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP) trong cơ sở dữ liệu quản lý thuế của ngành thuế cho cơ quan công đoàn cùng cấp, cụ thể như sau:

- Thông tin về đăng ký thuế mới, thay đổi thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bao gồm: Mã số thuế, tên người nộp thuế, địa chỉ hoạt động, ngày được cấp mã số thuế.

- Thông tin về tình trạng hoạt động, bao gồm: Thời gian tạm nghỉ kinh doanh, thời gian ngừng hoạt động, ngày đóng mã số thuế.

b) Trên cơ sở thông tin về đóng kinh phí công đoàn, cơ quan công đoàn cung cấp cho cơ quan tài chính cùng cấp (cơ quan Thuế) thông tin về số lượng người nộp thuế phải đóng kinh phí công đoàn, số lượng lao động, số kinh phí công đoàn đã đóng của người nộp thuế trên địa bàn.

Hình thức cung cấp thông tin: Kết xuất file dữ liệu.

3. Phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra đóng kinh phí công đoàn.

a) Trong quá trình kiểm tra, thanh tra về thuế, nếu phát hiện người nộp thuế chưa đóng kinh phí công đoàn thì Đoàn kiểm tra thuế nhắc nhở người nộp thuế đóng kinh phí công đoàn; Đồng thời, cơ quan Thuế cung cấp thông tin cho cơ quan công đoàn cùng cấp để đôn đốc, xử lý theo quy định.

b) Trong quá trình thực hiện Luật Công đoàn nếu người nộp thuế vi phạm pháp luật Công đoàn về đóng kinh phí công đoàn thì cơ quan công đoàn chủ trì, phối hợp với cơ quan Thuế cùng cấp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn của người nộp thuế; kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về đóng kinh phí công đoàn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất giao Tổng cục Thuế và Ban Tài chính Tổng Liên đoàn là đơn vị đầu mối giúp tổ chức triển khai Quy chế phối hợp này.

2. Cục Thuế, Chi cục Thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin về người nộp thuế thuộc cơ quan Thuế quản lý cho cơ quan công đoàn cùng cấp.

- Đầu mối tiếp nhận thông tin, tài liệu tuyên truyền, tập huấn về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn hoặc cung cấp thông tin tuyên truyền pháp luật thuế là phòng/bộ phận tuyên truyền hỗ trợ.

- Đầu mối cung cấp thông tin về đăng ký thuế tại cơ quan thuế là phòng/ bộ phận Kê khai và kế toán thuế.

- Đầu mối tiếp nhận thông tin về đóng kinh phí công đoàn hoặc cung cấp thông tin phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến đóng kinh phí công đoàn là phòng/bộ phận thanh tra thuế, kiểm tra thuế.

- Đầu mối cung cấp tài liệu, tiếp nhận thông tin của cơ quan công đoàn các cấp là Ban/bộ phận tài chính.

3. Định kỳ hàng năm ở cấp Trung ương và 6 tháng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan công đoàn và cơ quan thuế thực hiện đánh giá kết quả phối hợp, kiến nghị xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh, thống nhất kế hoạch phối hợp kỳ tiếp theo.

4. Trong trường hợp đột xuất, lãnh đạo cơ quan Công đoàn và cơ quan Thuế các cấp có thể tổ chức trao đổi rút kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế này.

5. Kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật Công đoàn về đóng kinh phí công đoàn theo quy chế này thực hiện theo quy định của Tổng Liên đoàn.

6. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trao đổi ý kiến để có sự vận dụng linh hoạt hoặc quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH





Đinh Tiến Dũng

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy chế 1822/QCPH/BTC-TLĐ năm 2014 về phối hợp công tác thực hiện quy định của pháp luật thuế, pháp luật công đoàn giữa Bộ Tài chính - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

  • Số hiệu: 1822/QCPH/BTC-TLĐ
  • Loại văn bản: Quy chế
  • Ngày ban hành: 08/12/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đinh Tiến Dũng, Đặng Ngọc Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản