Hệ thống pháp luật

Chương 2 Pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam năm 2002

Chương 2:

ĐIỀU TRA ĐỂ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TỰ VỆ

Điều 9. Cơ quan chịu trách nhiệm tiến hành điều tra

Bộ Thương mại chịu trách nhiệm tiến hành điều tra trước khi quyết định áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp tự vệ.

Điều 10. Căn cứ tiến hành điều tra

1. Bộ Thương mại tiến hành điều tra khi có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước với điều kiện toàn bộ hàng hoá do tổ chức, cá nhân đó sản xuất chiếm ít nhất 25% sản lượng hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước. Tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu phải chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ.

2. Bộ Thương mại chủ động tiến hành điều tra trong trường hợp có bằng chứng chứng minh sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp tự vệ.

Điều 11. Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ

Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ được gửi cho Bộ Thương mại bao gồm:

1. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ theo mẫu do Bộ Thương mại quy định;

2. Các tài liệu và thông tin có liên quan đến loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ và hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp.

Điều 12. Quyết định tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ

1. Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ chưa đầy đủ thông tin thì chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Thương mại phải thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu bổ sung thông tin. Thời hạn bổ sung thông tin ít nhất là 30 ngày, kể từ ngày tổ chức, cá nhân đó nhận được yêu cầu bổ sung thông tin. Bộ Thương mại không ra quyết định tiến hành điều tra, nếu các thông tin đó không được cung cấp trong thời hạn quy định.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung có đầy đủ thông tin, Bộ Thương mại phải ra quyết định tiến hành điều tra.

3. Khi chưa có quyết định chính thức về việc tiến hành điều tra, Bộ Thương mại không được tiết lộ nội dung của hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ.

4. Trường hợp không ra quyết định tiến hành điều tra, Bộ Thương mại phải thông báo lý do cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ.

5. Bộ Thương mại không ra quyết định tiến hành điều tra nếu tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ rút hồ sơ, trừ trường hợp có bằng chứng cho thấy cần thiết phải tiếp tục điều tra.

Điều 13. Các bên liên quan đến quá trình điều tra

Các bên liên quan đến quá trình điều tra bao gồm:

1. Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài sản xuất và xuất khẩu loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra;

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra;

3. Hiệp hội ngành hàng nước ngoài đại diện cho đa số các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập khẩu loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra;

4. Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra;

5. Tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ;

6. Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp;

7. Hiệp hội ngành hàng trong nước đại diện cho đa số các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp;

8. Tổ chức công đoàn đại diện cho quyền lợi của người lao động trong ngành sản xuất trong nước;

9. Hội nông dân Việt Nam;

10. Tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam;

11. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;

12. Tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến quá trình điều tra hoặc có thể giúp ích cho quá trình điều tra.

Điều 14. Cung cấp thông tin cho quá trình điều tra

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra và cung cấp thông tin cần thiết theo yêu cầu của Bộ Thương mại.

2. Bộ Thương mại có trách nhiệm bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Quản lý nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng điều tra

1. Quá trình điều tra để xem xét khả năng áp dụng các biện pháp tự vệ không được gây trở ngại cho việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu đang là đối tượng điều tra.

2. Kể từ khi có quyết định tiến hành điều tra cho đến khi kết thúc quá trình điều tra, Bộ Thương mại có thể thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu đối với loại hàng hoá đang là đối tượng điều tra. Việc cấp giấy phép đó chỉ nhằm mục đích thống kê, không hạn chế về số lượng, khối lượng hoặc trị giá hàng hoá nhập khẩu.

Điều 16. Nội dung điều tra

Việc điều tra phải bảo đảm khách quan, có tính đến các yếu tố đặc trưng của tình hình sản xuất trong nước và làm rõ các nội dung sau đây:

1. Sự gia tăng nhập khẩu của loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra một cách đột biến về khối lượng, số lượng hoặc trị giá;

2. Thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trên cơ sở đánh giá:

a) Những thay đổi về tình hình tiêu thụ hàng hoá là đối tượng điều tra tại thị trường trong nước;

b) Những thay đổi về khối lượng sản xuất hàng hoá, các chỉ số năng suất lao động, hệ số sử dụng công suất sản xuất, mức lãi và lỗ, tỷ lệ người có công ăn việc làm trong ngành sản xuất hàng hoá là đối tượng điều tra;

c) Tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu là đối tượng điều tra trong tổng khối lượng hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp đang tiêu thụ tại thị trường trong nước.

3. Quan hệ giữa việc gia tăng hàng hoá nhập khẩu với thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Điều 17. Đình chỉ điều tra

Bộ Thương mại ra quyết định đình chỉ điều tra trong các trường hợp sau đây:

1. Người có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ rút hồ sơ trong quá trình điều tra;

2. Bên nước ngoài liên quan cam kết loại trừ thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước;

3. Các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Điều 18. Thời hạn điều tra và công bố kết quả điều tra

1. Thời hạn điều tra không quá 6 tháng, kể từ ngày Bộ Thương mại ra quyết định điều tra; trong trường hợp cần thiết, thời hạn điều tra có thể được gia hạn một lần không quá 2 tháng tiếp theo.

2. Sau khi kết thúc điều tra, Bộ Thương mại công bố công khai kết quả điều tra.

Điều 19. Quyết định áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp tự vệ

1. Trên cơ sở kết quả điều tra, Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp tự vệ sau khi đã tham khảo ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan. Quyết định này phải được công bố công khai.

2. Các biện pháp tự vệ quy định tại Pháp lệnh này có thể không được áp dụng, nếu việc áp dụng các biện pháp đó dẫn đến một trong các hậu quả sau đây:

a) Gây thiệt hại đến kinh tế - xã hội trong nước;

b) Gây thiệt hại đến lợi ích của đa số các nhà tiêu thụ hàng hoá;

c) Các hậu quả khác do Chính phủ xác định.

Pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam năm 2002

  • Số hiệu: 42/2002/PL-UBTVQH10
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 25/05/2002
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: 10/07/2002
  • Số công báo: Số 32
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH