Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông năm 2002

Mục 1: MẠNG VÀ DỊCH VỤ BƯU CHÍNH

Điều 11. Mạng bưu chính công cộng

1. Mạng bưu chính công cộng được xây dựng, quản lý và phát triển theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Mạng bưu chính công cộng bao gồm các trung tâm đầu mối, bưu cục, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được kết nối với nhau bằng các tuyến đường thư.

3. Các bưu cục, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được ưu tiên đặt tại các nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, khu dân cư và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng.

4. Các công trình thuộc mạng bưu chính công cộng là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng phải có trong quy hoạch, thiết kế tổng thể xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mới và các công trình công cộng khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư xây dựng và thuận tiện cho việc cung cấp, sử dụng dịch vụ.

Điều 12. Mạng chuyển phát

Mạng chuyển phát do doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng và quản lý để cung cấp dịch vụ chuyển phát thư theo quy định của pháp luật về bưu chính, viễn thông và các quy định khác của pháp luật về vận chuyển hàng hóa.

Điều 13. Mạng bưu chính chuyên dùng

Mạng bưu chính chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân được thiết lập để phục vụ nhu cầu thông tin của các cơ quan, tổ chức đó.

Tổ chức và hoạt động của mạng bưu chính chuyên dùng do Chính phủ quy định.

Điều 14. Mã bưu chính

1. Mã bưu chính bao gồm tập hợp các ký tự nhằm xác định một hoặc một nhóm địa chỉ bưu chính được sử dụng cho hoạt động của mạng bưu chính công cộng và dịch vụ bưu chính.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông ban hành và quản lý quy hoạch mã bưu chính phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thuận lợi trong sử dụng, ổn định lâu dài và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Điều 15. Dịch vụ bưu chính

Dịch vụ bưu chính bao gồm:

1. Dịch vụ bưu chính cơ bản là dịch vụ nhận gửi, chuyển và phát bưu phẩm, bưu kiện.

Bưu phẩm bao gồm thư (trừ thư do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư thực hiện), bưu thiếp, gói nhỏ, gói ấn phẩm, học phẩm dùng cho người mù được gửi qua mạng bưu chính công cộng.

Bưu kiện bao gồm vật phẩm, hàng hoá được đóng gói có khối lượng không quá năm mươi kilôgam (50 kg) được gửi qua mạng bưu chính công cộng;

2. Dịch vụ bưu chính cộng thêm là dịch vụ được cung cấp thêm vào dịch vụ bưu chính cơ bản để đáp ứng yêu cầu cao hơn về chất lượng của người sử dụng.

Cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định và công bố danh mục cụ thể các dịch vụ bưu chính quy định tại Điều này.

Điều 16. Dịch vụ bưu chính công ích

1. Dịch vụ bưu chính công ích bao gồm:

a) Dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ bưu chính được cung cấp đến mọi người dân theo các điều kiện về khối lượng, chất lượng và giá cước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

b) Dịch vụ bưu chính bắt buộc là dịch vụ bưu chính được cung cấp theo yêu cầu của Nhà nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Căn cứ vào yêu cầu của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và bưu chính trong từng thời kỳ, cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông quy định cụ thể việc cung cấp dịch vụ bưu chính công ích.

3. Nhà nước có chính sách hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thông qua dịch vụ bưu chính dành riêng và các cơ chế hỗ trợ tài chính khác.

Điều 17. Nhận gửi và phát thư, bưu phẩm, bưu kiện

1. Thư, bưu phẩm, bưu kiện được coi là đã được nhận gửi trong các trường hợp sau đây:

a) Thư, bưu thiếp hợp lệ được bỏ vào thùng thư công cộng;

b) Thư, bưu phẩm, bưu kiện đã được nhận gửi tại bưu cục, điểm phục vụ, đại lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc tại địa chỉ của người sử dụng dịch vụ.

2. Thư, bưu phẩm, bưu kiện được coi là đã được phát tới người nhận trong các trường hợp sau đây:

a) Đã được bỏ vào hộp thư, phát tới địa chỉ của người nhận hoặc được giao cho người được uỷ quyền nhận;

b) Đã được phát cho người nhận tại bưu cục hoặc tại điểm phục vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

3. Thư, bưu phẩm, bưu kiện khi chưa phát đến người nhận hoặc người được uỷ quyền nhận vẫn thuộc quyền định đoạt của người gửi, trừ trường hợp bị thu giữ hoặc tiêu huỷ theo quy định của pháp luật.

4. Thư, bưu phẩm, bưu kiện không phát được cho người nhận và cũng không hoàn trả được cho người gửi thì sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày gửi được coi là thư, bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận. Chính phủ quy định cụ thể về việc xử lý thư, bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận.

Điều 18. Cấm gửi trong thư, bưu phẩm, bưu kiện

Cấm gửi trong thư, bưu phẩm, bưu kiện:

1. Ấn phẩm, vật phẩm, hàng hoá cấm lưu thông, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc ấn phẩm, vật phẩm, hàng hoá nước nhận cấm nhập khẩu;

2. Vật, chất gây nổ, gây cháy, gây nguy hiểm;

3. Tiền Việt Nam, ngoại hối;

4. Vật, chất làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Điều 19. Ưu tiên vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường biển, đường hàng không, đường sắt có trách nhiệm ưu tiên vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện theo hợp đồng ký với doanh nghiệp bưu chính và bảo đảm an toàn cho bưu phẩm, bưu kiện trong quá trình vận chuyển.

Điều 20. Thực hiện thủ tục hải quan

Thư, bưu phẩm, bưu kiện gửi từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam phải được làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan. Cơ quan Hải quan có trách nhiệm tổ chức làm thủ tục hải quan nhanh chóng, thuận tiện để bảo đảm chất lượng dịch vụ bưu chính.

Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông năm 2002

  • Số hiệu: 43/2002/PL-UBTVQH10
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 25/05/2002
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: 15/07/2002
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH