Hệ thống pháp luật

Chương 4 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ năm 1996

Chương 4:

KHAI BÁO, CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ, GIẤY PHÉP

Điều 22. Khai báo

1- Tổ chức, cá nhân có cơ sở bức xạ, nguồn bức xạ, chất thải phóng xạ hoặc tiến hành công việc bức xạ phải khai báo với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ.

2- Chính phủ quy định nội dung, thủ tục và hồ sơ khai báo.

Điều 23. Đăng ký

1- Tổ chức, cá nhân có nguồn bức xạ, địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ phải xin giấy đăng ký nguồn bức xạ, giấy đăng ký địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ của mình với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, trừ trường hợp được miễn đăng ký.

2- Thủ tục xin cấp các loại giấy đăng ký nêu tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân muốn xin đăng ký nguồn bức xạ, địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ của mình phải gửi đơn và hồ sơ xin cấp giấy đăng ký đến cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ được Chính phủ phân cấp cấp giấy đăng ký;

b) Trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ ngày nhận được đơn và hồ sơ xin cấp giấy đăng ký, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ có thẩm quyền cấp giấy đăng ký phải tổ chức thẩm định đơn và hồ sơ xin cấp giấy đăng ký;

c) Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày có kết quả thẩm định, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ có thẩm quyền cấp giấy đăng ký phải tiến hành việc cấp hoặc từ chối cấp giấy đăng ký. Trong trường hợp từ chối cấp giấy đăng ký, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ có thẩm quyền cấp giấy đăng ký phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đã gửi đơn và hồ sơ xin cấp giấy đăng ký.

3- Chính phủ quy định mẫu đơn và hồ sơ xin cấp giấy đăng ký, điều kiện và tiêu chuẩn để được cấp hoặc miễn đăng ký, thủ tục tiến hành cấp giấy đăng ký.

Điều 24. Giấy phép

1- Tổ chức, cá nhân có cơ sở bức xạ, tiến hành các công việc bức xạ phải xin giấy phép hoạt động cho cơ sở bức xạ, giấy phép tiến hành công việc bức xạ và giấy phép cho nhân viên làm công việc bức xạ đặc biệt.

2- Thủ tục xin cấp các loại giấy phép nêu tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân muốn xin cấp giấy phép phải gửi đơn và hồ sơ xin cấp giấy phép đến cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ được Chính phủ phân cấp cấp giấy phép;

b) Trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ ngày nhận được đơn và hồ sơ xin cấp giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ có thẩm quyền cấp giấy phép phải tổ chức thẩm định đơn và hồ sơ xin cấp giấy phép;

c) Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày có kết quả thẩm định, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ có thẩm quyền cấp giấy phép phải tiến hành việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ có thẩm quyền cấp giấy phép phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đã gửi đơn và hồ sơ xin cấp giấy phép.

3- Chính phủ quy định mẫu đơn và hồ sơ xin cấp giấy phép, điều kiện và tiêu chuẩn để được cấp hoặc miễn cấp giấy phép, danh mục công việc bức xạ đặc biệt, thủ tục tiến hành cấp giấy phép.

Điều 25. Thời hạn của giấy đăng ký, giấy phép

1- Giấy đăng ký có hiệu lực cho tới khi nguồn bức xạ, địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ được cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ có thẩm quyền cấp giấy đăng ký công nhận là đủ điều kiện và tiêu chuẩn để được miễn đăng ký hoặc nguồn bức xạ, địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp đăng ký.

2- Thời hạn có hiệu lực của giấy phép hoạt động của cơ sở bức xạ, giấy phép tiến hành công việc bức xạ và giấy phép cho nhân viên làm công việc bức xạ đặc biệt được quy định trong nội dung giấy phép.

3- Chính phủ quy định thời hạn cụ thể cho từng loại giấy phép hoạt động của cơ sở bức xạ, giấy phép tiến hành công việc bức xạ và giấy phép cho nhân viên làm công việc bức xạ đặc biệt.

Điều 26. Gia hạn, sửa đổi, thu hồi giấy phép

1- Tổ chức, cá nhân muốn gia hạn giấy phép hoạt động của cơ sở bức xạ, giấy phép tiến hành công việc bức xạ, giấy phép cho nhân viên làm công việc bức xạ đặc biệt phải làm thủ tục gia hạn chậm nhất là sáu mươi ngày trước khi giấy phép hết hạn. Thủ tục gia hạn giấy phép do Chính phủ quy định.

2- Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép muốn nâng cấp hoặc mở rộng cơ sở bức xạ vượt quá phạm vi quy định của giấy phép phải làm thủ tục xin cấp giấy phép nâng cấp hoặc mở rộng cơ sở bức xạ; sau khi hoàn thành việc nâng cấp hoặc mở rộng cơ sở bức xạ phải làm thủ tục xin sửa đổi giấy phép. Thủ tục xin cấp giấy phép nâng cấp, mở rộng cơ sở bức xạ và xin sửa đổi giấy phép do Chính phủ quy định.

3- Giấy phép hoạt động của cơ sở bức xạ, giấy phép tiến hành công việc bức xạ hoặc giấy phép cho nhân viên làm công việc bức xạ đặc biệt bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Tổ chức, cá nhân có cơ sở bức xạ hoặc tiến hành công việc bức xạ vi phạm các quy định trong giấy phép mà không khắc phục trong thời hạn do Chính phủ quy định, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ có thẩm quyền cấp giấy phép đã có văn bản thông báo;

b) Cơ sở bức xạ bị giải thể hoặc phá sản.

Điều 27. Phí, lệ phí

Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy đăng ký, xin cấp, gia hạn hoặc sửa đổi giấy phép phải nộp phí, lệ phí.

Chính phủ quy định cụ thể mức phí, lệ phí đối với việc cấp giấy đăng ký, cấp và gia hạn hoặc sửa đổi giấy phép.

Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ năm 1996

  • Số hiệu: 50-L/CTN
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 25/06/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 31/10/1996
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH