Hệ thống pháp luật

Chương 1 Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ năm 1996

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quản lý, sử dụng bức xạ

Bức xạ được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời có thể gây tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe con người và môi trường, phải được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1- Pháp lệnh này quy định về an toàn và kiểm soát bức xạ đối với các hoạt động liên quan đến bức xạ ion hoá.

2- Pháp lệnh này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành công việc bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Pháp lệnh này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- Bức xạ được hiểu là bức xạ ion hoá, gồm các chùm hạt vi mô và sóng điện từ có khả năng ion hoá khi đi qua vật chất, trừ các sóng điện từ có bước sóng dài hơn 100 nanomet (nm).

Bức xạ chỉ nhận biết và đo được bằng các thiết bị đo lường chuyên dùng;

2- Nguồn bức xạ là chất phóng xạ hoặc thiết bị phát ra bức xạ;

3- Chất phóng xạ là chất ở thể rắn, lỏng hoặc khí có hoạt độ phóng xạ riêng lớn hơn 70 kilo Beccơren trên kilogam (70 kBq/kg);

4- Chất thải phóng xạ là chất thải có hoạt độ phóng xạ riêng như chất phóng xạ;

5- Công việc bức xạ là các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, sản xuất, sử dụng, xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển nhượng, vận chuyển, tàng trữ, hủy bỏ các nguồn bức xạ hoặc những hoạt động khác có liên quan đến bức xạ;

6- Cơ sở bức xạ là nơi tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ cho phép đặt nguồn bức xạ và thường xuyên tiến hành công việc bức xạ;

7- Người quản lý cơ sở bức xạ là người chủ sở hữu hoặc người đại diện của chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp cơ sở bức xạ theo quy định của pháp luật;

8- Nhân viên bức xạ là người trực tiếp làm việc với nguồn bức xạ;

9- Sự cố bức xạ là những tai biến, rủi ro xảy ra trong quá trình tiến hành công việc bức xạ, gây ra hoặc có thể gây ra hậu quả bức xạ nguy hiểm đối với sức khoẻ con người và môi trường;

10- An toàn bức xạ là việc bảo đảm an toàn cho con người và môi trường khỏi những tác hại do bức xạ gây ra bằng việc kiểm soát bức xạ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ cần thiết;

11- Kiểm soát bức xạ là việc thực hiện các biện pháp hành chính và kỹ thuật nhằm quản lý cơ sở bức xạ, nguồn bức xạ, địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ và công việc bức xạ.

Điều 4. Những nguyên tắc cơ bản bảo đảm an toàn bức xạ

Những nguyên tắc cơ bản bảo đảm an toàn bức xạ gồm:

1- Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải có đủ điều kiện để bảo đảm an toàn bức xạ theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ;

2- Người quản lý cơ sở bức xạ phải có kiến thức về an toàn bức xạ, nắm vững các quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ và chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an toàn bức xạ cho cơ sở, nhân viên của mình, dân cư và môi trường xung quanh;

3- Nhân viên bức xạ phải được đào tạo về an toàn bức xạ, nắm vững các quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ, tuân thủ các quy định về an toàn bức xạ của cơ sở.

Nhân viên bức xạ được bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao động, có quyền từ chối làm việc khi điều kiện an toàn bức xạ không được bảo đảm.

Điều 5. Những nguyên tắc cơ bản bảo đảm hoạt động kiểm soát bức xạ

Những nguyên tắc cơ bản bảo đảm hoạt động kiểm soát bức xạ gồm:

1- Xây dựng hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về an toàn bức xạ;

2- Xây dựng hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ;

3- Bảo đảm việc thực hiện khai báo, cấp giấy đăng ký, cấp giấy phép và thanh tra về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Điều 6. Quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ trong phạm vi cả nước.

Chính phủ quy định danh mục các công việc bức xạ do Nhà nước độc quyền tiến hành.

Nhà nước khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động an toàn và kiểm soát bức xạ .

Điều 7. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định về an toàn và kiểm soát bức xạ, giám sát việc thi hành pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Điều 8. Nghiêm cấm vi phạm pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ

Nghiêm cấm sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, tàng trữ, sử dụng các nguồn bức xạ và tiến hành các công việc bức xạ khác khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ năm 1996

  • Số hiệu: 50-L/CTN
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 25/06/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 31/10/1996
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH