QUỐC HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 1990 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NGÀY 21 THÁNG 12 NĂM 1990 VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1991
QUỐC HỘINƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Sau khi nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm 1990 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1991;
Sau khi nghe ý kiến của Uỷ ban kinh tế - kế hoạch và ngân sách, các cơ quan khác của Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ
Quốc hội thông qua báo cáo của Hội đồng bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch năm 1990 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1991, có bổ sung, điều chỉnh một số điểm.
Quốc hội nhấn mạnh những vấn đề quan trọng sau đây:
A. Tình hình kinh tế - xã hội năm 1990 tuy gặp nhiều khó khăn, phức tạp hơn trước, nhưng tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Sản xuất lương thực được giữ vững. Có những cơ sở công nghiệp quốc doanh bước đầu thích ứng với cơ chế mới. Một số sản phẩm công nghiệp trọng yếu tăng. Trong xây dựng cơ bản, đã tập trung vào một số công trình trọng điểm, bảo đảm tiến độ, đưa vào sử dụng. Kim ngạch xuất khẩu tăng khá. Các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Những kết quả trên đây khẳng định phương hướng, bước đi trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn: những cố gắng của nhân dân ta là to lớn.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế nước ta còn mất cân đối nghiêm trọng. Tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân tăng chậm. Nhiều cơ sở kinh tế quốc doanh và tập thể còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản. Ngân sách Nhà nước bội chi lớn. Việc quản lí tiền tệ, tín dụng còn nhiều khuyết điểm. Giá cả thị trường chưa ổn định. Lao động thiếu việc làm tăng thêm. Đời sống cán bộ, công nhân viên, lực lượng vũ trang, người về hưu, các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, nhân dân ở các vùng bị thiên tai, mất mùa và đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số vùng gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội chậm chuyển biến. Trật tự, an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp.
Những yếu kém đó có phần do tác động của tình hình quốc tế và những khó khăn vốn có của nền kinh tế, nhưng trước hết là do chỉ đạo, điều hành chưa theo kịp yêu cầu, chưa dự kiến hết tình hình diễn biến phức tạp; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, các biểu hiện tiêu cực chậm được khắc phục; công tác thanh tra, kiểm tra không chặt chẽ.
B. Nhiệm vụ và mục tiêu năm 1991.
Việc thực hiện kế hoạch năm 1991 diễn ra trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp và trước những yêu cầu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, phải nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để củng cố và phát huy những kết quả đã đạt được trong 2 năm 1989 - 1990, phấn đấu vượt qua những khó khăn thử thách mới về kinh tế - xã hội, giữ vững sự ổn định về chính trị, bảo đảm các nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, tạo thế đi lên cho những năm tiếp theo.
I. NĂM 1991, PHẤN ĐẤU ĐẠT CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU SAU ĐÂY:
- Tổng sản phẩm xã hội tăng 4,3% so với năm 1990;
- Thu nhập quóc dân tăng 4,5% so với năm 1990;
- Sản xuất nông nghiệp tăng 3,1% so với năm 1990,
Sản lượng lương thực đạt 22 triệu tấn (quy thóc);
- Sản xuất công nghiệp tăng 4,7% so với năm1990;
- Kim ngạch xuất khẩu tăng 16% so với năm 1990;
- Động viên 22% thu nhập quốc dân sản xuất vào ngân sách Nhà nước;
- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách Nhà nước 1.450 tỷ đồng;
- Tỷ lệ phát triển dân số giảm 0,6 phần nghìn so với .1990.
Năm 1991, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tốc độ phát triển kinh tế chưa tương ứng với tốc độ phát triển dân số. Do vậy, phải ra sức phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu trên đây.
II. CÁC CHÍNH SÁCH VÀ BIỆN PHÁP CHỦ YẾU:
1. Phát huy mọi khả năng của các thành phần kinh tế, khai thác các tiềm năng sẵn có nhằm phát triển sản xuất.
Tích cực giải quyết khó khăn về vốn và thị trường, đổi mới thiết bị và công nghệ, sắp xếp lại các cơ sở kinh tế quốc doanh. Đối với các cơ sở làm ăn thua lỗ kéo dài, không thể duy trì được, cần chuyển đổi sở hữu hoặc giải thể.
Tiếp tục cải tiến cơ chế quản lý chính sách đối với nông nghiệp; tạo điều kiện cho tiểu thủ công nghiệp giải quyết khó khăn về vốn và thị trường.
Tổ chức thi hành tốt Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật công ty để khuyến khích nhân dân bỏ vốn đầu tư, tận dụng lao động, khả năng kỹ thuật phát triển sản xuất, kinh doanh.
2. Tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu để bảo đảm yêu cầu nhập khẩu các vật tư quan trọng và thiết bị, công nghệ mới cho kế hoạch năm 1991. Chấn chỉnh và cải tiến cơ chế quản lý xuất nhập khẩu và quản lý ngoại tệ, vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của đơn vị sản xuất kinh doanh và người có ngoại tệ, vừa thống nhất quản lý các nguồn ngoại tệ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Cắt bỏ các khâu trung gian không cần thiết trong kinh doanh xuất khẩu và nhập khẩu.
Mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài, thu hút vốn và kỹ thuật để phát triển kinh tế trong nước.
Giải quyết đúng đắn quan hệ giữa xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là lương thực. Mở rộng thị trường trong nước, nhất là thị trường nông thôn. Bảo đảm tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân. Bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng nội.
3. Tiếp tục kiềm chế lạm phát.
Tăng cường công tác quản lý tài chính, tiền tệ. Thu đúng, thu đủ và kịp thời theo chính sách. Quản lý chặt chẽ mọi nguồn thu của ngân sách Nhà nước, chống thất thoát. Bảo đảm những khoản chi cần thiết, hợp lý, đồng thời hết sức tiết kiệm. Chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức.
Tiếp tục đổi mới cơ chế tín dụng, bảo đảm nhu cầu vốn cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, giải quyết đúng đắn vấn đề lãi suất để động viên mọi nguồn tiền nhàn rỗi của nhân dân. Xử lý nhanh vấn đề nợ dây dưa, vỡ nợ tín dụng, chiếm dụng vốn ngân sách và chiếm dụng vốn lẫn nhau trong các đơn vị kinh tế.
Chấn chỉnh công tác lưu thông, quản lý thị trường và giá cả, nhất là lương thực và các mặt hàng thiết yếu trong đời sống nhân dân.
4. Phấn đấu bảo đảm ổn định đời sống nhân dân. Hội đồng bộ truởng nghiên cứu để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 phương án cải cách chế độ tiền lương. Trước mắt, thực hiện ngay các biện pháp giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công nhân viên, lực lượng vũ trang, người hưu trí, các đối tượng thuộc diện chính sáh xã hội và nhân dân ở các vùng bị thiên tai. Trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
5. Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở miền núi và vùng các dân tộc thiểu số. Đầu tư có trọng điểm để phát huy các thế mạnh kinh tế của miền núi, phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phủ xanh đất trồng đồi trọc, bảo vệ rừng, xây dựng một số trạm thuỷ điện, mở thêm đường giao thông. Bảo đảm cung ứng 5 mặt hàng thiết yếu cho nhân dân. Đẩy mạnh việc chống bệnh sốt rét, chống bệnh bưới cổ,v.v... Phấn đấu thu hẹp diện mù chữ, trước hết đối với cán bộ cơ sở, thanh niên, thiếu niên.
6. Sắp xếp lại và cải tiến công tác quản lý đối với hệ thống giáo dục, y tế, văn hoá, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Mở rộng thực hiện các hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" như bảo hiểm y tế, trường dân lập, quỹ chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng,...
7. Chấn chỉnh tổ chức và nâng cao năng lực quản lý của bộ máy Nhà nước.
Kiên quyết tinh giản biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp và các đoàn thể, năm 1991 giảm ít nhất 20%.
Trong năm 1991, Hội đồng bộ trưởng trình ra Quốc hội phương án đổi mới hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước và phân định lại địa giới hành chính một số địa phương.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong mọi lĩnh vực và ở mọi ngành, mọi cấp nhằm làm lành mạnh và nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước.
8. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu.
Xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, buôn lậu, hối lộ đã phát hiện và thanh tra, kiểm tra. Thủ trưởng các ngành, các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu ở ngành, địa phương và đơn vị mình. Kết hợp công tác thanh tra, kiểm tra của Nhà nước với phong trào quần chúng trong cuộc đấu tranh này.
Năm 1991 là năm mở đầu của kế hoạch 5 năm 1991 - 1995 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, đồng thời cũng là năm mà kinh tế - xã hội nước ta đứng trước những khó khăn phức tạp, những thách thức mới. Việc phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1991 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Quốc hội giao Hội đồng Bộ trưởng tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội có nhiệm vụ giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát chặt chẽ các cấp, các ngành nghiêm chỉnh thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch Nhà nước đã được Quốc hội thông qua.
Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải gương mẫu thi hành Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời có nhiệm vụ động viên các cơ quan, các tổ chức kinh tế, các tầng lớp nhân dân làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm đối với đất nước và thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy phát huy truyền thống tự lực, tự cường, tinh thần chủ động, năng lực sáng tạo, khắc phục khó khăn, khai thác tốt mọi tiềm năng và thuận lợi, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, giữ vững ổn định tình hình về mọi mặt và tạo thế phát triển cho những năm sau.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1990.
Lê Quang Đạo (Đã ký) |
Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1991 do Quốc hội ban hành
- Số hiệu: Khôngsố
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 21/12/1990
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Lê Quang Đạo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/01/1991
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định