QUỐC HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1989 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 1989 VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1990
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Sau khi nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1989 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1990;
Sau khi nghe ý kiến của Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách, của các cơ quan khác của Quốc hội và sau khi Quốc hội thảo luận;
QUYẾT NGHỊ
I. Quốc hội tán thành báo cáo của Hội đồng bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1989 và nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 1990.
II. Quốc hội nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
1. Năm 1989, toàn thể nhân dân, các cấp các ngành trong cả nước đã có những cố gắng lớn trong việc thực hiện Nghị quyết các kỳ họp thứ 4 và thứ 5 của Quốc hội khoá VIII, giành được những thắng lợi bước đầu rất quan trọng. Tình hình kinh tế - xã hội năm 1989 có những chuyển biến tích cực, có đà để tiếp tục phấn đấu thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kéo dài từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, những chuyển biến, tiến bộ đó còn chưa đều, chưa vững chắc. Tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều mặt yếu kém và khó khăn, đòi hỏi nhân dân ta, Nhà nước ta phải tiếp tục phấn đấu để năm 1990 tạo được những chuyển biến mới, vững chắc hơn.
2. Nhiệm vụ năm 1990 là:
Động viên toàn dân, toàn quân đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, phát huy các thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh cần kiệm xây dựng đất nước, mở rộng dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, mở rộng hợp tác quốc tế.
Phấn đấu đạt cho được các mục tiêu chủ yếu:
- Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý và chính sách kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện cơ chế 1 giá, hạch toán kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng thu nhập quốc dân, kiểm chế và đẩy lùi lạm phát, ổn định hơn nữa tình hình kinh tế - xã hội.
- Tiếp tục phát triển sản xuất lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu gắn với mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Củng cố vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển đúng hướng, đúng pháp luật.
- Giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là việc làm; chăm lo đời sống của công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, người về hưu, các đối tượng chính sách, nhân dân ở vùng bị thiên tai nặng; giải quyết những vấn đề cấp bách của các ngành giáo dục, y tế, văn hoá, nghệ thuật, thông tin báo chí, thể dục thể thao; giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiếp tục đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
- Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội, công an nhân dân trong sạch và vững mạnh, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Tiếp tục mở rộng dân chủ trên mọi lĩnh vực; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước ở các cấp.
Thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu sau đây:
- Tổng sản phẩm xã hội tăng 6% thu nhập quốc dân sản xuất tăng trên 6% so với năm 1989.
- Sản xuất nông nghiệp tăng 5% sản lượng lương thực 21.5 - 22 triệu tấn (qui thóc); sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng 6-8%, trong đó công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tăng 8-10% so với năm 1989.
- Kim gạch xuất khẩu đạt từ 2.100 triệu - 2.200 triệu rúp/đôla
- Động viên 23 - 25% thu nhập quốc dân trong nước vào ngân sách Nhà nước.
- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách Nhà nước 1.700 tỷ đồng
- Giảm tỷ lệ tăng dân số 0.4 phần nghìn.
Quốc hội giao cho Hội đồng Bộ trưởng xem xét, quyết định các chỉ tiêu khác của kế hoạch.
3. Thực hiện các chính sách và biện pháp nhằm:
- Phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu đi đôi với đẩy mạnh sản xuất, phải bảo đảm tổ chức tốt lưu thông, giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ nông sản hàng hoá, xử lý tốt giá nông sản, giá điện và vật tư nông nghiệp để khuyến khích nông dân phấn khởi đẩy mạnh sản xuất và cải thiện đời sống.
- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý xí nghiệp, tháo gỡ khó khăn, nhất là về vốn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đổi mới công nghệ, tăng mức huy động công suất máy móc thiết bị, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường, kinh doanh có hiệu quả đảm bảo đời sống người lao động.
- Củng cố và phát triển kinh tế hợp tác xã trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ. Ban hành Luật về kinh doanh trong nước để động viên mọi tầng lớp nhân dân yên tâm bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, cá thể, gia đình ở thành thị và nông thôn để giải quyết việc làm và đời sống của nhân dân.
4. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến độ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Tổ chức đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật tham gia xây dựng và thực hiện các quyết định và kế hoạch về kinh tế - xã hội. Chấn chỉnh công tác thống kê. Tăng cường công tác thông tin kinh tế, khoa học - kỹ thuật và công tác tiêu chuẩn, đo lường, thực hiện nghiêm ngặt việc đăng ký và kiểm tra chất lượng sản phẩm, xử lý nghiêm việc sản xuất và buôn bán hàng giả.
5. Hoạt động kinh tế đối ngoại năm 1990 chủ yếu là mở rộng thị trường tăng nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu , thu hút vốn đầu tư bên ngoài, phát triển du lịch.
Hoàn chỉnh cơ chế quản lý xuất nhập khẩu, bảo đảm quản lý và điều hành thống nhất của Nhà nước, và quyền tự chủ của đơn vị sản xuất - kinh doanh xuất nhập khẩu. Chấn chỉnh việc cấp hạn ngạch và giấy phép xuất nhập khẩu, khắc phục tình trạng xuất khẩu phân tán, hạn chế nhập khẩu hàng hoá chưa thật cấp thiết, chống buôn lậu. Xác định tỷ giá hối đoái hợp lý và kịp thời; tiếp tục hoàn chỉnh phương thức thanh toán trong xuất nhập khẩu. Chấn chỉnh bộ máy quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu, củng cố các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu, xoá bỏ các tổ chức trung gian không cần thiết, khuyến khích hơn nữa cơ sở và người làm hàng xuất khẩu, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.
Thực hiện việc Nhà nước thống nhất quản lý ngoại tệ qua ngân hàng:
6. Xây dựng chính sách tài chính quốc gia. Đổi mới cơ chế tài chính, chính sách thuế. Cơ quan Nhà nước các cấp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác quản lý thuế và chấn chỉnh tổ chức ngành thuế. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, chống trốn thuế, lậu thuế, chống tiêu cực trong việc thu nộp, miễn giảm thuế.
Thực hành triệt để tiết kiệm trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản, hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang và trong tiêu dùng. áp dụng các biện pháp kiên quyết chặn đứng và chấm dứt tình trạng lạm dụng công quỹ của Nhà nước và tập thể để tham ô, hối lộ dưới mọi hình thức, tiêu xài lãng phí, xây dựng trụ sở, nhà khách, nhà nghỉ quá mức yêu cầu và khả năng thực tế.
7. Đối với cơ bản tổ chức và hoạt động của ngân hàng. Xác định rõ và thực hiện đúng trách nhiệm quản lý Nhà nước của ngân hàng Nhà nước. Tiếp tục chuyển mạnh ngân hàng sang kinh doanh. Mở rộng tín dụng ngân hàng, đổi mới chính sách tín dụng, đẩy nhanh vòng quay đồng vốn, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Chấn chỉnh các quĩ tín dụng nhân dân. Qui rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực trong ngành ngân hàng.
8. Tập trung sức giải quyết một số yêu cầu cấp bách về xã hội. Tăng kinh phí cho giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật, thông tin, phát thanh, truyền hình thể dục thể thao. Chấn chỉnh việc thu học phí, viện phí, sửa đổi, bổ xung chế độ thu phù hợp với điều kiện và mức sống của nhân dân, khắc phục mọi tuỳ tiện trong việc này. Quốc hội sẽ có nghị quyết về một số vấn đề thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội trong năm 1990.
9. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ tư quốc hội khoá VIII về công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tiến hành liên tục, đồng bộ các biện pháp kết hợp sức mạnh của các cơ quan chức năng và phong trào quần chúng để giáo dục, ngăn ngừa, đấu tranh, trừng trị nghiêm khắc các loại tội phạm, thường xuyên giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
10. Khẩn trương cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế - xã hội ở miền núi. Xây dựng kinh tế miền núi theo hướng tích cực chuyển từng bước sang kinh tế hàng hoá phù hợp với từng vùng. Giải quyết vấn đề lương thực ở miền núi theo quan điểm kinh tế hàng hoá. Thực hiện tốt nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng, tiếp tục giao đất, giao rừng cho nhân dân, gắn với việc định canh, định cư của đồng bào các dân tộc. Mở rộng hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế, với các địa phương trong nước và với nước ngoài để khai thác nhanh thế mạnh của miền núi về rừng, cây công nghiệp, chăn nuôi, khai khoáng... Tổ chức cung ứng kịp thời và bán theo giá bằng miền xuôi những mặt hàng thiết yếu như: muối, vải, giấy viết, dầu hoả, thuốc chữa bệnh.
Tăng vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhằm giải quyết khó khăn về giao thông vận tải, bưu điện, thông tin liên lạc, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, các cơ sở phúc lợi xã hội ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Có kế hoạch và biện pháp tích cực phòng và chữa bệch sốt rét, bệnh bướu cổ.
11. Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy Nhà nước ở các cấp, tinh giản biên chế, chấn chỉnh và đổi mới công tác cán bộ, bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các Nghị quyết của Quốc hội. Đề cao việc chấp hành pháp luật và kỷ luật, bảo đảm sự điều hành thống nhất của Nhà nước từ trung ương đến địa phương, cơ sở và trong toàn xã hội.
Tiếp tục phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan Nhà nước phối hợp chặt chẽ với mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức xã hội, động viên nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, trừng trị nghiêm khắc những hành vi lợi dụng chức quyền trù dập quần chúng, tham ô, hối lộ, lạm dụng dân chủ, lạm dụng đổi mới để làm trái pháp luật, giây tác hại về kinh tế - xã hội.
12. Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan hữu quan khẩn trương soạn thảo các dự án luật theo chương trình xây dựng pháp luật năm 1990; Hội đồng Nhà nước tổ chức tốt việc lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về các dự án luật và hội đồng bộ trưởng kịp thời ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành.
Tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện nay đang có những chuyển biến tích cực và thuận lợi nhất định, nhưng còn nhiều mặt yếu kém và khó khăn lớn. Năm 1990, năm cuối của kế hoạch 5 năm 1986 - 1990 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội rất nặng nề.
Hội đồng Bộ trưởng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết này.
Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực khác của quốc hội có nhiệm vụ giúp quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát chặt chẽ các cấp, các ngành nghiêm chỉnh thực hiện các nghiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch Nhà nước đã được Quốc hội thông qua.
Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có nhiệm vụ động viên các cơ quan, các tổ chức kinh tế, các tầng lớp nhân dân và cùng với nhân dân làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Nhà nước và thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, nhiệt tình và sáng tạo trong lao động sản xuất, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 1990, tạo cơ sở để bước vào kế hoạch 5 năm 1991 - 1995, lập thành tích kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước: 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, 60 năm ngày thành lập Đảng, 45 năm ngày thành lập nước, 15 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 12 năm 1989.
Lê Quang Đạo (Đã ký) |
Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1990 do Quốc hội ban hành
- Số hiệu: Khôngsố
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 28/12/1989
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Lê Quang Đạo
- Ngày công báo: 15/01/1990
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: 12/01/1990
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định