Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

VIÊT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 83-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 5 năm 1975

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 83-C P NGÀY 2 THÁNG 5 NĂM 1975 VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HOA MÀU

Hoa màu (bao gồm ngô, khoai, sắn và các loại cây lương thực ngoài lúa) chiếm một vị trí quan trọng trong lương thực cho ngưòi, thức ăn cho gia súc và tham gia một phần vào mặt hàng xuất khẩu. Chúng ta có khả năng đất đai rộng lớn, có điều kiện thời tiết thuận lợi, có kinh nghiệm gieo trồng nhiều loại hoà màu vào nhiều vụ trong một năm, nhất là các loại hoà màu trồng cạn ở trung du và miền núi. Trong những năm gần đây, mặc dầu Đảng và Chính phủ luôn luôn nhấn mạnh và đề ra kế hoạch phát triển sản xuất hoa màu, nhưng diện tích, năng suất, sản lượng của hoa màu vẫn không ổn định, thường bị giảm sút nghiêm trọng; Nhà nước thu mua hàng năm được rất ít sản phẩm hoa màu lương thực. Có tình hình nói trên là do:

- Nhận thức của cán bộ các ngành, các cấp và quần chúng về sản xuất hoa màu chưa đúng, coi sản xuất hoà màu chỉ là một ngành sản xuất phụ, do đó tổ chức sản xuất rất phân tán theo lối quảng canh, một phần quan trọng còn du canh. Phần lớn các hợp tác xã, nông trường quốc doanh chưa coi trọng việc đẩy mạnh sản xuất và thâm canh hoa màu... nhiều hợp tác xã không quản lý đất trồng hoa màu và việc sản xuất hoa màu.

- Cơ sở đất đai để sản xuất hoa màu không ổn định và không được cải tạo, các cơ sở vật chất và kỹ thuật để thâm canh hoà màu như nước, giống, phân bón, cơ sở và công cụ để chế biến, dự trữ và bảo quản hoa màu v.v.. chưa được quan tâm giải quyết; về nhiều mặt, hầu như là chưa có gì.

- Công tác nghiên cứu kỹ thuật trồng, chế biến, bảo quản hoa mày không được coi trọng; công tác hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo việc trồng hoà màu của ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền rất yếu, kế hoạch và biện pháp không cụ thể.

- Ngành lương thực, thực phẩm và các ngành có liên quan còn có thiếu sót trong việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện các biện pháp thu mùa hoa màu cũng như các chủ trương, chính sách về tiêu thụ hoa màu, chế biến và tiêu thụ không kịp thời, gây ra lãng phí và khó khăn cho cơ sở sản xuất; trái lại, nhiều nơi khác không có hoa màu để tiêu dùng...

Để khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm nói trên, đồng thời phát huy những khả năng về đất đai, thời tiết, khi hậu và những tiến bộ về kỹ thuật nhằm đẩy mạnh sản xuất và chế biến hoa màu, góp phần giải quyết tốt yêu cầu ngày càng lớn về lương thực cho người, thức ăn gia súc, Hội đồng Chính phủ quyết định:

1- Tập trung sức đẩy mạnh sản xuất và chế biến hoa màu (quy ra thóc), phấn đấu đưa tỷ trọng sản lượng hoa màu trong sản xuất lương thực lên khoảng 30% như nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của trung ương Đảng đã đề ra. Trước mắt, phải thực hiện vựơt mức kế hoạch sản xuất hoa màu năm 1975 về cả diện tích, năng suất sản lượng.

Đi đôi với chỉ tiêu sản xuất, phải giao chỉ tiêu tương ứng về thu mua, chế biến hoa màu cho ngành lương thực và cho các địa phương các hợp tác xã, đồng thời phải cân đối các mặt vận chuyển, sản xuất máy móc, dụng cụ chế biến hoa màu.

Uỷ ban Nông nghiệp trung ương và Uỷ ban hành chính các cấp có trách nhiệm làm cho cán bộ và nhân dân nhận thức rõ: sản xuất, chế biến và tiêu thụ hoa màu là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách để góp phần giải quyết một cách vững chắc nhu cầu to lớn về lương thực cho người, thức ăn cho gia súc và dành một phần để xuất khẩu. Tổ chức sản xuất và chế biến hoa màu là một bộ phận không thể tách rời của việc tổ chức lại sản xuất từ cơ sở và trong từng vùng. Uỷ ban nông nghiệp Trung ương phải cùng với Uỷ ban hành chính các Tỉnh, thành phố, hướng dẫn, giúp đỡ các huyện có kế hoạch và biện pháp chỉ đạo xã và các nông trường, trạm, trại tận dụng mọi khả năng về đất đai và thời vụ để trồng màu, không ngừng tăng diện tích, năng suất và sản lượng màu ở địa phương. ở những nơi ruộng đất mới làm một vụ, ít nhất cũng phải làm cho được 2 vụ..., nhất là trên diện tích ruộng đến nay mới làm một vụ lúa mùa. ở những nơi làm hai vụ, phải sắp xếp làm thêm vụ đông. Phải mở thêm diện tích, cải tạo đất và kiến thiết đồng ruộng để thâm canh hoa màu, thay thế cách sản xuất hoa màu theo lối du canh.

Các hợp tác xã phải quản lý đất trồng hoa màu, bố trí lao động để dùng hết đất đai trồng hoa màu, sửa lại các định mức về lao động, vật tư, đưa sản xuất hoa màu vào kế hoạch sản xuất chính thức; chỉ đạo, giúp đỡ các gia đình trồng hoa màu trên đất 5% và trong vườn; hình thành các vùng sản xuất hoa màu tập trung để bảo đảm thâm canh, thuận lợi cho việc thu mua chế biến. Các nông trường quốc doanh phải có kế hoạch sản xuất hoa màu để phát triển chăn nuôi. Các hợp tác xã và nông trường quốc doanh phải thực hiện thâm canh hoa màu một cách toàn diện, áp dụng một cách nghiêm chỉnh các biện pháp kỹ thuất đã được Uỷ ban nông nghiệp Trung ương kết luận.

2- Tích cực xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật để thâm canh hoa màu.

Đi đôi với việc dành diện tích đất đai, tăng vụ để trồng hoa màu, phải ra sức tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật, dành vật tư cần thiết để thâm canh hoa màu, chú trọng những khâu quan trọng như sau:

a) Về giống: Các hợp tác xã nông trường quốc doanh, các địa phương sản xuất hoa màu phải có kế hoạch bảo đảm đủ giống và giống tốt. Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương phải quy định kỹ thuật chọn lọc, bồi dục, nhân và sử dụng các loại giống; phải phân công, phân cấp cho các cơ quan trung ương, địa phương hoặc cơ sở phụ trách từng loại giống, nhất thiết không được để xảy ra tình trạng vì thiếu giống hoặc giống xấu mà ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch diện tích và năng suất hoa màu.

b) Về nước: ở những nơi đã có công trình tưới tiêu nước cho lúa, ngành thuỷ lợi cần có kế hoạch bổ sung để bảo đảm nước trồng hoa màu như: tiêu nhanh nước để làm thêm vụ đông, bảo đảm tưới theo định kỳ cho hoà màu vụ xuân, vụ đông. ở những vùng đồi núi, đất dốc, phải két hợp chặt chẽ việc kiến thiết đồng ruộng, đồi nương và áp dụng các biện pháp canh tác tren đất dốc, bảo đảm giữ độ ẩm và chống xói mòn cho đất để thâm anh lâu dài và ổn định. Tích cực đắp đập, đào giếng, làm hồ chứa nước và trang bị bơm phun mưa v.v....

c) Về trang bị và công cụ sản xuất: ngoài việc tăng cường những công cụ và trang bị thông thường, cần chú ý cung cấp những công cụ và trang bị chuyên dùng cho sản xuất hoa màu, chú trọng những công cụ và trang bị làm đất khô, lên luống, làm rãnh, rút nước và tưới hoa màu, đào dỡ và vận chuyển hoa màu. Việc chế biến hoa màu (dù là sơ chế) thành sản phẩm có thể đưa vào lưu thông và dự trữ được là một việc cấp bách. Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương cần phối hợp với Bộ Cơ khí và luyện kim, Bộ Lương thực và thực phẩm, các địa phương để có kế hoạch sản xuất và cung cấp đủ những trang bị và công cụ chế biến hoa màu cho các hợp tác xã và cơ sở quốc doanh, chú trọng những khâu: thái, nghiền, phơi, sấy, chế biến hoa màu ra bột, ra sợi v.v....

Ngành lương thực và thực phẩm cần có những cơ sở chế biến hoa màu tại những vùng sản xuất hoa màu tập trung.

d) Về cải tạo đất: Các hợp tác xã, các nông trường quốc doanh phải kết hợp chặt chẽ các biện pháp về kiến thiết đồng ruộng, luân canh, che phủ đất, giữ ẩm và bón phâncho đất... để thâm canh hoa màu. Phải dành một phần phân chuồng đồng thời phát triển các cây phân xanh để bón cho hoa màu. Phải bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, xen canh, luân canh (nhất là trồng các cây họ đậu) đẻ không ngừng cải tạo đất và có thêm chất đạm trong cơ caáu thức ăn cho ngưòi và cho gia súc.Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương trung ương và các địa phương phải dành một khối lượng phân hoá học nhất định cho sản xuất hoa màu, nhất là cho những vùng trồng hoa màu tập trung, chuyên canh.

3- Về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất:

Để giúp đỡ và khuyến khích các hợp tác xã và nông trường quốc doanh phát triển trồng hoa màu, cần áp dụng tốt một số chính sách cụ thể như sau:

a) Về đầu tư và cho vay vốn để phát triển hoa màu: Các hợp tác xã, các nông trường quốc doanh và cơ sở sản xuất khác có kế hoạch phát triển hoa màu, phải có kế hoạch cân đối về vốn. Nếu thiếu vốn để phát triển sản xuất thì sẽ được Nhà nước giúp đỡ vốn theo chính sách hiện hành. Đối với những vùng sản xuất tập trung, việc vay vốn dài hạn để khai hoang, mở rộng diện tích, kiến thiết đồng ruộng để phát triển màu, được áp dụng theo như chính sách cho vay vốn để trồng cây lương thực, thực phẩm mà Quyết định số 129/C P ngày 25-5-1974 của Hội đồng Chính phủ đã đề ra.

Để bảo đảm thực hiện kế hoạch chế biến hoa màu, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đầu tư và cho vay vốn về việc trang bị công cụ, máy móc chế biến hoa màu. Bộ Cơ khí và luyện kim có trách nhiệm thực hiện kế hoạch sản xuất các loại công cụ, máy móc chế biến hoa màu, cung cấp cho ngành lương thực và thực phẩm, cho các địa phương.

b) Trong trường hợp phải di chuyển hẳn dân cư và lao động từ nơi xa đến để bổ sung cho các vùng chuyên canh màu, thì những người được di chuyển đến ăn ở lâu dài tại cơ sở mới cũng được Nhà nước giúp đỡ theo như chính sách di chuyển dần đến các vùng kinh tế mới mà Quyết định số 129-CP đã nêu rõ.

c)Việc tiêu thụ và thu mua sản phẩm hoa màu là vấn đề rất lớn, cơ sở sản xuất phải cùng với cơ quan Nhà nước giải quyết. Cơ sơ sản xuất cần tổ chức chế biến, bảo quản hoa màu, góp phần cải tiến bữa ăn cho người hoặc dùng hoa màu để đẩy mạnh chăn nuôi, chuyển hoa màu thành sản phẩm thịt, trứng, sữa...Các cơ sở sản xuất cần bán hoa màu sẽ được Nhà nước thu mua trong nghĩa vụ và ngoài nghĩa vụ theo giá đã ban hành. Các nông trường hoặc hợp tác xã chuyên canh sản xuất hoa màu sẽ được Nhà nước cung cấp thêm một phần gạo.

Để chuyển được sản xuất hoa màu từ một ngành sản xuất phụ thành một ngành sản xuất quan trọng, làm ra một khối lượng lương thực ngày càng lớn, cần gấp rút tăng cường chỉ đạo và quản lý từ trung ương đến cơ sở.

4- Tăng cường chỉ đạo và quản lý sản xuất hoa màu:

a) Phải xây dựng tốt kế hoạch và quản lý chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch trồng hoa màu từ cơ sở. Kế hoạch phát triển hoa màu phải bảo đảm cân đối giữa mở rộng diện tích với yêu cầu thâm canh, giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ...

Kế hoạch sản xuất hoa màu, nhất là kế hoạch sản xuất vụ đông phải được xây dựng và chuẩn bị sớm để tạo điều kiện hoàn thành kế hoạch tránh tình trạng do chậm trễ và thiếu chuẩn bị nên không năm nào hoàn thành được kế hoạch sản xuất vụ đông. Bộ Lương thực và thực phẩm Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương và Uỷ ban hành chính các địa phương chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng và Chính phủ về việc bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về sản xuất và chế biến hoa màu.

b) Phải chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật trồng hoa màu đã được kết luận. Đối với những cây trồng chưa có đủ cơ sở kết luận về kỹ thuật, cần giao trách nhiệm rõ ràng cho một số tổ chức hoặc cá nhân nghiên cứu, thí nghiệm để đi đến kết luận.

c) Phải chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật để phát triển sản xuất chế biến hoa màu, cố gắng tận dụng tốt công suất của những xí nghiệp đã có để chế biến hoa màu.

Để làm được những việc nói trên, cơ quan chỉ đạo và quản lý nông nghiệp các cấp phải có tổ chức và có phân công chuyên trách về hoa màu. Phải căn cứ vào khối lượng công việc cần làm, yêu cầu về quản lý sản xuất và kỹ thuật ở từng nơi và đối với mõi loại cây, mà phân công cụ thể, tạo điều kiện để cho cán bộ nghiên cứu và chỉ đạo chuyên trách đi sâu vào những cây quan trọng và làm việc có tác dụng thiết thực.

5- Các đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lương thực và thực phẩm, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Thủ trưởng các ngành có liên quan ở trung ương và Chủ tịch Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thi hành tốt Nghị quyết này.

 

 

Lê Thanh Nghị

(Đã ký)