Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 129-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1974 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ MỞ RỘNG DIỆN TÍCH PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM NGHIỆP Ở TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 7 năm 1960;
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 10 tháng 4 năm 1974 về việc Nhà nước giúp đỡ các hợp tác xã phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành, kèm theo quyết định này, bản quy định về chính sách đối với các hợp tác xã mở rộng diện tích phát triển nông, lâm ở trung du và miền núi.

Điều 2. – Những quy định đã ban hành trước đây trái với chính sách ban hành kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. – Các ông Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Lao động và Bộ trưởng Bộ Lương thực và thực phẩm ra thông tư liên bộ hướng dẫn chung việc thi hành chính sách này.

Mỗi ông Bộ trưởng phụ trách các ngành có liên quan dưới đây cùng các ông Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp trung ương và Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ra thông tư liên bộ hướng dẫn thi hành theo chính sách này về các mặt giao thông vận tải, thủy lợi, nội thương, giá, y tế, giáo dục, văn hóa.

Điều 4. – Các ông Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ





Phạm Văn Đồng

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ MỞ RỘNG DIỆN TÍCH PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM NGHIỆP Ở TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 129-CP, ngày 25-5-1974 của Hội đồng Chính phủ)

Để thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 và nghị quyết lần thứ 22 của Ban chấp hành trung ương Đảng, việc mở rộng diện tích phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp ở trung du và miền núi được xúc tiến gấp, nhằm:

- Phân bố và sử dụng hợp lý nhất sức lao động chưa được sử dụng tốt hiện nay ở đồng bằng và trung du, miền núi;

- Phát huy ba thế mạnh của kinh tế nông nghiệp miền núi, xây dựng các vùng kinh tế mới, góp phần củng cố quốc phòng; đưa cả miền núi, trung du, đồng bằng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội;

- Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn mạnh của nền kinh tế quốc dân về lương thực và thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp và hàng xuất khẩu.

Được sự giúp đỡ của Nhà nước, các hợp tác xã trong việc mở rộng diện tích phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp ở trung du và miền núi, phải phấn đấu theo những yêu cầu và phương hướng sau đây:

1. Phát huy đến mức cao nhất tinh thần làm chủ tập thể, lao động cần cù và sáng tạo của giai cấp nông dân tập thể, tự cường, tự xây dựng hợp tác xã, không ỷ lại vào Nhà nước, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn thử thách với tinh thần chiến đấu cách mạng cao.

2. Có kế hoạch mở rộng diện tích canh tác, đồng thời đẩy mạnh thâm canh; kết hợp chặt chẽ nông nghiệp với lâm nghiệp, chấp hành nghiêm chỉnh pháp lệnh bảo vệ rừng, khắc phục tệ phá rừng, bảo vệ đất đai chống xói mòn, tạo ra những khu vực trù phú và trên cơ sở đó sinh cơ lập nghiệp lâu dài.

3. Làm đúng quy hoạch, quy trình kỹ thuật, bảo đảm hiệu quả kinh tế, làm cho các hợp tác giàu mạnh, góp phần phát triển nền kinh tế quốc dân và đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà.

4. Thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng, làm cho nhân dân các dân tộc tôn trọng và giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau đây là nội dung chính sách.

I. GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG ĐỂ HỢP TÁC Xà PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ LÂM NGHIỆP

Đất đồi núi và rừng ở miền núi và trung du thuộc quốc gia công thổ không ai được chiếm làm của riêng. Nhưng, để các hợp tác xã có điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, Nhà nước giao cho mỗi hợp tác xã một diện tích đất đai để trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây gây rừng và mội hội xã viên một đất ít để sử dụng cho kinh tế phụ gia đình.

1. Mỗi hợp tác xã được giao diện tích đồi núi hoặc diện tích rừng ở gần hợp tác xã để phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp theo tiêu chuẩn mỗi lao động nông, lâm nghiệp từ 1 đến 4 hécta, tùy theo từng loại cây trồng và sản phẩm làm ra đòi hỏi nhiều hay ít công lao động để sản xuất và chế biến.

2. Mỗi hộ xã viên được giao từ 700 đến 1000m2 đất  làm nhà ở và trồng trọt, chăn nuôi thêm. Trong phạm vi đất đai được Nhà nước giao cho hợp tác xã và các hộ xã viên, hợp tác xã cần quy hoạch khu vực nhà ở cùng với đất dành cho kinh tế gia đình.

(Nếu đất đai mà tư nhân đã trồng cây lâu năm vượt quá nhiều diện tích quy định trên đây, thì người đã đã trồng có trách nhiệm chăm sóc, giữ gìn cây trồng và tiếp tục kinh doanh; hợp tác xã phải kiểm tra để đảm bảo các cây trồng đó được chăm sóc, giữ gìn tốt; vấn đề này sẽ được nghiên cứu giải quyết sau).

3. Sau khi giao đất, giao rừng trong hạn từ 3 đến 7 năm, tùy theo đất và loại cây trồng, các đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp (kể cả quốc doanh và hợp tác xã đã có hoặc mới xây dựng) phải hết đất đai hoặc rừng ấy vào sản xuất theo kế hoạch, phải làm đúng quy hoạch, quy trình kỷ thuật, thường xuyên bảo vệ, bồi bổ đất đai và rừng ấy; không được bỏ hoang, bỏ hóa đất đai hoặc làm thiệt hại đến tài nguyên rừng. Nếu đơn vị hoặc cá nhân được giao đất không làm đúng quy hoạch, quy trình kỹ thuật, hoặc quá thời gian đã quy định mà không dùng hết đất, thì Nhà nước phân phối cho đơn vị khác, người khác làm.

Các ngành có liên quan và Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra các cơ sở được giao đất, giao rừng thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về sử dụng đất, nhất là quy định về quản lý, bảo vệ rừng.

4. Đối với những đất có độ dốc từ 150 trở xuống, các hợp tác xã phải xây dựng thành ruộng hoặc nương bậc thang để sản xuất các cây lương thực, thực phẩm và các cây trồng ngắn ngày khác, phát huy đến mức cao nhất khả năng đảm bảo lương thực, thực phẩm tại chỗ của các cơ sở sản xuất.

II- HỖ TRỢ CHO CÁC HỢP TÁC XÃ CÓ THÊM VỐN ĐỂ KHAI HOANG MỞ RỘNG DIỆN TÍCH SẢN XUẤT

1. Các hợp tác xã được vay của Nhà nước:

a) Được vay dài hạn không phải trả lãi từ 500 đến 1000 đồng mỗi hécta xây dựng thành ruộng, nương bậc thang để trồng trọt cây lương thực, thực phẩm, cây thức ăn cho chăn nuôi và các cây ngắn ngày khác;

b) Được vay dài hạn không phải trả lãi từ 800 đến 1200 đồng mỗi hécta trồng cây công nghiệp như chè, dứa, dâu tằm…;

c) Được vay dài hạn không phải trả lãi từ 200 đến 400 đồng cho mỗi hécta cây trồng ăn quả, cây công nghiệp, cây lấy gỗ…;

d) Được vay dài hạn không phải trả lãi từ 50 đến 60 đồng để chăm sóc, bảo vệ, tu bổ mỗi hécta rừng;

e) Được vay dài hạn không phải trả lãi từ 50 đến 100 đồng để cải tạo mỗi hécta đồng cỏ đối với các hợp tác xã chăn nuôi tập thể đại gia súc và có đồng cỏ cần cải tạo.

2. Theo đề nghị của cơ quan quản lý nông, lâm nghiệp huyện, Phòng tài chính huyện và Chi điểm Ngân hàng Nhà nước ở huyện, Ủy ban hành chính huyện căn cứ vào những định mức kinh tế kỹ thuật đối với từng loại cây và từng loại đất để xác định kế hoạch khai hoang, mở rộng diện tích và trồng mới, làm căn cứ cho việc xác định mức và thời hạn cho vay cụ thể ở địa phương (theo các định mức kinh tế - kỹ thuật do Ủy ban Nông nghiệp trung ương và Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn). Mức và thời hạn cho vay phải được các cơ quan nông nghiệp và lâm nghiệp cấp tỉnh kiểm tra và chuyền qua một Hội đồng tín dụng gồm Ủy ban nông nghiệp tỉnh, Ty lâm nghiệp, Ty tài chính và Chi nhánh này do Phó chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh phụ trách sản xuất nông nghiệp chủ trì, có trách nhiệm giải quyết hoặc yêu cầu cấp trên giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của các hợp tác xã.

3. Các hợp tác xã tích cực mở rộng diện tích sản xuất, làm đúng quy hoạch và quy trình kỹ thuật quy định cho từng loại đất và từng loại cây, và khi đi vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, thì sẽ được Nhà nước xét thưởng:

- Đối với các ruộng, nương bậc thang để sản xuất các loại cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày, sau khi đã xây dựng thàh ruộng đất để sản xuất lâu bền và sản xuất được một phần đáng kể nhu cầu lương thực của mình, thì hợp tác xã được Nhà nước xóa nợ.

- Đối với những cây ngắn ngày và cây có vòng quay nhanh như chè, dứa, dâu tằm, đồng cỏ, v.v… sau khi đã xây dựng đồng ruộng thành ruộng đất để sản xuất lâu bền, trồng đúng kỹ thuật và bắt đầu có thu hoạch, thì Nhà nước căn cứ vào số lượng sản phẩm bán cho Nhà nước từng năm mà xóa nợ dần và cho vay thêm vốn để mở rộng diện tích trồng mới; hợp tác xã còn được vay thêm một số vốn lưu động, tùy theo yêu cầu sản xuất cụ thể và hợp đồng bán nông, lâm cho Nhà nước.

- Đối với những cây dài ngày (cây lấy gỗ, cây công nghiệp lưu niên …) thì sau khi trồng mới hoặc cải tạo tốt (bảo đảm các mặt: tỷ lệ cây sống và xanh tốt, mật độ cay trồng, chế độ bảo vệ đất), Nhà nước xóa nợ một nữa số tiền đã vay, nữa còn lại sẽ tiếp tục xóa dần khi bắt đầu có sản phẩm bán cho Nhà nước theo kế hoạch.

4. Ngoài việc được vay để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp nói ở trên hợp tác xã còn có thể vay thêm vốn để kinh doanh các ngành khác theo chế độ chung. Các hợp tác xã phải dùng vốn được vay vào việc trồng trọt và chăn nuôi theo đúng phương hướng sản xuất mà Nhà nước quy định cho từng vùng và đúng với quy định về sử dụng đất đai và rừng được Nhà nước giao; nếu hợp tác xã không làm đúng như trên, thì chính quyền cấp huyện, cấp xã bắt buộc hợp tác xã phải sửa lại cho đúng, không làm đúng thì phải trả lại số tiền đã vay.

Sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp do các hợp tác xã sản xuất ra theo quy hoạch và kế hoạch Nhà nước, phải bán cho Nhà nước, và được Nhà nước mua theo giá cả hợp lý do Nhà nước quy định và công bố. Những nơi điều kiện sản xuất đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng khoản trợ cấp giá. Nếu thực hiện vượt định mức bán, hợp tác xã sẽ được thưởng đối với phần bán vượt ấy.

5. Những chính sách trên đây (đã nói ở điểm 1, 2, 3 của mục I và các điểm 1, 2, 3, 4 của mục II) áp dụng cho các hợp tác xã hiện có ở trung du và miền núi, cho các hợp tác xã và đồng bào vì định canh định cư mà phải chuyển đến vùng mới, và các hợp tác xã của đồng bào miền xuôi lên kinh doanh nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi.

III. VIỆC TỔ CHỨC DI CHUYỂN TỪ MIỀN XUÔI LÊN KINH DOANH NÔNG, LÂM NGHIỆP Ở TRUNG DU MIỀN NÚI VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DU CANH, DU CƯ.

1. Các hợp tác xã ở đồng bằng có diện tích canh tác bình quân quá thấp (dưới 3 sào Bắc bộ một đầu người) có nghĩa vụ đi xây dựng cơ sở mới ở trung du và miền núi. Những người lao động đi xây dựng cơ sở mới cần được tổ chức thành những đội sản xuất, những hợp tác xã nông – lâm nghiệp với quy mô mỗi hợp tác xã khoảng 200 lao động trở lên:

- Nếu là hợp tác xã quy mô lớn (quy mô xã) có thể tách một phần lao động, tổ chức thành một hợp tác xã mới đi xây dựng cơ sở sản xuất mới ở trung du miền núi.

- Nếu là mô nhỏ (quy mô thôn) thì rút một phần lao động, tổ chức ra các đội đi xây dựng cơ sở mới; cá đội này sẽ do xã hoặc huyện tập hợp lại và tổ chức thành hợp tác xã mới đi xây dựng cơ sở sản xuất mới ở trung du, miền núi (không xáo trộn tổ chức của đội sản xuất).

Ngoài những lao động được tổ chức thành hợp tác xã, thành đội sản xuất như trên, cần chú trọng giúp đỡ hoặc tổ chức cho vợ con của những người đã lên trung du và miền núi làm nông, lâm nghiệp từ những năm trước lên làm ăn và sum họp với nhau.

Trong thời gian đầu, chỉ nên đưa những người lao động chính có tinh thần hăng hái, khỏe mạnh, am hiểu về nông nghiệp đi xây dựng cơ sở mới; còn gia đình, nhất là các trẻ nhỏ và ông già, bà già thì ở lại sinh hoạt với hợp tác xã cũ. Sau khi đã từng bước ổn định sản xuất và đời sống ở cơ sở mới, sẽ đưa dần trẻ nhỏ và người già lên. Hợp tác xã miền xuôi có người đi mở rộng diện tích kinh doanh nông, lâm nghiệp ở trung du, miền núi có trách nhiệm bảo đảm công việc, lương thực, thực phẩm cho những người này đến khi họ đi hẳn lên cơ sở mới.

2. Những người đi xây dựng cơ sở mới trong thời gian đầu tiên phải đem theo lương thực đủ dùng trong vài ba tháng, trong khi chờ cơ quan lương thực bố trí mạng lưới lương thực ở nơi xây dựng mới.

Hợp tác xã phải chuyển phần lương thực của những người đi xây dựng cơ sở mới vào nghĩa vụ bán lương thực cho Nhà nước để Nhà nước phân phối cho những người này ở cơ sở mới.

3. Các hợp tác xã mới phải sử dụng một cách hợp lý khả năng đất đai để sản xuất lương thực, thực phẩm; phát huy mức cao nhất khả năng giả quyết lương thực, thực phẩm cho người và thức ăn gia súc tại chỗ. Sau từng thời gian, Nhà nước sẽ căn cứ vào khả năng thực tế của sản xuất và nhu cầu về lương thực của hợp tác xã mà giải quyết cụ thể vấn đề lương thực đối với hợp tác xã.

4. Khi cơ sở mới đã tương đối ổn định và gia đình của những xã viên đi xây dựng cơ sở mới cùng đi theo, việc xử lý tài sản của họ được quy định như sau:

- Chủ hộ có quyền nhường tài sản của mình cho bà con  hoặc người cùng ở trong hợp tác xã, trong thôn , xã với giá cả do hai bên thỏa thuận.

Hợp tác xã có trách nhiệm đứng ra giúp đỡ thu xếp việc xử lý tài sản này; không được được để xảy ra tranh giành mua bán hoặc bán không có ai mua, hoặc để cho một số người nhân việc mua nhà mà chiếm thêm đất vườn, đất ở, trở ngại đến quy hoạch sản xuất của hợp tác xã.

- Đất vườn thì giao lại cho hợp tác xã dùng vào sản xuất, hợp tác xã phải hoàn bù một cách thỏa đáng các hoa lợi trên đất, vườn ấy, nếu có.

- Ở những nơi mà đại bộ phận nhân dân trong hợp tác xã hoặc trong cùng một xã cùng đi, thì chính quyền cấp xã, cấp huyện phải chỉ đạo cụ thể việc xử lý tài sản theo tinh thần trên đây. Tiền hoàn bù những tài sản chung của hợp tác xã ở quê cũ được chuyển cho hợp tác xã mới để tăng thêm vốn kinh doanh.

5. Để đảm bảo yêu cầu hợp lý về sản xuất và đời sống chung trong những vùng mới, Nhà nước trực tiếp đầu tư vốn xây dựng những cơ sở vật chất và kỹ thuật lớn hoặc tương đối lớn vượt quá khả năng của hợp tác xã như: xây dựng công trình thủy lợi đầu mối đảm bảo nhu cẩu về sản xuất và sinh hoạt chung trong vùng, trục giao thông chính, cửa hàng, cơ sở chữa bệnh, trường học, … Những cơ sở này thuộc ngành nào thì ngành ấy phụ trách và thống nhất trong quy hoạch và kế hoạch được Nhà nước xét duyệt cho từng vùng.

6. Các hợp tác xã và xã viên ở miền xuôi mới lên trung du, miền núi, được Nhà nước giúp thêm một số vốn để xây dựng những cơ sở cần thiết như sau:

- Cho hợp tác xã vay dài hạn không phải trả lãi từ 100 đến 150 đồng (tính trên mỗi hécta ruộng, nương bậc thang và mỗi hécta trồng mới các loại cây dài ngày) để hợp tác xã có thêm vốn xây dựng các cơ sở phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và phúc lợi công cộng, như sân phơi, nhà kho, chuồng trại chăn nuôi tập thể,…

Việc xét thưởng bằng cách xóa khoản vay này sẽ do Ủy ban Nông nghiệp trung ương và Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.

- Trợ cấp (không phải trả lại) cho mỗi cán bộ xã viên trong hợp tác xã từ 100 đến 200 đồng để xã viên có thêm điều kiện xây dựng nhà ở và cơ sở chăn nuôi của gia đình; số tiền trợ cấp này chỉ dùng vào mục đích trên đây, không được lợi dụng vào việc khác.

7. Nhân dân ở miền xuôi lên trung du và miền núi mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp và những đồng bào mới định canh, định cư được hưởng các quyền lợi về chính trị, kinh tế, về phúc lợi cộng đồng (y tế, giáo dục, văn hóa …), và có nghĩa vụ như nhân dân ở đấy; trong ba năm đầu, được cấp thuốc phòng bệnh ở từng vùng (do Bộ Y tế quy định cụ thể), được miễn bệnh viện phí (nếu ốm phải nằm viện), được miễn nghĩa vụ công dân, nếu thuộc diện phải làm nghĩa vụ công dân; con em cùng đi theo đuợc học miễn phí.

Khi đến cơ sở mới. nhân dân miền xuôi lên trung du và miền núi mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp được mua áo rét, chăn, màn mà không phải tính vào tiêu chuẩn được cung cấp vải; được trợ cấp trong việc vận chuyển người, hành lý và đồ dùng gia đình, lương thực và thực phẩm mang theo; được chăm sóc y tế đi đường không phải trả tiền.

Đối với những hợp tác xã có nhiều khó khăn trong việc tổ chức đưa dân đi, Nhà nước giúp đỡ thêm một số phương tiện sinh hoạt. Bộ Tài chính, Ủy ban Nông nghiệp trung ương và Tổng cục Lâm nghiệp sẽ quy định cụ thể.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỈNH ĐỒI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ MỚI

1. Trong việc đưa người lên xây dựng cơ sở mới ở trung du và miền núi, mỗi tỉnh đồng bằng kết hợp vói một hay hai tỉnh trung du hoặc miền núi.

Đối với những tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có trung du, miền núi, thì tổ chức kết nghĩa giữa các huyện đồng bằng và các huyện trung du, miền núi trong tỉnh.

2. Theo đúng kế hoạch mà hai tỉnh đã thỏa thuận và được trung ương duyệt, tỉnh đồng bằng và trung du, miền núi chịu trách nhiệm trước trung ương từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành kế hoạch chuyển dân đi, tổ chức việc tiếp nhận, xây dựng cơ sở mới cho sản xuất và đời sống. Cụ thể là:

a) Các tỉnh đồng bằng có người đi phải cử một số cán bộ, công nhân có kinh nghiệm lên cùng với tỉnh kết nghĩa tiến hành quy hoạch nông, lâm nghiệp ở từng vùng và chuẩn bị các điều kiện để đưa người đến (chỗ ở tạm, công cụ, giống …) Trong khi chuẩn bị thành lập cho hợp tác xã mới mở thêm diện tích kinh doanh mới, các tỉnh đồng bằng phải lấy một số cán bộ trong biên chế của mình và cán bộ có kinh nghiệm của hợp tác xã, thành khung cán bộ quản lý hợp tác xã.

b) Các tỉnh trung du, miền núi căn cứ vào quy hoạch mở rộng diện tích phát triển sản xuất và vốn đầu tư được Chính phủ duyệt, lập kế hoạch cụ thể để thực hiện từng bước; khi giao đãt, giao rừng để hợp tác xã kinh doanh, phải kèm theo các định mức cho vay vốn, định mức sản phẩm trên mỗi hécta hợp tác xã phải bán cho Nhà nước, lấy đó làm mục tiêu thúc đẩy hợp tác xã thực hiện kế hoạch.

3. Tùy theo số dân đưa lên, các tỉnh đồng bằng có dân đi phải tách ra một số cán bộ kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, … đưa lên tăng cường cho tỉnh kết nghĩa.

Nhận được số cán bộ này, các tỉnh trung du, miền núi phải tổ chức và quản lý chặt chẽ việc mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp và tăng cường quản lý hợp tác xã ở cơ sở mới, và phải mở rộng mạng lưới thương nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa,… một cách tương ứng.

Cán bộ trong biên chế Nhà nước trực tiếp công tác ở các hợp tác xã được hưởng nguyên lương và phụ cấp khu vực theo chế độ chung.

Chính phủ sẽ ban hanh chính sách nhằm tạo điều kiện và khuyến khích cán bộ, công nhân lên công tác lâu dài ở trung du và miển núi.