Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 178-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 1972 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC HUY ĐỘNG TIỀN TIẾT KIỆM CỦA NHÂN DÂN

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Từ khi thành lập quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa đến nay, Nhà nước đã huy động được hàng trăm triệu đồng tiền tiết kiệm của nhân dân để đầu tư phát triển sản xuất và giúp các hợp tác xã tín dụng mở rộng việc cho vay ở nông thôn.

Tuy nhiên, việc gửi tiền tiết kiệm chưa thành phong trào quần chúng sâu rộng; những năm gần đây, số dư tiền gửi tăng chậm, thậm chí có nơi giảm sút; tình trạng tham ô lợi dụng đã xẩy ra, ở nơi rất nghiêm trọng.

Sở dĩ có tình hình này là do:

- Tổ chức quỹ tiết kiệm còn quá yếu, cán bộ chuyên trách của Ngân hàng quá ít, chủ yếu phải dựa vào những người làm ủy nhiệm trong khi sự lãnh đạo và quản lý của Ngân hàng Nhà nước còn lỏng lẻo, chế độ quản lý có nhiều sơ hở.

- Thể thức và thủ tục gửi và rút tiền chưa thuận tiện đối với các tầng lớp nhân dân.

- Các cơ quan chính quyền có nơi, có lúc coi nhẹ việc lãnh đạo công tác vận động nhân dân gửi tiền tiết kiệm, nhất là thiếu đôn đốc kiểm tra các quỹ tiết kiệm và hợp tác xã tín dụng.

Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội đang đòi hỏi phải động viên mạnh mẽ mọi nguồn nhân lực, vật lực và tài lực để đẩy mạnh cuộc chiến đấu giành những thắng lợi to lớn hơn nữa. Đi đôi với những cố gắng trong việc chuyển hướng và đẩy mạnh sản xuất, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cần ra sức đẩy mạnh việc huy động tiền tiết kiệm của nhân dân để tăng thêm vốn cho vay phục vụ sản xuất đồng thời góp phần cân đối tiền – hàng, ổn định giá cả và tiền tệ.

Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc huy động tiền tiết kiệm. Hội đồng Chính phủ quyết định:

1. Xây dựng hệ thống quỹ tiết kiệm thành một tổ chức hạch toán kinh tế có biên chế và quỹ lương riêng để chuyên trách công tác huy động tiền tiết kiệm. Hệ thống quỹ tiết kiệm có thể kiêm nhiệm một số nghiệp vụ thu, trả tiền đối với tư nhân do các tổ chức kinh tế và cơ quan Nhà nước ủy nhiệm, và cho vay sinh hoạt đối với công nhân, viên chức Nhà nước.

Về tổ chức hệ thống quỹ tiết kiệm, sẽ có quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để khuyến khích thích đáng những người có tiền gửi tiết kiệm (Hội đồng Chính phủ sẽ có quyết định riêng).

3. Cho phép Ngân hàng Nhà nước ban hành thể lệ cho vay sinh hoạt đối với công nhân, viên chức Nhà nước để góp phần giải quyết khó khăn về đời sống đồng thời động viên công nhân, viên chức tham gia gửi tiền tiết kiệm.

4. Ngân hàng Nhà nước phải cải tiến thể thức và thủ tục gửi tiền tiết kiệm cho đơn giản, thuận tiện, có thể gửi ở một nơi lấy được ở nhiều nơi và bảo đảm bí mật cho người gửi tiền; cải tiến việc quản lý quỹ tiết kiệm, định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ, nhân viên trong từng khâu công tác và thi hành đầy đủ chế độ trách nhiệm vật chất mỗi khi xẩy ra tham ô, lợi dụng.

5. Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm tăng cường lãnh đạo công tác huy động tiền tiết kiệm, củng cố tổ chức quỹ tiết kiệm tại địa phương, chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể nhân dân tuyên truyền và động viên quần chúng gửi tiền tiết kiệm, làm cho việc tiết kiệm chi tiêu và gửi tiền tiết kiệm trở thành hành động tự giác và nếp sống bình thường của mọi tầng lớp nhân dân.

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 178-CP về việc đẩy mạnh công tác huy động tiền tiết kiệm của nhân dân do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 178-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 18/09/1972
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 01/10/1972
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 03/10/1972
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản