THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 313-TTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 1959 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG GỬI TIỀN VÀO QUỸ TIẾT KIỆM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.
Mấy năm qua, để thực hiện khẩu hiệu “cần kiệm xây dựng đất nước”, Đảng và Chính phủ chủ trương khuyến khích, vận động nhân dân lao động thực hành tiết kiệm và gửi tiền tạm thời nằm rỗi vào Ngân hàng để dùng vào việc phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa. Đến nay, công tác vận động tiết kiệm ngày một tiến bộ và kết quả đạt được mỗi năm một nhiều hơn: đến cuối tháng 6-1959, trong tổng số vốn mà Ngân hàng quản lý và huy động được, riêng số tiền tiết kiệm ở thành thị đã chiếm 3,1% so với cuối năm 1958 thì tăng 48%. Trong điều kiện sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên, bộ đội hiện nay mà đạt được kết quả trên đây là một biểu hiện cụ thể và nhiệt tình cách mạng của nhân dân lao động, về ý thức chung muốn góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu về vấn đề phát triển kinh tế, và so với khả năng thực tế của nhân dân, thì số tiền đã huy động được còn ít. Nguyên nhân là vì: Các cấp lãnh đạo ở địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này, chưa lãnh đạo chặt và giúp đỡ ngành chuyên môn làm tròn nhiệm vụ, việc tuyên truyền giải thích về mục đích ý nghĩa và nội dung khuyến khích tiết kiệm trong quần chúng làm kém, việc vận động tiết kiệm mới được chú trọng ở bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, và chừng nào ở thành thị nói chung, chưa chú trọng làm ở nông thôn, màng lưới tiết kiệm còn hẹp, thể lệ gửi tiền tiết kiệm của Ngân hàng còn có chỗ chưa thích hợp với điều kiện sinh hoạt thực tế của nhân dân.
Công tác thu hút tiền tiết kiệm trên thực tế đã tiến hành mấy năm nay và do Ngân hàng quốc gia phụ trách. Qua thực tế đã rút được một số kinh nghiệm giúp chúng ta đặt một quỹ tiết kiệm tương đối toàn diện hơn gọi là “quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa, nhằm mục đích thu hút những món tiền tiết kiệm hoặc tạm thời chưa dùng tới của nhân dân lao động thành thị và nông thôn để sử dụng hợp lý vào việc phát triển kinh tế. Hiện nay, để đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch ba năm cải tạo và phát triển kinh tế, tạo cơ sở tốt cho việc bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm, một điều kiện quan trọng là phải giải quyết tốt yêu cầu về vốn. Muốn thế phải củng cố và tăng cường toàn bộ hệ thống tài chính quốc gia bao gồm cả thu chi của ngân sách quốc gia; tài vụ của các xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã, và tín dụng Ngân hàng. Trong các bộ phận tài chính trên đây, ngân sách quốc gia có tính chất quan trọng bậc nhất. Song, chúng ta cũng rất coi trọng tín dụng Ngân hàng, vì dưới chế độ xã hội chủ nghĩa chính thông qua đó, mà Nhà nước có thể huy động và sử dụng một cách có kế hoạch những số tiền tạm thời để rỗi của ngân sách Nhà nước, của các xí nghiệp, các tổ chức quần chúng và của nhân dân với điều kiện phải hoàn lại, để thỏa mãn những nhu cầu của nền kinh tế quốc dân. Trong các nguồn vốn tín dụng, số tiền tiết kiệm của nhân dân lao động hiện nay còn chiếm một phần nhỏ, song nhìn về tương lai, thấy rõ triển vọng sẽ ngày một nhiều hơn và dần dần sẽ chiếm một tỷ lệ khá lớn. Tỉ lệ đó sẽ tăng lên đồng thời với việc phát triển của ngành sản xuất xã hội, với việc tăng mức thu nhập của nhân dân lao động, với việc nâng cao không ngừng trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa của mọi người. Vấn đề đặt ra trước mắt là các Ủy ban hành chính địa phương, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan xí nghiệp, bộ đội, cần nhận thức cho đúng mục đích ý nghĩa của việc vận động gửi tiền “tiết kiệm xã hội chủ nghĩa”, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, gây thành một phong trào gửi tiền tiết kiệm rộng rãi và mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân lao động ở thành thị và nông thôn.
Dưới đây, Thủ tướng Chính phủ đề mấy điểm cần chú ý trong khi tiến hành công tác đó:
1. Công tác này thực chất là một công tác vận động quần chúng, chỉ đạt được kết quả trên cơ sở nâng cao được ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa của quần chúng và phát huy được nhiệt tình cách mạng của họ vào việc thực hiện “cần kiệm xây dựng đất nước”. Do đó, công tác tuyên truyền giáo dục có tác dụng quan trọng quyết định. Đây không phải là việc riêng của ngành Ngân hàng, mà chủ yếu là của đoàn thể nhân dân, của các công đoàn, của các tổ chức kinh tế, của nhân dân (hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, hợp tác tiểu thương, vv…), của các cơ quan văn hóa dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng. Do đó các ngành có liên quan cần có kế hoạch thiết thực góp phần làm việc này. Cần làm cho quần chúng thấy rõ việc lập quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa hoàn toàn xuất phát từ lợi ích của quần chúng: Lợi ích lâu dài của nhân dân, lợi ích của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, kết hợp với lợi ích trước mắt, lợi ích riêng của mỗi người. Số vốn nhân dân gửi vào Nhà nước có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, tăng thêm của cải vật chất của xã hội, tăng thêm thu nhập của nhân dân. Mặt khác, nhân dân gửi từng món nhỏ, có thể sau một thời gian lấy ra từng món tiền lớn để chi dùng lợi hơn, tiền gửi vào lại được Nhà nước ưu đãi về lợi suất.
2. Nhân dân lao động nhất là nông dân chưa có tập quán gửi tiền Ngân hàng. Sinh hoạt nói chung chưa cao. Nhiều người ngại phiền phức trong việc gửi vào lấy ra. Do đó, thể thức gửi tiền cần đơn giản, thích hợp với điều kiện sinh hoạt của quần chúng, thuận tiện cho việc gửi vào, rút ra. Mạng lưới tiết kiệm phải mở rộng hơn nữa và đi sâu xuống các cơ sở. Mặt khác, cần biết kết hợp đúng mức việc phát huy nhiệt tình cách mạng của quần chúng với việc dùng lợi ích vật chất kích thích mọi người hăng hái gửi tiền vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa. Muốn thế cần chú ý một phần đến vấn đề lợi suất, và một phần quan trọng đến các chế độ thưởng khác. Đây là trách nhiệm chính của Ngân hàng. Ngoài những hình thức đã áp dụng từ trước đến nay, Ngân hàng cần nghiên cứu những hình thức mới thích hợp hơn, nhằm động viên nhiệt tình cách mạng của nông dân vào sự nghiệp phát triển kinh tế nói chung. Các Ủy ban hành chính địa phương, các đoàn thể và các tổ chức có liên quan khác cần phối hợp tuyên truyền giải thích rộng rãi các hình thức đó và vận động quần chúng tích cực hưởng ứng, đồng thời cần tiếp thu ý kiến của quần chúng, để giúp Ngân hàng chấn chỉnh công tác tiết kiệm ngày một tốt hơn. Riêng các Ủy ban hành chính địa phương, các Thủ trưởng các xí nghiệp các ngành, các cơ quan cần chú ý giúp đỡ Ngân hàng trong việc giải quyết vấn đề cán bộ và tổ chức màng lưới.
3. Về yêu cầu cụ thể và thời gian tiến hành công tác trong năm 1959, các địa phương cần chấn chỉnh việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác vận động tiền tiết kiệm, mở rộng việc thi hành các hình thức tiết kiệm cũ, làm thí điểm các hình thức mới, chuẩn bị điều kiện để sau vụ mùa sắp tới nhất là từ đầu năm 1960 sẽ phát động thành một phong trào vận động tiết kiệm thật sâu rộng trong quần chúng.
Việc vận động gửi tiền vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa là một việc có tác dụng về kinh tế và chính trị quan trọng. Thủ tướng Chính phủ mong các Ủy ban hành chính các cấp, các đoàn thể và các ngành có liên quan nghiên cứu kỹ chỉ thị này và các tài liệu giải thích cụ thể của Ngân hàng để thi hành cho tốt.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Quyết định 115-QĐ năm 1965 về việc ban hành thể lệ gửi tiền tiết kiệm “Gửi gọn lấy gọn, có thời hạn, có lãi” do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Quyết định 542-QĐ năm 1965 ban hành thể lệ gửi tiền tiết kiệm theo phiếu định mức có lãi do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Nghị quyết số 178-CP về việc đẩy mạnh công tác huy động tiền tiết kiệm của nhân dân do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 197-CP năm 1972 về việc thành lập hệ thống tổ chức Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 5Nghị định 312-TTg năm 1959 về việc thành lập quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa do Thủ Tướng ban hành
- 6Nghị định 87-VP/NGĐ năm 1959 ban hành thể lệ gửi tiền vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa do Tổng giám đốc Ngân Hàng Quốc Gia ban hành
- 1Quyết định 115-QĐ năm 1965 về việc ban hành thể lệ gửi tiền tiết kiệm “Gửi gọn lấy gọn, có thời hạn, có lãi” do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Quyết định 542-QĐ năm 1965 ban hành thể lệ gửi tiền tiết kiệm theo phiếu định mức có lãi do Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Nghị quyết số 178-CP về việc đẩy mạnh công tác huy động tiền tiết kiệm của nhân dân do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 197-CP năm 1972 về việc thành lập hệ thống tổ chức Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 5Nghị định 312-TTg năm 1959 về việc thành lập quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa do Thủ Tướng ban hành
- 6Nghị định 87-VP/NGĐ năm 1959 ban hành thể lệ gửi tiền vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa do Tổng giám đốc Ngân Hàng Quốc Gia ban hành
Chỉ thị 313-TTg năm 1959 về việc tăng cường lãnh đạo công tác vận động gửi tiền vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- Số hiệu: 313-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 20/08/1959
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: 02/09/1959
- Số công báo: Số 33
- Ngày hiệu lực: 04/09/1959
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định