Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16-HĐBT | Hà Nội, ngày 08 tháng 2 năm 1982 |
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 16-HĐBT NGÀY 8 THÁNG 2 NĂM 1982VỀ VIỆC TINH GIẢN BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH.
Trong những năm qua các ngành và các địa phương đã tiến hành những biện pháp kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế hành chính, nhưng nhìn chung việc thực hiện nghị quyết của Đảng và Nhà nước còn chậm chạp, kết quả rất hạn chế; biên chế hành chính ở các ngành, các địa phương còn nặng nề; tình trạng trì trệ, bao cấp chưa giải quyết được bao nhiêu.
Nguyên nhân của việc tinh giản biên chế hành chính làm chậm chạp là do các ngành, các cấp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm chỉ đạo công tác này, chưa thấy hết tác hại do bộ máy quản lý hành chính Nhà nước cồng kềnh, nặng nề gây ra nên chưa quyết tâm tổ chức thực hiện. Mặt khác tổ chức bộ máy, lề lối làm việc, chế độ công tác và việc phân công, phân cấp quản lý chậm được cải tiến; chức danh tiêu chuẩn cán bộ và chế độ, chính sách cụ thể phục vụ cho việc tinh giản biên chế nói chung chưa được quy định cụ thể.
Để thúc đẩy việc tinh giản biên chế hành chính làm cho bộ máy quản lý Nhà nước gọn, nhẹ, có hiệu lực, tạo nên bước chuyển biến lớn, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thực hiện chủ trương tinh giản biên chế hành chính Nhà nước ở các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương như sau:
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
- Mục đích của việc tinh giản biên chế hành chính lần này là giảm bớt số người hoạt động có thể giảm được, chủ yếu là trong các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan quản lý hành chính cấp trên của các đơn vị cơ sở (Tổng công ty, liên hiệp các xí nghiệp...) nhằm nâng cao hiệu suất công tác, tiết kiệm lao động, tăng cường từng bước hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước.
- Yêu cầu của việc tinh giản biên chế hành chính là:
1. Sắp xếp, bố trí cán bộ, nhân viên theo đúng khả năng của từng người và yêu cầu nhiệm vụ công tác của từng cơ quan, từng bộ phận công tác nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy gọn, nhẹ, có hiệu lực.
2. Kiên quyết xoá bỏ lối quản lý hành chính bao cấp thể hiện về mặt tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, trước mắt cần chuyển giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động sự nghiệp cho người thủ trưởng các đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc cơ sở sự nghiệp phụ trách để giảm bớt số người làm việc không đúng chức năng và nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước ở các cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị cơ sở.
3. Chuẩn bị điều kiện tiến tới ổn định tổ chức, định mức biên chế hành chính và quản lý biên chế theo quỹ tiền lương sau khi Nhà nước ban hành bảng danh mục và tiêu chuẩn cán bộ, viên chức Nhà nước.
II. NHỮNG BIÊN PHÁP CỤ THỂ
A. VỀ KIỆN TOÀN MỘT BƯỚC TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
1. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bộ, mỗi ngành và địa phương soát lại những công việc của các Vụ, Sở, Ty, các phòng, ban xem có những việc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của các cơ sở sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh (hoặc của cấp dưới) thì chuyển giao nhiệm vụ đồng thời chuyển giao cả số cán bộ, nhân viên đang làm việc đó cho cơ sở (hoặc cấp dưới) đảm nhiêm; các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp phải làm đúng chức năng đã được luật pháp quy định, chủ yếu là thực hiện việc quản lý Nhà nước về các mặt quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chế độ, luật pháp, tổ chức, cán bộ và lao động, hợp tác quốc tế, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra đôn đốc các cơ sở hoặc cấp dưới hoạt động.
2. Trên cơ sở xác định rõ chức năng quản lý hành chính và khối lượng công việc cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước phải soát lại số cán bộ hiện có; đối với những người trình độ, khả năng không đáp ứng kịp yêu cầu công tác thì kiên quyết chuyển sang công tác khác thích hợp hoặc bổ sung cho những ngành thiếu lao động; tuyệt đối không được sử dụng cán bộ theo hướng lấy số lượng bù chất lượng như ở một số nơi hiện nay.
3. Các vụ, cục, ban ở cơ quan Trung ương và các Sở, Ty ở địa phương phải giảm bớt số phòng; ở những bộ máy có điều kiện cán bộ có trình độ thì không cần tổ chức phòng, mà thực hiện chế độ thủ trưởng làm việc trực tiếp với chuyên viên, cán bộ. Những đơn vị nói trên phải giảm bớt cấp phó, không nhất thiết đơn vị nào cũng có cấp phó, tuỳ theo yêu cầu có thể có một hoặc hai phó giúp việc để bớt cách bức và làm cho công việc chạy đều, không bị trì trệ.
Ban tổ chức của Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu trình Hội đồng Bộ Trưởng ban hành quy định về tổ chức các phòng ban ở các Bộ để thi hành thống nhất.
4. Ở các Bộ cần quy định chế độ làm việc, chế độ báo cáo định kỳ, từ cơ sở lên; các cơ quan chuyên môn giúp việc Bộ phải thống nhất sử dụng các báo cáo của cơ sở, tránh đòi hỏi quá nhiều giấy tờ của cơ sở. Khi phân công giải quyết công việc, nhất thiết phải quy định người chịu trách nhiệm chính, chống việc gây lãng phí, phiền hà và ảnh hưởng đến công việc của cơ sở và cấp dưới.
5. Tuỳ từng cơ quan xét điều kiện cho phép mà tách các bộ phận quản lý nhà ở, sửa chữa nhà cửa, nhà khách, đội xe, điện, nước, căng tin ra khỏi biên chế quản lý hành chính và chuyển sang hoạt động theo phương thức hạch toán kinh tế; kết hợp giữa những cơ quan có yêu cầu phục vụ giống nhau để tổ chức các cơ sở chuyên trách phục vụ chung, tránh tổ chức trùng lặp, chồng chéo, hiệu quả thấp, lãng phí lao động.
6. Để các hội quần chúng tự quản lý biên chế, Nhà nước chỉ trợ cấp kinh phí hoạt động cho các hội quần chúng và khuyến khích các hội quần chúng mở rộng hoạt động để gây quỹ của hội và tạo điều kiện hoạt động mạnh hơn.
7. Chuyển các cơ sở sự nghiệp có điều kiện sang hạch toán kinh tế để thúc đẩy hoạt động thiết thực. Những đơn vị nào lúc đầu chưa thu nhập được tốt, Nhà nước bù chi, đồng thời các ngành xúc tiến việc ban hành các định mức biên chế nghiệp vụ để giúp cho việc quản lý biên chế sự nghiệp được hợp lý và chặt chẽ hơn hiện nay.
B. VỀ TINH GIẢN BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH:
1. Trước mắt, để ngăn chặn việc tăng thêm tổ chức quản lý hành chính, các ngành, các cấp không được lập ra thêm bất kỳ tổ chức quản lý nào mới, trừ trường hợp đặc biệt được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định; thủ trưởng các ngành, các cấp phải thực hiện đúng đắn chỉ thị 184-TTg ban hành ngày 6 tháng 6 năm 1980 và Thông tư hướng dẫn 257-TTg ban hành ngày 27 tháng 8 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chặt chẽ biên chế các cơ quan quản lý Nhà nước.
2. Sau khi sắp xếp, số người dôi ra sẽ giải quyết như sau:
a) Đối với những người tuyển dụng từ năm 1976 đến nay, hiện đang làm việc tại các cơ quan quản lý hành chính mà chưa qua đào tạo, không có chuyên môn, nghiệp vụ, không có hiệu suất công tác, không có nhu cầu công tác nào tiếp nhận, nếu điều kiện cho phép thì cử đi đào tạo, nếu không có điều kiện cử đi đào tạo thì cho thôi việc.
b) Những người ốm đau đã qua điều trị, điều dưỡng nhiều lần vẫn không làm được việc thì cho đi điều trị, điều dưỡng một thời gian, nếu không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục công tác thì được nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động hiện hành (thời gian điều trị, điều dưỡng, đương sự được hưởng quỹ bảo hiểm xã hội, không tính vào quỹ lương).
c) Những người do trình độ nghiệp vụ kém thì điều sang công tác khác thích hợp hoặc cho đi học nếu Nhà nước có yêu cầu đào tạo và đương sự có đủ tiêu chuẩn. Việc điều động những người làm việc không có hiệu suất từ cơ quan này sang cơ quan, đơn vị khác phải được nghiên cứu hợp lý để bảo đảm cho công tác đỡ bị xáo trộn và đỡ ảnh hưởng nhiều đến điều kiện sinh hoạt của cán bộ, nhân viên. Việc đưa cán bộ, nhân viên đi đào tạo cũng phải thấy được hướng phát triển của người được đào tạo và bảo đảm sau khi ra trường có thể phục vụ công tác được.
d) Đối với những cán bộ, nhân viên thường biểu hiện xấu về tổ chức và kỷ luật trong cơ quan, những người không chấp hành lệnh điều động công tác mà không có lý do chính đáng thì thủ trưởng cơ quan chủ quản liên hệ với các cơ quan có trách nhiệm quản lý cán bộ để giải quyết thích đáng theo tinh thần vừa đảm bảo kỷ luật của Nhà nước, vừa giúp cho đương sự có điều kiện công tác hợp lý hơn.
a) Nếu về nông thôn sản xuất nông nghiệp:
- Căn cứ vào thời gian đã công tác ở cơ quan, xí nghiệp, cứ mỗi năm làm việc được hưởng một khoản tiền trợ cấp bằng một tháng lương và các phụ cấp theo lương (kể cả trợ cấp đông con, nếu có)
b) Nếu về sản xuất ở các hợp tác xã thủ công nghiệp, dịch vụ ở các thành phố, thị xã, thị trấn:
- Căn cứ vào thời gian đã công tác ở cơ quan, xí nghiệp, cứ mỗi năm được hưởng một khoản trợ cấp bằng một tháng lương và các phụ cấp theo lương ( kể cả trợ cấp đông con, nếu có).
- Được tiếp tục hưởng chế độ cung cấp lương thực và thực phẩm theo tiêu chuẩn được hưởng như khi làm việc trong một thời gian do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định. Nếu thu nhập về sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thấp hơn lương và phụ cấp theo lương (kể cả trợ cấp đông con, nếu có) thì được trợ cấp chênh lệch cho bằng thu nhập cũ, thời gian hưởng trợ cấp chênh lệnh không quá một năm.
Khi đến cơ quan mới được giữ nguyên lương cũ và phụ cấp theo lương cũ, nếu lương mới và phụ cấp theo lương mới thấp hơn lương cũ và phụ cấp.
Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ban hành Nghị quyết này, các Bộ Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Lương thực và các cơ quan có liên quan tuỳ theo chức năng của mình ra thông tư hướng dẫn thể thức cụ thể thi hành các chế độ, chính sách nói trên.
Việc tinh giản biên chế hành chính là một công tác khó khăn, phức tạp. Thủ trưởng các ngành, các cấp phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa và yêu cầu của công tác quan trọng này để có quyết tâm và có biện pháp thiết thực, cụ thể, kiên trì từng bước thì mới làm có kết quả. Phải coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức nêu cao tinh thần cách mạng, có thái độ tự giác và ý thức kỷ luật cao để bất kỳ ở cương vị công tác nào, dù làm việc ở cơ quan, xuống cơ sở sản xuất hay nghỉ việc theo chế độ bảo hiểm xã hội, cũng sẵn sàng đem hết sức mình cống hiến nhiều nhất cho xã hội.
Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo vấn đề này và giao trách nhiệm cho các ngành như sau:
1. Thủ trưởng các ngành ở Trung ương và chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc tinh giản biên chế hành chính ở ngành và địa phương mình. Trong quá trình tiến hành, nếu gặp khó khăn hoặc mắc míu gì thì báo cáo kịp thời lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét và quyết định.
2. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động nghiên cứu xây dựng chính sách tiết kiệm biên chế, khoán quỹ lương có thưởng cho các ngành, các cấp trình Hội đồng Bộ trưởng xem xét trong quý I năm 1982.
3. Tiểu ban nghiên cứu xây dựng danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước nghiên cứu, xây dựng danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức Nhà nước trình Hội đồng Bộ Trưởng ban hành trong quý I năm 1982.
4. Ban tổ chức của Chính phủ cùng với các Bộ và các địa phương nghiên cứu xây dựng mức biên chế tạm thời cho các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trình Hội đồng Bộ Trưởng ban hành trong quý I năm 1982.
5. Bộ ngoại giao nghiên cứu lại tổ chức ở các Đại sứ quán để trình Hội đồng Bộ Trưởng thông qua mô hình tổ chức thống nhất, tinh giản biên chế đồng thời bảo đảm quản lý mọi hoạt động của các ngành ở ngoài nước được tập trung và kịp thời khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong quá trình mở rộng quan hệ với các nước ngoài. (xong quý I năm 1982)
6. Các Bộ, Tổng cục có trách nhiệm chủ động quan hệ với các cơ quan liên quan có phương án giải quyết kịp thời ngay từ quý I năm 1982 những việc ghi trong nghị quyết này để công tác tinh giản biên chế hành chính ở Bộ, Tổng cục mình tiến hành được thuận lợi trong năm 1982.
7. Đồng thời với công tác tình giản biên chế hành chính ở cơ quan, các Bộ, Tổng cục bàn thống nhất với các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương sắp xếp lại hệ thống tổ chức quản lý tinh giản biên chế hành chính ngành từ Trung ương đến huyện (xong quý II năm 1982)
8. Việc tinh giản biên chế hành chính của các cơ quan Đảng và đoàn thể quần chúng sẽ do Ban tổ chức Trung ương trình Ban bí thư duyệt.
9. Để giúp Hội đồng Bộ trưởng theo dõi và đôn đốc việc tinh giản biên chế hành chính và thực hiện kế hoạch biên chế hành chính năm 1982 (do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước sau khi làm việc với Ban tổ chức của Chính phủ trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành) ở các ngành, các cấp, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng phân công đồng chí Đặng Thí, Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng phụ trách giải quyết công việc hàng ngày, có đồng chí Trịnh Nguyên, phó Ban tổ chức của Chính phủ giúp việc và sử dụng bộ phận chuyên trách của Ban làm thường trực.
Trong quá trình thực hiện công tác nói trên, cần kết hợp với Ban tổ chức Trung ương Đảng và Tổng công đoàn để cùng tiến hành việc tinh giản biên chế hành chính làm cho bộ máy quản lý Nhà nước có hiệu lực và phục vụ cho Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết 32 (ngày 20 tháng 11 năm 1981) của Bộ Chính trị về công tác tổ chức nhằm tăng cường lãnh đạo và quản lý, nhất là về kinh tế ở các ngành Trung ương và các địa phương.
| Tố Hữu (Đã ký) |
- 1Chỉ thị 311-CT năm 1991 đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 109-HĐBT về sắp xếp biên chế hành chính - sự nghiệp do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành
- 2Thông tư 01-LĐ/TT-1982 hướng dẫn Nghị quyết 16-HĐBT về việc tinh giảm biên chế hành chính do Bộ Lao động ban hành
- 3Thông tư 20-TC/VX-1982 hướng dẫn thủ tục cấp phát kinh phí và thanh toán trợ cấp đối với cán bộ, viên chức ra ngoài biên chế Nhà nước theo Nghị quyết 16-HĐBT-1982 do Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư 02-TBXH-1982 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 16-HĐBT 1982 về việc tinh giản biên chế hành chính do Bộ Thương binh và Xã hội ban hành
- 5Thông tư 196-TBXH-1982 bổ sung Thông tư 2-TBXH-1982 về việc tinh giản biên chế hành chính do Bộ Thương binh và Xã hội ban hành
- 6Thông tư 40-BT-1982 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 16-HĐBT-1982 về việc tinh giảm biên chế hành chính do Bộ trưởng Tổng thư ký ban hành
- 7Chỉ thị 184-TTg năm 1980 về quản lý chặt chẽ biên chế của các cơ quan Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Thông tư 257-TTg-1980 hướng dẫn Chỉ thị 184-TTg về quản lý biên chế các cơ quan Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Nghị quyết số 16-HĐBT về việc tinh giảm biên chế hành chính do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 16-HĐBT
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 08/02/1982
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 3
- Ngày hiệu lực: 23/02/1982
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra