Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 184-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 1980

 

CHỈ THỊ

VỀ QUẢN LÝ CHẶT CHẼ BIÊN CHẾ CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Từ năm 1977 đến nay, Ban bí thư Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về chấn chỉnh tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc giảm biên chế hành chính, nhưng tình hình tổ chức và biên chế hàng năm vẫn tăng lên. Hiện nay, biên chế Nhà nước vẫn còn quá cồng kềnh, nhiều cơ quan, đơn vị, chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng, làm việc trùng lặp, chế độ trách nhiệm của từng người không cụ thể; tiêu chuẩn cán bộ và nhân viên Nhà nước chưa được xây dựng, vì vậy chưa có cơ sở chính xác để định mức biên chế cần thiết cho từng cơ quan, đơn vị. Trong khi số người ốm yếu, lớn tuổi, năng lực công tác hạn chế dồn lại từ nhiều năm và ngày càng tăng lên, chưa giải quyết được thì số học sinh tốt nghiệp hàng năm ra trường khoảng 20 vạn được đưa thêm vào biên chế Nhà nước; số người nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động... ra khỏi biên chế Nhà nước mỗi năm chỉ bằng một phần năm (1/5) số người được bổ sung vào biên chế, do vậy biên chế trong các cơ quan Nhà nước ngày càng tăng nhưng khối lượng công việc không tăng hoặc có khi còn giảm bớt. Trước tình hình như vậy một số Bộ và địa phương vẫn yêu cầu bổ sung biên chế Nhà nước, nhất là tăng thêm số người vào biên chế hành chính.

Để chuẩn bị cải tiến quản lý biên chế cán bộ, nhân viên Nhà nước trong những năm tới, đồng thời khắc phục tình trạng tăng biên chế hành chính làm cho bộ máy các cơ quan Nhà nước thêm nặng nề, quan liêu, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Tạm hoãn việc tuyển dụng người mới vào cơ quan hành chính (kể cả cơ quan hành chính trong các đơn vị sản xuất) và sự nghiệp. Giữ nguyên số người có mặt đến 31 tháng 12 năm 1979 cho đến khi có định mức biên chế của các Bộ, Tổng cục và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt; trong thời gian này vẫn phải tiếp tục giải quyết cho cán bộ, nhân viên đến tuổi nghỉ hưu trí, nghỉ việc vì mất sức lao động và chỉ cho điều chỉnh cán bộ nhân viên trong biên chế từ nơi thừa đến nơi thiếu, tăng cường cho cấp huyện và cơ sở. Những nơi thiếu người không được lấy người mới ngoài biên chế vào thay thế mà chỉ điều chỉnh, sắp xếp hợp lý trong số cán bộ, nhân viên đã có. Đối với những Bộ, Tổng cục, địa phương mà tổng số người trong các cơ quan hành chính có mặt đến 31 tháng 12 năm 1979 cao hơn chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao thì phải có biện pháp giải quyết trong nội bộ ngành, địa phương theo các chế độ, chính sách đã có. Nếu vì yêu cầu công tác đặc biệt mà các Bộ, Tổng cục và các tỉnh, thành phố phải tăng biên chế hành chính sự nghiệp hoặc phải tuyển người ngoài biên chế vào bộ máy Nhà nước thì phải xin Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mới được thi hành.

Bộ Lao động và Ban tổ chức của Chính phủ phải cùng với các cơ quan hữu quan soát lại các chính sách, chế độ hiện hành để đề nghị Hội đồng Chính phủ bổ sung một số điểm cần thiết nhằm thúc đẩy việc điều chỉnh, sắp xếp hợp lý biên chế hành chính trong cả nước.

Riêng về biên chế sự nghiệp của các ngành giáo dục phổ thông và y tế, Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban tổ chức của Chính phủ cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước làm việc với các Bộ Giáo dục, Y tế đề xuất chủ trương cụ thể trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định; trước mắt tạm hoãn việc tuyển dụng số giáo viên vỡ lòng, mẫu giáo đang hưởng 85% lương và do hợp tác xã nông nghiệp điều hoà lương thực vào biên chế Nhà nước theo Chỉ thị số 152 - TTg ngày 8 tháng 4 năm 1976 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhân dân địa phương nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn và định mức biên chế trong các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trình Hội đồng Chính phủ ban hành theo Chỉ thị số 57 - TTg ngày 2 tháng 2 năm 1977 của Thủ tướng Chính phủ. Ban tổ chức của Chính phủ hướng dẫn và theo dõi việc làm trên để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Để giải quyết biên chế cho các tổ chức mới được Chính phủ cho phép thành lập, các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhân dân địa phương phải tự điều chỉnh trong tổng số biên chế và quỹ tiền lương đã được Hội đồng Chính phủ giao theo chỉ tiêu ghi trong kế hoạch năm 1980, không vì có tổ chức mới mà tăng thêm biên chế và quỹ tiền lương.

4. Về phân phối học sinh tốt nghiệp ra trường, trước hết các ngành, các địa phương phải căn cứ vào yêu cầu của sản xuất và công tác trong cả nước để bố trí, sử dụng đúng ngành nghề đào tạo. Từ nay tất cả số học sinh tốt nghiệp các trường đại học và trung cấp đều phải phân phối về các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước, các cơ sở sự nghiệp và các hợp tác xã nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp để có điều kiện kết hợp lý thuyết với thực hành trong công tác, không được phân phối ngay về cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp ở Trung ương, hoặc ở tỉnh, thành phố. Những cán bộ điều về các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước ở Trung ương và tỉnh, thành phố phải là những người ít nhất đã làm việc ở đơn vị cơ sở được 5 năm trở lên. Trường hợp đặc biệt phải bố trí người mới tốt nghiệp vào các cơ quan nói trên do yêu cầu của công tác chuyên môn thì phải báo cáo để cơ quan quản lý tổ chức và biên chế cấp trên xem xét và chấp thuận.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Lao động, Ban tổ chức của Chính phủ và Tổng cục dạy nghề xem xét yêu cầu cụ thể của các Bộ, Tổng cục và địa phương để có kế hoạch phân phối và sử dụng hợp lý số học sinh tốt nghiệp các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường dạy nghề; Trong trường hợp các Bộ, Tổng cục và địa phương nào vì tạm thời còn khó khăn trong sản xuất xây dựng nên chưa có yêu cầu sử dụng hết số học sinh tốt nghiệp ra trường trong năm 1980 thì tạm thời cho các em về hợp tác xã hoặc về gia đình tham gia sản xuất hoặc giao cho nhà trường tổ chức thành lực lượng tạm thời đi sản xuất ở cơ sở, sau này, khi có điều kiện sẽ lần lượt được điều động trở lại làm việc theo đúng ngành nghề đào tạo.

Đối với những học sinh tốt nghiệp được điều đi sản xuất, nếu được phân công làm việc gì thì trả lương theo việc ấy và hưởng các chế độ khác theo quy định chung của Nhà nước.

5. Trong việc đưa những người đi lao động nâng cao tay nghề ở các nước xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới, cần chọn trong số công nhân, nhân viên đã có trong biên chế Nhà nước có đủ tiêu chuẩn để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng thành những công nhân kỹ thuật lành nghề. Các Bộ, Tổng cục và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố hàng năm cần có kế hoạch cụ thể chọn những công nhân, nhân viên trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp có đủ tiêu chuẩn để đưa vào các trường đào tạo, bồi dưỡng thành những cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân lành nghề để phục vụ trực tiếp cho kinh doanh, sản xuất của ngành và địa phương.

Căn cứ Chỉ thị này, các đồng chí Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xem xét lại biên chế của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và có kế hoạch cụ thể để thực hiện, nhất là phải tập trung sức chỉ đạo công tác tiêu chuẩn hoá cán bộ, nhân viên Nhà nước và xây dựng định mức biên chế của ngành và địa phương để xây dựng đề án trình Hội đồng Chính phủ xem xét ban hành.

Ban tổ chức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị này, thương xuyên báo cáo tình hình thực hiện và các vấn đề cần giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 184-TTg năm 1980 về quản lý chặt chẽ biên chế của các cơ quan Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 184-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/06/1980
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 21/06/1980
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản