Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 1976 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT, TĂNG CƯỜNG VÀ CẢI TIẾN MỘT BƯỚC QUẢN LÝ, PHÁT HUY HƠN NỮA TÁC DỤNG CỦA TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP NHẰM PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN

I. NHIỆM VỤ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI – YÊU CẦU VÀ NỘI DUNG TỔ CHỨC SẢN XUẤT, TĂNG CƯỜNG VÀ CẢI TIẾN MỘT BƯỚC QUẢN LÝ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP.

1. Sau khi đã hợp tác hóa, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp miền Bắc tiếp tục phát triển. Từ năm 1973 đến nay, theo phương hướng mà nghị quyết 22 của  Ban Chấp hành trung ương Đảng đã đề ra, sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp  đang có bước phát triển mới, giá trị sản lương toàn bộ đến năm 1975 đạt gần 1,2 tỷ đồng, lực lượng lao động gồm 80 vạn người. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong khu vực tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp tiếp tục được cung cố. Trong hơn 4.000 đơn vị sản xuất tập thể, có một số hợp tác xã đã được cơ giới hóa khoảng 50% trở lên và có nhiều tiến bộ về mặt quản lý.

Thông qua con đường hợp tác hóa, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp đã tạo việc làm và nguồn sống cho mấy chục vạn người và gia đình họ, tổ chức và giáo dục họ tiến lên chủ nghĩa xã hội, phát huy tác dụng đối với sản xuất, đời sống và xuất khẩu.

Song tốc độ phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp còn chậm, năng lực sản xuất chưa được tận dụng, hợp tác hóa từ lâu mà đến nay năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mặt hàng kém phong phú.

Tình hình đó một phần do hoàn cảnh chiến tranh và những khó khăn chung của nến kinh tế, nhưng một phần quan trọng do khuyết điểm về chỉ đạo và quản lý, nhận thức và quan điểm của một số cán bộ các cấp, các ngành đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp còn có những lệch lạc, không nghiêm chỉnh chấp hành một số chính sách, chế độ của Đảng và Chính phủ đã ban hành. Bản thân hợp tác xã và thợ thủ công còn chịu ảnh hưởng tư tửơng và cách làm ăn của người sản xuất nhỏ. Những hiện tượng tiêu cực như làm xấu, làm ẩu, móc ngoặc, tham ô tài sản của Nhà nước và tập tể, vi phạm chế độ, chính sách của Nhà nước, có lúc, có nơi còn xảy ra nghiêm trọng.

2. Cách mạng nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới, với nhiệm vụ chiến lược mới là “hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội .

Trong những năm tới, hương phấn đấu chính về khôi phục và phát triển kinh tế ra sức phát triển nông nghiệp, phát triển nghề rừng, nghề cá, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời xây dựng một số cơ sở  công nghiệp nặng then chốt; ra sức đẩy mạnh xuất khẩu; tiến hành một bước việc phân bố lại lao động giữa các ngành và giữa các vùng trong cả nước.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, phải khai thác mọi tài nguyên của đất nước, sử dụng tốt nguồn lao động dồi dào của nhân dân ta, động viên mọi nhân tố tích cực từ trung ương đến địa phương; dựa vào lực lượng của Nhà nước và lực lượng của nhân dân; sử dụng dụng cả quốc doanh, hợp tác xã, người sản xuất cá thể và lao động gia đình; cả xí nghiệp quy mô lớn, kỹ thuật hiện đại và xí nghiệp quy mô nhỏ, sản xuất thủ công.

Trong điều kiện đó, càng thấy rõ tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp có vị trí quan trọng và lâu dài đối với công cuộc phát triển kinh tế, phục vụ đời sống nhân dân trong cả quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Chính sách của Đảng và Nhà nước là mạnh dạn tạo điều kiện và khuyến khích tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển, đồng thời tăng cường và cải tiến quản lý đối với khu vực kinh tế này, vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa rất coi trọng tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, phát huy tác dụng tích cực, hạn chế và ngăn chặn những việc làm tiêu cực. Trên cơ sở đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thợ thủ công.

3. Để thực hiện những yêu cầu trên, cần giải quyết một số vấn đề sau đây.

Đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, cần xúc tiến việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, tận dụng năng lực hiện có và phát huy mọi khả năng tiền tàng, trên cơ sở tăng cường trang bị kỹ thuật và cải tiến quản lý hợp tác xã và mở rộng sản xuất.

Nhà nước cần phải cải tiến kế hoạch hóa, cải tiến gia công đặt hàng, thực hiện nghiêm chỉnh những chính sách, chế độ đã ban hành, giúp đỡ và quản lý tốt hơn tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp về nguyên liệu, thiết bị, tiêu thụ.

Về tổ chức quản lý, cần xác định nội dung quản lý và tăng cường quản lý của Nhà nước, đồng thời phát huy đúng đắn tác dụng của Liên hiệp hợp tác xã trong việc quản lý kinh tế tập thể tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

II. QUY HOẠCH, TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT THEO HƯỚNG SẢN XUẤT LỚN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, TIẾP TỤC HOÀN THIỆN QUAN HỆ SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.

1. Tiến hành quy hoạch và xác định phương hướng phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

Phải đặt tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân mà tiến hành quy hoạch, xây dựng mỗi quan hệ và tác động qua lại với các ngành kinh tế khác, nhất là với công nghiệp quốc doanh (trung ương và địa phương), với nông nghiệp, với giao thông vận tải, với xây dựng cơ bản, với hoạt động thương nghiệp, trên cơ sở đó xác định phương hương phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu các mặt về đời sống, phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Phải xem xét năng lực sản xuất hiện có và khả năng phát triển của các ngành kinh tế quốc doanh, và của tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp dựa vào lực lượng của trung ương, đồng thời động viên đến mức cao nhất lực lượng của địa phương, phát huy mọi nhân tố tích cực và khả năng tiềm tàng trong nhân dân. Phải tính toán hiệu quả kinh tế về các mặt sản xuất, đầu tư vốn, khả năng thu hút lao động, quản lý … xem trong từng trường hợp, nên để quốc doanh làm hay là nên để tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp lànm thỉ có lợi hơn.

Mối quan hệ giữa tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp với các ngành kinh tế quốc doanh thể hiện trên hai mặt: một mặt, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp  đóng vai trò vệ tinh phụ trợ và bổ sung cho quốc doanh, về sản xuất toàn bộ sản phẩm, về sản xuất chi tiết sản phẩm, về sản xuất phụ tùng , về sửa chữa, về bao bì đóng gói, về sơ chế nguyện liệu, về tận dụng phế liệu, phế phẩm… Mặt khác, quốc doanh giúp đỡ, hiệp tác sản xuất để làm cho tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp từng bộ phận sản phẩm mà hợp tác xã không đủ sức làm, giúp đỡ về trang bị kỹ thuật, cung ứng vật tư chuyên dùng, về thiết kế và về đào tạo…

Các hình thức tổ chức mối quan hệ giữa tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp với các ngành công nghiệp quốc doanh rất phopng phú, đa dạng, cần nghiên cứu cụ thể cho từng trường hợp, không thể rập khuôn gò bó, từ quan hệ giữa từng xí nghiệp quốc doanh với một số hợp tác xã, đến nhóm sản phẩm theo ngành. Điều cần thiết là tiến đến xây dựng mối quan hệ ổn định và lâu dài giữa các xí nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã.

Cần xác định đúng mức mối qian hệ giữa tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, với sản xuất nông nghiệp, chủ yếu nhằm, tận dụng các loại nguyên liệu nông sản, tận dụng lao động trong nông thôn, tận dụng thì giờ nhàn rỗi ngoài nông vụ, phát triển các hợp tác xã thủ công chuyên nghiệp và phát triển ngành, qua đó tăng nhanh khối lượng hàng hoá và làm cho hàng tiêu dùng thêm phong phú.

Trên cơ sở quy hoạch, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp sẽ phát triển theo phương hướng sau đây:

a) Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu vế ăn, mặc, ở, chữa bệnh, đi lại, học tập, sinh hoạt văn hóa  thể dục, thể thao…

Tận dụng cac cơ sở sản xuất sẵn có, những nghề truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển ngành, nghề mới, xây dựng cơ sở mới, thu hút thêm lao động để phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, đáp ứng nhu cầu về những mặt hàng hàng loạt nhỏ và theo đơn đặt hàng trực tiếp của người tiêu dùng, những mặt hàng nhiều kiểu cách, phải thay đổi luôn theo thời trang, theo thị hiếu, những mặt hàng thông dụng sản xuất thủ công.

Đặc biệt tận dụng mọi khả năng của tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp để khôi phục và phát triển các mặt hàng mỹ nghệ dân tộc, đặc sản địa phương, tận dụng lao động và càc nguồn nguyên liệu trong nước, đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu.

b) Sản xuất một phần tư liệu sản xuất, lại thông dụng và cải tiến cho các ngành nông nghiệp, xây dựng, vận tải, nghề rừng, nghề cá và cho bản thân tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp như nông cụ thông dụng và cải tiến công cụ và dụng cụ cầm tay, phương tiên vận chuyển thô sơ và cải tiến, thuyền, lưới đánh cá, các loại công cụ cải tiến và một số máy không phức tạp…, sản xuất một phần những vật liệu xây dựng có thể sản xuất và khai thác bằng thủ công, như: vôi, gạch, đá, cát, sỏi và vật liệu khác.

c) Tổ chức và phát triển các lực lượng xây dựng để phục vụ nhu cầu xây dựng của nhân dân, và tùy theo khả năng, có thể hỗ trợ một phần các công ty xây dựng quốc doanh.

d) Tổ chức và phát triển các lực lượng vận tải để hỗ trợ ngành vận tải quốc doanh, bao gồm những khối lượng vận chuyển nhỏ, đường ngắn, sử dụng chủ yếu là phương tiện thô sơ.

e) Phát triển rộng rãi mạng lưới cung ứng các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cung cấp của nhân dân về vật chất, văn hóa và y tế.

Theo phương hướng đó, cần sắp xếp cho từng ngành, nghề, quyết định các hình thức tổ chức đối với mỗi ngành, nghề (hợp tác xã, tổ sản xuất, người làm cá thể và lao động thủ công gia đình), xác định loại ngành, nghề nào sẽ tiến lên cơ giới hóa và dần dần trở thành công nghiệp, loại ngành, nghề nào tồn tại lâu dài là thủ công nghiệp.

Trong khi quy hoạch và định hướng phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, phải nhằm trước hết và chủ yếu vào những ngành, nghề có sẵn nguyên liệu trong nước, tận dụng mọi phế liệu, phế phẩm với tinh thần tự lực cánh sinh và tinh thần tiết kiệm nghiêm ngặt. Đối với những ngành, nghề dùng nguyên liệu nhập khẩu, cơ quan quản lý cần tính toán kỹ, có khả năng lâu dài và có lợi mới phát triển.

Dựa theo sự phân bố hợp lý tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trên lãnh thổ, nhằm tận dụng tài nguyên và truyền thống của mỗi vùng, từng bước xây dựng các vùng sản xuất tập trung, các cơ sở sản xuất có truyền thống sản xuất các mặt hàng được ưa chuộng.

Cần tiến hành quy hoạch một bước, rồi điều chỉnh, bổ sung dần, chứ không cầu toàn. Trong quá trình đó, phải ra sức đẩy mạnh sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp ngay, không chờ đến khi có quy hoạch đầy đủ mới làm. Trong năm nay và năm 1977, có thể hoàn thành quy hoạch đối với một số ngành, nghề như: dệt, may mặc sẵn, sành sứ thủy tinh, nông cụ và công cụ cầm tay, xe cải tiến, xe đạp và phụ tùng xe đạp, chiếu cói, mây tre,…

Các Bộ quản lý ngành theo quyền hạn và trách nhiệm của mình, tiến hành quy hoạch đối với toàn ngành, cả quốc doanh và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, trong cà nước. Ủy ban Nhà nước các tỉnh, thành phố theo quyền hạn và trách nhiệm của mình, tiến hành quy hoạch, xác định phương hướng phát triển công nghiệp quốc doanh và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trên lãnh thổ từng tỉnh và thành phố.

2. Tổ chức sản xuất và đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật.

Trên cơ sở quy hoạch và xác định phương hướng phát triển mà sắp xếp tổ chức lại sản xuất từ đơn vị cơ sở, trong từng ngành, nghề, từng vùng, tạo điều kiện để đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật và từng bước trang bị hóa cơ giới.

Cần xác định phương hướng, nhiệm vụ sản xuất cho từng đơn vị cơ sở, kết hợp chuyên môn hóa với phát triển tổng hợp nhiều mặt hàng, trong đó ổn định nhiệm vụ sản xuất chính để có hướng đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thêm máy móc, thiết bị và đào tạo thợ. Khi sắp xếp tổ chức sản xuất và tổ chức lao động, hợp tác xã phải bảo đảm cân đối giữa các bộ phận, các khâu của quy trình sản xuất, bảo đảm các điều kiện tổ chức – kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng khối lượng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Về quy mô của hợp tác xã, cần căn cứ vào yêu cầu mở rộng sản xuất tùy theo công nghệ và đặc điểm kỹ thuật từng ngành, nghề, tuy theo năng lực quản lý, để xây dựng quy mô thích hợp, không quy định đồng loạt một cách máy móc.

Trong từng ngành, nghề, cùng với việc tổ chức mối quan hệ với xí nghiệp quốc doanh, phải phân công hợp lý giữa hợp tác xã, tổ sản xuất, người làm cá thể và lao động gia đình, kết hợp các lực lượng, các hình thức tổ chức, cân đối giữa sản xuất với nhu cầu và khả năng cung ứng nguyên luệu. Có hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp chuyên nghiệp; có các hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, vận tải, xây dựng, sản xuất… kiêm sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Tùy theo khối lượng và yêu cầu kỹ thuật đối với từng mặt hàng mà tổ chức đội sản xuất chuyên nghiệp hoặc xưởng sản xuất tập trung, kết hợp với việc tận dụng lao động nhàn rỗi, người già, trẻ em sản xuất tại gia đình.

Có thể liện hiệp các hợp tác xã lại thành những liên hiệp hợp tác xã theo ngành (đối với các hợp tác xã cùng ngành) hoặc hợp tác xã liên hiệp (đối với các hợp tác xã cùng tham gia sản xuất một sản phẩm). Tổ chức liên hiệp trước nhất trong những ngành, nghề có yêu cầu sản xuất lớn, dựa vào năng  lực chung của nhiều hợp tác xã để giải quyết tốt hơn việc cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, tổ chức vận chuyển, nghiên cứu cải tiến mặt hàng, đầu tư trang bị một số khâu kỹ thuật và sử dụng hợp lý một số loại lạ thiết bị… liên hiệp hợp tác xã ngành và hợp tác xã liên hợp là tổ chức kinh tế, liên hiệp kinh doanh, theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ, chứ không phải là một cấp quản lý trung gian.

Cần đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, từng bước trang bị cơ giới hoá, nhất là đối với  nhưng ngành, nghề sẽ phát triển lên thành công nghiệp. Việc này có tác dụng tích cực thúc đẩy mở rộng tổ chức sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới trong tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Hợp tác xã cần tăng vốn tích luỹ để mua sắm máy móc, thiết bị mới, đẩy mạnh phong trào tự trang tự chế, cơ giới hoá trứơc những khâu lao động nặng nhọc, những khâu quyết định nhiều đến tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhà nước bán cho các hợp tác xã máy móc, thiết bị theo giá như đối với xí nghiệp quốc doanh, có chính sách tín dụng để khuyến khích mua sắm thiết bị mới. Các xí nghiệp quốc doanh, các viện nghiên cứu  và trường đào tạo công nhân kỹ thuật của các Bộ, các ngành có trách nhiệm giúp đỡ các hợp tác xã cùng ngành, nghề trong việc cải tiến kỹ thuật, đào tạo thợ…

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cân đối nhu cầu và đưa vào kế hoạch sản xuất, kế hoạch nhập khẩu, phân phối cho tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp những thiết bị, máy móc và phụ tùng thay thế, đồng thời có kế hoạch phân phối cán bộ (trung cấp và đại học) về làm tại các hợp tác xã.

Liên hiệp hợp tác xã chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiền kỹ thuật, cải tiến quản lý hợp tác xã đang tiến hành trong tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, đi sâu vào từng ngành, nghề đến tận đơn vị cơ sở, giải quyết đích đáng những vấn đề cụ thể để sau vài ba năm tạo ra một bước phát triển mới về lực lượng sản xuất cũng như về quan hệ sản xuất trong tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

3. Tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Coi trọng tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa là cốt để phát triển sản xuất, phát huy mặt tích cực, ngăn chặn và xoá bỏ những việc làm tiêu cực, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, lợi ích chính đáng của hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và lợi ích chính đáng của người lao động. Yêu cầu này phải được thể hiện hàng ngày trong công tác quản lý của Nhà nước đối với hợp tác xã và trong công tác quản lý của bản thân hợp tác xã.

Đối với hợp tác xã:

Hợp tác xã phải hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất, kế hoạch sản phẩm bán cho Nhà nước, nộp thuế và thực hiện hạch toán kinh doanh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và văn hoá cho xã viên. Phải chấp hành nghiêm túc các chính sách, chế độ của Nhà nước, thực hiện đúng đắn các định mức, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật. Chống các hành động móc ngoặc, tham ô, xâm phạm tài sản của Nhà nước và của hợp tác xã.

Hợp tác xã cần tăng quỹ tích luỹ để mua sắm thêm máy móc, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, mở rộng sản xuất. Để nâng dần trình độ quản lý, hợp tác xã cần bồi dưỡng và đào tạo cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ và cán bộ kỹ thuật; tổ chức tốt việc quản lý sản xuất, quản lý vật tư – kỹ thuật, tài vụ - kế toán, thực hiện chế độ kế toán trưởng của hợp tác xã cải tiến công tác định mức kinh tế - kỹ thuật, nâng cao chất lượng hạch toán kinh tế.

Trong công tác quản lý, hợp tác xã phải thực hiện nguyên tắc dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ tập thể của xã viên, chống các hành động độc đoán quan liêu, gia trưởng.

Thông qua hoạt động sản xuất và quản lý để tến hành hoạt động chính trị và tư tưởng cho xã viện, đề cao ý thức làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, kỷ luật lao động, tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng và quản lý hợp tác xã, tôn trọng và bảo vệ lợi ích và tài sản của Nhà nước, từng bước xây dựng những người lao động mới xã hội chủ nghĩa.

Đối với tổ sản xuất và thợ thủ công cá thể:

Liên hiệp hợp tác xã cần có kế hoạch tiếp tục củng cố các tổ sản xuất, chuyển một số tổ sản xuất thành hợp tác xã hoặc sát nhập vào các hợp tác xã cùng ngành, nghề. Tổ sản xuất tồn tại trong những ngành, nghề hiệp tác sản xuất đơn giản, không cần  phân công lại lao động.

Đối với thợ thủ công cá thể, ngoài viêc tăng cường quản lý của Nhà nước, cần phát huy tác dụng của liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp quản lý thợ thủ công cá thể bằng cách thu hút họ tham gia các hoạt động nghiên cứu sản xuất sinh hoạt chính trị, phúc lợi tập thể và bảo hiểm xã hội, văn hóa quần chúng.

Phải đặc biệt coi trọng giáo dục và kiểm tra các tổ sản xuất và những người thợ thủ công cá thể. Đòi hỏi họ sản xuất và kinh doanh nghiêm chỉnh, tuân theo các luật lệ của Nhà nước, chống lối làm dối, làm ẩu, chống việc bớt xén nguyên liệu và mọi việc làm phi pháp.

III. TĂNG CƯỜNG VÀ CẢI TIẾN MỘT BƯỚC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP.

1. Cải tiến kế hoạch hóa.

a) Mở rộng và cải tiến kế hoạch hóa tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp bao gồm từ kế hoạch hóa của đơn vị cơ sở, của huyện, tỉnh, của các Bộ quản lý ngành công nghiệp, đến kế hoạch hóa của Nhà nước, trong đó khâu quan trọng là kế hoạch hóa tại địa phương (tỉnh, huyện) từ kế hoạch hóa sản xuất, đến kế hoạch hóa cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm.

Mở rộng và cải tiến kế hoạch hóa nhằm mục đích tạo thêm điều kiện thuận lợi choi tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển, đồng thời nhằm quản lý đúng mức, chứ không đi đến cách quản lý tập trung quan liêu, đưa vào kế hoạch trên giấy tờ, nhưng trong thực tế không có hiệu lực, sinh ra gò bó vá bị động.

b) Cải tiến kế hoạch hóa tiểu công nghiệp bao gồm việc giao nhiệm vụ kế hoạch thẳng hợp tác xã thông quan cơ quan quản lý công nghiệp, lấy hợp tác xã  tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp chuyên nghiệp làm đơn vị cơ sở để từ đó cân đối kế hoạch.

Đồng thời với việc giao nhiệm vụ sản xuất, Nhà nước cân đối một phần vật tư  có chi tiêu bán sản phẩm cho Nhà nước. Việc cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế do đơn vị cơ sở trực tiếp ký với cơ quan cung ứng và cơ quan tiêu thụ.

Đi đôi với kế hoạch hóa, phải coi trọng vận dụng các chính sách khuyến khích về vật tư, tiêu thụ giá cả, tạo điều kiện cho hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất bổ sung để đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống.

Kế hoạch hóa ở cấp trung ương tập trung vào những sản phẩm thiết yếu, đưa vào cân đối chung của cả nước; kế hoạch hóa ở địa phương qua từng cấp tỉnh, huyện mà bổ sung và mở rộng dần các chỉ tiêu chi phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và khả năng của địa phương.

Trong các chỉ tiêu, vừa có chỉ tiêu pháp lệnh như sản phẩm chủ yếu, sản phẩm bán cho Nhà nước …, vừa có chỉ tiêu hướng dẫn, như giá trị sản lượng, lao động… Nhà nước giao chỉ tiêu sản xuất, còn Liên hiệp hợp tác xã hướng dẫn các hợp tác xã về chỉ tiêu tài chính, đầu tư…

Kế hoạch của hợp tác xã là kết quả tổng hợp của việc huy động đến mức cao  nhất năng lực của hợp tác xã, kết hợp với sự giúp đỡ của Nhà nước.

c) Nhà nước cân đối và đưa vào kế hoạch cung ứng phần vật tư thuộc loại Nhà nước thống nhất quản lý, trước hết là để bảo đảm nhiệm vụ Nhà nước giao kể cả nguyên liệu chính và phụ, thiết bị máy móc và vật tư cho xây dựng cơ bản. Đối với phần ngoài kế hoạch Nhà nước, hợp tác xã tự cân đối lấy, dựa vào các nguồn sau đây:

- Vật tư Nhà nước cung ứng thêm theo dự trù của hợp tác xã đã được xét duyệt;

- Vật tư phân phối qua thương nghiệp bán lẻ;

- Vật tư do khách hàng gia công mang đến.

Đối với những nguyên liệu nông sản, lâm sản, thổ sản không thuộc diện Nhà nước quản lý và không có ngành nào chịu trách nhiệm cung ứng, thì Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã đi mua hoặc khai thác. Liên hiệp hợp tác xã phải hướng dẫn và giúp đỡ các hợp tác xã trong việc này.

Đối với phế liệu, hiện nay còn vướng mắc tổ chức, quản lý và giá cả, bị ứ đọng và lãng phí lớn, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Vật tư, Bộ Nội thương, các Bộ quản lý ngành và Liên hiệp hợp tác xã trung ương bàn biện pháp  giải quyết cụ thể đối với từng loại và ra thông tư liên bộ để thực hiện.

d) Nhà nước giao trách nhiệm cho ngành vật tải, chủ yếu là công ty vận tải địa phương, ký hợp đồng vận chuyển trực tiếp với cơ quan sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Nhà nước, tùy theo khả năng cung ứng, cho hợp tác xã mua một số phương tiện vận tải chuyên dùng.

e) Sản phẩm của hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp được tiêu thụ qua thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán. Hợp tác xã tự tiêu thu tại cửa hàng của hợp tác xã những sản phẩm mà các tổ chức trên không mua hoặc mua không hết.

Giá bán theo giá Nhà nước đối với phần sản phẩm sản xuất bằng vật tư do Nhà nước cung ứng và đối với loại sản phẩm do Nhà nước quản lý giá; theo giá hướng dẫn đối với phần sản phẩm sản xuất bằng vật tư do hợp tác xã tự mua hoặc đi khai thác và đối với loại sản phẩm không thuộc Nhà nước định giá. Hàng tốt là được tính giá cao hơn, hàng kém chất lượng hơn phải tính giá rẻ hơn.

g) Việc cải tiến kế hoạch hóa cần tiến hành từng bước, trước hết đối với những ngành, nghề có phương hướng sản xuất tưong đối ổn định và nguồn nguyên liệu tương đối vững vàng.

Để làm tốt việc này, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ quản lý, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Liên hiệp hợp tác xã trung ương và các ngành có liên quan cần hướng dẫn và giúp đỡ các hợp tác xã về công tác kế hoạch, về xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, về tổ chức cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm, về ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế, vế chính sách giá cả, chính sách đầu tư , chính sách thuế, v.v…

Khi xây dựng kế hoạch năm 1977, Bộ Công nghiệp nhẹ chủ trì cùng với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Liên hiệp hợp tác xã và các ngành có liên quan làm thử cải tiến kế hoạch hóa cho một số ngành thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ quản lý, kết hợp kế hoạch hóa theo ngành với kế hoạch theo lãnh thổ. Năm 1977, các Bộ quản lý ngành và các địa phương khác tiến hành đảm bảo các cơ sở thuộc ngành và địa phương mình.

2. Cải tiến gia công, đặt hàng.

a) Thực hiện gia công, đặt hàng theo kế hoạch: kế hoạch gia công, đặt hàng cần cụ thể hóa nhiệm vụ sản xuất bằng danh mục mặt hàng, cân đối vật tư, cả nguyên liệu chính và phụ.

Căn cứ vào kế hoạch gia công, đặt hàng lập xong từ năm trước, các công ty kinh doanh ký hợp đồng sớm vào cuối năm trước và cố gắng ký hợp đồng cả năm.

Nhà nước khuyến khích việc ký hợp đồng dài hạn (3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn nữa) giữa những đơn vị sản xuất và khách hàng. Hai bên dựa vào hợp đồng dài hạn để ký hợp đồng cụ thể theo kế hoạch hàng năm.

Cơ quan gia công, đặt hàng phải theo sự phân bổ nhiệm vụ sản xuất của cơ quan chủ quản để ký hợp đồng với đơn vị cơ sở.

b) Bên cạnh những mặt hàng do cơ quan gia công quyết định quy cách, xây dựng định mức vật tư và giá cả như vẫn làm từ trước, cần khuyến khích cơ sở sản xuất cải tiến mặt hàng và làm thêm nhiều mặt hàng mới. Nguyên liệu để chế biến thử và làm bằng hàng mẫu do cơ quan gia công cho đơn vị sản xuất.

Cơ quan gia công, đặt hàng chọn mẫu hàng do cơ sở sản xuất chế thử để mua. Tùy theo tình hình cụ thể từng mặt hành, có loại vẫn gia công, có loại chuyển sang chế độ bán nguyên liệu mua sản phẩm, mua toàn bộ hoặc chọn mua.

Ngoài những mặt hàng làm cho cơ quan gia công, đặt hàng, cơ sở sản xuất và nguồn phế liệu làm thêm mặt hàng phục vụ nhân dân.

c) Cải tiến công tác của các trạm gia công, đặt hàng, đơn giản bớt các thủ tục ký kết hợp đồng, giao nhận và thanh tóan, chống tệ móc ngoặc, cửa quyyền, gây phiền hà trong các việc giao dịch. Thực hiện cấp phát vật tư nhanh gọn, nâng cao chất lượng kiểm tra kỹ thuật và thu nhận hàng hóa.

Bộ Nội vụ phân hợp với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Liên hiệp hợp tác xã trung ương và các Bộ có liên quan, chỉ đạo thí điểm việc cải tiến gia công, đặt hàng trong 6 tháng cuối năm 1976, xem xét cụ thể từng loại hàng, từng hợp tác xã, vận dụng các phương thức gia công đặt hàng thích hợp với từng đối tượng, từng trường hợp, đem lại kết quả tốt.

d) Các cơ sở sản xuất phải thực hiện nghiêm chỉnh các hợp đồng  ký với các cơ quan gia công, đặt hàng, giao nộp sản phẩm đúng số lượng và thời hạn quy định. Bảo đảm chất lượng sản phẩm theo yêu cầu kỹ thuật, chống bớt xén nguyên liệu, làm dối, làm ẩu.

Nếu sản xuất mặt hàng quen thuộc thì hàng năm phải phấn đấu giảm giá thành. Nếu sản xuất mặt hàng mới thì tranh thủ rút ngắn thời gian sản xuất thử và nhanh chóng đạt định mức chung.

3. Cải tiến một số chính sách và thực hiện nghiêm chỉnh chính sách đã ban hành

a) Về đầu tư: Trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn vốn tự có, nếu còn thiếu, cơ sở sản xuất được vay vốn cố định để mua sắm thiết bị, xây dựng nhà xưởng, kho tàng…, lãi suất bằng lãi suất đối với xí nghiệp quốc doanh, trong một số trường hợp có thể thấp hơn. Thời hạn vay ít nhất là 3 năm, ngân hàng xét từng trường hợp cụ thể để quy định. Khi đưa tài sản mới vào sử dụng theo kế hoạch mới thì bắt đầu thu hồi nợ.

Ngân hàng cho hợp tác xã vay vốn lưu động tăng thêm do chuyển từ gia công sang bán nguyên liệu, mua thành phẩm, hoặc do hợp tác xã phải tổ chức khai thác vật tư, tận dụng phế liệu. Ngân hàng có chế độ cho vay để khuyến khích sản xuất và kinh doanh mặt hàng tự sản, tự tiêu.

Cần đơn giản thủ tục cho vay để tránh phiền phức cho cơ sở sản xuất.

Nhà nước tùy khả năng giúp đỡ tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp bằng cách đầu tư trực tiếp (không hoàn lại) về đường sá, bắt điện đến trạm biến thế trung gian hoặc đến nhà xưởng của cơ sở sản xuất, và xây dựng một số công trình phục vụ sản xuất khác theo quyết định của Ủy ban nhân dân tình, thành phố.

Hợp tác xã phải kiện toàn hệ thống kế toán, thực hiện chế độ kế toán trưởng của hợp tác xã và tiến hành quản lý tài chính hợp lệ theo đúng quy định của Bộ Tài chính và của Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp các cấp.

Đơn vị cơ sở bảo đảm  có vay có trả sòng phẳng, chống ứ đọng và lãng phí vốn, nhập nhằng các quỹ. Làm đúng thủ tục về mở và sử dụng tài khoản để thuận lợi cho việc kiểm tra của ngân hàng về sử dụng vốn. Tích cực huy động mọi nguồn vốn tự có, kể cả phần xã viên đóng góp thêm để tăng khả năng tự đầu tư theo đúng điều lệ hợp tác xã.

b) Về giá cả: Đối với những mặt hàng đã có quy định thì nhất thiết phải theo giá đó. Đối với những mặt hàng chưa có giá quy định thì hợp tác xã và khách hàng tham khảo giá quy định cho hàng cùng loại để định giá. Giá đó là căn cứ để thanh toán giữa đôi bên và với ngân hàng cho đến khi có giá quy định.

c) Về phân phối thu nhập: Phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của hợp tác xã và của xã viên. Nhà nước bán cho hợp tác xã  máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu theo kế hoạch và theo giá như đối với xí nghiệp quốc doanh, thì hợp tác xã có nhiệm vụ nộp thuế cho Nhà nước tương xứng với việc tăng thu nhập của hợp tác xã. Trong việc phân phối thu nhập, hợp tác xã cần chú ý tăng quỹ tích lũy để xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, tăng quỹ phúc lợi tập thể và bảo hiểm xã hội, bảo đảm mức thu nhập thực tế hợp lý cho xã viên, tương đương với công nhân quốc doanh cùng ngành, nghề, chú ý sự khác biệt về thời gian lao động giữa công nhân quốc doanh và xã viên hợp tác xã.

Cần cải tiến cách tính thuế, áp dụng định mức thuế, bảo đảm nguyên tắc công bằnh, hợp lý, khuyến khích sản xuất, mở rộng kinh doanh. Các cơ sở sản xuất phải  nộp thuế đúng mức, đúng kỳ hạn, chống lậu thuế, trốn thuế.

Bộ Tài chính cùng với Ủy ban Vật giá Nhà nước, Liên hợp hợp tác xã trung ương nghiên cứu và thông tư để hướng dẫn thi hành.

d) Về lao động và đời sống: tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp phải góp phần tích cực giải quyết công việc làm, thu hút lao động, chú ý sắp xếp việc làm cho thương binh, những người yếu sức, những người tàn tật…Nhà nước cần có chính sách về lao động đối với hợp tác xã, từ việc giúp đỡ đào tạo công nhân, đào tạo cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, cải thiện điều kiện làm việc, đến chế độ tiền công và bảo hiểm xã hội, phải thực hiện tốt chính sách đối với lao động nữ hiện chiếm tỷ lệ lớn hơn trong tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, Bộ Nội thương từng bước mở rộng việc cung ứng thực phẩm theo tiêu chuẩn, định lượng cho thợ thủ công các hợp tác xã chuyên nghiệp, bảo đảm cung ứng hiện vật đúng tiêu chuẩn bồi dưỡng lao động nặng nhọc và độc hại theo chế dộ Nhà nước đã ban hành. Mở rông dân việc cung ứng chất đốt cho thợ thủ công chuyên nghiệp ở nông thôn theo tiêu chuẩn như đối với thợ thủ công tại đô thị.

Những thợ thủ công trong các hợp tác xã chuyên nghiệp ở nông thôn phải nghỉ việc vì mất sức lao động hoặc về hưu (được Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp và cơ quan lao động tỉnh, thành phố chứng nhận), nếu trước đây thuộc diện Nhà nước cung ứng lương thực, thì vẫn được mua theo tiêu chuẩn như công nhân Nhà nước mất sức hoặc về hưu. Đơn vị cơ sở phải chấp hành đúng chính sách lương thực của Nhà nước, chống khai man  số người và loại lao động.

Thực hiện từng bước chế độ bảo hiệm xã hội. Liên hiệp hợp tác xã trung ương nghiên cứu trình Chính phủ Điều lệ tổ chức quỹ hưu trí cho xã viên hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

e) Các ngành, các địa phương cần kiểm điểm và có biện pháp thực hiện nghiêm  chỉnh các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, ghi trong các chỉ thị, nghị quyết sau đây số 121-TTg ngày 21-2-1968, số 182-CP ngày 23-9-1969; số 143-CP ngày 3-8-1970… kết hợp với việc nghiên cứu, phổ biến và thực hiện nghị quyết này.

IV. TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGẢNH, CÁC CẤP PHÁT HUY TÁC DỤNG CỦA LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ THỦ CÔNG NGHIỆP TRONG VIỆC QUẢN LÝ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP.

1. Cấp trung ương: Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, tăng cường chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết này.

Các Bộ quản lý công nghiệp như Bộ Công nghiệp nhẹ, Cơ khí và luyện kim, Lương thực và thực phẩm, Xây dựng, Tổng cục Hóa chất, v.v.. trong phạm vi ngành mà mỗi Bộ được giao thống nhất quản lý, có trách nhiệm quản lý cả tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp theo nội dung dưới đây:

- Nghiên cứu quy hoạch phát triển toàn ngành, trên cơ sở đó xác định sự phân công giữa trung ương và địa phương, giữa quốc doanh và hợp tác xã;

- Tổng hợp kế hoạch sản xuất và cân đối vật tư đối với những sản phẩm cần đưa vào cân đối chung của cả nước; cung ứng cho các cơ sở sản xuất những vật tư chuyên dùng do ngành quản lý;

- Thực hiện việc quản lý kỹ thuật, thông qua những định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn sản phẩm. Hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã trang bị máy móc, cải tiến kỹ thuật, cải tiến mặt hàng;

- Giúp đỡ hợp tác xã đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật và công nhân.

Các Bộ quản lý sản xuất và lưu thông cần có sự chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, phân công một thứ trưởng phụ trách và một số cán bộ có năng lực chuyên trách.

Các ngành cần thống kê, phân loại mặt hàng xác định rõ mặt hàng nào do cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện nắm, nhìn sâu hơn khả năng phát triển, làm phong phú thêm mặt hàng và có kế hoạch giải quyết nhu cầu về vật tư, thiết bị, đào tạo thợ cho việc sản xuất từng loại mặt hàng.

Bộ Công nghiệp nhẹ được Hội đồng Chính phủ giao một số việc quản lý tổng hợp về công nghiệp địa phương, theo nghị định số 24-CP của Hội đồng Chính phủ.

Ngành nội thương quản lý các cơ sở dịch vụ phục vụ (không có tính chất công nghiệp), như ăn uống, giặt là, cắt tóc,  chế biến rau, quả, v.v…

Các Bộ chức năng như Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Vật giá Nhà nước, Bộ Lao động, v.v… theo trách nhiệm của mình, kiến nghị với Nhà nước và hướng dẫn các địa phương thực hiện các chính sách, chế độ khuyến khích và tăng cường quản lý tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

2. Cấp tỉnh: Đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, sự chỉ đạo của cấp tỉnh và cấp huyện có ý nghĩa quyết định. Các Ủy ban Nhà nước tỉnh, thành phố cần quán triệt tư tưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cưởng chỉ đạo tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, Ủy ban nhân dân phân phối với các ngành của tỉnh, thành phố, giải quyết đích đáng và mạnh dạn những vấn đề cụ thể của tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp về nguyên liệu và tiêu thụ, về trang bị máy móc, và đào tạo thợ…

Phải khai thác các nguồn nguyên liệu và sử dụng lao động tại chỗ, đáp ứng phát triển kinh tế và nhu cầu đời sống của nhân dân địa phương, đẩy mạnh phát triển các ngành, nghề tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp kết hợp với phát triển nông nghiệp, tạo ta sự hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau giữa nông nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

Phải làm tốt việc quy hoạch, phân công hợp lý giữa quốc doanh và hợp tác xã, sử dụng quốc doanh vào những công việc đích đáng, tận dụng khả năng tiềm tàng của tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, tránh trùng lặp nhau.

Ủy ban kế hoạch tỉnh, thành phố giúp Ủy ban nhân dân tổng hợp kế hoạch tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Các ty chuyên môn tăng cường quản lý tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp về các mặt quy hoạch, giao chỉ tiêu kế hoạch, hướng dẫn giúp đỡ về kỹ thuật, về đào tạo cán bộ và công nhân. Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng kế hoạch của hợp tác xã và chỉ đạo các hợp tác xã thực hiện các quy hoạch, các chính sách, chế độ của Nhà nước.

3. Cấp huyện: Dựa vào nguồn nguyên liệu được cung ứng, và chú trọng tận dụng nguồn tài nguyên và lao động địa phương, cần hình thành trên địa bàn huyện một cơ cấu tổ chức các hợp tác xã thủ công nghiệp chuyên nghiệp đi đôi phát triển các nghề thủ công trong nông nghiệp, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân trong huyện, đồng thời tích cực phục vụ nhu cầu của tỉnh và của trung ương.

Cần kiện toàn phòng công nghiệp và Liên hiệp hợp tác xã huyện ở những nơi cần thiết, để đủ sức giúp Ủy ban nhân dân huyện tăng cường quản lý thủ công nghiệp trong huyện. Đối với bộ phận thủ công nghiệp chuyên nghiệp nằm trong hợp tác xã nông nghiệp, cơ quan nông nghiệp quản lý tổng hợp, đi sâu vào vấn đề  phân công lao động và phân phối thu nhập; phòng công nghiệp quản lý về quy hoạch phát triển ngành, nghề, về kế hoạch hóa, hướng dẫn kỹ thuật, và đào tạo thợ, Trong các việc này, phòng công nghiệp phối hợp với cơ quan nông nghiệp huyện, và với Liên hiệp hợp tác xã huyện.

4. Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp các cấp.

 Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp chịu trách nhiệm trứơc Hội đồng Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp về quản lý nội bộ khu vực tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, tiếp tục và cải tạo và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp được Nhà nước ủy nhiệm quản lý một số ngành, nghề, hoặc mặt hàng chưa có ngành sản xuất nào quản lý. Đối với những ngành, nghề này, Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp chịu trách nhiệm về cả quy hoạch và kế hoạch hóa.

Nhiệm vụ của Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp như sau:

a) Tham gia ý kiến với các cơ quan Nhà nước trong việc lập quy hoạch, kế hoạch, quy định các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp;

b) Chỉ đạo các hợp tác xã thực hiện tốt các quy hoạch, nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương của Đảng, các chính sách, chế độ của Nhà nước đã ban hành;

c) Tổ chức các hình thức liên hiệp kinh doanh và một số cơ sở sự nghiệp phục vụ cho sản xuất của hợp tác xã;

d) Chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước và tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp;

e) Đại diện cho các hợp tác xã sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp Việt Nam trong quan hệ quốc tế với tổ chức hợp tác xã các nước;

g) Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã, đào tạo những nghề mà Nhà nước chưa có trường, lớp;

h) Xây dựng và hướng dẫn thực hiện chế độ phúc lợi tập thể và bảo hiểm xã hội của các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, quản lý các công trình sử dụng cho mục đích này;

i) Tổ chức công tác giáo dục chính trị – tư tưởng, các phong trào thi đưa, các hoạt động văn hóa quần chúng, bảo vệ  trật tự xã hội trong hợp tác xã.

Cần kiện toàn tổ chức, tăng cường hệ thống Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp các cấp để thực hiện nhiệm vụ trên. Bộ máy phải gọn, nhẹ, tinh giản, tránh quan liêu, hành chính hóa.

Thủ tướng Chính phủ sẽ ra thông tư về phân công cụ thể giữa các Bộ quản lý công nghiệp với nhau và với Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp trung ương.

Bản nghị quyết này áp dụng đối với miền Bắc. Đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp ở miền Nam, sẽ có quy định riêng.

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Duy Trinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 134-CP về tổ chức lại sản xuất, tăng cường và cải tiến một bước quản lý, phát huy hơn nữa tác dụng của tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp nhằm phát triển kinh tế và phục vụ đời sống nhân dân do Hội Đồng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 134-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 03/08/1976
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 18/08/1976
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản