- 1Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 do Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội ban hành
- 2Quyết định 181/2003/QĐ-TTg Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP về một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2004 do Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 51/2004/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị Quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX do Thủ tướng Chính phủ ban hành
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2004/NQ-CP | Hà Nội , ngày 03 tháng 11 năm 2004 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 13/2004/NQ-CP NGÀY 03 THÁNG 11 NĂM 2004 PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 10 NĂM 2004
Ngày 01 tháng 11 năm 2004, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở có yếu tố nước ngoài được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị quyết.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20 tháng 8 năm 1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập từ trước ngày 01 tháng 7 năm 1991, tuy nhiên, Nghị quyết không áp dụng đối với những giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập từ ngày 01 tháng 7 năm 1991 nhưng có sự tham gia của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài. Trong thời gian qua, vấn đề này đã gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giải quyết cho cải tạo, nâng cấp, xây mới hoặc giải quyết tranh chấp về nhà ở...; ảnh hưởng đến công tác quy hoạch đô thị và phát triển thị trường nhà, đất. Một số địa phương, do bức xúc về vấn đề này đã có những giải quyết, xử lý riêng dẫn đến sự không thống nhất về chính sách trên cả nước. Thực tiễn trên đòi hỏi cần có Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân có yếu tố nước ngoài được xác lập từ trước ngày 01 tháng 7 năm 1991; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong chính sách của nhà nước và bảo đảm thực hiện đầy đủ Bộ luật Dân sự.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung Nghị quyết phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng để sau khi Nghị quyết được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua sẽ có đủ căn cứ để thực hiện ngay mà không cần Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn.
2. Chính phủ nghe Bộ Công an trình dự án Pháp lệnh Cảnh vệ; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh.
Việc bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cơ quan trọng yếu, các đồng chí lãnh đạo cấp cao, khách quốc tế của Đảng và Nhà nước luôn là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự ổn định chính trị đất nước và các hoạt động đối ngoại, đối nội của Đảng và Nhà nước ta. Qua mỗi chặng đường lịch sử, Đảng và Nhà nước đã ban hành kịp thời các văn bản quy định về yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cảnh vệ phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, chỉ đạo bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan trọng yếu, các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, các văn bản trên còn nhiều vấn đề thiếu cụ thể, chưa có giá trị pháp lý cao. Để tạo hành lang pháp lý và cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cảnh vệ; nâng cao trách nhiệm và sức mạnh của lực lượng cảnh vệ, cần sớm ban hành Pháp lệnh Cảnh vệ.
Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh; Bộ trưởng Bộ Công an, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh này.
3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Pháp lệnh.
Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được ban hành năm 1994 đã tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có tác dụng sâu sắc đến việc giáo dục truyền thống, tình cảm, trách nhiệm của mỗi người dân và xã hội cùng với Nhà nước chăm lo cho người có công; tăng cường ổn định chính trị và thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước. Trong quá trình thực hiện, để phù hợp với thực tế đời sống, Pháp lệnh đã được sửa đổi nhiều lần, nhưng đến nay vẫn còn những điểm chưa hợp lý cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện với tên gọi mới là "Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng".
Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh này.
4. Chính phủ đã thảo luận về đề xuất của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Công văn số 1175/BXD-KTTC, ngày 30 tháng 7 năm 2004 về cơ chế vốn cho các dự án đầu tư sản xuất xi măng.
Để khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất xi măng tại các vùng có điều kiện khó khăn, đồng thời giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Chính phủ nhất trí về chủ trương cho các dự án đầu tư sản xuất xi măng có sản xuất clinke tại các vùng khó khăn (miền núi, vùng sâu, vùng xa) được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước với mức không quá 30% tổng mức đầu tư của dự án để sản xuất clinke và mua thiết bị sản xuất trong nước. Chủ trương trên chỉ áp dụng đối với các dự án mới. Việc đầu tư sản xuất xi măng phải theo đúng quy hoạch, bảo đảm có lãi và hỗ trợ địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển đời sống xã hội.
5. Chính phủ nghe báo cáo kết quả giao ban sản xuất, xuất nhập khẩu, đầu tư tháng 10 và tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2004 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; báo cáo về tình hình thương mại tháng 10 năm 2004 do Bộ Thương mại trình; báo cáo sơ kết một năm thực hiện cơ chế "một cửa" theo Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Nội vụ trình; báo cáo công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo Quý 3 năm 2004 do Thanh tra Chính phủ trình.
Chính phủ nhất trí thông qua các Báo cáo trên.
Tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực; sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nông nghiệp phát triển, đặc biệt là lương thực; lĩnh vực dịch vụ có nhiều tiến bộ, xuất khẩu tăng mạnh, nhập siêu giảm; thu ngân sách nhà nước bảo đảm tiến độ, đáp ứng yêu cầu chi; nhiều mặt hoạt động xã hội phát triển theo hướng tích cực. Hội nghị ASEM 5 được tổ chức ở nước ta đã thành công tốt đẹp, đây là đóng góp tích cực nhất của chúng ta đối với ASEM từ trước tới nay và cũng là sự khẳng định chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, tình hình trong nước và thế giới còn những khó khăn tiềm ẩn như giá vật tư, hàng hoá nhập khẩu, nhất là giá xăng, dầu tăng, thời tiết diễn biến phức tạp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư, kể cả vốn tín dụng và vốn trái phiếu Chính phủ đạt thấp, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông còn xảy ra nghiêm trọng ...
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bám sát các diễn biến của tình hình thực tế, xử lý kịp thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP , Quyết định số 51/2004/QĐ-TTg , các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và các văn bản chỉ đạo điều hành khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt chú ý các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá, phòng chống thiên tai, dịch bệnh cho người và gia súc; tăng cường khâu kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư, thực hiện chặt chẽ quy trình giám sát đầu tư, kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc, sai phạm phát sinh trong đầu tư xây dựng cơ bản; khai thác triệt để các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong mọi lĩnh vực, trong mọi sản phẩm nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2004.
Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 do Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội ban hành
- 2Quyết định 181/2003/QĐ-TTg Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP về một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2004 do Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 51/2004/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị Quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 11/2004/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2004 do Chính phủ ban hành
- 6Nghị quyết số 14/2004/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 do Chính phủ ban hành
- 7Nghị quyết số 15/2004/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 do Chính Phủ ban hành
Nghị quyết số 13/2004/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2004 do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 13/2004/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 03/11/2004
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: 27/11/2004
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định