HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 100-CP | Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 1968 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị thường vụ ngày 15-02-1968, sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, quyết định nguyên tắc quản lý tài chính hợp tác xã công nghiệp, thủ công nghiệp như sau:
I. NHIỆM VỤ VÀ NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP.
Tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp giữ vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp là một chính sách lớn và lâu dài trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời đó là yêu cầu cấp thiết trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước hiện nay, nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, phục vụ chiến đáu và bảo đảm đời sống nhân dân.
Hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp là một tổ chức kinh tế độc lập xã hội chủ nghĩa do xã viên làm chủ. Được sự giúp đỡ to lớn của Nhà nước, hợp tác xã phải ra sức phát huy tinh thần tập thể, ý thức tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, phải tiến hành sản xuất, kinh doanh, phân phối theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phải tổ chức quản lý theo nguyên tắc quản lý xã hội chủ nghĩa.
Trong công tác quản lý hợp tác xã, quản lý tài chính có vị trí rất quan trọng; nó nhằm mục đích phục vụ và thúc đẩy phát triển sản xuất, phục vụ đời sống của xã viên, bảo đảm nghĩa vụ đối với Nhà nước, tăng cường quản lý hợp tác xã và củng cố quan hệ sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa.
Nhằm mục đích đó, quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp có những nhiệm vụ như sau:
1. Động viên mọi nguồn vốn trong hợp tác xã, sử dụng các nguồn vốn ấy một cách hợp lý và tiết kiệm;
2. Phân phối thu nhập của hợp tác xã theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước;
3. Bảo vệ tốt tài sản của hợp tác xã và của Nhà nước, sử dụng tài sản vào sản xuất và kinh doanh với hiệu quả kinh tế cao;
4. Bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước trong hợp tác xã;
5. Giám đốc chặt chẽ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối của hợp tác xã;
Quản lý tài chính hợp tác xã phải vừa bảo đảm quyền làm chủ tập thể của hợp tác xã và xã viên, vừa đảm bảo quyền lãnh đạo tập trung và quản lý thống nhất của Nhà nước. Phải quán triệt những nguyên tắc sau:
1. Quản lý dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của hợp tác xã và xã viên;
2. Quản lý theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, nội quy của hợp tác xã;
3. Quản lý thống nhất, có kế hoạch, và theo chế độ hạch toán kinh tế;
4. Kết hợp đúng đắn lợi ích của Nhà nước, lợi ích của hợp tác xã và lợi ích xã viên.
II. NỘI DỤNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP.
1. Hợp tác xã cần thực hiện chế độ hạch toán kinh tế: bảo đảm bù đắp đủ các hao phí vật chất, các chi phí quản lý của hợp tác xã, kinh doanh có lãi và không ngừng tăng thu nhập của hợp tác xã và của xã viên.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân phối của hợp tác xã được tiến hành có kế hoạch. Hợp tác xã phải lập kế hoạch tài chính; kế hoạch tài chính phải được và có tác dụng kiểm tra các mặt cân đối của kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phân phối.
- Làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo đúng chính sách, chế độ;
- Tăng tích lũy của hợp tác xã để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật và tăng thêm vốn sản xuất, kinh doanh.
- Phân phối thu nhập cho xã viên một cách công bằng, hợp lý, dân chủ, nâng dần phúc lợi tập thể, từng bước cải thiện đời sống và giải quyết các yêu cầu về bảo hiểm xã cho xã viên.
Gặp trường hợp sản xuất, kinh doanh có nhiều khó khăn, thu nhập quá thấp, thì hợp tác xã dành phần thu nhập cần thiết và động viên khả năng trong nội bộ để bảo đảm đời sống cho xã viên, tùy tình hình cụ thể hợp tác xã có thể được Nhà nước giúp đỡ như giảm thuế, miễn thuế, hoặc hoãn trả nợ ngân hàng… theo chính sách, chế độ hiện hành.
Hợp tác xã được vay vốn của ngân hàng để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, phát triển sản xuất kinh doanh; phải chấp hành đúng chế độ tín dụng của Nhà nước.
III. TỔ CHỨC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP.
1. Hợp tác xã căn cứ vào chế độ quản lý tài chính của Nhà nước để định nội quy quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp của Nhà nước để định nội quy quản lý tài chính của hợp tác xã; nội quy này phải được đại hội xã viên hoặc đại hội đại biểu xã viên thông qua và phải được Ủy ban hành chính huyện, thị xã khu phố duyệt y trước khi thi hành.
2. Mọi vấn đề có liên quan đến quản lý tài chính hợp tác xã như lập kế hoạch tài chính, dự án phân phối thu nhập của hợp tác xã, xử lý các vụ vi phạm chế độ, nội quy quản lý tài chính trong hợp tác xã… , đều phải đưa ra đại hội xã viên hoặc đại hội đại biểu xã viên bàn bạc và quyết định.
Xã viên có quyền chất vấn và góp ý kiến với ban quản trị và ban kiểm soát hợp tác xã về mọi mặt của công tác quản lý tài chính hợp tác xã.
3. Ban quản trị chịu trách nhiệm tổ chức công tác tài chính hợp tác xã, thực hiện chế độ tài chính công khai, báo cáo tài chính đúng kỳ hạn, trả lời nghiêm chỉnh những ý kiến và những điều chất vấn của xã viên.
Ban kiểm soát hợp tác xã có trách nhiệm kiểm tra tài chính. Gặp trường hợp nội quy quản lý tài chính bị vi phạm, ban kiểm soát có quyền nêu ý kiến với ban quản trị để ngăn chặn; nếu ý kiến không được thực hiện, ban kiểm soát có quyền báo cáo với liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp hoặc đại hội xã viên trong kỳ họp gần nhất.
4. Hợp tác xã phải tổ chức kế toán theo đúng chế độ kế toán hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp do Bộ Tài chính ban hành.
Kế toán trưởng của hợp tác xã do đại hội xã viên hoặc đại hội đại biểu xã viên cử và được Ủy ban hành chính huyện, thị xã hoặc khu phố duyệt y. Kế toán trưởng của hợp tác xã phải kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc, chế độ, nội quy và kỷ luật tài chính trong hợp tác xã. Gặp trường hợp ban quản trị quyết định các khoản thu, chi không đúng chế độ, kế toán trưởng có yêu cầu chấp hành đúng; nếu ý kiến đó không được chấp nhận thì kế toán trưởng có quyền yêu cầu chấp hành đúng; nêu ý kiến đó không được chấp nhận thì kế toán trưởng vừa chấp hành quyết định của ban quản trị, vừa báo cáo kịp thời với ban kiểm soát hợp tác xã hoặc Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.
Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc thực hiện chế độ quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp do Bộ Tài chính ban hành, cho phù hợp với trình độ phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và với đặc điểm các ngành, nghề của địa phương; lãnh đạo Ủy ban hành chính cấp dưới và các ngành liên quan của tỉnh và thành phố thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ hợp tác xã thực hiện chế độ quản lý tài chính Nhà nước, nâng cao không ngừng trình độ quản lý tài chính trong hợp tác xã.
Ủy ban hành chính huyện, thị xã, khu phố duyệt nội quy quản lý tài chính hợp tác xã; lãnh đạo các ngành liên quan của huyện, thị xã, khu phố kiểm tra, giúp đỡ hợp tác xã thực hiện chế độ quản lý tài chính hợp tác xã của Nhà nước và nội quy quản lý tài chính của hợp tác xã; thường xuyên và định kỳ kiểm tra tài chính hợp tác xã nhằm bảo vệ quyền lợi của hợp tác xã, của xã viên, giúp hợp tác xã tăng cường quản lý tài chính.
Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo các hợp tác xã thực hiện chế độ quản lý tài chính hợp tác xã của Nhà nước và xây dựng nội quy quản lý tài chính của hợp tác xã; duyệt các kế hoạch thu chi tài chính và dự án phân phối của hợp tác xã.
Cơ quan tài chính Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra các hợp tác xã chấp hành đúng chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán hợp tác xã, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài chính, kế toán của hợp tác xã.
Ngân hàng Nhà nước thông qua các quan hệ tín dụng, thanh toán, quản lý tiền mặt mà giám đốc và thúc đẩy hợp tác xã quản lý và sử dụng tốt vốn, qũy tiền mặt của hợp tác xã, giúp hợp tác xã tăng cường quản lý tài chính.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
- 1Nghị quyết số 101-CP về nguyên tắc quản lý tài chính hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 323-TC/TQD năm 1968 về việc ban hành chế độ quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 393-QĐ/CĐKT năm 1968 ban hành chế độ kế toán hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Quyết định 416-TC/QĐ năm 1968 ban hành chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Nghị quyết số 100-CP về nguyên tắc quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 100-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 03/07/1968
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Duy Trinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: 18/07/1968
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định