Hệ thống pháp luật

UỶ BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM-BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2004/NQLT-MTTQ-BTNMT

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2004 

 

NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH

VỀ VIỆC PHỐI HỢP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 26 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI ngày 22 tháng 9 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ - CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất ban hành Nghị quyết liên tịch về phối hợp thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của toàn dân từ mỗi cá nhân, gia đình đến cộng đồng khu dân cư, duy trì thường xuyên các hoạt động phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm và suy thoái môi trường; nâng cao chất lượng môi trường sống, môi trường lao động; bảo vệ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

2. Nâng cao nhận thức, kiến thức và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp trong việc tổ chức, hướng dẫn, phối hợp toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và phát triển bền vững theo các chương trình, kế hoạch đề ra.

3. Tạo điều kiện duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên và với chính quyền trên lĩnh vực bảo vệ môi trường.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, trước hết là các tổ chức thành viên, các đối tượng do Mặt trận trực tiếp vận động và mỗi người dân ở cộng đồng dân cư không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức và hành động cụ thể tham gia bảo vệ môi trường. 

2. Tổ chức tạo điều kiện để mỗi người dân phát huy quyền làm chủ, nâng cao tính tích cực, chủ động trong việc xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như các quy chế, quy ước của cộng đồng liên quan đến bảo vệ môi trường.

3. Thực hiện xã hội hoá, đa dạng hoá các hình thức tổ chức, phương thức hoạt động; đặc biệt chú trọng phối hợp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào, cuộc vận động huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt Chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Tăng cường, mở rộng đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường; tham gia giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

5. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức trong việc thực thi chức năng quản lý nhà nước về môi trường.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CÁC BÊN

A. TRÁCH NHIỆM CỦA BAN THƯỜNG TRỰC UỶ BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

1. Hướng dẫn, phối hợp triển khai thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực Nghị quyết liên tịch đến các cấp Mặt trận, các tổ chức thành viên và cá nhân tiêu biểu trong các dân tộc, các tôn giáo, tầng lớp xã hội do Mặt trận trực tiếp vận động.

2. Nghiên cứu, biên soạn tài liệu, ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn cho cán bộ Mặt trận các cấp và những nhóm xã hội do Mặt trận trực tiếp vận động để duy trì thường xuyên hoạt động truyền thông môi trường tại các khu dân cư.

3. Hướng dẫn Mặt trận các cấp, đặc biệt là ở cơ sở, thường xuyên thu thập ý kiến nhân dân, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý những tồn tại, vướng mắc phát sinh trên lĩnh vực bảo vệ môi trường; tập hợp sức mạnh cộng đồng trong thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc lấy ý kiến nhân dân tham gia vào các báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường, đánh giá tác động môi trường đối với các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến cộng đồng dân cư; vận động các tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp các loại thuế, phí, quỹ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Cụ thể hoá, tiêu chí hoá và phối hợp lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường với các phong trào, cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” nhằm gắn công tác bảo vệ môi trường với phát triển bền vững; góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng, cảnh quan môi trường khu dân cư ngày càng “Xanh - Sạch - Đẹp” và làm cho mọi người dân có ý thức, kiến thức sống thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; đấu tranh khắc phục các tệ nạn, tập tục, thói quen trong sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng xâm hại đến môi trường, tài nguyên.

5. Động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước tham gia đầu tư, kinh doanh, dịch vụ về bảo vệ môi trường đi đôi với phát huy các nguồn lực tại chỗ của cộng đồng cùng Nhà nước xây dựng hạ tầng cơ sở về vệ sinh môi trường; cải thiện, nâng cao chất lượng các phúc lợi, dịch vụ về thu gom, xử lý, chế biến rác thải; cung cấp nước sạch; giữ gìn, tôn tạo cảnh quan môi trường khu dân cư.

6. Tăng cường vận động đồng bào ở trong và ngoài nước phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, nạn nhân chiến tranh trong việc khắc phục thiên tai, sự cố môi trường đặc biệt là việc cung ứng, cải thiện các phúc lợi, dịch vụ xã hội về vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, chăm sóc sức khoẻ v.v...

7. Phát huy vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cơ sở, các Ban công tác Mặt trận, Ban thanh tra nhân dân và các hình thức tổ chức, hoạt động tình nguyện vì môi trường nhằm đẩy mạnh công tác hoà giải, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột lợi ích giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên có quan hệ đến cộng đồng dân cư; đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức, viên chức, chính quyền trong việc thực thi các chức năng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

B. TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

1. Chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng phối hợp với Mặt trận các cấp thực hiện Nghị quyết liên tịch và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường.

2. Cung cấp tài liệu, ấn phẩm và hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia để Mặt trận, các tổ chức thành viên duy trì thường xuyên hoạt động truyền thông môi trường tại cộng đồng dân cư; bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Mặt trận các cấp và người tiêu biểu do Mặt trận trực tiếp vận động.

3. Chủ trì, phối hợp với Mặt trận các cấp và các tổ chức liên quan trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia, góp ý vào các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; các báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường và đánh giá tác động môi trường đối với các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có quan hệ đến cộng đồng khu dân cư.

4. Phối hợp với Mặt trận và các tổ chức thành viên đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm động viên tôn vinh những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động toàn dân bảo vệ môi trường.

5. Phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận các cấp đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, xâm hại tài nguyên thiên nhiên và giải quyết các mâu thuẫn, xung đột lợi ích về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên có quan hệ đến cộng đồng dân cư.

IV. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Chế độ làm việc

a) Duy trì thường xuyên quan hệ trao đổi thông tin và định kỳ làm việc liên tịch giữa lãnh đạo hai bên để giải quyết kịp thời những tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết liên tịch.

b) Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch và xây dựng kế hoạch thực hiện trong những năm tiếp theo.

2. Đầu mối quan hệ phối hợp

ở Trung ương, Vụ Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Công tác lý luận thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đầu mối quan hệ phối hợp, giúp lãnh đạo hai bên tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

3. Kinh phí hoạt động

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phân bổ kinh phí hàng năm từ ngân sách bảo vệ môi trường cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực hiện các nội dung của Nghị quyết liên tịch và Chương trình hành động tham gia bảo vệ môi trường.

4. Tổ chức thực hiện

a) Căn cứ vào Nghị quyết liên tịch này, các cấp Mặt trận và cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường nghiên cứu, cụ thể hoá việc thực hiện cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhiệm vụ trọng tâm của mỗi địa phương, cơ sở.

b) Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cùng các cơ quan chức năng về quản lý môi trường, tài nguyên các cấp chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này.

c) Nghị quyết liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường các cấp kịp thời phản ánh về Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Bộ Trưởng



 
Mai  Ái  Trực

TM.BAN THƯỜNG TRỰC
UỶ BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM
Phó Chủ Tịch-Tổng Thư Ký




Huỳnh  Đảm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết liên tịch số 01/2004/NQLT-MTTQ-BTNMT về việc phối hợp thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia do mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành

  • Số hiệu: 01/2004/NQLT-MTTQ-BTNMT
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 28/10/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
  • Người ký: Huỳnh Đảm, Mai Ái Trực
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản