Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 08 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

KẾT QUẢ GIÁM SÁT "VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 31/NQ-HĐND, NGÀY 14/10/2016 CỦA HĐND TỈNH THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030"

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ TÁM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 111/BC-ĐGS, ngày 21 tháng 6 năm 2022 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về "Việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh thông qua Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành Báo cáo số 111/BC-ĐGS, ngày 21/6/2022 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về kết quả giám sát: "Việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh thông qua Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" với một số nội dung trọng tâm như sau:

Sau 06 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả ban đầu quan trọng. Tỉnh đã đón gần 3 triệu lượt khách du lịch (tăng 52% so với giai đoạn 2011-2015), trong đó có 437.800 lượt khách du lịch quốc tế (tăng 28% so với giai đoạn 2011-2015); tốc độ tăng trưởng trung bình 12%/năm; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 4.768 tỷ đồng, tăng 133% so với giai đoạn 2011-2015; giải quyết việc làm cho gần 14.000 lao động, trong đó có khoảng 6.000 lao động trực tiếp. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 2,5 ngày. Toàn tỉnh có 210 cơ sở lưu trú du lịch với 2.846 buồng/5.190 giường. Có 11 bản văn hóa du lịch có khả năng đón tiếp và phục vụ khách, 06 homestay, 14 điểm vui chơi, dã ngoại có khả năng đáp ứng cho 83.000 lượt khách du lịch cùng một thời điểm. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; không gian phát triển du lịch được quan tâm; một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác thu hút khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm; công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được chú trọng, bước đầu ứng dụng được công nghệ thông tin trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch; số lượng khách du lịch được tiếp cận thông tin, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch theo chiều sâu, qua đó góp phần quan trọng trong thu hút du khách đến với Điện Biên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu sau:

1. Nhận thức và sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về phát triển du lịch chưa đầy đủ; chưa thực sự coi phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội. Một số địa phương trong tỉnh có tiềm năng về du lịch nhưng chưa chủ động tìm biện pháp phát triển du lịch một cách có hiệu quả.

2. Công tác tuyên truyền, quảng bá chưa tập trung nhiều vào quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư, chưa làm nổi bật được giá trị của cụm di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh của địa phương. Hoạt động du lịch chủ yếu dựa vào tự nhiên, mang tính thời vụ.

3. Việc thu hút nguồn lực cho phát triển du lịch, ngân sách đầu tư cho du lịch hạn chế, nhất là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công tác quy hoạch. Chưa xây dựng được cơ chế, chính sách thu hút và khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa và các nhà đầu tư có tiềm lực vào phát triển du lịch.

4. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa chặt chẽ trong thực hiện các thủ tục hành chính, bảo tồn, tôn tạo và khai thác tài nguyên phục vụ du lịch; việc nâng cấp sản phẩm du lịch, giữ gìn cảnh quan, môi trường phục vụ cho phát triển du lịch xanh, hấp dẫn và bền vững chưa được quan tâm. Việc quy hoạch mở rộng diện tích trồng, chăm sóc, bảo vệ cây hoa Ban trên địa bàn tỉnh phục vụ cho du lịch hiệu quả chưa cao.

5. Việc giám sát Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh chưa kịp thời.

Điều 2. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có trách nhiệm của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND; UBND tỉnh, các sở ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Điều 3. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển du lịch tỉnh trong thời gian tới, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt Luật du lịch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan; sớm ban hành Đề án chi tiết phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để cụ thể hóa Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 07/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tổ chức sơ kết, tổng kết nghị quyết theo từng giai đoạn để đề ra các giải pháp trong thời gian tiếp theo.

2. Triển khai tích hợp các quy hoạch phát triển du lịch vào Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ…. Chỉ đạo các sở, ngành tỉnh hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của sở, ngành giao; tham mưu cho tỉnh xem xét, tháo gỡ khó khăn theo kiến nghị của các địa phương.

3. Sớm đề xuất ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh để thu hút các nguồn vốn xã hội hóa, các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch. Tập trung kêu gọi đầu tư các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, hệ thống khách sạn 4 đến 5 sao, nhà hàng, hệ thống mua sắm…

4. Bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để tăng cường đầu tư công trình, dự án về du lịch; nâng cấp hệ thống hạ tầng du lịch như bãi đỗ xe, đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

5. Chỉ đạo các ngành chức năng, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực bổ trợ cho du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng. Rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện các nội dung nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh về Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để có giải pháp tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

6. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vi phạm trong hoạt động du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cho nhân dân và khách du lịch. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu những tiềm năng du lịch của địa phương để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Chỉ đạo các cấp, các ngành huy động các nguồn lực tham gia đầu tư hạ tầng du lịch phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch của địa phương; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng các mô hình phát triển du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

7. Chỉ đạo Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể thành viên Ban Chỉ đạo; Hội đồng xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống nghiên cứu, sửa đổi quy chế hoạt động nhất là điều chỉnh thời gian tổ chức họp ít nhất 02 lần/năm để xem xét, giải quyết kịp thời đề nghị của địa phương trong tỉnh về công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

8. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu nội dung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo Văn bản số 1183/TCLN-ĐDPH, ngày 31/8/2021 của Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

2. Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác giám sát; phối hợp theo dõi việc thực hiện Chương trình phát triển du lịch của tỉnh.

4. Đề nghị HĐND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, giám sát thường xuyên việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV, kỳ họp thứ Tám thông qua ngày 08 tháng 7 năm 2022./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lò Văn Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 95/NQ-HĐND năm 2022 về kết quả giám sát "Việc thực hiện Nghị quyết 31/NQ-HĐND thông qua Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"

  • Số hiệu: 95/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Lò Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản