Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/2008/NQ-HĐND

Thanh Hoá, ngày 19 tháng 7 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2008 - 2012

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ về việc han hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn;

Căn cứ Thông tư số 79/2001/TT-BTC ngày 28 tháng 9 năm 2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện các dự án đường giao thông nông thôn;

Sau khi xem xét Tờ trình số 31/TTr-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá; Báo cáo thẩm tra số 128/HĐND-KT ngày 10 tháng 7 năm 2008 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Tờ trình số 31/TTr-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2008 của UBND tỉnh về cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2008 - 2012, với những nội dung sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ:

1. Phạm vi áp dụng:

Cơ chế khuyến khích này áp dụng cho các dự án kiên cố hoá mặt đường, xây dựng, sửa chữa các cầu nhỏ, đường tràn, cống qua đường trên các tuyến đường huyện, đường xã (theo phân loại đường bộ tại Nghị định số 186/2004/NĐ-CP, ngày 05/11/2004 của Chính phủ) được cấp có thẩm quyền phê duyệt và mở mới đường thôn, bản ở các huyện thuộc vùng 3 trên địa bàn tỉnh.

Không áp dụng đối với các tuyến đường nội thị ở vùng 1, vùng 2, vùng 3 và đường thôn (bản) ở các huyện thuộc vùng 1 và vùng 2 (theo phân loại vùng tại Mục III dưới đây).

2. Đối tượng hỗ trợ:

a) Cứng hoá mặt đường huyện, đường xã;

b) Mở tuyến mới đường thôn (bản) ở các xã thuộc vùng 3;

c) Sửa chữa, xây dựng mới các công trình có tổng mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng, bao gồm: cầu nhỏ có chiều dài dưới 25 m; đường tràn; cống qua đường.

II. QUY MÔ, TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HỖ TRỢ:

Các công trình giao thông được xem xét hỗ trợ phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật sau đây:

1. Về đường:

a) Đường huyện:

- Chiều rộng nền đường: Bnền = 5,0 - 6,5 m.

- Chiều rộng mặt đường: Bmặt = 3,5 m.

b) Đường xã:

- Chiều rộng nền đường: Bnền = 4,0 - 6,0 m.

- Chiều rộng mặt đường: Bmặt = 3,0 - 3,5 m.

c) Đường thôn (bản):

- Chiều rộng nền đường: Bnền = 3,0 - 5,0 m.

- Chiều rộng mặt đường: Bmặt = 2,0 - 3,0 m.

Kết cấu mặt đường: Là đá dăm láng nhựa, cấp phối đá dăm láng nhựa, mặt đường nhựa nhũ tương, hoặc mặt đường bê tông xi măng.

2. Về công trình thoát nước:

a) Kết cấu cầu: Là cầu bê tông cốt thép, cầu thép, cầu bán vĩnh cửu.

b) Kết cấu đường tràn: Là bê tông cốt thép, bê tông xi măng hoặc đá hộc xây vữa xi măng.

c) Kết cấu cống qua đường: Là bê tông cốt thép.

III. PHÂN VÙNG HỖ TRỢ

1. Vùng đồng bằng (Vùng 1): Bao gồm các xã thuộc các huyện đồng bằng (trừ các xã miền núi ở các huyện đồng bằng).

2. Vùng miền núi (Vùng 2): Bao gồm các xã của 11 huyện miền núi và các xã miền núi của các huyện đồng bằng (trừ những xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ và những xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã).

3. Vùng đặc biệt khó khăn (Vùng 3): Bao gồm những xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ và những xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã.

IV. MỨC HỖ TRỢ

1. Hỗ trợ kiên cố hoá mặt đường và mở đường thôn, bản:

a) Vùng 1:

- Đường huyện: Hỗ trợ kiên cố hoá mặt đường 160 triệu đồng/1 km.

- Đường xã: Hỗ trợ kiên cố hoá mặt đường 70 triệu đồng/1 km.

b) Vùng 2:

- Đường huyện: Hỗ trợ kiên cố hoá mặt đường 200 triệu đồng/1 km.

- Đường xã: Hỗ trợ kiên cố hoá mặt đường 90 triệu đồng/1 km.

c) Vùng 3:

- Đường huyện: Hỗ trợ kiên cố hoá mặt đường 240 triệu đồng/1 km.

- Đường xã: Hỗ trợ kiên cố hoá mặt đường 100 triệu đồng/1 km.

- Đường thôn (bản): Hỗ trợ 100% kinh phí nổ mìn phá đá để mở đường; hỗ trợ 10 triệu đồng/1 km để mở đường mới, đảm bảo cho xe máy, xe đạp và người đi bộ qua lại.

2. Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các công trình: đường tràn, cầu nhỏ, cống qua đường:

a) Vùng 1:

- Công trình nằm trên đường huyện, đường xã: Hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư.

b) Vùng 2:

- Công trình nằm trên đường huyện: Hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư.

- Công trình nằm trên đường xã : Hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư.

c) Vùng 3:

- Công trình nằm trên đường huyện: Hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư.

- Công trình nằm trên đường xã: Hỗ trợ 90% tổng mức đầu tư.

V. VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố được quyết định đầu tư các công trình giao thông nông thôn theo quy định về phân cấp và uỷ quyền trong quản lý đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách nhà nước do UBND tỉnh quy định tại thời điểm quyết định; Chủ tịch UBND cấp xã được quyết định đầu tư các dự án trong phạm vi ngân sách của địa phương mình (bao gồm cả khoản hỗ trợ từ ngân sách cấp trên) theo sự phân cấp và uỷ quyền của UBND cấp huyện.

2. Các dự án phát triển giao thông nông thôn chỉ được hỗ trợ theo kế hoạch hàng năm và có đầy đủ thủ tục, hồ sơ theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý chất lượng công trình xây dựng.

3. UBND cấp huyện làm chủ đầu tư các dự án đường huyện; UBND cấp xã làm chủ đầu tư các công trình đường xã; đường thôn (bản) do cộng đồng dân cư tự quản xây dựng và quản lý.

4. Các công trình sau khi xây dựng xong phải được quản lý, bảo vệ, bảo dưỡng thường xuyên. Đường đi qua địa phương nào giao cho địa phương đó quản lý. Kinh phí cho công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên do địa phương đảm nhiệm.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí hỗ trợ khuyến khích phát triển giao thông nông thôn hàng năm được bố trí bằng 2% tổng thu ngân sách của tỉnh trên địa bàn.

Điều 2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 42/2003/NQ-HĐND ngày 27 tháng 12 năm 2003 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

Giao UBND tỉnh quy định cụ thể và tổ chức thực hiện, định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Khoá XV, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2008./.

 

 

Nơi nhận:
- VPQH, VPCTN, VPCP;
- Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Đại biểu QH, đại biểu HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh; các đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- VP Tỉnh uỷ, VP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh,
VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH.

CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Hân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 94/2008/NQ-HĐND về cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2008 - 2012 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 94/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 19/07/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Lê Ngọc Hân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 15/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản