Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 94/2007/NQ-HĐND

Biên Hòa, ngày 07 tháng 12 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH CỦA TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2008

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội khóa XI - kỳ họp thứ 4, thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND được Quốc hội khóa XI - kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;

Căn cứ Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị quyết số 62/2006/NQ-HĐND ngày 03 tháng 5 năm 2006 của HĐND tỉnh khóa VII về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội -an ninh quốc phòng 5 năm 2006 - 2010;

Xét Tờ trình số 9404/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2007, Báo cáo số 9406/BC-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2007, phương hướng nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2008;

Xét Tờ trình số 9435/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh bổ sung bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh; Tờ trình 9758/TTr-UBND, ngày 30/11/2007 về điều chỉnh bổ sung Tờ trình 9435/TTr- UBND của UBND tỉnh Đồng Nai và công bố ngày 01 tháng 01 năm 2008;

Qua xem xét báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh tại tổ và tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình số 9404/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội - quốc phòng an ninh năm 2007 và phương hướng, mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội - quốc phòng an ninh của tỉnh Đồng Nai năm 2008 (kèm theo tờ trình của UBND tỉnh), với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chung:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tạo chuyển biến “Đột phá” ở lĩnh vực thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo hướng phát triển mạnh các ngành công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực; các ngành dịch vụ chất lượng cao; tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tập trung triển khai nhanh các công trình kết cấu hạ tầng có quy mô lớn. Phát triển mạnh các hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Giữ vững quốc phòng an ninh, giảm tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội.

- Thực hiện đồng bộ về cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng “Một cửa”, “Một cửa liên thông” ở cả 3 cấp; thực hiện triệt để việc cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan thực hiện nhiều thủ tục theo quy định hiện hành.

2. Các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và môi trường:

a. Chỉ tiêu kinh tế:

- Phấn đấu năm 2008 tăng trưởng 15,5% so với thực hiện năm 2007. Trong đó giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng là 17,2%; ngành dịch vụ là 17,3%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,5%.

GDP theo giá hiện hành dự kiến 51.033 tỷ đồng, tương đương 3,168 tỷ USD; GDP bình quân đầu người là 20,578 triệu đồng, tương đương 1.277 USD (quy đổi 1 USD = 16.110 VNĐ).

Cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 57,8%; ngành dịch vụ chiếm 31,5%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,7%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 23% so với năm 2007.

- Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,5% so với năm 2007.

- Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ 17,3% so với năm 2007.

- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 27.000 tỷ đồng, chiếm 52,9% GDP. Trong đó vốn trong nước chiếm 50%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 50% tổng vốn đầu tư.

- Thu hút đầu tư phấn đấu đạt 1,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); trong đó vốn đầu tư thuộc các ngành công nghiệp chiếm 65% (có trên 50% là các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch), dịch vụ 35%.

- Thu hút vốn đầu tư trong nước thông qua cấp giấy chứng nhận đầu tư 16.000 tỷ đồng. Ưu tiên các dự án đang có nhu cầu cho sự phát triển của tỉnh. Doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh là 18.000 tỷ đồng (bao gồm đăng ký mới và đăng ký tăng vốn).

- Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 28%.

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt dự toán Trung ương giao.

b. Chỉ tiêu xã hội:

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,16%, trong đó tập trung giảm mạnh ở những địa bàn có tỷ lệ tăng từ 1,2% trở lên.

- Phấn đấu có 70% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập bậc trung học.

- Phấn đấu 61% trạm y tế có bác sỹ phục vụ ổn định; 85% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 3,6 bác sỹ/1 vạn dân.

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 15,5%, trẻ em dưới 2 tuổi còn 9,5%.

- Tạo việc làm mới cho 85 ngàn lao động. Tuyển mới đào tạo nghề cho 55.300 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 37,5%.

- Hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 4,8%.

- Toàn tỉnh có 85% ấp, khu phố và 93% hộ gia đình đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hóa, hộ gia đình văn hóa.

- Tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98%. Số máy điện thoại (kể cả di động) đạt 58 máy/100 dân.

c. Chỉ tiêu môi trường:

- Tỷ lệ hộ dùng nước sạch: Khu vực đô thị đạt 96%, khu vực nông thôn đạt 82%.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 27,5%.

- Thu gom 75% các loại chất thải rắn đô thị, chất thải rắn công nghiệp. Thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn môi trường 85% chất thải y tế, 40% chất thải nguy hại.

3. Các giải pháp chủ yếu:

Nhất trí thông qua các giải pháp để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Đồng Nai năm 2008, cụ thể như sau:

a) Về kinh tế:

- Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư vào tất cả các ngành nghề phù hợp với cam kết của Chính phủ đối với Hiệp định Thương mại Việt Nam

- Hoa Kỳ và các nguyên tắc của WTO, trong đó đặc biệt quan tâm khuyến khích các loại dự án:

+ Các dự án có công nghệ kỹ thuật cao như công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện thiết bị điện, điện tử,...

+ Các dự án công nghiệp sạch, công nghệ thân thiện môi trường.

+ Các dự án sản xuất phụ tùng, linh kiện và công nghiệp phụ trợ.

+ Các dự án nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ sinh học, cây con giống, công nghiệp bảo quản sau thu hoạch và công nghiệp chế biến.

+ Các dự án hạ tầng kỹ thuật như cảng, cầu, đường, vận tải, xử lý chất thải…

+ Các dự án dịch vụ như bệnh viện, phòng khám kỹ thuật cao, trường đào tạo nghề chất lượng cao, trường học Quốc tế, khách sạn, cao ốc, nhà chung cư, khu du lịch, văn hóa thể thao...

- Khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang quy hoạch.

- Cơ chế quản lý: Thực hiện phương châm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện cơ chế quản lý một đầu mối và giải quyết hồ sơ thủ tục theo cơ chế “ Một cửa”, “ Một cửa liên thông”.

- Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ chất lượng cao và dịch vụ phục vụ công nghiệp. Hoàn thành hồ sơ quy hoạch xung quanh sân bay Long Thành để kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ; tập trung đầu tư khu du lịch Bửu Long; phê duyệt quy hoạch khu kho trung chuyển để kêu gọi đầu tư; triển khai dự án cảng Phước An, đường xuống cảng Phước An, khu dịch vụ phục vụ cảng Phước An; đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng Đồng Nai, cảng ICD Long Thành; kêu gọi đầu tư Tổng kho Trung chuyển 1400 ha tại Trảng Bom, hoàn tất quy hoạch khu thương mại dịch vụ công nghiệp ở Long Thành (khu bò sữa) để kêu gọi đầu tư. Tập trung hoàn tất thủ tục để triển khai bước đầu chuyển Khu công nghiệp Biên Hòa I thành khu thương mại dịch vụ.

- Trong lĩnh vực nông nghiệp: Triển khai đầu tư dự án Khu liên hiệp nông - công nghiệp DONATABA, dự án khu nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao DONAFOODS và Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học. Tiếp tục nghiên cứu hướng dẫn nông dân phương thức canh tác tiên tiến, công nghệ cao, nâng giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất theo công nghệ hiện đại chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất toàn ngành. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý để không ngừng tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Chuyển đổi mục đích sử dụng một số công trình thủy lợi phù hợp với quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh. Lồng ghép đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình trọng điểm. Tăng cường công tác giám sát đánh giá dự án đầu tư, giám sát đầu tư của cộng đồng.

- Tập trung xây dựng hạ tầng khu tái định cư, nhà ở tái định cư để đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng.

b) Về văn hóa xã hội:

- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Thực hiện xã hội hóa phát triển mạng lưới giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao hệ thống y tế cơ sở, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng dạy và học, khám chữa bệnh. Quan tâm đến y tế cơ sở để kịp thời phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa.

- Nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở văn hóa cấp xã, phường.

c) Đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước:

- Tiếp tục rà soát, nâng cao năng lực và phẩm chất để có biện pháp đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành và địa phương trong xử lý công việc theo quy trình “Một cửa”, “Một cửa liên thông” đảm bảo xử lý nhanh và đúng luật các hồ sơ, công việc.

- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, trong đó chú trọng giáo dục đạo đức, phẩm chất chính trị công chức.

- Phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp tăng cường hoạt động tiếp công dân nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ an dân trong quá trình phát triển.

d) Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí:

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các vi phạm để xử lý kịp thời.

- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

e) Phát triển hài hòa kinh tế với các lĩnh vực xã hội và môi trường:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ trong và ngoài nước cho công tác giảm nghèo.

- Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và tăng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn; cải thiện thu nhập của người lao động.

- Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

- Tuyên truyền vận động công tác bảo vệ môi trường.

Điều 2. Nhất trí thông qua Tờ trình số 9435/TTr-UBND ngày 20/11/2007 về việc điều chỉnh bổ sung bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Tờ trình 9758/TTr-UBND, ngày 30/11/2007 về điều chỉnh bổ sung Tờ trình 9435/TTr- UBND của UBND tỉnh Đồng Nai; công bố thực hiện từ ngày 01/01/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh (kèm theo 02 tờ trình của UBND tỉnh).

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Giao UBND tỉnh:

- Xem xét bổ sung các ý kiến, kiến nghị hợp lý của Ban Kinh tế Ngân sách tại Báo cáo thẩm tra số 53/BC-BKTNS, ngày 03/12/2007 và của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ KTXH-ANQP năm 2008 theo tinh thần Nghị quyết này.

- Ban hành Quyết định để công bố việc điều chỉnh, bổ sung giá các loại đất thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.

- Định kỳ có đánh giá, kiểm điểm quá trình thực hiện và báo cáo tại các kỳ họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện chức năng giám sát thực hiện Nghị quyết này theo luật định.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VII kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2007.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Đình Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 94/2007/NQ-HĐND về mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Đồng Nai năm 2008

  • Số hiệu: 94/2007/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Trần Đình Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/12/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản