Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 86/NQ-HĐND

Gia Lai, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ PLEIKU VÀ VÙNG PHỤ CẬN, TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2040, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
KHÓA XII - KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 06 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 06 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 04 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-C ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận thành phố Pleiku là đô thị loại I thuộc tỉnh Gia Lai;

Căn cứ Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030;

Căn cứ Văn bản số 699/TTg-CN ngày 10 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ cho phép lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn 2050;

Xét Tờ trình số 1776/TTr-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2021 của UBND tỉnh Gia Lai về việc thông qua nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Pleiku và vùng phụ cận, tỉnh Gia Lai đến năm 2040, định hướng đến năm 2050; Báo cáo thẩm tra số 52/BC-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Pleiku và vùng phụ cận, tỉnh Gia Lai đến năm 2040, định hướng đến năm 2050, với các nội dung chính như sau:

1. Tên nhiệm vụ quy hoạch

Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku và vùng phụ cận tỉnh Gia Lai đến năm 2040, định hướng đến năm 2050.

2. Tính chất quy hoạch

- Là đô thị loại I thuộc tỉnh, đô thị động lực vùng Tây Nguyên, có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.

- Trung tâm chính trị, hành chính, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh.

- Là đô thị hạt nhân trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

- Trung tâm kinh tế, thương mại dịch vụ, công nghiệp, dịch vụ tổng hợp, trung tâm lễ hội, văn hóa của khu vực Bắc Tây Nguyên; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia và khu vực ngã 3 Đông Dương; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành vùng Tây Nguyên; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí cấp vùng.

3. Mục tiêu quy hoạch

- Khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong tam giác phát triển Việt Nam

- Lào - Campuchia; tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng với cả nước nhằm huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội so với cả nước.

- Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu nhằm xây dựng nền kinh tế có sức cạnh tranh cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với từng bước thực hiện đô thị hóa và hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng trên địa bàn.

- Phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển; tạo việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và ổn định xã hội; phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Mục tiêu lâu dài là phát triển đô thị bền vững, hiện đại, mang bản sắc địa phương, lấy chất lượng sống của cộng đồng dân cư làm nền tảng, hướng đến xây dựng thành phố Pleiku trở thành một thành phố vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa hiện đại và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của tỉnh Gia Lai với khu vực Tây Nguyên.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực đảm bảo tiêu chí đô thị loại I, phát triển bền vững với tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, xã hội phù hợp; cơ bản hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo kết nối thuận tiện với các vùng, lãnh thổ trong cả nước và quốc tế; phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được nâng cao, bền vững về môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh được bảo đảm.

- Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ hiện đại với sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp và nông nghiệp theo hướng hình thành và tham gia vào các chuỗi giá trị, các cụm liên kết trên cơ sở công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn cùng với sự phát triển mạnh của khu vực dịch vụ với các ngành lĩnh vực dịch vụ tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đặc biệt là dịch vụ thương mại, du lịch, vận tải, đảm bảo phát triển các dịch vụ cơ bản nhằm tạo cơ hội cho tăng trưởng và phát triển toàn diện.

4. Phạm vi nghiên cứu và ranh giới quy hoạch

- Phạm vi nghiên cứu: Toàn bộ ranh giới thành phố Pleiku và các huyện lân cận gồm: Đak Đoa (thị trấn Đak Đoa, xã Ia Băng, xã Nam Yang, xã Glar, xã A Dơk, xã Hà Bầu, xã Tân Bình, xã Hneng, xã Kdang), Chư Păh (xã Chư Đang Ya, xã Ngh a Hưng, thị trấn Phú Hòa), Ia Grai (thị trấn Ia Kha, xã Ia Sao, xã Ia Der), Chư Prông (xã Bàu Cạn, xã Ia Băng), Chư Sê (xã Ia Tiêm, xã Chư Pơng). Phạm vi nghiên cứu quy hoạch khoảng 103.500 ha.

- Phạm vi ranh giới quy hoạch: Diện tích quy hoạch khoảng 35.000 ha, gồm:

Thành phố Pleiku: 26.077 ha;

Vùng phụ cận tại huyện Đak Đoa (một phần của thị trấn Đak Đoa và một phần các xã: Hà Bầu, Adơk, Ia Băng): 3.085 ha;

Vùng phụ cận tại huyện Ia Grai (một phần các xã: Ia Der, Ia Sao): 2.975 ha;

Vùng phụ cận tại huyện Chư Păh (một phần các xã: Ngh a Hưng, Chư Đang Ya): 2.863 ha.

5. Dự báo quy mô quy hoạch

5.1. Quy mô dân số:

- Tổng dân số hiện trạng khu vực lập quy hoạch: Khoảng 531.700 người.

- Dự báo quy mô dân số quy hoạch: Dân số thành phố Pleiku và vùng phụ cận đến năm 2030 đạt khoảng 585.300 người, đến năm 2040 đạt khoảng 670.000 người.

5.2. Quy mô đất xây dựng:

- Năm 2030: Đất xây dựng khoảng 6.000 ha - 8.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 4.500 ha - 5.500 ha.

- Năm 2040: Đất xây dựng khoảng 8.000 ha - 10.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 6.000 ha - 7.500 ha.

6. Chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật

Thực hiện theo QCVN 01:2021/BXD; QCVN 07:2016/BXD và các quy định khác liên quan.

7. Hồ sơ sản phẩm quy hoạch

Thực hiện theo Thông tư 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù và các quy định khác liên quan.

8. Tổ chức thực hiện

- Thời gian thực hiện: Năm 2022 - 2023.

- Cấp phê duyệt quy hoạch: Thủ tướng Chính phủ.

- Cơ quan thẩm định quy hoạch: Bộ Xây dựng.

- Cơ quan trình duyệt quy hoạch: UBND tỉnh.

- Đơn vị triển khai lập quy hoạch: Sở Xây dựng.

- Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Theo kết quả lựa chọn của Chủ đầu tư.

Điều 2. Giao UBND tỉnh hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định. Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, Kỳ họp thứ Tư thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ủy ban TVQH;
- VPQH, VPCP;
- Các Bộ: Xây dựng, Giao thông và Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp;
- Vụ pháp chế - Bộ Xây dựng;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thế cấp tỉnh;
- Các VP: TU, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Website: http//dbnd.gialai.gov.vn;
- Báo Gia Lai; Đài PTTH tỉnh;
- Lãnh đạo và chuyên viên Phòng Công tác HĐND;
- Lưu: VT, CT HĐND.

CHỦ TỊCH




Hồ Văn Niên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 86/NQ-HĐND năm 2021 thông qua nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Pleiku và vùng phụ cận, tỉnh Gia Lai đến năm 2040, định hướng đến năm 2050

  • Số hiệu: 86/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Hồ Văn Niên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản