Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/2006/NQ-HĐND

Bến Tre, ngày 14 tháng 7 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2006-2010 VÀ HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHÓA VII-KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Sau khi nghe Giám đốc Sở Công nghiệp được sự ủy nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Kế hoạch đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006-2010 và hướng đến năm 2020;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006-2010 và hướng đến năm 2020, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

I. Tình hình phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp các năm qua:

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của tỉnh 10 năm (1996-2005) đạt 12,01%/năm; riêng giai đoạn 2001-2005, tăng trưởng 16,41%/năm (giá cố định năm 1994); kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp giai đoạn 2001-2005 tăng trưởng 27,14%/năm; cơ cấu GDP công nghiệp tăng từ 7,66% năm 1996, lên 10,58% năm 2000 và đến năm 2005 đạt 11,5%; năng lực sản xuất của ngành công nghiệp trong giai đoạn 2001-2005 tăng thêm là 1.331 cơ sở, giải quyết việc làm cho 14.730 người lao động, vốn sản xuất tăng thêm 333,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình hình phát triển CN-TTCN trong thời gian qua chưa mạnh, tỷ trọng GDP công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh còn thấp, chưa đủ sức đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

II. Mục tiêu và định hướng phát triển CN-TTCN giai đoạn 2006-2010 và hướng đến năm 2020:

1. Mục tiêu:

Phát triển và nâng cao năng lực công nghiệp chế biến thủy sản và chế biến dừa là trọng tâm của giai đoạn 2006-2010. Phấn đấu đến năm 2010 giá trị sản xuất của ngành công nghiệp đạt 6.050 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), tăng trưởng bình quân 24%/năm; giai đoạn 2011-2020 tăng trưởng 15,24%/năm (đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 25.000 tỷ đồng, gấp 4,13 lần so với năm 2006); thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh tăng tỷ trọng công nghiệp trong GDP từ 11,5% năm 2005 lên 20% vào năm 2010, 27% vào năm 2020; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2010 tăng trưởng bình quân 30%/năm, giai đoạn 2011-2020 tăng trưởng bình quân 20%/năm; Chuyển dịch cơ cấu lao động của ngành công nghiệp từ 6% năm 2005 lên 9% năm 2010 và 15% vào năm 2020.

2. Định hướng phát triển các ngành nghề chủ yếu:

Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận định hướng phát triển các ngành nghề công nghiệp chủ yếu theo kế hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010 và hướng đến năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2.1. Công nghiệp chế biến thủy sản: Kêu gọi đầu tư chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, chế biến thủy sản khô đóng gói. Phấn đấu đến cuối năm 2010, công suất chế biến đạt 53.000 tấn/năm, sản lượng thành phẩm đạt 45.000 tấn, trong đó có từ 20.000-25.000 tấn tôm, tạo ra giá trị sản xuất khoảng 1.940 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 28,67%/năm;

2.2. Công nghiệp chế biến dừa: Kêu gọi đầu tư mới nhà máy than hoạt tính, nhà máy chế biến mùn dừa, sản xuất nệm xơ dừa, sữa dừa, bột sữa dừa, thạch dừa tinh và các sản phẩm mới từ dừa; duy trì sản xuất các sản phẩm hiện có nhất là cơm dừa nạo sấy, chỉ xơ dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa. Phấn đấu đến cuối năm 2010 giá trị sản xuất đạt khoảng 650 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17%/năm;

2.3. Công nghiệp bánh kẹo: Kêu gọi đầu tư mới nhà máy chế biến bánh kẹo công nghiệp, chế biến ca cao, trái cây, hạt điều. Phấn đấu đến cuối năm 2010 đạt sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm; giá trị sản xuất khoảng 400 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 13%/năm;

Ngoài ra, cần thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành khác như kêu gọi đầu tư chế biến thịt, cá đóng hộp, chế biến bánh phồng tôm, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; củng cố hoạt động của ngành công nghiệp chế biến đường, sản xuất lương thực, thực phẩm.

2.4. Công nghiệp may mặc-da giày: Phấn đấu đến cuối năm 2010 đạt giá trị sản xuất của ngành may mặc-da giày khoảng 270 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 41,26%/năm;

2.5. Công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, thức ăn phục vụ nuôi thủy sản: Phấn đấu đến cuối năm 2010 đạt công suất 80.000-85.000 tấn/năm, sản lượng sản phẩm chế biến đạt 70.000 tấn, giá trị sản xuất khoảng 135 tỷ đồng, tăng trưởng 26,42%/năm;

2.6. Công nghiệp cơ khí: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,43%/năm;

2.7. Công nghiệp hóa chất: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22%/năm.

2.8. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,2%/năm.

2.9. Công nghiệp khai thác: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 1,62%/năm.

2.10. Các ngành công nghiệp khác: Tập trung củng cố hoạt động của công nghiệp thuốc lá, in, giấy và bao bì, nước đá, công nghiệp nước; từng bước hình thành và phát triển công nghiệp điện tử-tin học; công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành công nghiệp này đạt từ 15-17%/năm;

2.11. Tập trung củng cố, phát triển các ngành nghề truyền thống của tỉnh và phát triển các ngành, nghề mới, hình thành các làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.

III. Nhiệm vụ và giải pháp phát triển CN-TTCN giai đoạn 2006-2010:

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất 9 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010 và hướng đến năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh lưu ý là từng giải pháp phải có sự phân công, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, có lộ trình và sự phối hợp thật đồng bộ, có hiệu quả và bổ sung giải pháp bảo vệ môi trường.

IV. Tổ chức thực hiện:

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này ở các ngành, các cấp trong tỉnh.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII - kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/7/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/7/2006./.

 

 

CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Be